Bản tin thời sự sáng 18/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành sở hữu chung cư có thời hạn; doanh nghiệp nhập khẩu ô tô xin giảm 50% lệ phí trước bạ; Hà Nội rào tôn quanh chung cư cũ Thành Công nguy hiểm cấp độ D; Đà Nẵng vào top 10 sân bay cải tiến nhất thế giới; Công an kiểm tra 13 chi nhánh F88 tại Tiền Giang…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành sở hữu chung cư có thời hạn

Chính phủ muốn quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý vì cho rằng can thiệp quyền sở hữu tài sản của người dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Chiều 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 21, thảo luận và cho ý kiến Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa uỷ quyền của Thủ tướng, đọc tờ trình cho biết một trong những đề xuất của Chính phủ khi sửa Luật Nhà ở là quy định sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

Theo đó, niên hạn nhà chung cư được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời gian sử dụng thực tế do cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ra kết luận. Chủ sở hữu sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu khi nhà chung cư thuộc diện bị phá dỡ. Họ được tiếp tục sử dụng phần diện tích đất có nhà chung cư, nhưng phải nộp kinh phí xây dựng khu mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trong phát biểu kết luận cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng cần có quy định cụ thể việc Nhà nước có quyền quyết định, trách nhiệm di dời, phá dỡ, cải tạo chung cư không an toàn.

Sau kết luận này, theo quy định, Chính phủ vẫn có quyền trình Quốc hội phương án của mình. Trường hợp Chính phủ có quan điểm riêng, ông Định nói, có thể trình hai phương án (phương án của Chính phủ và phương án theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), trong đó nêu rõ ưu, nhược điểm để các đại biểu Quốc hội thảo luận, lựa chọn.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến thường trực cơ quan thẩm tra cũng tán thành việc không quy định thời hạn sở hữu chung cư. Bởi việc này tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Dự kiến Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp vào tháng 5.

Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô xin giảm 50% lệ phí trước bạ

12 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô vừa kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với xe nhập khẩu, tương tự đề xuất áp dụng với xe sản xuất trong nước.

Trong tháng đầu năm 2023, lượng ô tô nhập nguyên chiếc tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, lên hơn 12.800 xe

Trong tháng đầu năm 2023, lượng ô tô nhập nguyên chiếc tăng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, lên hơn 12.800 xe

Hiệp hội Các nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam (VIVA) gồm 12 doanh nghiệp thành viên vừa gửi kiến nghị này đến Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Trước đó, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Tài chính, Bộ Công Thương nghiên cứu ưu đãi phí trước bạ với ô tô lắp ráp trong nước sau kiến nghị của các hiệp hội, địa phương. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh thị trường xe ảm đạm, doanh số sụt giảm mạnh.

Theo VIVA, các doanh nghiệp ngành này đang phải gồng mình đối phó với lượng hàng tồn kho cao do sức mua trên thị trường giảm đột ngột. Cùng với đó, hoạt động đăng kiểm 2 tháng gần đây khó khăn khiến lượng tồn kho càng tăng lên, gây áp lực tài chính lớn với doanh nghiệp.

Với các hãng xe nhập khẩu, tình trạng này còn nghiêm trọng hơn so với các hãng xe lắp ráp trong nước. Trong tháng đầu năm nay, lượng xe nhập nguyên chiếc tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2022 lên hơn 12.800 xe. 3 tháng cuối năm ngoái, số lượng xe nhập về Việt Nam cũng tăng gấp 3.

Vì vậy, đại diện 12 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho rằng, cơ quan quản lý cần có giải pháp hỗ trợ công bằng giữa hai loại xe nhập và lắp ráp trong nước. VIVA cho biết, ủng hộ giảm 50% lệ phí trước bạ, nhưng chỉ trong trường hợp cùng giảm cho cả hai loại xe.

Ô tô sản xuất trong nước đã hai lần được giảm 50% lệ phí trước bạ trong ba năm gần đây, còn xe nhập khẩu không được hưởng chính sách này. VIVA cho rằng có sự phân biệt ưu đãi quốc gia, vi phạm điều III.4 của Hiệp định chung về thuế quan thương mại (GATT) mà Việt Nam đã ký kết.

Hà Nội rào tôn quanh chung cư cũ Thành Công nguy hiểm cấp độ D

Khu chung cư cũ G6A Thành Công được đánh giá nguy hiểm cấp độ D. Mới đây, chính quyền đã rào tôn để đảm bảo an toàn, vẫn còn 21 hộ chưa chịu di dời.

Các lực lượng chức năng quây tôn khu vực nhà G6A Thành Công để đảm bảo an toàn

Các lực lượng chức năng quây tôn khu vực nhà G6A Thành Công để đảm bảo an toàn

Mới đây, UBND phường Thành Công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình (Hà Nội) đã tổ chức thi công rào tôn tại tầng 1 đơn nguyên 1 và 2 nhà G6A tập thể Thành Công.

Theo UBND phường Thành Công, nhà G6A đã được cấp có thẩm quyền kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng, xác định nguy hiểm mức D tại nhà đơn nguyên 1 và 2; khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường; nhà đã xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể.

UBND phường Thành Công đề nghị các hộ dân tại đơn nguyên 1 và 2 chủ động tự tháo dỡ các phần cơi nới trái phép làm ảnh hưởng tới kết cấu công trình và giảm bớt việc chất tải tại khu vực cơi nới.

Đồng thời yêu cầu 21 hộ dân nghiêm túc thực hiện việc di dời người và tài sản ra khỏi nhà; phối hợp, tạo điều kiện để đơn vị thi công thực hiện các biện pháp rào tôn và lắp biển cảnh báo tại tầng 1 nhà G6A.

Thời gian tới, UBND quận Ba Đình và phường Thành Công sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi nhà chung cư đã xuống cấp này.

Theo kế hoạch xây dựng, cải tạo nhà chung cư cũ đợt một năm 2021 của TP. Hà Nội, G6A Thành Công là một trong 6 chung cư nguy hiểm cấp độ D phải phá dỡ xây dựng lại. Thành phố giao quận Ba Đình hoàn thành việc di dời người dân ra khỏi chung cư cấp D trong quý I/2022, nhưng đến nay chưa hoàn thành.

Đà Nẵng vào top 10 sân bay cải tiến nhất thế giới

Đà Nẵng được vinh danh trong top của hai hạng mục Sân bay cải tiến nhất thế giới và Sân bay khu vực tốt nhất châu Á năm 2023.

Hành khách làm thủ tục ở sân bay Đà Nẵng

Hành khách làm thủ tục ở sân bay Đà Nẵng

Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Việt Nam được vinh danh tại The World's Best Airports of 2023 của Skytrax, tổ chức xếp hạng vận tải hàng không quốc tế. Hai hạng mục mà Đà Nẵng được nhắc đến là Sân bay cải tiến nhất thế giới (hạng 3) và Sân bay khu vực tốt nhất ở châu Á (hạng 10).

Các sân bay được đánh giá có mức độ cải tiến tốt nhất năm qua còn có: Shenzhen (Trung Quốc), New York LGA (Mỹ), Sofia (Bulgaria), Sapporo (Nhật Bản), San Jose Juan Santamaria (Costa Rica), Calgary (Canada), Porto (Bồ Đào Nha), Rome Fiumicino (Italy), Baltimore-Washington (Mỹ).

Hạng mục Sân bay khu vực tốt nhất châu Á dành cho những nơi chủ yếu phục vụ chặng nội địa, trong khu vực. Đây cũng là nơi có thể đáp ứng số lượng nhỏ các chuyến xuyên lục địa nhưng trọng tâm chính vẫn là tuyến ngắn.

Những cái tên trong top có Centrair Nagoya (Nhật Bản), Haikou Meilan (Trung Quốc), Fukuoka (Nhật Bản), Hyderabad và Bangalore (Ấn Độ), Xi'an (Trung Quốc), Seoul Gimpo (Hàn Quốc), Changsha (Trung Quốc) và Sapporo (Nhật Bản).

Giải thưởng thường niên của Skytrax nhằm vinh danh các hãng, sân bay, dịch vụ đi kèm. Cuộc khảo sát và giải thưởng được công bố độc lập, không phụ thuộc vào sự kiểm soát, tác động của bất kỳ sân bay, hãng hàng không nào. Lễ trao giải Skytrax, được ví như Oscar của ngành hàng không, năm nay diễn ra vào tháng 6 tại Paris, Pháp.

Công an kiểm tra 13 chi nhánh F88 tại Tiền Giang

13 chi nhánh F88 bị kiểm tra do nghi có dấu hiệu cho vay cao hơn mức lãi suất cho phép, kê khai không trung thực, cắt ghép ảnh người vay vào nội dung "lừa đảo, giật nợ".

Cảnh sát kiểm tra hành chính chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 tại Tiền Giang

Cảnh sát kiểm tra hành chính chi nhánh của Công ty CP Kinh doanh F88 tại Tiền Giang

Ngày 17/3, Công an tỉnh Tiền Giang đồng loạt kiểm tra chi nhánh chính của Công ty CP Kinh doanh F88 trên đường Lê Thị Hồng Gấm, TP. Mỹ Tho, và 12 điểm kinh doanh khác tại thị xã Gò Công, Cai Lậy và các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây, Gò Công Đông.

Tại những chi nhánh này, gần 3.700 hồ sơ vay đã được giải ngân với số tiền trên 42,5 tỷ đồng. Nhà chức trách thu nhiều hồ sơ, hình ảnh người vay tiền chưa trả bị cắt ghép với các nội dung truy tìm người lừa đảo, giật nợ, thông tin truy tìm đối tượng lừa đảo.

Theo Công an tỉnh Tiền Giang, đa số người đứng đầu các địa điểm kinh doanh đều được Công ty thuê mướn đứng tên pháp nhân, không liên quan hoạt động của Công ty. Trưởng phòng quản lý trực tiếp tại các điểm kinh doanh nhận ủy quyền để điều hành hoạt động cho vay, cầm cố tài sản. Các chi nhánh cũng cho vay, cầm cố tài sản với mức lãi suất phải trả 7,5%/tháng, nhưng đối phó với cơ quan chức năng bằng cách chia thành các mức lãi suất nhỏ và đề ra nhiều loại thuế, phí khác.

Cảnh sát cũng phát hiện nhiều hợp đồng cho vay cầm cố tài sản, ký gửi tài sản có tính thêm các khoản phụ phí như phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng, phí quản lý tài sản cầm cố 5%.

Ngoài ra, các chi nhánh này có nhiều vi phạm như: lập sổ quản lý, lưu trữ số liệu, tình hình hoạt động kinh doanh không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định của Bộ Công an. Các chi nhánh kê khai không trung thực, không chính xác các nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp...

Công ty CP Kinh doanh F88 có trụ sở chính tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, được thành lập năm 2013. Đây là đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính cá nhân, cầm đồ... có quy mô và tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Công ty có 830 chi nhánh trên toàn quốc.

Đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động xây nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng đề xuất thí điểm cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia xây nhà ở xã hội tại khu công nghiệp.

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM

Khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM

Luật Nhà ở 2014 đang được sửa đổi, nếu được thông qua, dự kiến đến giữa năm 2024 mới có hiệu lực. Theo Bộ Xây dựng, trong bối cảnh thị trường đang khó khăn, việc phải chờ đến giữa năm sau khiến các giải pháp vực dậy thị trường có hiệu quả không cao. Để tháo gỡ một số điểm nghẽn trong lúc chờ sửa Luật, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách.

Cụ thể, với quy định về chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất cho Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia làm nhà ở xã hội.

Hiện Luật Nhà ở 2014 chưa cho phép đơn vị này đầu tư nhà ở xã hội nói chung và nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là tổ chức có nguồn lực tài chính, từng thực hiện dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương. Ví dụ, Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II (Hà Nam) có quy mô 4,04 ha, với 976 căn hộ, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 với hơn 300 căn hộ; Dự án Thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Mỹ Tho - Cụm công nghiệp Trung An (Tiền Giang) quy mô 3,05 ha, với 998 căn hộ, đang được triển khai đầu tư xây dựng.

Số liệu của Tổng liên đoàn Lao động cũng cho biết, hiện có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở. Hai năm trước, cơ quan này cũng từng kiến nghị với Chính phủ để tham gia xây nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ rút gọn trình tự, thủ tục nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết và thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất. Nghị quyết này có hiệu lực đến khi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến là 1/7/2024).

Bộ Công an đề xuất quản lý biển số xe bằng mã số định danh cá nhân

Tại Dự thảo Thông tư quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới, Bộ Công an đề xuất quản lý biển số xe ô tô và xe máy theo mã định danh cá nhân của chủ xe và yêu cầu đăng ký xe phải được thực hiện trên cổng dịch vụ công.

Bộ Công an đề xuất quản lý biển số xe ô tô và xe máy theo mã định danh cá nhân của chủ xe

Bộ Công an đề xuất quản lý biển số xe ô tô và xe máy theo mã định danh cá nhân của chủ xe

Dự thảo Thông tư này cũng quy định về cấp, thu hồi và đăng ký biển số xe, đang được lấy ý kiến đóng góp từ các tổ chức và cá nhân.

Theo Dự thảo, chủ xe (tổ chức hoặc cá nhân) cần đăng ký xe tại cơ quan đăng ký xe thuộc địa phương mà họ có trụ sở hoặc nơi cư trú. Với người Việt Nam, biển số xe sẽ được quản lý theo mã định danh cá nhân.

Mọi thủ tục đăng ký xe đều phải được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công của Bộ Công an. Sau khi kê khai thành công, chủ xe sẽ nhận được mã hồ sơ để hoàn tất thủ tục đăng ký phương tiện tại cơ quan có thẩm quyền.

Nếu không thể thực hiện được trên Cổng dịch vụ công quốc gia do thiếu dữ liệu điện tử hoặc lỗi kỹ thuật, chủ xe có thể làm thủ tục đăng ký trực tiếp tại cơ quan đăng ký xe.

Dự thảo cũng quy định rõ về thủ tục đăng ký xe. Theo đó, chủ xe sẽ phải đăng nhập vào Cổng dịch vụ công, kê khai và ký giấy khai đăng ký xe để nhận mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến và lịch hẹn giải quyết hồ sơ.

Sau đó, chủ xe phải đưa xe đến cơ quan đăng ký xe, cung cấp mã hồ sơ đăng ký xe trực tuyến, ký giấy khai đăng ký xe (nếu không sử dụng chữ ký số) và nộp các giấy tờ liên quan.

Sau khi cán bộ đăng ký xe kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế xe, nếu hợp lệ, sẽ được cấp biển số mới. Trường hợp chủ xe chưa được cấp biển số định danh hoặc đã có biển số định danh đang đăng ký cho xe khác, sẽ được cấp biển số mới.

Khu du lịch Mũi Cà Mau mở rộng lên 42.000 ha

Từ diện tích khoảng 21.000 ha, Khu du lịch Mũi Cà Mau được mở rộng lên 42.000 ha sau khi được tổ chức lại.

Một góc Khu du lịch Mũi Cà Mau

Một góc Khu du lịch Mũi Cà Mau

Ngày 17/3, ông Tạ Huỳnh Vĩnh Trường, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch Mũi Cà Mau cho biết, diện tích Khu du lịch mở rộng gấp đôi sau khi đơn vị chuyển từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Vườn quốc gia Mũi Cà Mau theo quyết định của UBND Tỉnh.

Sau khi chuyển qua cơ quan quản lý mới, Khu du lịch vẫn tập trung phát triển diện tích lõi rộng khoảng 2.100 ha thuộc xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, gồm các khu chức năng như công viên, khu du lịch sinh thái rừng biển, làng nghề sản xuất và khu du lịch tổng hợp Khai Long...

Thời gian tới, Khu du lịch trồng thêm rừng tạo cảnh quan; phối hợp địa phương phát triển sản phẩm du lịch mới, nơi nghỉ chân, hỗ trợ các hộ làm du lịch cộng đồng.

Khu du lịch Mũi Cà Mau là nơi thu hút khách tham quan lớn nhất Tỉnh (khoảng 328.000 lượt năm 2022). Ngoài có điểm mốc cuối trời Nam của Tổ quốc, nơi đây còn có không gian sông nước, cảnh quan thiên nhiên rừng ngập mặn đặc trưng.

Phạt nhiều hộ dân xây quán trái phép trên bán đảo Sơn Trà

Chính quyền quận Sơn Trà (Đà Nẵng) đã xử phạt 5 hộ dân từ 5 đến 12,5 triệu đồng do xây dựng các công trình dịch vụ trái phép trên đất rừng.

Một công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà

Một công trình xây dựng trái phép ở bán đảo Sơn Trà

Ngày 17/3, UBND quận Sơn Trà cho biết, 3 hộ dân bị phạt 7 đến 12,5 triệu đồng về hành vi chuyển đổi 400 - 900 m2 đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan nhà nước cho phép; tự ý xây dựng các công trình trên đất rừng sản xuất.

Hai hộ dân khác bị phạt 5 triệu đồng về hành vi chiếm 100 - 300 m2 đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà để xây dựng các công trình dịch vụ ăn uống.

UBND quận Sơn Trà đã yêu cầu 5 hộ dân tháo dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu của đất rừng, trả lại đất đã chiếm cho Nhà nước quản lý. Nếu người dân không chấp hành sẽ bị chính quyền cưỡng chế.

Trước đó, năm 2016, Thanh tra TP. Đà Nẵng chỉ ra 68 công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà giai đoạn từ 1997 đến 2010; Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ dân trồng rừng và phát triển kinh tế là trái quy định.

UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo quận Sơn Trà hoàn thành việc xử lý công trình trái phép trong năm 2020. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên đến nay Quận mới xử lý được 10 trường hợp. Quận đề ra lộ trình từ nay đến năm 2025 sẽ xử lý 58 công trình còn lại.

Chuyên đề