Bản tin thời sự sáng 19/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng; ô nhiễm bụi khu vực xây dựng sân bay Long Thành vượt quy chuẩn gần 3 lần; Bộ Công Thương hỏa tốc chỉ đạo xuất hóa đơn từng lần bán xăng dầu; Pacific Airlines phải trả hết tàu bay…

Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng

Để ổn định trường vàng, Văn phòng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan thanh tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ thị trường này.

Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng

Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm soát để bình ổn thị trường vàng

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Văn bản này truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trên cơ sở báo cáo của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 2 về tiến độ triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp ổn định thị trường vàng được giao tại công điện và chỉ thị của Thủ tướng và các công văn của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.

Cùng với đó là giám sát, thanh kiểm tra với hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường.

Mục tiêu là nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững. Các nhiệm vụ này được yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý trong tháng 3/2024.

Từ cuối năm ngoái đến nay, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có các biện pháp quản lý thị trường vàng, không để giá vàng miếng chênh quá cao so thế giới.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng và đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý 1/2024.

Ô nhiễm bụi khu vực xây dựng sân bay Long Thành vượt quy chuẩn gần 3 lần

Ngày 18/3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, các yêu cầu về bảo vệ môi trường của chủ Dự án sân bay Long Thành, giai đoạn 1 và xem xét xử lý.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị ảnh hưởng bụi từ thi công khu vực Dự án sân bay Long Thành

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị ảnh hưởng bụi từ thi công khu vực Dự án sân bay Long Thành

Theo văn bản gửi Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai thực hiện quan trắc môi trường không khí với tần suất 2 tháng/lần. Thông qua kết quả quan trắc môi trường không khí định kỳ khu vực xây dựng sân bay Long Thành, kết quả quan trắc từ khi bắt đầu mùa khô (từ tháng 11/2023 đến nay) cho thấy, ô nhiễm bụi khu vực này vượt quy chuẩn quy định từ 1,24 - 2,98 lần, việc này ảnh hưởng tới các khu dân cư xung quanh và phương tiện lưu thông trên các tuyến đường giao thông, nhất là tuyến cao tốc Long Thành - Dầu Giây.

Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã có văn bản công khai chỉ số chất lượng không khí xung quanh trên Cổng thông tin điện tử của UBND Tỉnh, đã cảnh báo đến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) yêu cầu tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi do ảnh hưởng từ hoạt động thi công của Dự án Đầu tư xây dựng sân bay Long Thành, giai đoạn 1. Tuy nhiên đến nay, chất lượng không khí vẫn không cải thiện, hoạt động thi công xây dựng dự án đã làm phát tán bụi ra môi trường xung quanh dẫn đến phản ánh của người dân trong khu vực…

Cùng ngày, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai có văn bản gửi ACV đề nghị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi do ảnh hưởng từ hoạt động thi công của Dự án sân bay Long Thành, giai đoạn 1.

Trước đó, ngày 15/3, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai phối hợp UBND huyện Long Thành, UBND xã Bình Sơn làm việc với ACV để giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, các yêu cầu về bảo vệ môi trường của Dự án.

Bộ Công Thương hỏa tốc chỉ đạo xuất hóa đơn từng lần bán xăng dầu

Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi các thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu theo quy định.

Đến ngày 6/3, cả nước mới có 8.285 trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn điện tử từng lần bán

Đến ngày 6/3, cả nước mới có 8.285 trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu xuất hóa đơn điện tử từng lần bán

Công văn được ban hành trong bối cảnh chỉ còn hơn 10 ngày để hàng nghìn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thực hiện xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hết tháng này, nếu doanh nghiệp nào chưa thực hiện sẽ đối mặt với nguy cơ bị thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Theo đó, cơ quan quản lý đề nghị các thương nhân kinh doanh xăng dầu chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Đồng thời, lập hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

"Đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho khách hàng theo từng lần bán và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử theo quy định", Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trước đó, Thủ tướng đã giao các bộ ngành, địa phương trong tháng 3 và thời gian tới đôn đốc, kiểm tra việc quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đến hết ngày 31/3 không thực hiện quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Đến ngày 6/3, cả nước mới có 8.285 trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt hơn 52% tổng số cửa hàng. Nhiều doanh nghiệp đề xuất đưa chi phí hóa đơn điện tử từng lần vào công thức tính giá cơ sở xăng dầu để có nguồn chi.

Đề nghị TP.HCM tránh gia hạn mốc hoàn thành metro số 1 nhiều lần

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị TP.HCM làm rõ nhiều nội dung liên quan việc điều chỉnh thời gian hoàn thành metro số 1, tránh gia hạn tiến độ nhiều lần.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ tiến hành chạy thử toàn tuyến vào cuối tháng 4/2024 để chuẩn bị đưa vào khai thác thương vào tháng 7 năm nay
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ tiến hành chạy thử toàn tuyến vào cuối tháng 4/2024 để chuẩn bị đưa vào khai thác thương vào tháng 7 năm nay

Nội dung trên được nêu tại công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phản hồi UBND TP.HCM về kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM làm rõ nhiều nội dung liên quan tiến độ thực hiện Dự án. Việc này nhằm làm cơ sở để các cơ quan liên quan có ý kiến trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, UBND Thành phố rà soát, xác định rõ mốc thời gian cụ thể hoàn thành tuyến metro số 1. Đồng thời, TP.HCM cần khẳng định việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án có làm thay đổi các nội dung chính còn lại của quyết định chủ trương đầu tư đã được phê duyệt.

UBND Thành phố cần bổ sung ý kiến của nhà tài trợ là Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). TP.HCM có trách nhiệm làm rõ việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án metro số 1 có dẫn đến việc điều chỉnh hiệp định vay với nhà tài trợ này không.

UBND Thành phố rà soát kinh phí phát sinh do thời gian thực hiện dự án bị điều chỉnh và bên chịu trách nhiệm chi trả chi phí phát sinh đó. UBND Thành phố đồng thời làm rõ hiệu quả đầu tư Dự án trong trường hợp có phát sinh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, TP.HCM rà soát kỹ khối lượng công việc còn lại cần hoàn thành, nhằm xác định chính xác tiến độ thực hiện Dự án. TP.HCM phải cam kết thực hiện theo đúng tiến độ như đề xuất, tránh gia hạn nhiều lần.

Dự án metro số 1 dài 19,7 km, gồm 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao. Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh là 43.700 tỷ đồng. Công trình hiện đạt 97% tổng khối lượng. Trước đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 65, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án metro số 1, lùi thời gian hoàn thành tuyến này vào cuối quý IV/2023 với cam kết không phát sinh chi phí.

Dự án phải lùi hạn đưa vào khai thác thương mại đến tháng 7 năm nay nhưng cũng không kịp.

Pacific Airlines phải trả hết tàu bay

Pacific Airlines phải trả toàn bộ tàu bay do không đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê, cùng với những khó khăn tài chính nội tại.

Pacific Airlines phải trả toàn bộ tàu bay do không đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê

Pacific Airlines phải trả toàn bộ tàu bay do không đạt được thỏa thuận với chủ cho thuê

Pacific Airlines - công ty con của Vietnam Airlines, không còn máy bay nào sau khi phải trả hết cho các chủ cho thuê. Trong thời gian này, một số đường bay của hãng hàng không này phải thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác.

Từ nửa cuối năm ngoái, hãng này đã bị các đối tác yêu cầu trả tàu bay do không thực hiện đúng thỏa thuận về trả tiền thuê.

Cuối ngày 18/3, đại diện Pacific Airlines xác nhận hãng "đang tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để tăng hiệu quả hoạt động".

Theo lộ trình tái cấu trúc này, hãng hàng không giá rẻ sẽ thuê máy bay của Vietnam Airlines để tối ưu hóa nguồn lực. Nhiều khả năng, hãng sẽ nhận 3 tàu của Vietnam Airlines. Đây cũng là điều kiện tối thiểu với một hãng hàng không để duy trì giấy phép kinh doanh trong ngành.

Ngoài ra, Pacific Airlines sẽ nhận sự hỗ trợ và phối hợp từ hãng hàng không quốc gia về dùng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách (như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất).

Việc Pacific Airlines trả toàn bộ tàu bay có thể khiến thị trường hàng không nội địa thêm khó khăn thời gian tới, nhất là vào dịp cao điểm hè khi tải ghế cung ứng không đủ bù đắp nhu cầu hành khách.

Các hãng bay trong nước cũng đang rất thiếu máy bay. Năm ngoái, các hãng bay Việt Nam có hơn 230 tàu bay, thì hiện chỉ còn khoảng 170 chiếc.

Đại diện Pacific Airlines cho biết, hãng sẽ sớm khôi phục lịch bay. Khách hàng đã mua vé sẽ được thông báo lịch bay mới, hoặc chuyển sang các chuyến của Vietnam Airlines.

Pacific Airlines thành lập từ 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Hãng hàng không giá rẻ này kinh doanh khó khăn trong nhiều năm qua. Giai đoạn 2018 - 2019, hãng có lãi vài chục tỷ đồng, nhưng sau đó quay trở lại thua lỗ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Năm 2022, hãng này lỗ gần 2.100 tỷ đồng, giảm hơn 210 tỷ đồng so với năm trước đó.

Công ty TNHH Trung Linh Phát chưa nộp hơn 26 tỷ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu

Bị phạt và yêu cầu nộp lại 26 tỷ đồng quỹ bình ổn xăng dầu từ tháng 11/2023 nhưng đến nay Công ty TNHH Trung Linh Phát vẫn chưa thực hiện.

Công ty TNHH Trung Linh Phát chưa nộp hơn 26 tỷ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu

Công ty TNHH Trung Linh Phát chưa nộp hơn 26 tỷ đồng tiền quỹ bình ổn xăng dầu

Công ty TNHH Trung Linh Phát bị phạt hành chính 120 triệu đồng do không kết chuyển số dư quỹ bình ổn vào tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, theo quyết định của Thanh tra Bộ Tài chính từ tháng 11/2023. Mức phạt này có tình tiết tăng nặng do doanh nghiệp vi phạm nhiều lần dù đã được nhắc nhở.

Tại thời điểm đó, cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Trung Linh Phát khắc phục hậu quả bằng việc nộp lại 26,2 tỷ đồng vào tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu của công ty này tại ngân hàng.

Sau đó, Bộ Tài chính có 19 quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ 33 tài khoản của công ty này. Số tiền bị khấu trừ hơn 26,3 tỷ đồng, gồm tiền xử phạt vi phạm và khắc phục hậu quả.

Dù vậy, công ty này vẫn không tự nguyện chấp hành nộp phạt và chuyển số tiền dư quỹ bình ổn về tài khoản.

Mới đây, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Trung Linh Phát đề nghị các ngân hàng, chi nhánh chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính.

"Nếu Công ty không thực hiện trong thời hạn 15 ngày, các ngân hàng có trách nhiệm chuyển từ các tài khoản của Công ty đến tài khoản tạm giữ", công văn của Bộ Công Thương nêu.

Công ty Trung Linh Phát có trụ sở tại Ninh Bình, là một trong các thương nhân đầu mối xăng dầu được Bộ Công Thương cấp phép năm 2021. Doanh nghiệp 100% vốn tư nhân này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, bán buôn, bán lẻ xăng dầu. Công ty có chi nhánh tại nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Hòa Bình, Lạng Sơn, Hà Giang...

Năm 2023, Trung Linh Phát - Chi nhánh TP.HCM bị Chi cục Thuế quận Tân Bình (TP.HCM) đưa vào danh sách cảnh báo có rủi ro cao về thuế, hóa đơn. Trước đó, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cũng công khai mức nợ thuế lên tới 178 tỷ đồng của doanh nghiệp này.

Cà Mau cần 197 tỷ đồng để phòng chống sạt lở, sụt lún vùng ngọt

UBND tỉnh Cà Mau vừa báo cáo về tình hình hạn hán ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa trên địa bàn đến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai và Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn.

Tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 500 vụ sụt lún, sạt lở trong vùng ngọt

Tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 500 vụ sụt lún, sạt lở trong vùng ngọt

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, nắng hạn đã làm các tuyến kênh vùng ngọt huyện Trần Văn Thời khô cạn. Đến nay, có 131 tuyến kênh với hơn 500 điểm bị sụt lún, sạt lở với chiều dài hơn 14,5 km. Thiệt hại lên đến hơn 19 tỷ đồng và con số thiệt hại đang tiếp tục tăng.

Trước tình hình này, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ, ngành Trung ương cùng các nhà khoa học đầu ngành có nhiều kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề sụt lún, sạt lở hệ thống công trình giao thông, thủy lợi hỗ trợ giải pháp kỹ thuật để khắc phục, quy hoạch bố trí lại sản xuất, bố trí lại dân cư, quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi một cách đồng bộ, hiệu quả.

Trước mắt, tỉnh Cà Mau cần được xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi vùng ngọt hóa: Đầu tư mới hệ thống đập thép, trạm bơm dã chiến nhằm chia nhỏ các vùng có diện tích từ 500 - 1.000 ha, chủ động trong việc điều tiết nước trong vùng ngọt. Vì vậy, kiến nghị Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí đầu tư 5 hệ thống thủy lợi với kinh phí khoảng 197 tỷ đồng.

Công ty môi trường Đà Nẵng bị phạt hơn 320 triệu đồng vì trốn thuế

Doanh nghiệp vệ sinh môi trường lớn nhất Đà Nẵng bị phạt 320 triệu đồng do sử dụng nhiều hóa đơn của công ty khác để kê khai nhằm trốn thuế hơn 160 triệu đồng.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cung cấp các loại hình dịch vụ công cộng liên quan đến lĩnh vực môi trường lớn nhất Đà Nẵng

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cung cấp các loại hình dịch vụ công cộng liên quan đến lĩnh vực môi trường lớn nhất Đà Nẵng

Theo quyết định của Cục Thuế Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng (trụ sở 471 Núi Thành, quận Hải Châu) bị phạt gấp hai lần số tiền trốn thuế. Đến ngày 19/3, Công ty phải thực hiện quyết định xử phạt này.

Theo Cục Thuế Đà Nẵng, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng đã trốn thuế bằng việc sử dụng không hợp pháp 34 hóa đơn của một doanh nghiệp khác để kê khai thuế, dẫn đến giảm gần 72 triệu đồng thuế giá trị gia tăng và giảm gần 89 triệu đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. "Sử dụng không hợp pháp 34 số hóa đơn là vi phạm hành chính có quy mô lớn", quyết định xử phạt nêu. Đây là tình tiết ngành thuế căn cứ để tăng nặng tiền xử phạt.

Ngoài ra, Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng phải nộp đủ hơn 160 triệu tiền trốn thuế trước đó. Tháng 1 vừa qua, Công ty đã nộp đủ số tiền truy thu thuế này cho ngân sách nhà nước.

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng do ông Võ Minh Đức làm Giám đốc và Người đại diện pháp luật. Công ty có 9 xí nghiệp môi trường trực thuộc, 6 đơn vị dịch vụ cùng 46 phương tiện chuyên dùng và hơn 1.100 cán bộ, công nhân viên dọn vệ sinh môi trường, thu gom và vận chuyển rác thải.

Chuyên đề