Bản tin thời sự sáng 19/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là EVN muốn nhập điện gió từ Lào; chứng khoán giảm phiên thứ tư liên tiếp; thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 94% dự toán đã điều chỉnh giảm; Xây dựng Hòa Bình lên kế hoạch lãi hơn 400 tỷ đồng năm 2024...

EVN muốn nhập điện gió từ Lào

EVN vừa có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, với giá mua là 6,95 US cents/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh.

EVN đề xuất nhập khẩu điện gió từ Lào, giá 1.700 đồng/kWh

EVN đề xuất nhập khẩu điện gió từ Lào, giá 1.700 đồng/kWh

Bộ Công Thương vừa có văn bản đề nghị các bộ ngành, địa phương liên quan góp ý về chủ trương nhập điện gió của Nhà máy Điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam. Dự án này có công suất 250MW tại tỉnh Bolikhamsai của Lào, sẽ đi vào vận hành vào quý IV/2025 theo đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Theo Bộ Công Thương, giá điện được chủ đầu tư cam kết áp dụng với mức giá trần nhập khẩu từ Lào về Việt Nam cho loại hình nhà máy điện gió là 6,95 US cents/kWh (tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh).

Phương án đấu nối được đề xuất là xây mới đường dây 220kV mạch kép từ Trạm biến áp 220kV Nhà máy Điện gió Trường Sơn, với chiều dài 75 km đấu nối vào ngăn lộ 220kV tại Trạm biến áp 220kV Đô Lương (Nghệ An - Việt Nam).

Trong tờ trình của EVN, Chủ đầu tư Dự án - Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Việt Lào - đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối Nhà máy Điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của Dự án.

Theo EVN, biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước Lào và Việt Nam đưa ra quy mô công suất nhập khẩu tối thiểu điện từ Lào về Việt Nam đến năm 2020 khoảng 1.000MW, đến năm 2025 khoảng 3.000MW và đến năm 2030 khoảng 5.000MW.

Tính đến cuối tháng 10, Thủ tướng đã thông qua chủ trương nhập khẩu từ các nguồn điện tại Lào với tổng công suất 2.689MW.

EVN đã ký kết 19 hợp đồng mua bán điện (PPA) để mua điện từ 26 nhà máy điện của Lào với tổng công suất 2.240MW. Trong đó, có 7 dự án đã vận hành thương mại với tổng công suất là 806MW và dự kiến đến năm 2025 có thể đưa vào vận hành thêm 1.171MW.

Có 6 nhà máy thủy điện với công suất 449MW thì 4 nhà máy đã được EVN giao cho Công ty Mua bán điện (EPTC) đàm phán PPA, còn lại 2 nhà máy là Nậm Kông 1 (160MW) và Nậm Mouan (100MW), Chủ đầu tư đã có văn bản gửi EVN thông báo không tiếp tục bán điện.

Chứng khoán giảm phiên thứ tư liên tiếp

Hơn 400 cổ phiếu giảm khiến VN-Index mất mốc 1.100 điểm, đánh dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp.

Hơn 400 cổ phiếu giảm khiến VN-Index mất mốc 1.100 điểm

Hơn 400 cổ phiếu giảm khiến VN-Index mất mốc 1.100 điểm

Khoảng trống thông tin hỗ trợ, cùng áp lực bán ròng của khối ngoại khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn. Chứng khoán vì thế mở phiên đầu tuần này trong sắc đỏ, lực mua chủ yếu mang tính chất thăm dò. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ra mạnh ở các mã ngân hàng khiến nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng cao trong vốn hóa lùi sâu.

Chỉ số của sàn HoSE nới rộng đà giảm khi mất mốc 1.100, lùi về dưới 1.095 điểm vào cuối giờ sáng. Sang phiên chiều, dòng tiền bắt đầu nhập cuộc tích cực hơn đẩy chỉ số về gần 1.100 điểm, nhưng sau đó lại giảm sâu khi bên cầm cổ đẩy hàng ra nhanh hơn.

Chốt phiên, VN-Index đóng cửa tại 1091,88 điểm, giảm 10,42 điểm (0,95%) và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp. VN30-Index mất 12,73 điểm (1,16%), xuống 1.084,67 điểm.

Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục giảm, chỉ đạt hơn 16.400 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản HoSE hơn 14.700 tỷ đồng, giảm hơn 1.400 tỷ đồng so với phiên trước, thấp nhất trong gần 2 tuần.

Nhà đầu tư nước ngoài ngày 18/12 tiếp tục bán ròng gần 800 tỷ đồng, phiên thứ 14 liên tiếp, tập trung chính vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cuối phiên, sàn HoSE có 112 cổ phiếu tăng giá, so với 415 cổ phiếu giảm.

VJC là cổ phiếu đóng góp tích cực nhất cho VN-Index khi đóng cửa tăng gần 2%, lên 105.000 đồng. Ngược lại, sắc đỏ ở các mã ngân hàng khiến chỉ số lùi sâu.

Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đạt 94% dự toán đã điều chỉnh giảm

Trong bối cảnh thu ngân sách chung gặp nhiều khó khăn, tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2023 bằng 94% so với số đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh giảm.

Kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày 30/11 mới đạt trên 335.000 tỷ đồng

Kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày 30/11 mới đạt trên 335.000 tỷ đồng

Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 425.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ngày 30/11 mới đạt trên 335.000 tỷ đồng, bằng 79% dự toán và giảm gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc điều chỉnh giảm đối với dự kiến thu ngân sách năm là 355.000 tỷ đồng, bằng 84% dự toán.

Ngày 18/12, báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong bối cảnh thu ngân sách chung gặp nhiều khó khăn, tổng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2023 bằng 94% so với số đã báo cáo Quốc hội điều chỉnh giảm.

Nguyên nhân số thu giảm so với cùng kỳ năm trước, Cơ quan Hải quan cho biết là do tình kinh tế thế giới trong năm đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Về công tác thu hồi nợ thuế, số liệu từ Cơ quan Hải quan ghi nhận tính đến ngày 30/11 xấp xỉ 5.390 tỷ đồng. Theo đó, số thu hồi và xử lý nợ trong năm là 906 tỷ đồng.

Đồng Nai khởi công xây gần 100 căn nhà ở công nhân giá 400 triệu đồng/căn

Ngày 18/12, Công ty CP Thống Nhất đã khởi công xây dựng khu nhà ở công nhân ở khu thương mại dịch vụ - Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom với số lượng gần 100 căn, giá bán dự kiến từ 370 - 400 triệu đồng/căn.

Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom

Nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom

Đây là block chung cư thứ 2 được Công ty đầu tư xây dựng với gần 100 căn. Diện tích mỗi căn hộ khoảng 32 m2, dự kiến khi hoàn thành có giá bán từ 370 - 400 triệu đồng/căn. Thời gian xây dựng khoảng 9 tháng kể từ ngày khởi công. Đến khoảng tháng 3/2024, Chủ đầu tư Dự án sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký mua nhà.

Trước đó, Chủ đầu tư cũng đã xây dựng hoàn thành 1 block chung cư 107 căn và bán cho công nhân.

Theo quy hoạch, Dự án sẽ xây dựng 6 block nhà chung cư, khu nhà chung cư phục vụ công nhân với diện tích trên 20.000 m2, số lượng hơn 600 căn.

Mục tiêu để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động thu nhập thấp trên địa bàn huyện Trảng Bom.

Tại tỉnh Đồng Nai có khoảng 700.000 đoàn viên lao động, nhưng nhà ở công nhân rất ít, trở thành nhu cầu bức thiết. Hiện nay toàn Tỉnh có hơn 20.000 khu nhà trọ với khoảng hơn 150.000 phòng trọ, đáp ứng trên 450.000 chỗ ở cho người lao động.

Hà Nội chi 400 tỷ đồng mở rộng đường Nguyễn Tuân để xoá ùn tắc

Đường Nguyễn Tuân (Hà Nội) sẽ được mở rộng với mặt cắt ngang 21 m, tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.

Đường Nguyễn Tuân đang gánh nhiều toà cao ốc nên việc mở rộng là cần thiết để giảm ùn tắc

Đường Nguyễn Tuân đang gánh nhiều toà cao ốc nên việc mở rộng là cần thiết để giảm ùn tắc

Theo UBND quận Thanh Xuân, trong năm 2024 sẽ triển khai Dự án cải tạo, mở rộng theo quy hoạch đường Nguyễn Tuân để xoá ùn tắc.

Trước đó, từ năm 2018, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt Dự án cải tạo, mở rộng đường Nguyễn Tuân. Đến năm 2020, quận này tiếp tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công Dự án.

Theo phê duyệt, điểm đầu Dự án giao đường Nguyễn Trãi, điểm cuối đến ngõ 162 Nguyễn Tuân, tổng diện tích 14.334 m2, dài 720 m, được mở rộng trên cơ sở đường hiện có với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ có mặt cắt ngang là 21 m, gồm phần lòng đường rộng 15 m và 2 bên lề rộng 3 m.

Tuy nhiên, đến nay Dự án vẫn gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Hiện tại, tuyến đường có hình dạng thắt nút cổ chai khiến mặt đường nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Đề xuất đổi tên Quốc lộ 13 qua TP.HCM thành 30 Tháng 4

Đoạn Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, dài khoảng 6 km, được chính quyền TP. Thủ Đức đề nghị đổi tên thành đường 30 Tháng 4.

Quốc lộ 13 đoạn gần cầu Bình Triệu thường xuyên đông xe

Quốc lộ 13 đoạn gần cầu Bình Triệu thường xuyên đông xe

Nội dung nêu trong báo cáo kết quả công tác xây dựng Đảng, chính quyền và dân vận năm 2023, nhiệm vụ năm 2024 trình Hội nghị Thành ủy TP. Thủ Đức lần thứ 21, sáng 18/12. Việc đổi tên đoạn đường để kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, chủ trương này đã được Thường vụ Thành ủy Thành phố thông qua và Thường vụ Thành ủy TP.HCM ủng hộ.

Theo ông Phùng, khi đổi tên đường, người dân sống ở khu vực này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm khi đổi tên một đoạn xa lộ Hà Nội (dài gần 8 km từ cầu Sài Gòn đến ngã tư Thủ Đức) thành Võ Nguyên Giáp hồi tháng 7, các thủ tục liên quan đều được giải quyết rất nhanh.

"Hiện người dân không còn dùng sổ hộ khẩu giấy nên thủ tục đơn giản hơn rất nhiều", ông Phùng nói và cho biết các thông tin liên quan biển báo giao thông cũng được địa phương phối hợp với Sở Giao thông TP.HCM xử lý nhanh.

Quốc lộ 13 dài hơn 140 km, kết nối TP.HCM qua Bình Dương, Bình Phước. Đây là trục huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM, đi qua dân cư đông, nối vào bến xe Miền Đông cùng khu vực nội đô, nên thường xuyên ùn tắc. Đoạn qua TP.HCM hiện chỉ 4 - 6 làn, tạo "nút thắt cổ chai" nên luôn ùn tắc nhiều năm qua.

Mới đây, khi TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98, Quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến giáp ranh tỉnh Bình Dương, dài 5,9 km được mở rộng lên 53 - 60 m, tổng kinh phí gần 10.000 tỷ đồng sẽ được xem xét thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên đường hiện hữu.

Chuyên đề