Bản tin thời sự sáng 19/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dự kiến bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2022 tại một điểm; đóng cửa sân bay, hủy nhiều chuyến bay trước bão số 9; 8.000 công nhân là F0 chờ khoản hỗ trợ 3 triệu đồng; các hãng hàng không kiến nghị mở lại đường bay châu Âu, Australia; 70% doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội chưa lắp camera hành trình theo quy định…

Hà Nội dự kiến bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2022 tại một điểm

UBND thành phố Hà Nội xây dựng phương án bắn pháo hoa tại Công viên Thống Nhất và truyền hình trực tiếp phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán 2022.

Hà Nội dự kiến bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại 1 điểm Công viên Thống Nhất

Hà Nội dự kiến bắn pháo hoa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại 1 điểm Công viên Thống Nhất

Theo kế hoạch tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 của TP. Hà Nội, để phục vụ nhân dân đón Tết, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và phòng chống dịch, Bộ Tư lệnh thủ đô được giao chủ trì tham mưu phương án tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm (Công viên Thống Nhất) và truyền hình trực tiếp, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.

Đây là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại một điểm trong bối cảnh dịch Covid -19 phức tạp. Dịp giao thừa những năm trước đó, Thành phố đều tổ chức bắn pháo hoa tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã.

Trước đó, trong chỉ thị về tổ chức Tết Nhâm Dần 2022, Ban Bí thư cũng yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình cụ thể, cân nhắc thận trọng việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới 2022 và Tết Nguyên đán. Việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới phải được quyết định trên cơ sở bảo đảm tiết kiệm, an toàn, không sử dụng ngân sách nhà nước.

Đóng cửa sân bay, hủy nhiều chuyến bay trước bão số 9

Do ảnh hưởng của bão số 9 (Rai), nhiều chuyến bay đến, đi từ các sân bay ở Quảng Nam, Quy Nhơn và Tuy Hòa phải hủy trong ngày 19/12.

Vietnam Airlines hủy 14 chuyến bay trong ngày 19/12 do bão số 9

Vietnam Airlines hủy 14 chuyến bay trong ngày 19/12 do bão số 9

Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng sẽ hủy 14 chuyến bay trong ngày 19/12, cụ thể là 2 chuyến giữa Hà Nội và Quảng Nam, 2 chuyến giữa TP.HCM và Quảng Nam. Hãng cũng hủy 2 chuyến giữa Hà Nội và Quy Nhơn, 4 chuyến giữa TP.HCM và Quy Nhơn, 4 chuyến khác giữa Hà Nội, TP.HCM và Tuy Hòa.

Dựa trên diễn biến thời tiết, hãng sẽ triển khai lịch bay bù trong những ngày tới và hỗ trợ hành khách.

Cùng ngày, hãng hàng không Bamboo Airways cho biết sẽ phải hủy một số chuyến bay đến khu vực miền Trung do ảnh hưởng của bão. Hãng Vietjet Air cũng đang lên phương án điều chỉnh kế hoạch bay phù hợp.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực 24/24 theo quy chế trực ban phòng, chống thiên tai.

Các sân bay Phù Cát, Chu Lai, Đà Nẵng, Phú Bài dự báo ảnh hưởng hoàn lưu bão gần, gió mạnh cấp 7 - 9 và có thể mưa to. Ngoài ra, miền Trung và Tây Nguyên cần đề phòng bão diễn biến bất thường.

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các sân bay, hãng hàng không phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9 để điều chỉnh kế hoạch bay, chủ động chằng néo, neo đậu máy bay; có biện pháp bảo vệ công trình nhà ga, kho hàng, phòng chống ngập úng… để hạn chế thiệt hại do bão gây ra.

8.000 công nhân là F0 chờ khoản hỗ trợ 3 triệu đồng

Khoảng 8.000 công nhân tại nhà máy thuộc các khu công nghiệp, chế xuất TP.HCM nhiễm Covid-19 đợt dịch thứ 4 chưa được hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi người từ công đoàn.

Tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân tại khu công nghệ cao tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Tiêm vaccine Covid-19 cho công nhân tại khu công nghệ cao tại TP. Thủ Đức, TP.HCM

Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM Huỳnh Văn Tuấn cho biết, các trường hợp chưa được giúp đỡ vì thông tin đề nghị hưởng của công nhân còn thiếu họ tên, thời gian điều trị... phải trả lại để hoàn thiện. Cán bộ công đoàn cũng bị quá tải hồ sơ do quá nhiều công nhân nhiễm dịch nên chưa xử lý kịp.

Theo Quyết định 2606 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hồi tháng 5, các F0 được hỗ trợ 3 triệu đồng; F1, F2 cách ly tập trung, tại nhà được giúp đỡ từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Đến nay, Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM đã chi hơn 30 tỷ đồng cho trên 10.000 lao động nhiễm Covid-19. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ cho tất cả trường hợp ảnh hưởng bởi dịch khoảng 100 tỷ đồng.

Mới đây, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có quy định mới về chế độ hỗ trợ dành cho người lao động, đoàn viên công đoàn ảnh hưởng bởi Covid-19. Chính sách này chia F0 thành hai nhóm để hỗ trợ. Cụ thể, F0 triệu chứng nặng, điều trị từ 21 ngày trở lên tại bệnh viện, cơ sở y tế, có giấy xác nhận, được hỗ trợ 3 triệu đồng. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng dành cho F0 điều trị tại nhà hoặc nội trú trong bệnh viện dưới 21 ngày.

Ông Tuấn cho biết thêm, gần 8.000 hồ sơ bị tồn và F0 làm thủ tục trước ngày 15/12 vẫn được hỗ trợ theo quy định cũ, không phân biệt thời gian điều trị.

Công đoàn các khu chế xuất - công nghiệp TP.HCM có gần 800 công đoàn cơ sở ở 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với trên 200.000 đoàn viên.

Các hãng hàng không kiến nghị mở lại đường bay châu Âu, Australia

Các hãng hàng không kiến nghị sớm cho phép khai thác thường lệ các đường bay đi châu Âu, Australia, thay vì chỉ đến Đông Nam Á và Bắc Á.

Máy bay Bamboo Airways tại sân bay Melbourne (Australia)

Máy bay Bamboo Airways tại sân bay Melbourne (Australia)

Theo đại diện Vietnam Airlines, hãng đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) xem xét sớm khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ từ ngày 1/1/2022. Tình hình dịch bệnh tại một số nước châu Âu và Australia đã được kiểm soát tốt nên việc mở lại đường bay là cần thiết, đáp ứng nhu cầu về quê ăn Tết của người dân, kiều bào và phục hồi hoạt động du lịch, kinh tế.

Bamboo Airways ngày 17/12 đã công bố đường bay thẳng Việt Nam - Australia và ký kết thỏa thuận với sân bay Melbourne (bang Victoria) để xúc tiến đường bay thẳng kết nối hai nước từ đầu năm 2022. Hãng đặt kế hoạch bay thẳng thường lệ kết nối TP.HCM với TP. Melbourne ngay khi Chính phủ cho phép, tần suất khai thác ban đầu là 2 chuyến khứ hồi mỗi tuần.

Vietjet Air cũng đã có kế hoạch mở đường bay thẳng đến Australia vào đầu năm sau nên hãng kiến nghị cơ quan chức năng sớm mở cửa với thị trường này.

Đại diện các hãng hàng không kiến nghị Bộ GTVT sớm ban hành kế hoạch bay quốc tế thường lệ để hãng bán vé, huy động nhân lực phục vụ hành khách tại nước ngoài; hành khách chủ động kế hoạch mua vé về nước.

Theo kế hoạch mở lại đường bay quốc tế của Bộ GTVT, giai đoạn 1 sẽ chỉ tập trung vào các thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Mỹ, chưa khai thác các đường bay đến châu Âu, Australia...

Giai đoạn 2 sẽ mở rộng đến 15 thị trường, trong đó có thêm Kuala Lumpur, Hong Kong, Paris, Frankfurt, Sydney và Moscow.

Chính phủ mới đây đã đồng ý kế hoạch khôi phục chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ 1/1/2022.

70% doanh nghiệp vận tải tại Hà Nội chưa lắp camera hành trình theo quy định

Từ ngày 1/1/2022, doanh nghiệp vận tải không hoàn thành việc lắp camera hành trình cho phương tiện sẽ bị phạt nặng.

Tỷ lệ xe của doanh nghiệp vận tải đã lắp camera hành trình tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 30%

Tỷ lệ xe của doanh nghiệp vận tải đã lắp camera hành trình tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 30%

Các loại xe ô tô kinh doanh vận tải bắt buộc phải được lắp đặt camera gồm xe vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo.

Đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ xe đã lắp camera chỉ đạt khoảng 30%, khi mới có 11.000/34.151 xe đã thực hiện. Như vậy, mặc dù chỉ còn nửa tháng nữa là hết thời hạn, vẫn còn 70% doanh nghiệp đang án binh bất động, chưa thực hiện yêu cầu lắp camera hành trình cho phương tiện.

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các phòng, ban chuyên môn, lực lượng thanh tra giao thông phối hợp với doanh nghiệp, bến xe đẩy nhanh công tác lắp đặt camera trên một số loại xe ô tô kinh doanh vận tải.

Thời gian thực hiện phải hoàn thành trước 31/12/2021. Quá thời hạn này, nếu đơn vị nào chưa hoàn thiện lắp đặt camera trên xe theo quy chuẩn hiện hành đồng nghĩa với việc phương tiện không đủ điều kiện để kinh doanh vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ xem xét, đề xuất tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính.

Bắt tạm giam cán bộ nhận hối lộ cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép

Nguyễn Văn Phong, cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng, đã nhận 80 triệu đồng để làm giả hồ sơ cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép dưới dạng chuyên gia.

Cơ quan an ninh điều tra đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Phong

Cơ quan an ninh điều tra đọc lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Phong

Ngày 18/12, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Đà Nẵng cho biết, đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Văn Phong để điều tra hành vi nhận hối lộ, theo Khoản 2 Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra vụ án Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức với bị can Lê Văn Thoại (trú Quận 12, TP.HCM), công an xác định Phong đã nhận tiền hối lộ để tiếp tay cho đường dây đưa người nước ngoài nhập cảnh "chui".

Theo đó, tháng 10/2018, Thoại bắt đầu làm hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng. Sau khi làm quen với Phong, Thoại đặt vấn đề sẽ bồi dưỡng 1,5 triệu đồng/bộ hồ sơ xét duyệt cấp giấy phép lao động. Cả hai đồng ý móc nối với nhau.

Từ tháng 10/2018 đến nay, đường dây của Thoại đã nộp khoảng 190 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, công an xác minh, các giấy tờ trong hồ sơ như giấy chứng nhận chuyên gia, lý lịch tư pháp, phiếu khám sức khỏe đều là giả.

Nguyễn Văn Phong bị cáo buộc đã nhận hối lộ 80 triệu đồng từ Thoại. Các quyết định bắt giam và khám xét nơi ở đối với Phong đã được Viện Kiểm sát nhân dân TP. Đà Nẵng phê chuẩn. Sự việc cũng được công an thông báo bằng văn bản đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đà Nẵng.

Chuyên đề