Bản tin thời sự sáng 18/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là báo cáo Trung ương xem xét lùi thời điểm cải cách tiền lương; thần tốc lấy mẫu xét nghiệm ở TP.HCM tới 30/9; cựu Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa bị bắt; tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội sẵn sàng vận hành; Việt Nam nhập siêu gần 39 tỷ USD từ Trung Quốc; tinh giản chương trình THCS và THPT năm học 2021 - 2022…

Báo cáo Trung ương xem xét lùi thời điểm cải cách tiền lương

Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét cho chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới.

Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét lùi thời điểm cải cách tiền lương

Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét lùi thời điểm cải cách tiền lương

Sáng 17/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để nghe báo cáo và cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán năm 2022; kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024 và thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, Bộ Chính trị nhất trí chủ trương báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội xem xét cho chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương mới theo Nghị quyết số 27, ngày 21/5/2018 của Trung ương khoá XII. Tờ trình về việc này sẽ được hoàn thiện để báo cáo hội nghị Trung ương lần thứ 4 tới đây.

Trước đó, tháng 5/2018, Hội nghị Trung ương 7 (khoá XII) đã thông qua nghị quyết cải cách chính sách tiền lương. Chính phủ sau đó ấn định thời gian bắt đầu cải cách từ 1/7/2021. Mục tiêu đề ra là, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang; trong đó tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp...

Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa XII), diễn ra từ ngày 5 đến 9/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương đã tán thành với kiến nghị của Ban cán sự đảng Chính phủ về việc lùi thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới, chậm một năm so với mục tiêu ban đầu, tức là từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/7/2021.

Thần tốc lấy mẫu xét nghiệm ở TP.HCM tới 30/9

Các "vùng đỏ, cam" sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp hoặc RT-PCR mẫu gộp.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho shipper tại quận Gò Vấp

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho shipper tại quận Gò Vấp

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong văn bản tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến ngày 30/9 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu vừa gửi các quận, huyện.

Theo đó, để phát hiện các ca mắc mới trong cộng đồng, đồng thời thực hiện lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới, Ban chỉ đạo đề nghị các đơn vị thần tốc lấy mẫu xét nghiệm liên tục, cách ly ngay nguồn lây và điều trị kịp thời theo các kế hoạch trước đó. Căn cứ kết quả đánh giá, Thành phố sẽ phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9 để thực hiện lấy mẫu.

Cụ thể, tại các vùng đỏ và cam (nguy cơ rất cao và cao) sẽ lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày theo hộ gia đình với phương pháp test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong một hộ test một mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh.

Tại các vùng vàng (nguy cơ), vùng xanh và cận xanh (ít nguy cơ), làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, vùng cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng.

Hộ có từ 5 nhân khẩu trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn cho toàn bộ thành viên của các hộ gia đình trong mẫu gộp; tần suất lặp lại 5-7 ngày một lần.

Thành phố khuyến khích người dân tự lấy mẫu; có sự tham gia của tổ dân phố hoặc tổ nhân dân, ban điều hành khu phố, ấp...

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa bị bắt

Cựu Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa Lê Tấn Dẽ bị bắt với cáo buộc sai phạm khi giao đất trên núi Chín Khúc cho doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách.

Ông Lê Văn Dẽ lúc còn đương nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng

Ông Lê Văn Dẽ lúc còn đương nhiệm Giám đốc Sở Xây dựng

Chiều 17/9, ông Dẽ bị Công an tỉnh Khánh Hòa tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 Bộ luật Hình sự.

Cảnh sát cũng thực hiện lệnh khám xét nhà của bị can trong hẻm đường Dã Tượng, TP. Nha Trang, thu giữ tài liệu liên quan vụ án.

Động thái này được đưa ra sau khi Công an Khánh Hòa khởi tố vụ án, làm rõ sai phạm của ông Dẽ liên quan đến Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung và Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự thuộc khu vực núi Chín Khúc.

Theo điều tra, Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư, xuất phát từ dự án trồng rừng cảnh quan môi trường và du lịch sinh thái Vĩnh Trung, được UBND tỉnh cấp giấy phép năm 2008.

Sau đó, đổi tên Dự án thành Khu biệt thự và du lịch sinh Thái Vĩnh Trung, được thực hiện Dự án tại tiểu khu rừng 573 núi Chín Khúc với diện tích 29 ha.

Đến tháng 7/2018, UBND Tỉnh tiếp tục ký quyết định chủ trương đầu tư Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung có chức năng nhà ở, dịch vụ thương mại rộng hơn 19,6 ha. Trong đó, 6,5 ha đất ở; gần 3,9 ha đất dịch vụ thương mại.

Qua các lần kiểm tra, Bộ Xây dựng xác định dự án này chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng doanh nghiệp đã san nền, thực hiện các hạng mục hạ tầng... sai quy định.

Dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự tiền thân là Dự án Khu biệt thự và sinh thái Đất Lành do Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Năm 2009, tỉnh Khánh Hòa có chủ trương giao hơn 513 ha đất lâm nghiệp thuộc khu vực núi Chín Khúc cho doanh nghiệp này làm khu kinh tế trang trại, mục tiêu trồng rừng và khoanh nuôi tái sinh rừng. Đồng thời, tỉnh điều chỉnh hơn 3,5 ha đất thương mại dịch vụ lên thành 5,3 ha đất làm công trình tâm linh, tượng phật trên núi.

Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội sẵn sàng vận hành

Đoàn tàu cuối cùng dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội đã được vận chuyển về Việt Nam chiều ngày 17/9. Như vậy sau hơn 1 năm vận chuyển lần lượt các đoàn tàu từ Pháp về Việt Nam, hiện Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội đã hoàn thành vận chuyển tất cả 10 đoàn tàu về Dự án, chuẩn bị cho việc vận hành.

Đoàn tàu cuối cùng của Dự án Đường sắt đô thị (tuyến số 3) Nhổn - Ga Hà Nội đã cập cảng Hải Phòng (Việt Nam)

Đoàn tàu cuối cùng của Dự án Đường sắt đô thị (tuyến số 3) Nhổn - Ga Hà Nội đã cập cảng Hải Phòng (Việt Nam)

Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) Lê Trung Hiếu cho biết, đoàn tàu cuối cùng của Dự án đã cập cảng Hải Phòng (Việt Nam). Sau khi làm các thủ tục để vận chuyển lên bờ, đoàn tàu sẽ đươc vận chuyển bằng đường bộ về Dự án tại Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo ông Hiếu, Dự án Đường sắt đô thị (tuyến số 3) Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu theo tiêu chuẩn châu Âu, được nhà sản xuất Alstom Cộng hòa Pháp đảm nhiệm.

Khi đi vào vận hành chính thức, tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sẽ vận hành liên tục 8 đoàn tàu, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.

Đoàn tàu có khả năng chuyên chở 944 – 1.124 người/lượt, với mật độ khoảng từ 6.6 - 8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/h, tốc độ thiết kế 80km/h. Các đoàn tàu vận hành liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn (1435 mm).

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3), dài 12,5 km. Toàn tuyến có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - Ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án có tiến độ khai thác thương mại đoạn trên cao dài 8.5 km vào cuối năm 2021; 4 km đoạn đi ngầm từ khách sạn khách sạn Daewoo về ga Hà Nội có tiến độ khai thác thương mại vào cuối năm 2022.

Việt Nam nhập siêu gần 39 tỷ USD từ Trung Quốc

8 tháng đầu năm, Việt Nam tiếp tục nhập siêu từ thị trường Trung Quốc với gần 39 tỷ USD, tăng xấp xỉ 3,8 tỷ USD so với cả năm 2020.

Việt Nam nhập siêu gần 39 tỷ USD từ Trung Quốc

Việt Nam nhập siêu gần 39 tỷ USD từ Trung Quốc

Theo dữ liệu xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 33,5 tỷ USD trong 8 tháng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ 2020 và chiếm xấp xỉ 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Điện thoại - linh kiện, máy móc và thiết bị phụ tùng là các nhóm mặt hàng ghi nhận xuất khẩu tăng đột biến sang thị trường Trung Quốc, lần lượt tăng 65% và 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều nhập khẩu, 8 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập hàng hoá, nguyên liệu lớn nhất của Việt Nam, với 72,5 tỷ USD, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn gấp đôi so với 4 tháng đầu năm (33,5 tỷ USD).

Các nhóm hàng nhập khẩu tăng trưởng mạnh từ thị trường này, gồm chất dẻo nguyên liệu (tăng 103%) với gần 1,7 tỷ USD; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 16,73 tỷ USD, tăng 71%. Điện thoại và linh kiện đạt 5,83 tỷ USD, tăng 62%. Nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày tăng 35% với kim ngạch 9,2 tỷ USD...

Tính chung 8 tháng, Việt Nam đang nhập siêu gần 39 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. Con số này tăng hơn 2 lần so với 4 tháng đầu năm và tăng hơn 3,8 tỷ USD so với cả năm 2020.

Tinh giản chương trình THCS và THPT năm học 2021 - 2022

Nội dung chương trình từ lớp 6 đến 12 được tích hợp, tinh giản để phù hợp với việc dạy học trong bối cảnh Covid-19 phức tạp.

Tinh giản chương trình THCS và THPT năm học 2021-2022 để phù hợp với việc dạy học trong bối cảnh Covid-19

Tinh giản chương trình THCS và THPT năm học 2021-2022 để phù hợp với việc dạy học trong bối cảnh Covid-19

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT năm học 2021 - 2022. Nguyên tắc là giữ lại yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn/lớp học, không bắt buộc học sinh thực hiện nội dung học tập nâng cao, trùng lặp giữa các môn hay đã quá cũ so với kiến thức khoa học hiện đại.

Một số nội dung được tích hợp theo chủ đề để tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đảm bảo tính logic, phù hợp dạy học trực tuyến và trên truyền hình.

Với lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), nhà trường sẽ tổ chức dạy học nội dung thuận lợi cho học sinh khai thác, sử dụng sách giáo khoa và học liệu dạy học trực tuyến. Với những phần yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm, nhà trường tổ chức lựa chọn, sử dụng học liệu dạy học trực tuyến để dạy hoặc hướng dẫn học sinh tự thực hiện ở nhà.

Đối với lớp 7 đến 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn dạy học theo mức độ cần đạt của chương trình năm 2006 và điều chỉnh nội dung các môn, nêu rõ những phần giáo viên cần làm, học sinh tự học, tự đọc, tự thực hiện.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ, các trường xây dựng kế hoạch giáo dục linh hoạt để ứng phó với Covid-19 tại địa phương. Bộ cũng yêu cầu nhà trường không được kiểm tra, đánh giá định kỳ nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn điều chỉnh chương trình cấp tiểu học để ứng phó với dịch bệnh.

Sắp bỏ quy định buộc sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán

Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất sàn thương mại điện tử không bắt buộc phải khấu trừ thuế trên doanh thu người bán.

Sắp bỏ quy định buộc sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán

Sắp bỏ quy định buộc sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán

Đây là một trong những nội dung mới tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Theo đó, chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử chỉ phải khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh nếu được người bán uỷ quyền theo quy định của pháp luật dân sự. Tức là sàn thương mại điện tử sẽ không phải chịu trách nhiệm khấu trừ thuế trực tiếp trên doanh thu người bán như quy định tại Thông tư 40.

Như vậy, sau hơn một tháng có hiệu lực thi hành (từ 1/8), một số nội dung tại Thông tư này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nên Bộ Tài Chính cho biết cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để tạo thuận lợi cho người nộp thuế và các đối tượng liên quan.

Trước đó, khi Thông tư 40 ban hành, các sàn thương mại điện tử đã đề nghị cơ quan thuế xem xét bỏ quy định này do lo ngại việc kê khai, nộp hộ thuế thay cho cá nhân kinh doanh tạo gánh nặng chi phí, nhân sự...

Tuy nhiên, theo dự thảo lần này, sàn thương mại điện tử vẫn phải có giải pháp, lộ trình cung cấp thông tin theo hình thức điện tử cho cơ quan thuế. Nếu không khai, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh theo uỷ quyền, các sàn vẫn phải cung cấp thông tin người bán bao gồm họ tên, số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân/hộ chiếu, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, doanh thu bán qua sàn và số tài khoản ngân hàng.

Quảng Ngãi yêu cầu người dân không ra vào thành phố từ 18h ngày 17/9

Từ 18h ngày 17/9, TP. Quảng Ngãi lập 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ không cho người không cần thiết ra vào trong 12 ngày, sau khi ca nhiễm tăng cao.

Lực lượng dân quân tự vệ kiểm tra giấy đi đường của người dân ở cầu Trà Khúc, TP Quảng Ngãi

Lực lượng dân quân tự vệ kiểm tra giấy đi đường của người dân ở cầu Trà Khúc, TP Quảng Ngãi

Biện pháp này được áp dụng khi TP. Quảng Ngãi ghi nhận 312 ca nhiễm trong tổng số 1.063 ca mắc Covid-19 của Tỉnh, trở thành địa phương có số ca nhiễm cao nhất trong Tỉnh.

Theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ nay đến 28/9, các chốt sẽ quản lý, kiểm soát người và xe, không để những trường hợp không cần thiết ra vào 9 phường nội thành. Các chốt cũ trong nội thành sẽ dừng để tập trung lực lượng cho 22 chốt.

Cụ thể, TP. Quảng Ngãi sẽ có 11 chốt "mềm" là các tổ kiểm soát và 11 chốt cứng để cắt đường, rào chắn, ngăn xe qua lại.

Người dân, cán bộ trú ở Thành phố nếu làm việc ở các huyện, thị khác trong tỉnh phải ở lại nơi làm việc đến khi hết thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16.

Ngược lại, người từ huyện, thị khác không đến TP. Quảng Ngãi khi không cần thiết. Nếu có lý do chính đáng thì phải có giấy tờ chứng minh, giấy đi đường, giấy tờ tùy thân và cam kết "một cung đường, hai điểm đi đến".

Các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, doanh nghiệp... ngoài Thành phố phải bố trí "3 tại chỗ" cho lao động có nhà, nơi ở trong TP Quảng Ngãi. Trường hợp bất khả kháng phải về Thành phố, người lao động cần có giấy đi đường.

Chính quyền Thành phố sẽ lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện bố trí 30-50% số người tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong nội thành (trừ các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội). Các công trình xây dựng không thực hiện đảm bảo "3 tại chỗ" sẽ bị lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động.

Chuyên đề