Bản tin thời sự sáng 19/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là động đất 4,5 độ richter ở Kon Tum; Chính phủ 'chốt' phương án làm đường Vành đai 4 giảm hơn 9.200 tỷ đồng; đề xuất ngừng dự án trung tâm hoá chất thay chợ Kim Biên; tuyển gần 500 nhân sự chuẩn bị vận hành Metro Nhổn - ga Hà Nội…

Động đất 4,5 độ richter ở Kon Tum

Một trận động đất 4,5 độ richter xảy ra ở huyện Kon Plông, song nhiều địa phương lân cận vẫn cảm nhận được sự rung chấn, trưa ngày 18/4.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum trưa 18/4.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum trưa 18/4.

Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) cho biết, trận động đất trưa nay nâng độ rủi ro lên cấp 1, lúc 12h54, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km. Đây là trận động đất lần thứ 4 trong ngày, sau ba trận xảy ra lúc 6h13; 6h22; 11h57.

Phó chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Đức Tín cho biết, trận động đất được cho mạnh nhất từ trước đến nay trên địa bàn, thời gian kéo dài khoảng 20 giây, phạm vi ảnh hưởng lan rộng ra các vùng lân cận.

Theo ông Tín, những trận động đất trước chủ yếu xảy ra ở các xã Đăk Tăng, Măng Bút, Ngọc Tem... nhưng nay ở xã Hiếu, Măng Đen, Măng Cành cũng cảm nhận sự rung chuyển.

Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, để xác định được nguyên nhân, quy mô động đất liên tục ở khu vực huyện Kon Plông thời gian gần đây, Viện phải triển khai một số nghiên cứu, thiết lập thêm các trạm quan trắc. Từ năm 2020, Viện cử cán bộ đến Kon Tum thiết lập trạm quan trắc, thu thập số liệu để nghiên cứu, cảnh báo nguy hiểm.

Theo ông Anh, khu vực Kon Tum nói chung và huyện Kon Plông nói riêng thuộc đới đứt gãy nhỏ. Các nghiên cứu trước chỉ ra rằng các trận động đất tại khu vực này độ lớn không quá 5,0.

Ba ngày qua, địa bàn huyện Kon Plông xảy ra 14 trận động đất nhỏ, chưa ghi nhận thiệt hại.

Chính phủ 'chốt' phương án làm đường Vành đai 4 giảm hơn 9.200 tỷ đồng

Lãnh đạo Chính phủ vừa họp với thành phố Hà Nội, các bộ, ngành có liên quan và thống nhất triển khai đường Vành đai 4 với tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng (giảm hơn 9.200 tỷ đồng so với phương án trước đây).

Vành đai 4 có thiết kế về hình thức giống đường Vành đai 3, tuy nhiên về quy mô lớn hơn

Vành đai 4 có thiết kế về hình thức giống đường Vành đai 3, tuy nhiên về quy mô lớn hơn

So với tờ trình lần đầu tiên vào giữa năm 2021, tờ trình vừa được UBND Thành phố và tư vấn vừa trình bày với lãnh đạo Chính phủ có nhiều nội dung thay đổi theo hướng rút gọn dự án.

Cụ thể, trong tờ trình gửi Chính phủ tháng 10/2021, tổng mức đầu tư Dự án Vành đai 4 được TP. Hà Nội và nhà đầu tư đề xuất là 95.045 tỷ đồng, nay được điều chỉnh xuống còn 85.813 tỷ đồng, giảm hơn 9.200 tỷ đồng.

Sau khi các nội dung trên được lãnh đạo Chính phủ thống nhất, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 126/TTr-CP gửi Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (PPP). Theo Tờ trình, Dự án đường Vành đai 4 có tổng chiều dài 112,8 km, đi qua địa phận: TP. Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; trong đó có 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Dự án có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng (nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, nhà đầu tư PPP), hoàn thành năm 2025.

Về quy mô Dự án, tuyến đường có chiều rộng mặt cắt ngang hoàn chỉnh từ 90 - 135 m, tương đương 14 làn xe cho cả làn đường cao tốc đi trên cao và đường đô thị song hành 2 bên.

Đối với đường trên cao sẽ được đầu tư theo tiêu chuẩn cao tốc, vốn thực hiện được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT.

Đề xuất ngừng dự án trung tâm hoá chất thay chợ Kim Biên

Sở Công Thương đề xuất TP.HCM ngừng thực hiện dự án trung tâm hoá chất thay thế chợ Kim Biên do gặp nhiều vướng mắc và đánh giá đề án không còn phù hợp.

Chợ Kim Biên ở Quận 5

Chợ Kim Biên ở Quận 5

Dự án Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hoá chất (thay thế chợ Kim Biên) rộng hơn 11,2 ha có tổng mức đầu tư hơn 1.350 tỷ đồng, được TP.HCM thông qua chủ trương từ 2016. Trung tâm này được xây dựng tại Khu chức năng số 15 trong Khu đô thị mới Nam TP.HCM thuộc Phường 7, Quận 8.

Trong công văn gửi UBND TP.HCM, Sở Công Thương cho biết, Dự án có 0,7 ha chồng ranh với công trình xây dựng bờ bao và cống ngăn triều trên rạch Cầu Sập (Quận 8) nên phải điều chỉnh ranh dự án. Hệ quả là phải thay đổi chi phí đầu tư và các hồ sơ pháp lý liên quan.

Bên cạnh đó, hiện Thành phố không còn tồn tại kho chứa hoá chất nguy hiểm trong khu dân cư. Do đó, việc đầu tư trung tâm này để di dời các cơ sở kinh doanh kho chứa hoá chất gây mất an toàn như mục tiêu ban đầu không còn phù hợp. Chi phí thực hiện Dự án cũng cao nên đơn giá cho thuê mặt bằng kinh doanh hoá chất khó thu hút khách thuê so với các kho xưởng tại khu công nghiệp.

Vị trí đặt trung tâm này cũng được cho không thuận lợi bởi xung quanh đã hình thành nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại, giao thông không phù hợp để vận chuyển hoá chất nguy hiểm. Mặt khác, quy định hiện hành chưa buộc di dời các cơ sở kinh doanh hương liệu, hoá chất vào Trung tâm cũng là vướng mắc khiến Dự án khó thực hiện.

Do đó, Sở Công Thương Thành phố đề xuất ngừng thực hiện đề án lập Trung tâm Kinh doanh hương liệu, hoá chất TP.HCM và huỷ bỏ kết quả sơ tuyển đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Ban Quản lý khu Nam cùng UBND Quận 8 cập nhật ranh khu đất, đề xuất chủ trương thu hút dự án khác phù hợp.

Chợ hóa chất Kim Biên (Quận 5) được người Sài Gòn gọi là chợ "tử thần" do bán hoá chất nguy hiểm tại khu dân cư đông đúc trong hơn 50 năm qua.

Tuyển gần 500 nhân sự chuẩn bị vận hành Metro Nhổn - ga Hà Nội

Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) đang tổ chức tuyển 438 nhân lực để cử đi đào tạo nghề vận hành, khai thác đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành đoạn 8,5 km trên cao vào cuối năm 2022.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dự kiến vận hành đoạn 8,5 km trên cao vào cuối năm 2022.

Theo đó, nhân sự cần tuyển gồm lãnh đạo cấp trưởng, phó phòng, đội trưởng và nhân viên các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ trực tiếp phục vụ khai thác, vận hành và duy tu, bảo trì hệ thống metro Nhổn - ga Hà Nội.

Bộ phận cần nhiều nhân sự nhất là nhà ga (158 người), Depot Nhổn (92 người), sửa chữa thiết bị (81 người),vận hành (48 người)… Ứng viên phải trong độ tuổi 20 - 45, có bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với yêu cầu vị trí tuyển dụng.

Thời hạn tuyển đến 30/6 và dự kiến thi tuyển trong quý II, III/2022. Được biết, Hà Nội Metro đã hoàn thành tuyển và đang đào tạo thực hành đội ngũ lái tàu tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km (gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm), dự kiến sẽ khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Theo tính toán đầu tư, hệ thống metro này cần 624 người để phục vụ khai thác, vận hành, trong đó giai đoạn khai thác đoạn trên cao cần 524 người. Công tác đào tạo lái tàu và nhân sự phục vụ khai thác, vận hành nằm trong phạm vi các gói thầu xây lắp, thiết bị liên quan.

Hơn 100 m3 đất đổ xuống Quốc lộ 34

Hơn 100 m3 đất đá đổ xuống Quốc lộ 34 đoạn qua huyện Bảo Lâm (tỉnh Cao Bằng), khiến các phương tiện không thể lưu thông.

Sạt lở tại Km93+760 Quốc lộ 34 Cao Bằng.

Sạt lở tại Km93+760 Quốc lộ 34 Cao Bằng.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng Lã Hoài Nam cho biết, từ ngày 13/4 đến nay, do mưa lớn, Km 93+760 Quốc lộ 34 qua xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm liên tục sạt lở. Tổng khối lượng đất sạt xuống khoảng 100 m3, làm hỏng 40 m hộ lan tôn sóng, gây tắc mặt đường.

Sở cùng chính quyền đã cắm biển cảnh báo hai đầu đoạn tuyến, cử người phân luồng. Các máy móc thiết bị cũng được huy động san gạt đất đá để thông tuyến tạm thời một làn xe.

Đánh giá khu vực này đỉnh taluy có cung trượt và nguy cơ tiếp tục sạt lở, Sở đề xuất Bộ Giao thông vận tải tiếp tục hót dọn đất, hạ tải đất đá trên taluy dương hết phạm vi cung trượt.

Quốc lộ 34 dài 260 km, nối Cao Bằng với Hà Giang. Do đi qua địa hình đồi núi, lại chạy sát sông, nên vào mùa mưa lũ giao thông trên Quốc lộ 34 nhiều khi bị ách tắc do sạt lở đất hoặc hỏng cầu.

Xe buýt được đón khách ở ga quốc nội Tân Sơn Nhất

Tuyến buýt số 152 và 72-1 được đón khách ở ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) từ ngày 18/4 thay vì chỉ ga quốc tế như trước nhằm thuận tiện cho khách.

Làn B sân bay Tân Sơn Nhất hiện tổ chức cho xe buýt vào đón trả khác

Làn B sân bay Tân Sơn Nhất hiện tổ chức cho xe buýt vào đón trả khác

Theo thống nhất của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM) với sân bay Tân Sơn Nhất, hai tuyến buýt trên được đón trả khách ở làn B ga quốc nội. Đây là làn nội bộ trong sân bay, hơn một năm qua tổ chức ôtô cá nhân vào đón người.

Với cách tổ chức mới, tuyến buýt số 152 với lượt về từ sân bay thay vì chỉ đón khách ở ga quốc tế, được qua làn B ga quốc nội, cách đó hơn 100 m, rồi tiếp tục hành trình cũ tới điểm cuối tại Khu dân cư Trung Sơn (Bình Chánh). Riêng lượt đi theo hướng ngược lại, xe không thay đổi lộ trình. Tương tự, tuyến buýt 72-1 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến xe Vũng Tàu) cũng được đón khách ở vị trí này.

Việc bố trí thêm điểm đón trả khách cho xe buýt tại ga quốc nội sân bay được các bên thực hiện sau khi xảy ra tình trạng lộn xộn ở khu vực trên sau Tết Nguyên đán. Nguyên do lượng khách tăng cao, trong khi taxi không đủ khiến nhiều khách phải chờ đợi, bị chèo kéo, ép giá cao.

Lễ 30/4 sắp tới, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dự báo, sân bay mỗi ngày đón khoảng 42.000 lượt khách đi và đến, cao điểm có thể nhiều hơn. Phía sân bay thống kê 15% khách đến Tân Sơn Nhất thuê taxi về nhà nên đã làm việc, thống nhất với các hãng cung cấp hơn 7.800 đầu xe phục vụ khách dịp lễ.

Tuy nhiên, phía sân bay dự báo nếu khách tăng lên khoảng 60.000, nhu cầu taxi, xe công nghệ phục vụ khác sẽ thiếu khoảng 1.100 lượt. Hiện ngoài các phương án điều xe linh hoạt đã được sân bay chuẩn bị, việc bố trí thêm điểm cho xe buýt trước ga quốc nội giúp khách có thêm lựa chọn.

Chuyên đề