Bản tin thời sự sáng 19/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tuyến metro Bến Thành – Tham Lương tiếp tục gia hạn hoàn thành đến năm 2030; mở mới, nâng cấp 2 cặp cửa khẩu Quốc tế tại Lào Cai; sạt lở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua huyện A Lưới; TP.HCM kiểm tra pháp lý hơn 80 sàn giao dịch bất động sản…

Tuyến metro Bến Thành – Tham Lương tiếp tục gia hạn hoàn thành đến năm 2030

UBND TP.HCM vừa có quyết định về việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Theo đó, dự án này sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2030.

Tiếp tục gia hạn hoàn thành tuyến metro Bến Thành – Tham Lương đến năm 2030

Tiếp tục gia hạn hoàn thành tuyến metro Bến Thành – Tham Lương đến năm 2030

UBND TP.HCM giao Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - Chủ đầu tư) phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, tính chính xác số liệu, tài liệu trong hồ sơ trình.

Bên cạnh đó, MAUR cần xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các công việc còn lại của dự án, tổ chức thực hiện các công việc liên quan của dự án theo đúng quy định pháp luật, đáp ứng đúng tiến độ được phê duyệt, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội, tính khả thi của dự án…

Ngoài ra, MAUR cần phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính TP.HCM để bảo đảm việc bố trí vốn theo nhu cầu, kế hoạch, đề xuất giải pháp phòng ngừa rủi ro về nguồn vốn trong trường hợp thực hiện các hạng mục chậm tiến độ so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về giải phóng mặt bằng, MAUR cần chủ động tích cực phối hợp các Sở ngành và đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành và bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công các gói thầu xây lắp theo tiến độ dự án được duyệt.

Dự án metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) được phê duyệt từ năm 2010 với tổng mức đầu tư gần 47.900 tỷ đồng. Toàn tuyến dài hơn 11 km, gồm 9 ga ngầm, 1 ga trên cao đi qua các Quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2026. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên dự án được lùi thời gian hoàn thành đến năm 2030.

Mở mới, nâng cấp 2 cặp cửa khẩu Quốc tế tại Lào Cai

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch cửa khẩu tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, Lào Cai có 2 cặp cửa khẩu quốc tế được mở và nâng cấp là cửa khẩu Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam).

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai

Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định về việc phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch này, dự kiến đến năm 2030, tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc có 26 cửa khẩu, trong đó có 14 cửa khẩu quốc tế, 12 cửa khẩu song phương (bao gồm 20 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương) và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.

Trong đó, thời kỳ 2021 - 2030: Mở, nâng cấp 8 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu song phương, 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương và 1 lối mở/cửa khẩu đặc biệt.

Quyết định chỉ rõ, trong số 8 cặp cửa khẩu quốc tế được mở và nâng cấp, tỉnh Lào Cai có 2 cặp cửa khẩu là Mường Khương - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam).

Trong 17 lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc các cặp cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương được mở, tỉnh Lào Cai có 6, gồm: Lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Bản Quẩn - Sơn Yêu và Na Lốc - Mã Hoàng Pao, thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai (Lào Cai) - Hà Khẩu (Vân Nam).

Lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Lồ Cô Chin - Lao Kha và Hóa Chư Phùng - Seo Pả Chư thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam); lối thông quan/đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa Lũng Pô - Lũng Pô Chải và Y Tý - Ma Ngán Tý, thuộc cặp Cửa khẩu Quốc tế Bản Vược (Lào Cai) - Pả Sa (Vân Nam).

Sạt lở đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua huyện A Lưới

Hàng nghìn khối đất đá, cây cối tràn xuống đường Hồ Chí Minh nhánh Tây qua huyện A Lưới khiến giao thông ách tắc, sáng 18/10.

Khu vực đường Hồ Chí Minh bị sạt lở

Khu vực đường Hồ Chí Minh bị sạt lở

Điểm sạt lở cách trung tâm xã A Roàng, huyện A Lưới hơn 10 km. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch huyện A Lưới, cho biết cảnh sát giao thông đã lập chốt tại ngã ba Bốt Đỏ để phân luồng, hướng dẫn xe đi về Quốc lộ 49.

Khu Quản lý đường bộ II đang huy động máy móc, thiết bị khắc phục điểm sạt lở. Với khoảng 6.300 m3 đất đá cần giải tỏa, nếu thời tiết thuận lợi, đường sẽ được thông tuyến vào ngày 19/10.

Nguyên nhân sạt lở được xác định là mưa lớn kéo dài. Điểm sạt nằm trên tuyến chính lưu thông của người dân huyện A Lưới đi huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Hàng ngày, tuyến này có nhiều xe qua lại từ Quảng Nam đi cửa khẩu La Lay của Quảng Trị.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ nhiệt đới, từ ngày 10/10 đến nay, Thừa Thiên Huế mưa lớn gây ngập cục bộ một số vùng trũng ở huyện Quảng Điền, Phong Điền và TP Huế.

TP.HCM kiểm tra pháp lý hơn 80 sàn giao dịch bất động sản

Từ nay đến hết ngày 15/11, các sàn giao dịch bất động sản như CBRE, Savills Việt Nam, Danh Khôi – DKS, Khải Hoàn, Phú Mỹ Hưng, An Gia Hưng, An Gia… nằm trong danh sách kiểm tra pháp lý thành lập, nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo do Sở Xây dựng TP.HCM triển khai.

Khải Hoàn Land là 1 trong 81 sàn bất động sản sẽ bị Sở Xây dựng TP.HCM kiểm tra.

Khải Hoàn Land là 1 trong 81 sàn bất động sản sẽ bị Sở Xây dựng TP.HCM kiểm tra.

Theo đó, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ tiến hành kiểm tra pháp lý thành lập, nghĩa vụ thực hiện chế độ báo cáo của các sàn giao dịch bất động sản, thành lập trong giai đoạn từ năm 2009 - 2017 trên địa bàn.

Mục đích của đợt kiểm tra nhằm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, tăng cường kiểm tra đối với hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn.

Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các sàn giao dịch bất động sản thực hiện nghiêm các quy định pháp luật. Sở Xây dựng TP.HCM sẽ đánh giá tình hình hoạt động, khó khăn, vướng mắc để phối hợp xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật, hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, quá trình kiểm tra để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Việc kiểm tra phải đảm bảo tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai và không làm ảnh hưởng hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

Đối tượng kiểm tra là 81 sàn giao dịch bất động sản được thành lập trong giai đoạn từ năm 2009 - 2017 trên địa bàn.

FLC mua lại gần 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Tập đoàn FLC đã mua lại 3 lô trái phiếu trước hạn với tổng giá trị hơn 980 tỷ, còn dư nợ trái phiếu gần 1.000 tỷ đồng.

FLC mua lại gần 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

FLC mua lại gần 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn

Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã mua lại toàn bộ 2 lô trái phiếu FLCH2023001 và FLCH2124002 cùng đáo hạn vào ngày 4/10/2024 lần lượt có giá trị 400 tỷ và 430 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, FLC cũng mua lại một phần lô trái phiếu FLCH2124003 khoảng 152,9 tỷ đồng. Lô trái phiếu này đáo hạn vào 28/12/2023 vẫn còn khối lượng đang lưu hành gần 1.000 tỷ đồng. Đây cũng là tổng dư nợ trái phiếu còn lại hiện tại của Tập đoàn FLC.

Sau khi các lãnh đạo cấp cao vướng vào lao lý, FLC đã mua lại trái phiếu trước hạn từ năm ngoái đến nay. Tại phiên họp bất thường hồi đầu năm, lãnh đạo FLC cho biết khi đó công ty đã mua lại được ba phần tư các lô trái phiếu phát hành từ năm 2020 và là một trong những doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu thấp nhất thị trường thời điểm đó.

Từ quý III năm ngoái đến nay, FLC vẫn chưa thể công bố thông tin các báo cáo tài chính. Trong lần giải trình gần nhất hồi tháng 9, công ty nói vẫn chưa đạt được sự đồng thuận với kiểm toán UHY về báo cáo riêng, báo cáo hợp nhất năm 2021.

Hoàng Anh Gia Lai lãi đậm quý III nhờ bán khách sạn

Quý III, Hoàng Anh Gia Lai lãi sau thuế 324 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 3 lần so với quý II, nhờ khoản thu 180 tỷ đồng từ bán khách sạn.

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại TP Pleiku

Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại TP Pleiku

Đây là thông tin nêu trong kết quả kinh doanh 9 tháng được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố trưa 18/10.

Trong báo cáo tài chính, HAG chỉ đề cập có thêm khoản thu khác từ việc thanh lý tài sản 180 tỷ đồng. Theo ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị, khoản thu này chính là từ thanh lý tài sản khách sạn Hoàng Anh Gia Lai.

Trước đó, trong tháng 9, HAG thông qua nghị quyết thanh lý tài sản không sinh lợi là công trình Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai tại số 1 Phù Đổng, TP Pleiku. Mục đích để doanh nghiệp thanh toán một phần nợ trái phiếu HAGL 2016 tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Toàn bộ tiền bán bất động sản trên sẽ được ưu tiên thanh toán nghĩa vụ trái phiếu này tại BIDV.

Lũy kế 9 tháng, công ty của bầu Đức đạt doanh thu thuần 679 tỷ đồng. Trong đó, ngành chăn nuôi chiếm 196 tỷ đồng; cây ăn trái là 375 tỷ đồng, ngành phụ trợ đạt 108 tỷ đồng. Còn lại là khoản thu từ việc thanh lý tài sản 180 tỷ đồng. Lãi sau thuế 9 tháng của công ty này khoảng 710 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022.

Trong quý III, công ty này cho biết sẽ chào bán riêng lẻ 130 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng, ước tính số tiền thu được 1.300 tỷ dùng trả nợ và bổ sung vốn cho công ty con.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của HAG là 21.342 tỷ đồng, tăng so với đầu kỳ. Tổng nợ công ty 15.954 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngân hàng chiếm gần 8.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu công ty đạt 5.388 tỷ đồng và đang lỗ lũy kế 2.947 tỷ đồng.

Tháo dỡ 5 tầng chung cư mini 200 căn hộ tại Hà Nội

Chủ chung cư mini 200 căn hộ My Home buộc phải tháo dỡ 5 tầng, trả lại nguyên trạng 3 tầng theo giấy phép xây dựng.

Tầng 9 chung cư mini My Home ngoài phần mái che còn bố trí một số căn hộ cho thuê

Tầng 9 chung cư mini My Home ngoài phần mái che còn bố trí một số căn hộ cho thuê

Ngày 18/10, hàng chục nhân công bắt đầu tháo dỡ phần mái và thiết bị tại khu vực tầng 9 của chung cư mini My Home tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất. Trước cổng, chính quyền xã treo biển "Công trình vi phạm trật tự xây dựng và phòng cháy chữa chữa đang xử lý".

Ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tân Xã cho biết, chủ đầu tư cam kết khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng theo giấy phép, thời hạn từ nay đến cuối năm. Theo giấy phép do UBND huyện Thạch Thất cấp tháng 4/2023, chung cư được xây 3 tầng một tum trên thửa đất hơn 700 m2. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã xây 8 tầng một tum, phần tum bố trí một số căn hộ.

Ông Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất xác nhận sau khi công trình bị đình chỉ hồi tháng 3, chủ đầu tư đã xin phép xây nhà ở riêng lẻ và được huyện cấp phép 3 tầng, một tum.

Đội trật tự xây dựng đô thị sau đó phát hiện công trình thi công không đúng giấy phép và lập biên bản yêu cầu phá dỡ phần vi phạm. Chủ đầu tư không chấp hành nên huyện ra quyết định cưỡng chế, thu hồi giấy phép xây dựng vào tháng 6.

"Công trình My Home hiện nay không phép, vi phạm quy hoạch, phòng cháy chữa cháy. Cho nên dứt khoát phải xử lý triệt để, làm gương cho các công trình khác", Chủ tịch huyện Thạch Thất nói.

Chung cư mini My Home gồm 9 tầng với gần 200 căn hộ. Tầng 1 được dùng để đỗ xe, soát vé bằng thẻ tự động. Tầng 2 giống siêu thị, bếp ăn và một số căn hộ. Từ tầng 3 đến tầng 8 là căn hộ cho thuê, tầng 9 là quán cà phê kèm một vài phòng ở.

Bến xe lớn nhất nước đề nghị thu hồi phù hiệu 70 nhà xe, có xe Thành Bưởi

70 doanh nghiệp vận tải không đưa phương tiện vào hoạt động tại bến xe Miền Đông mới bị đề nghị thu hồi phù hiệu tuyến cố định, trong đó có nhà xe Thành Bưởi.

Bến xe Miền Đông mới đề xuất thu hồi phù hiệu nhiều nhà xe bỏ bến.

Bến xe Miền Đông mới đề xuất thu hồi phù hiệu nhiều nhà xe bỏ bến.

Bến xe Miền Đông mới (thành phố Thủ Đức) vừa có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị thu hồi phù hiệu, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến của các đơn vị vận tải không hoạt động tại bến xe này.

Theo bến xe Miền Đông mới, thời gian qua, nhiều đơn vị vận tải đã không đưa phương tiện vào bến này hoạt động mà chuyển sang các bến xe liên tỉnh khác hoặc chuyển sang hình thức xe hợp đồng để tổ chức đón, trả khách không đúng nơi quy định tại khu vực trung tâm, các bãi xe, dọc các quốc lộ, cây xăng,…

Do đó, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp, bến xe Miền Đông mới kiến nghị Sở GTVT TP.HCM phối hợp Sở GTVT các tỉnh, thành thu hồi phù hiệu tuyến cố định và thu hồi chấp thuận khai thác tuyến và các chuyến xe (giờ xuất bến) đối với các đơn vị vận tải không hoạt động tại bến xe.

Trong danh sách đề nghị thu hồi có hơn 70 doanh nghiệp vận tải không đưa xe vào hoạt động tại bến xe Miền Đông, có nhiều nhà xe lớn như Thành Bưởi, Hoàng Long, Phượng Hoàng, Liên Hưng, Tuấn Tú, Hùng Dũng, Cúc Tư, Hoa Mai, Kumho Samco Buslines...

Bến xe Miền Đông mới có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn một khoảng 740 tỷ đồng. Đây là bến xe lớn nhất nước, có thể phục vụ hơn 7 triệu lượt khách mỗi năm.

Tuy nhiên, từ khi đưa vào khai thác vào tháng 10/2020, số chuyến hoạt động tại bến xe Miền Đông mới chỉ đạt gần 3% công suất hoạt động đã được Sở GTVT TP.HCM công bố.

Việc xe dù, bến cóc lộng hành là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vắng khách tại bến xe này.

Chuyên đề