Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu 3 tỉnh cấp cát cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long thực hiện các giải pháp cung ứng cát cho Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau để bảo đảm tiến độ hoàn thành vào năm 2025.
Các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long được chỉ đạo cung ứng cát làm cao tốc Cần Thơ - Cà Mau |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc cung ứng cát cho Dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Theo đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật về việc cấp "Bản xác nhận" đối với 6 mỏ cát mà nhà thầu đã trình hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và có thể khai thác trong tháng 2/2024 (tỉnh An Giang 5 mỏ, tỉnh Vĩnh Long 1 mỏ).
UBND tỉnh An Giang cần chủ động xử lý thủ tục đối với 5 mỏ đã được các nhà thầu hoàn thành thủ tục. Cùng với đó, hỗ trợ các nhà thầu được khai thác tối đa công suất hoạt động của thiết bị, phương tiện và thời gian khai thác trong ngày để bảo đảm sản lượng khai thác…
Phó Thủ tướng yêu cầu, các địa phương rà soát các mỏ cát đang khai thác, các mỏ mới trên địa bàn (đặc biệt tỉnh An Giang và Vĩnh Long), ưu tiên các mỏ gia hạn, nâng công suất để cung ứng cho Dự án và giao thêm các mỏ mới cho các nhà thầu triển khai thủ tục khai thác bảo đảm đủ công suất để đến 30/6/2024 cung cấp đủ về công trường khối lượng cát đã được Thủ tướng giao.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, chủ đầu tư, các nhà thầu để triển khai các thủ tục giao mỏ cát biển cho nhà thầu khai thác theo cơ chế đặc thù tại các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau khởi công từ đầu năm 2023, đến nay sản lượng thi công đạt hơn 20% giá trị hợp đồng (đạt hơn 3.800/18.800 tỷ đồng). Nguyên nhân chậm tiến độ, chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường.
TP.HCM thu hồi gần 3,1 ha 'đất vàng' tại 152 Trần Phú
TP.HCM thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 152 Trần Phú (Quận 5) do Công ty TNHH Vina Alliance không chấp hành việc nộp lại giấy chứng nhận khu đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thu hồi, huỷ bỏ sổ đỏ khu đất vàng 152 Trần Phú, tại Quận 5 |
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa có thông báo thu hồi và hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho khu đất gần 31.000 m2 tại 152 Trần Phú, Quận 5.
Đây được xem là khu "đất vàng" tại Quận 5 khi có 3 mặt tiền đường Trần Phú - Lê Hồng Phong - Trần Nhân Tôn. Mục đích khu đất này để xây dựng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, căn hộ cao cấp.
Trước đó, ngày 19/1/2005, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thừa ủy quyền Chủ tịch UBND Thành phố cấp cho Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (nay là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Công ty TNHH MTV - Vinataba). Đến ngày 26/8/2005, công ty này đã mang quyền sử dụng khu đất này góp vốn vào Công ty TNHH Vina Alliance.
Trong kết luận thanh tra tại Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam - Công ty TNHH MTV công bố ngày 10/10/2022, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm của doanh nghiệp này trong việc đầu tư xây dựng tại khu đất 152 Trần Phú.
Cụ thể, Vinataba đã không thực hiện đánh giá lại tài sản là không đúng quy định về quản lý tài sản doanh nghiệp nhà nước; làm trái chỉ đạo, vi phạm khi chuyển nhượng 30.927 m2 đất tại 152 Trần Phú mà không xin phép Thủ tướng.
Ngoài ra, Vinataba đã không thực hiện đấu giá quyền sử dụng khu đất trên, có nguy cơ thất thoát tiền của Nhà nước, của doanh nghiệp. Tổng thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi cơ sở nhà đất gần 31.000 m2 tại 152 Trần Phú.
Ngày 14/12/2023, Thanh tra TP.HCM ban hành kết luận có nội dung liên quan đến khu đất trên. Cơ quan này cho biết, ngày 25/10/2023, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định thu hồi đất tại 152 Trần Phú do vi phạm pháp luật khi chuyển nhượng 30.927 m2.
Đài Loan phạt công ty bỏ rơi khách ở Phú Quốc gần 26.000 USD
Cục Du lịch Đài Loan phạt công ty bỏ rơi gần 300 khách ở Phú Quốc gần 26.000 USD do phạm quy định du lịch và làm mất uy tín ngành du lịch địa phương.
Đoàn khách Đài Loan của công ty We Love Tour làm thủ tục trở về Đài Bắc sáng 14/2 |
Cục Du lịch Đài Loan vừa thông báo phạt Công ty du lịch We Love Tour 810.000 tệ (gần 26.000 USD) vì vi phạm Đạo luật Phát triển Du lịch và Quy định quản lý các cơ quan du lịch.
Trước đó một ngày, nhà chức trách đình chỉ hoạt động của Công ty trong 3 tháng vì bỏ rơi 292 du khách Đài Loan khi họ đến Phú Quốc giai đoạn 11 - 14/2, khiến họ không được cung cấp nơi ăn, chỗ ở và phương tiện di chuyển. Công ty cũng không ký hợp đồng với các đơn vị lữ hành Việt Nam để quản lý các đoàn khách do mình đưa sang.
Khi nắm được thông tin về việc đoàn khách Đài Loan bị bỏ rơi vào 9/2, TP. Phú Quốc, hãng bay và công ty lữ hành cũng như Phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở TP.HCM đã nỗ lực giải quyết, hỗ trợ đoàn khách Đài Loan lưu trú, tham quan theo lịch trình ban đầu và trở về Đài Loan vào trưa 14/2.
Ngoài đoàn 292 người bị bỏ rơi, We Love Tour cũng bị phát hiện đã không cung cấp hợp đồng du lịch hợp pháp cho 6/10 đoàn khách đến Phú Quốc. Các đoàn không có hướng dẫn viên đi từ Đài Loan sang. Theo quy định, các tour dẫn khách đi nước ngoài từ đảo Đài Loan đều phải có hướng dẫn viên người địa phương đi cùng để phiên dịch, quản lý tour.
Chủ tịch TQAA Chang Yung-cheng cũng nhận trách nhiệm giải quyết khiếu nại của 292 du khách bị bỏ rơi ở Phú Quốc.
Tổng thư ký TQAA Wu Mei-hui cho biết, Công ty We Love Tour thu về khoảng 13 triệu tệ (hơn 410.000 USD) cho các gói tour khách đặt đến hết tháng 4. Hiện Công ty còn nợ khách hàng khoảng 20 triệu tệ (637.000 USD) và không có khả năng thanh toán.
Chang nói thêm, We Love Tour không chỉ có hành vi lừa đảo đối với khách hàng và đối tác mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh tiếng của khoảng 4.000 công ty du lịch Đài Loan. TQAA đã thu hồi tư cách thành viên của We Love Tour vào ngày 15/2.
Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo nghị định với 4 phương pháp định giá đất mới nhất
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất (so sánh, thu nhập, thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất). Bảng giá đất được công khai vào ngày 1/1 hàng năm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất 4 phương pháp xác định giá đất |
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định về giá đất (hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025) lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.
Theo Dự thảo, tổ chức tư vấn định giá đất có trách nhiệm phân tích, lựa chọn phương pháp định giá đất phù hợp và đề xuất trong Báo cáo thuyết minh xây dựng phương án giá đất làm cơ sở để cơ quan tài nguyên và môi trường trình Hội đồng thẩm định giá đất cùng cấp quyết định. Dự thảo Nghị định đề xuất trình tự, nội dung xác định giá đất theo 4 phương pháp: so sánh; thu nhập; thặng dư và hệ số điều chỉnh giá đất.
Thông tin về giá đất, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng để áp dụng phương pháp so sánh, phương pháp thặng dư và xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất là thông tin trong khoảng thời gian không quá 24 tháng tính từ thời điểm định giá đất trở về trước được thu thập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá.
Thông tin cũng có thể được thu thập từ các nguồn như giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giá đất được ghi trong hợp đồng chuyển nhượng; giá đất đã sử dụng để thu nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế; giá đất chuyển nhượng, giá thuê đất, giá thuê mặt bằng thành công trên thị trường được thu thập…
Đơn vị, tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan nông nghiệp và phát triển nông thôn, có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ công tác định giá đất bằng văn bản hoặc phương thức điện tử trong thời gian không quá 5 ngày làm việc.
Dự thảo vừa công bố đề xuất, HĐND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp tỉnh tổ chức hoàn thiện bảng giá đất để quyết định ban hành; công bố công khai bảng giá đất vào ngày 1/1 hằng năm và cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai.
Lối mở cầu phao tạm km 3+4 Hải Yên (Quảng Ninh) thông quan trở lại
Trong ngày đầu thông quan (18/2), có 95 phương tiện chở 925 tấn hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở cầu phao tạm km 3+4 Hải Yên với tổng trị giá hàng hóa đạt 3,7 triệu USD.
Những lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 |
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 18/2 (tức mùng 9 Tết), lối mở cầu phao tạm km 3+4 Hải Yên thuộc Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, đã thông quan trở lại.
Trong ngày đầu thông quan, có 95 phương tiện chở 925 tấn hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc qua lối mở này với tổng trị giá hàng hóa đạt 3,7 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu gồm hải sản tươi sống, hải sản đông lạnh và hoa quả.
Trước đó, theo lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lực lượng chức năng ở cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hóa từ ngày 10/2 đến hết ngày 17/2 (tức từ mùng 1 đến mùng 8 Tết).
Tuy nhiên, sau khi trao đổi, thống nhất giữa các cơ quan chức năng hai bên, phía Trung Quốc đã cho thông quan hàng hóa nhập khẩu từ ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết), chủ yếu là hàng hải sản tươi sống của Việt Nam thực hiện xuất khẩu hàng hóa thông quan hẹn trước qua khu vực cửa khẩu cầu Bắc Luân II. Trong các ngày nghỉ Tết (mùng 3 và mùng 5 Tết), cửa khẩu cầu Bắc Luân II xuất khẩu được 264 tấn hàng.
Trên 95% diện tích Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có nước gieo cấy
Đến 15 giờ ngày 18/2 (ngày đầu lấy nước đợt 2), tổng diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2023 - 2024 ở Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 470.773 ha, đạt 95,5%, tăng 14,4% so với đợt 1.
Trạm bơm Ghẽ thuộc Hệ thống Bắc Hưng Hải |
Cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, đến 15 giờ ngày 18/2 (ngày đầu tiên lấy nước đợt 2), tổng diện tích có nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2023 - 2024 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ là 470.773 ha, đạt 95,5%, tăng 14,4% so với khi kết thúc đợt 1.
Cụ thể, các địa phương có diện tích lấy nước đạt 100% là Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình và Nam Định; những địa phương có diện tích lấy nước đạt thấp hơn là Ninh Bình 99%, Bắc Ninh 98%, Hải Dương 96%, Hải Phòng 96%, Phú Thọ 95%, Vĩnh Phúc 94%, Hà Nội 82%. Từ 19 giờ ngày 17/2 đến 14 giờ ngày 18/2 khu vực Bắc Bộ phổ biến không mưa. Mực nước trong các hệ thống thủy lợi sau khi đưa nước lên ruộng đang ở mức thấp nên nguồn nước phục vụ cho tưới dưỡng dự kiến sẽ rất khó khăn.
Để phục vụ lấy nước đợt 2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện xả gia tăng các hồ thủy điện từ hồ Hòa Bình, hồ Thác Bà, hồ Tuyên Quang trước khoảng 1,5 ngày. Tính đến 15 giờ ngày 18/2, mực nước trung bình ngày tại Trạm Thủy văn Sơn Tây (trạm bơm Phù Sa) đạt 1,5 m, cao nhất lúc 10 giờ đạt 1,72 m; tại Trạm Thủy văn Hà Nội đạt 1,27 m, cao nhất lúc 6 giờ đạt 1,46 m.
Ngày 19/2, Cục Thủy lợi sẽ tham gia Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra công tác lấy nước đợt 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội. Đợt 2 lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2023 - 2024, khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ bắt đầu từ 0 giờ ngày 18/2 và sẽ kết thúc vào 24 giờ ngày 21/2 (tổng cộng 4 ngày).
Công ty Công trình giao thông Đồng Nai liên tiếp chậm trả lãi 4 kỳ trái phiếu
Số tiền lãi Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai chậm thanh toán đến nay với lô trái phiếu DGTH2224001 là 32 tỷ đồng.
Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai chậm trả lãi với lô trái phiếu DGTH2224001. Ảnh minh họa |
Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai vừa công bố thông tin bất thường về việc chậm thanh toán lãi đối với lô trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ DGTH2224001 kỳ 4, 5, 6, 7.
Theo đó, lô trái phiếu DGTH2224001 có kỳ hạn 2 năm, đáo hạn ngày 22/2/2024 với tổng giá trị 350 tỷ đồng. Lô trái phiếu này do Công ty CP Chứng khoán Thủ đô (CASC) thu xếp phát hành, với lãi suất được công bố là 11%/năm. Mục đích là tăng quy mô vốn hoạt động.
Doanh nghiệp này liên tiếp chậm trả lãi 4 kỳ như sau: kỳ 4 chậm thanh toán hơn 9,3 tỷ đồng vào ngày 2/10/2023; kỳ 5 chậm thanh toán hơn 9,4 tỷ đồng vào ngày 2/10/2023; kỳ 6 chậm thanh toán hơn 7,1 tỷ đồng vào ngày 22/11/2023; kỳ 7 chậm thanh toán hơn 6,6 tỷ đồng vào ngày 22/11/2023 (mới chỉ thanh toán gần 38 triệu đồng trong số này).
Tổng cộng số tiền lãi chậm thanh toán đến nay là 32 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự kiến thanh toán vào ngày 22/2/2024 sắp tới.
Lý do được Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai đưa ra là tình hình khó khăn chung của thị trường bất động sản và lĩnh vực xây dựng công trình nên chưa thu xếp kịp nguồn tiền để thanh toán cho trái chủ kịp thời và đầy đủ theo kế hoạch.
Được thành lập năm 1977, tiền thân là Công ty Thi công cầu đường, Công ty CP Công trình giao thông Đồng Nai trước đây là một doanh nghiệp nhỏ với vốn điều lệ chưa tới 25 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây lắp và khai thác đá. Giai đoạn 2019 - 2020, doanh nghiệp này đổi chủ và liên tục tăng vốn thông qua nghiệp vụ phát hành riêng lẻ.