Bản tin thời sự sáng 18/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá vé máy bay nội địa tháng 7 chưa hạ nhiệt; Hội An vào top 25 thành phố tốt nhất thế giới 2022; Gia Lai tạm dừng mua điện của hơn 400 hệ thống điện mặt trời; xem xét cấm bay hành khách vi phạm an toàn hàng không; Công an TP.HCM đột kích nhiều lò độ xe…

Giá vé máy bay nội địa tháng 7 chưa hạ nhiệt

Giá vé khứ hồi một số chặng nội địa từ nay đến cuối tháng 7 như Hà Nội - TP.HCM còn cao hơn cả dịp Tết âm lịch.

Các quầy làm thủ tục tại nhà ga nội địa sân bay Nội Bài kín khách

Các quầy làm thủ tục tại nhà ga nội địa sân bay Nội Bài kín khách

Giá khứ hồi vé chặng Hà Nội - TP.HCM hạng phổ thông đang từ 3,4 triệu đồng đến hơn 6,2 triệu đồng. Trong đó, mức thấp nhất là của các hãng Vietjet, Pacific Airlines, Vietravel Airlines.

Tuy nhiên, mức giá này thường là những chuyến bay sáng sớm và đêm muộn. Vé của Vietjet và Vietravel Airlines cũng chưa có hành lý ký gửi, chỉ có 7 kg hành lý xách tay. Còn mức cao nhất của hành trình này là của Vietnam Airlines lên tới hơn 6,2 triệu đồng.

Các mức trên đã cao hơn cả giá vé khứ hồi chặng TP.HCM - Hà Nội dịp Tết đầu năm nay. Khi đó, giá vé đường bay này chỉ 2,5 - 2,8 triệu đồng của Vietjet, Vietravel Airlines. Vé của Bamboo Airways, Vietnam Airlines thấp nhất từ 3,5 triệu và 4 triệu đồng.

Đang trong cao điểm hè nên không chỉ chặng Hà Nội - TP.HCM, giá vé nhiều hành trình tới các địa điểm du lịch, thành phố biển cũng cao ngất ngưởng. Giá phổ thông khứ hồi chặng Hà Nội - Nha Trang hai tuần cuối tháng 7 từ 3 triệu đến hơn 6,7 triệu đồng.

Chặng Hà Nội - Quy Nhơn giá cũng từ 2,7 - 5 triệu đồng. Thậm chí giá vé bay thẳng khứ hồi chặng Hà Nội - Côn Đảo vào tuần cuối tháng 7 cao nhất đã lên đến hơn 10 triệu đồng. Vé chặng này thông thường cũng rất đắt, nhưng bình quân chỉ khoảng 6 - 7 triệu đồng. Sang đến tháng 8, giá vé máy bay các chặng nội địa mới bắt đầu mềm hơn khi một số chặng giảm vài trăm nghìn đến hơn một triệu đồng.

Đại diện Vietravel Airlines lý giải, không hề mong muốn nhưng vẫn phải tăng giá vé để cân đối, bù đắp chi phí chuyến bay. Hè được xem là giai đoạn tích luỹ cho các mùa thấp điểm đi lại từ cuối tháng 8 đến hết tháng 11. Do vậy, đây là bài toán về quản trị doanh thu và đảm bảo hoạt động các hãng được bền vững.

Hội An vào top 25 thành phố tốt nhất thế giới 2022

Hội An là đại diện duy nhất của Việt Nam, đứng thứ 20 trong danh sách 25 thành phố được du khách bình chọn nhiều nhất.

Hội An lọt top 25 thành phố tốt nhất thế giới.

Hội An lọt top 25 thành phố tốt nhất thế giới.

Tạp chí du lịch nổi tiếng Travel & Leisure của Mỹ vừa công bố 25 thành phố tốt nhất thế giới 2022. Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ giải thưởng World's Best Awards, diễn ra thường niên, dựa trên bình chọn của hàng trăm nghìn độc giả là khách du lịch khắp thế giới.

Hội An, thuộc tỉnh Quảng Nam, đứng thứ 20 trong danh sách. Năm 2019, Travel & Leisure bình chọn nơi đây là điểm đến tốt nhất thế giới.

Các nơi còn lại trong danh sách năm nay, theo thứ tự gồm: Oaxaca (Mexico), San Miguel de Allende (Mexico), Ubud (Bali, Indonesia), Florence (Italy), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Mexico City (Mexico), Chiang Mai (Thái Lan), Jaipur (Ấn Độ), Osaka (Nhật Bản), Udaipur (Ấn Độ), Seville (Tây Ban Nha), Mérida (Venezuela), Tokyo và Kyoto (Nhật Bản), Siem Reap (Campuchia), Seoul (Hàn Quốc), Bodrum, Rome Italy), Muscat (Oman), Cuzco (Peru), Cape Town (Nam Phi), Charleston (Mỹ), Bangkok (Thái Lan) và Ljubljana (Slovenia).

25 thành phố tốt nhất được xác định dựa trên các tiêu chí: khách sạn, nhà hàng được xếp hạng Michelin, di sản văn hóa phong phú, điểm tham quan hấp dẫn, sự thân thiện, ẩm thực cũng như cách phòng chống Covid-19... Các phiếu bình chọn sau khi được kiểm đếm sẽ tổng kết lại, cho ra danh sách các điểm đến tốt nhất thế giới.

World's Best Awards diễn ra thường niên với mục đích đưa ra các gợi ý nhằm giúp du khách có thêm các lựa chọn mới cho các chuyến đi.

Gia Lai tạm dừng mua điện của hơn 400 hệ thống điện mặt trời

Ngày 17/7, Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị này đang phối hợp cùng các sở ngành, chủ đầu tư dự án khắc phục các vi phạm, tồn tại tại nhiều dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn.

Một dự án điện mặt trời ở tỉnh Gia Lai

Một dự án điện mặt trời ở tỉnh Gia Lai

Trước đó, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở NNPTNT, UBND các huyện, thị xã ở Gia Lai đã tổ chức đi kiểm tra hơn 400 dự án điện mặt trời trên địa bàn, phát hiện có nhiều vi phạm.

Các vi phạm, tồn tại chủ yếu như: chưa triển khai có hoạt động kinh tế trang trại, nhiều hồ sơ chất lượng chưa đảm bảo, kết cấu công trình yếu, chưa có hệ thống phòng cháy chữa cháy…

Từ tháng 5/2022, Điện lực Gia Lai đã tạm ngưng thanh toán tiền mua điện đối với 414 hệ thống ĐMTMN dù đã đấu nối lên lưới điện. Nguyên nhân là do các dự án này còn nhiều thiếu sót.

Điện lực Gia Lai là đơn vị thỏa thuận, ký hợp đồng mua bán điện với các chủ đầu tư và tổ chức nghiệm thu, đóng điện đưa vào sử dụng.

Điện lực Gia Lai cho rằng, khắc phục các tồn tại, thiếu sót của dự án điện là trách nhiệm của chủ đầu tư hệ thống ĐMTMN. Các sở, ngành cũng có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư triển khai khắc phục những tồn tại.

Khi được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận dự án điện đủ điều kiện hoạt động thì Điện lực Gia Lai sẽ tiếp tục thanh toán ngay tiền mua điện.

Thực tế, nhiều chủ đầu tư đã làm mô hình trang trại nông nghiệp theo hình thức đối phó, không hiệu quả. Vì dưới hệ thống ĐMTMN rất nóng, khó có loại cây gì phát triển được…

Trước sự việc trên, UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo các sở, ngành hỗ trợ, phối hợp giúp các chủ đầu tư ĐMTMN khắc phục còn tồn tại để đi vào vận hành, hoạt động.

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 3.247 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất hơn 600 MWp. Trung bình 1MWp tiêu thụ, doanh nghiệp thu về 220-240 triệu đồng/tháng.

Xem xét cấm bay hành khách vi phạm an toàn hàng không

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị lập danh sách hành khách gây rối, vi phạm an toàn, an ninh hàng không để xem xét cấm bay.

Một cô gái quay clip tại sân đỗ khi máy bay di chuyển tại sân bay Phú Quốc

Một cô gái quay clip tại sân đỗ khi máy bay di chuyển tại sân bay Phú Quốc

Nội dung được nêu trong Chỉ thị về giám sát an toàn, an ninh hàng không, đặc biệt trong thời gian cao điểm đi lại mùa hè, vừa được Cục Hàng không Việt Nam ban hành. Cục trưởng Đinh Việt Thắng cũng yêu cầu đơn vị quản lý sân bay phát hiện hành khách cố ý không chấp hành quy định an toàn hàng không, báo cáo Cảng vụ xử lý nghiêm.

Các cảng hàng không được giao giám sát an toàn tại khu vực sân bay, nơi có mật độ máy bay hoạt động cao và khu vực hạn chế, để kịp thời ngăn ngừa, khuyến cáo hành khách vô ý thực hiện hành vi có nguy cơ mất an ninh, an toàn. Các tổ bay và nhân viên phục vụ cần hướng dẫn hành khách theo Bảng hướng dẫn an toàn trên tàu bay; phát hiện người chưa tuân thủ để nhắc nhở.

Chỉ đạo của Cục Hàng không được đưa ra trong bối cảnh hành khách liên tiếp vi phạm quy định về an toàn hàng không tại một số sân bay. Đơn cử như hành khách cài điện thoại trên cửa sổ máy bay gây nguy cơ cháy nổ; một cô gái áo đen nhún nhảy quay Tiktok khi máy bay đang di chuyển tại sân bay Phú Quốc hồi tháng 6... gây lo ngại về an toàn hàng không.

Công an TP.HCM đột kích nhiều lò độ xe

Kiểm tra hàng loạt lò độ xe ở TP.HCM, cảnh sát lập biên bản tạm giữ nhiều xe máy được thay đổi kết cấu.

Cảnh sát kiểm tra một xe máy đang được độ chế

Cảnh sát kiểm tra một xe máy đang được độ chế

Ngày 17/7, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM cho biết, đơn vị đã phối hợp cùng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt đột kích nhiều lò độ xe.

Lực lượng chức năng đã “đột kích” các tiệm sửa xe, lò “độ xe” ở các Quận 1, 10, 11, 12, Tân Phú, Gò Vấp và TP. Thủ Đức.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều xe máy được thay đổi kết cấu, linh kiện, phụ tùng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Chủ các cơ sở cho cho biết linh kiện và phụ tùng để độ xe được nhập từ nước ngoài về Việt Nam.

Sau khi kiểm tra, cảnh sát đã lập biên bản tạm giữ nhiều xe độ và bàn giao cho công an địa phương xử lý.

Bắt giữ tàu cá vận chuyển 90.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc tại Bà Rịa-Vũng Tàu

Thuyền trưởng tàu cá TG 93798 TS vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO nhưng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Lực lượng chức năng kiểm tra khoang chở dầu của tàu cá

Lực lượng chức năng kiểm tra khoang chở dầu của tàu cá

Ngày 17/7, lực lượng chức năng thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa tàu cá TG 93798 TS vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc về đến cảng của Hải đội 301 tại TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 phát hiện tàu cá TG 93798 TS do ông Trần Công Quang (ngụ Tiền Giang) làm thuyền trưởng, có dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Tại thời điểm kiểm tra trên tàu cá có 4 người đang vận chuyển khoảng 90.000 lít dầu DO, nhưng thuyền trưởng không chứng minh nguồn gốc của hàng hóa.

Lực lượng chức năng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã lập biên bản vi phạm hành chính, đưa tàu cá cùng những người liên quan về Vũng Tàu tiếp tục điều tra, làm rõ nguồn gốc số dầu DO trên.

Chuyên đề