Bản tin thời sự sáng 19/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi hơn 3,5 tỷ USD năm 2022; chu kỳ kiểm định xe gia đình có thể được kéo dài thêm 6 tháng; Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân gắn chip; FLC cầm cố gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways tại OCB…

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi hơn 3,5 tỷ USD năm 2022

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi 3,5 tỷ USD năm 2022, tăng 23% so với năm 2021, song Thủ tướng nhìn nhận hiệu quả chưa tương xứng với nguồn lực.

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn

Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn

Ngày 18/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (siêu ủy ban) và 19 tập đoàn, tổng công ty.

Ủy ban này cho biết, đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty khoảng 1,73 triệu tỷ đồng, trong đó công ty mẹ chiếm hơn 55% (955.000 tỷ đồng). Tổng tài sản hợp nhất của các doanh nghiệp này đạt trên 2,44 triệu tỷ đồng, công ty mẹ giữ gần 67%, tức hơn 1,63 triệu tỷ đồng.

Năm ngoái, tổng doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty đạt gần 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 17,5% và lợi nhuận trước thuế gần 83.170 tỷ đồng (trên 3,5 tỷ USD), tăng hơn 23% so với năm 2021. Các doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước hơn 191.780 tỷ đồng, tăng 8%.

Theo Thủ tướng, 19 tập đoàn, tổng công ty có nguồn lực lớn nhưng đóng góp chưa tương xứng, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp so với nguồn lực nắm giữ. Tổng lãi trước thuế năm 2022 chỉ bằng 75,16% so với năm 2018.

Về đầu tư, số doanh nghiệp này chiếm gần 25% tổng vốn đầu tư nhà nước, 10% đầu tư toàn xã hội năm 2021. Năng lượng (điện, than) là lĩnh vực chiếm tỷ trọng đầu tư lớn với tổng giá trị năm 2021 khoảng 125.950 tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn nhưng đầu tư đơn lẻ, thiếu gắn kết, chưa rót vốn vào lĩnh vực có tính dẫn dắt, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Có rất ít dự án, công trình mới được khởi công thời gian qua. Hầu như các doanh nghiệp chỉ làm tiếp dự án dở dang, hoặc xử lý dự án tồn đọng. Hiện có 10 dự án lớn, quan trọng bị chậm tiến độ nhiều năm, với số vốn khoảng 259.000 tỷ đồng.

Chu kỳ kiểm định xe gia đình có thể được kéo dài thêm 6 tháng

Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất, xe đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải, được sản xuất dưới 7 năm, có chu kỳ kiểm định định kỳ 24 tháng.

Ô tô đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03V

Ô tô đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29.03V

Đây là điểm mới đáng chú ý trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021 mà Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông vận tải xem xét.

Theo Cục Đăng kiểm, xe gia đình, xe không kinh doanh vận tải sản xuất dưới 7 năm sẽ được miễn đăng kiểm lần đầu; kiểm định chu kỳ đầu được kéo dài 36 tháng (3 năm), chu kỳ định kỳ là 24 tháng (2 năm), tăng 6 tháng mỗi giai đoạn so với quy định hiện hành.

Xe sản xuất trên 7 năm đến 15 năm có chu kỳ định kỳ 12 tháng. Xe trên 15 năm (hiện nay là 12 năm) kiểm định định kỳ 6 tháng.

Chu kỳ đăng kiểm với các loại xe kinh doanh vận tải dự kiến không thay đổi nhiều so với quy định hiện hành. Điểm mới đáng chú ý là xe trên 9 chỗ chở người sản xuất đến 5 năm sẽ có chu kỳ kiểm định lần đầu là 24 tháng, định kỳ 12 tháng - tăng 6 tháng so với quy định hiện hành. Xe sản xuất trên 5 năm vẫn áp dụng chu kỳ 6 tháng.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, đề xuất nói trên được đưa ra sau khi tham khảo một số nước tương đồng về hạ tầng, phương tiện và nghiên cứu theo điều kiện Việt Nam.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, chưa xem xét thay đổi chu kỳ kiểm định của xe kinh doanh vận tải vì hầu hết các quốc gia đều siết chặt chu kỳ kiểm định với xe tải hạng nặng; một số nước còn siết chặt hơn Việt Nam. Hiện nay, nước có chu kỳ kiểm định 6 tháng với xe tải sản xuất trên 5 năm là Tây Ban Nha, Trung Quốc, với xe trên 6 năm là New Zealand, xe trên 7 năm là Bồ Đào Nha.

Xe chở người trên 9 chỗ sản xuất từ 15 năm trở lên là nhóm sắp hết niên hạn sử dụng, tiềm ẩn mất an toàn giao thông nên chu kỳ kiểm định vẫn giữ nguyên 3 tháng.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định nếu Thông tư 16 được sửa đổi là hơn 3 triệu xe.

Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân gắn chip

Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú... trên căn cước công dân gắn chip.

Bộ Công an dự kiến in trên thẻ căn cước công dân 13 trường thông tin, hình ảnh. Ảnh minh họa

Bộ Công an dự kiến in trên thẻ căn cước công dân 13 trường thông tin, hình ảnh. Ảnh minh họa

Đây là một trong những điểm chính nêu trong dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân, là bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và in trên thẻ cứng.

Bộ Công an dự kiến in trên thẻ cứng 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số.

Phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.

Ở mặt sau, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng.

Họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành "nơi cấp: Bộ Công an"; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Dự thảo dành một mục với 4 điều quy định về các vấn đề liên quan cơ sở dữ liệu. Theo đó, 31 trường thông tin sẽ được thu thập vào cơ sở dữ liệu về căn cước.

Ngoài thông tin nhân thân cơ bản còn có "họ tên gọi khác, nghề nghiệp, trình độ học vấn...". Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất thu thập đặc điểm nhận dạng, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, việc thu thập thông tin sinh trắc học không đại trà, sẽ chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Quy định này giống với nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc.

FLC cầm cố gần 155 triệu cổ phiếu Bamboo Airways tại OCB

FLC đang dùng một loạt tài sản gồm cổ phiếu, dự án bất động sản để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của Bamboo Airways phát sinh tại Ngân hàng OCB.

Tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways hiện vào khoảng 21,7%, tương ứng khoản đầu tư 4.015 tỷ đồng

Tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways hiện vào khoảng 21,7%, tương ứng khoản đầu tư 4.015 tỷ đồng

HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC vừa thông qua chủ trương tiếp tục sử dụng tài sản thuộc sở hữu của FLC để bảo đảm nghĩa vụ tài chính của Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát sinh tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - Chi nhánh Thăng Long (OCB Thăng Long).

Danh sách tài sản đảm bảo gồm 154,97 triệu cổ phiếu Bamboo Airways của FLC và quyền tài sản phát sinh từ Dự án sân golf FLC Quảng Bình Golf Links do FLC là nhà đầu tư. Đây là dự án đã được đầu tư theo Văn bản số 711/UBND-XDCB do UBND tỉnh Quảng Bình cấp ngày 15/5/2018.

HĐQT FLC yêu cầu Bamboo Airways có cam kết bằng văn bản về việc thực hiện các thủ tục giải chấp để hoàn trả cho FLC các tài sản mà Tập đoàn sử dụng nhằm đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho Bamboo Airways trong thời hạn 30 ngày kể từ khi FLC có văn bản thông báo về nhu cầu sử dụng các tài sản bảo đảm.

OCB Thăng Long đã nắm rõ các vấn đề liên quan đến việc sở hữu cổ phiếu FLC của ông Nguyễn Ngọc Trọng, Chủ tịch Bamboo Airways và ông Doãn Hữu Đoàn, Phó Chủ tịch FLC kiêm Phó Chủ tịch thường trực Bamboo Airways, đồng thời việc FLC dùng tài sản để đảm bảo nghĩa vụ tài chính cho Bamboo Airways là phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng.

Tại Đại hội cổ đông bất thường của FLC ngày 4/3 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này cho biết, khoản đầu tư vào Bamboo Airways có giá trị là 4.015 tỷ đồng, tương ứng 21,7% vốn điều lệ. Do Bamboo Airways kinh doanh thua lỗ vào năm 2021, FLC phải trích lập dự phòng đầu tư 373 tỷ đồng. Số trích lập này tiếp tục tăng mạnh trong năm 2022, lên 3.642 tỷ đồng.

Bamboo Airways được FLC thành lập ngày 31/5/2017 với vốn điều lệ ban đầu 700 tỷ đồng, trong đó tập đoàn này nắm 100%. Qua các đợt tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo Airways dần giảm xuống.

Đà Lạt sẽ được mở rộng

TP. Đà Lạt trong tương lai được mở rộng, gồm 6 đô thị vệ tinh lấy thành phố hiện hữu làm trung tâm hành chính và phát triển du lịch cao cấp.

Một góc khu dân cư Phường 9 và 10, TP. Đà Lạt

Một góc khu dân cư Phường 9 và 10, TP. Đà Lạt

Nội dung trên được nêu trong nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP. Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2045 (thay thế quy hoạch năm 2014) vừa được Thủ tướng phê duyệt.

Phạm vi nghiên cứu điều chỉnh lần này là TP. Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 335.000 ha. Đây là những địa phương nằm kề Đà Lạt, còn nhiều quỹ đất và mảng xanh.

Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được phát triển theo mô hình chuỗi các đô thị liên kết theo tuyến vành đai và xuyên tâm; kết nối các vùng du lịch sinh thái, vùng cảnh quan rừng, nông nghiệp; phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy tính đặc thù về tự nhiên, văn hóa - lịch sử.

Trong tương lai, thủ phủ du lịch tỉnh Lâm Đồng gồm 6 đô thị vệ tinh, lấy thành phố hiện hữu làm trung tâm, các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và cùng kết nối. TP. Đà Lạt (diện tích 5.900 ha) đảm nhiệm chức năng trung tâm hành chính, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc.

Các huyện Đức Trọng, Lâm Hà được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí, du lịch hỗn hợp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Theo tính toán, quy mô dân số Đà Lạt đến năm 2035 hơn 1,1 triệu người; đến 2045 khoảng 2 triệu người.

Đà Lạt là thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng, hình thành cách đây 130 năm khi bác sĩ Alexandre Yersin đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên. Thành phố có diện tích tự nhiên hơn 394 km2, dân số hơn 237.000 người (năm 2022). Với độ cao 1.500 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa, dịu mát quanh năm và kiến trúc độc đáo, Đà Lạt thu hút rất đông du khách.

EVN muốn cấp điện cho Côn Đảo bằng tuyến cáp ngầm 5.000 tỷ vượt biển

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất cấp điện cho Côn Đảo bằng tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển và cho rằng đây là phương án khả thi nhất sau khi đánh giá, rà soát.

Tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km. Ảnh minh họa

Tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km. Ảnh minh họa

Nguồn điện đang cấp cho Côn Đảo bằng dầu diesel, trên 15 MW vào năm 2022, thiếu hụt so với nhu cầu thực tế của địa phương này và giá cao.

Phương án cấp điện cho Côn Đảo ổn định, giá hợp lý hơn vừa được EVN báo cáo Bộ Công Thương sau khi rà soát, đánh giá lại toàn bộ nhu cầu phụ tải điện của huyện đảo này. Theo đó, EVN kiến nghị đầu tư tuyến cáp ngầm 110 kV vượt biển để kéo điện ra Côn Đảo, tương tự phương án từng đưa ra giữa năm ngoái.

EVN đánh giá cách này tối ưu, khả thi nhất trong số các phương án Ban Quản lý dự án điện 3 (đơn vị tư vấn) đưa ra sau rà soát. Bởi cách này đảm bảo hiệu quả tài chính, khả năng cấp điện liên tục và giá ở mức chấp nhận được. Phương án này cũng sẽ tạo điều kiện hình thành tuyến thông tin cáp quang giữa đất liền và Côn Đảo.

Cụ thể, tuyến đường dây kéo điện ra Côn Đảo sẽ gồm phần dây trên không 23,1 km; cáp ngầm biển hơn 73 km và cáp ngầm trên đảo 6,1 km cùng các hạng mục khác. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban Quản lý dự án điện 3 (đơn vị tư vấn) cho thấy, tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm của Côn Đảo bình quân 16 - 22% trong giai đoạn 2015 - 2019. Nhu cầu điện giảm trong hai năm (2020 - 2021) do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng đã tăng trở lại từ năm ngoái. Dự báo đến năm 2025 đạt hơn 24,5 MW, tức tăng 27,3% và sẽ đạt 114,4 MW vào 2045.

Nhà đất hơn 150 m2 phố cổ Hà Nội có giá khởi điểm 52 tỷ đồng

Nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo là bất động sản nằm trên "đất vàng" phố cổ Hà Nội đang được các ngân hàng, cơ quan chức năng bán thanh lý.

Căn hộ diện tích hơn 29 m2 trên diện tích đất sử dụng chung tại 120B Hàng Bông có giá khởi điểm hơn 1,4 tỷ đồng

Căn hộ diện tích hơn 29 m2 trên diện tích đất sử dụng chung tại 120B Hàng Bông có giá khởi điểm hơn 1,4 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Hoàn Kiếm vừa thông báo phát mại tài sản bảo đảm của khách hàng để xử lý nợ. Tài sản rao bán là 1 bất động sản tại địa chỉ 29 Hàng Thiếc, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Thửa đất có diện tích là 154 m2. Tài sản gắn liền với đất là nhà ở riêng lẻ, có diện tích xây dựng 103 m2, diện tích sàn 230 m2. Tài sản có đầy đủ tính pháp lý, giá khởi điểm từ 52 tỷ đồng. Phương thức phát mại là bán thỏa thuận hoặc bán đấu giá qua thi hành án.

Không chỉ ngân hàng, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm cũng có nhu cầu thanh lý đấu giá nhà đất. Cụ thể, cơ quan này đang đấu giá quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại căn hộ tầng 2 có diện tích gần 30 m2 trên diện tích đất sử dụng chung 118 m2 tại địa chỉ 120B Hàng Bông, phường Hàng Bông. Giá khởi điểm của tài sản trên là hơn 1,4 tỷ đồng.

Trong tháng 3, Chi cục Thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm đã đấu giá quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại căn hộ tại 80 Hàng Gai, phường Hàng Gai thuộc khu tập thể cũ nằm trên mặt phố Hàng Gai có diện tích 24,8 m2 với giá khởi điểm hơn 2,7 tỷ đồng.

Hay nhà đất tại căn hộ 1A - 73/1A phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông diện tích 100 m2 và nhà đất tại số nhà 73 phố Lý Nam Đế diện tích 33 m2 cũng được đấu giá với mức khởi điểm hơn 40 tỷ đồng.

Chuyên đề