Giá vàng nhẫn lập đỉnh trước ngày vía Thần Tài
Ngay trước ngày vía Thần Tài, giá vàng nhẫn lập đỉnh mới 65 - 66 triệu đồng, cao hơn thế giới tới 6 triệu đồng mỗi lượng.
Người dân mua vàng, trang sức tại tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP.HCM |
Cuối ngày 17/2, tức mùng 8 tháng Giêng, giá vàng nhẫn và nữ trang các thương hiệu tiếp tục thiết lập đỉnh mới. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tăng 150.000 đồng chiều mua vào lên 63,65 triệu đồng một lượng trong khi nâng mạnh chiều bán ra 250.000 đồng lên 64,85 triệu đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán vàng nhẫn tròn trơn được nới rộng lên 2,2 triệu đồng một lượng.
Trong ngày, có thời điểm giá vàng nhẫn tại SJC được giao dịch ở mức gần 65 triệu đồng một lượng và cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.
Vàng nữ trang ngày 17/2 cũng tăng tương ứng với nhẫn tròn trơn. Mặt hàng này được SJC bán ra với giá thấp hơn khoảng 400.000 đồng so với một lượng nhẫn tròn trơn, còn chiều mua vào kém khoảng 200.000 đồng.
Tại thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, có thời điểm giá vàng nhẫn tròn trơn vượt 66 triệu đồng một lượng trước khi hạ nhiệt vào cuối ngày với giá mua bán niêm yết gần 64,9 - 66 triệu đồng một lượng.
Bất chấp giá vàng thế giới biến động trái chiều thời gian qua, vàng nhẫn và nữ trang trong nước vẫn giữ vững vùng giá cao nhất từ trước đến nay và ngày càng nới rộng khoảng cách với thế giới.
Giá vàng thế giới giao ngay chốt tuần ở mức 2.013 USD một ounce, tương đương 59,9 triệu đồng mỗi lượng nếu quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, chưa thuế phí.
Theo đó, mỗi lượng vàng nhẫn tùy thương hiệu đang cao hơn 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng so với thế giới trong khi mức chênh lệch trước đây chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng.
USD tự do tăng mạnh
USD-Index - chỉ số đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn - duy trì ở mức 104,2 điểm, tăng 2,82% so với đầu năm.
Sáng 17/2, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.976 đồng/USD, tăng 12 đồng so với trước đó |
Tỷ giá trung tâm sáng 17/2 được Ngân hàng Nhà nước niêm yết tại 23.976 đồng/USD, tăng 12 đồng so với ngày trước đó. Với biên độ 5% hiện tại, giá USD tại các ngân hàng thương mại được phép dao động từ 22.834 đồng đến 25.235 đồng.
Ngân hàng lớn niêm yết tỷ giá mua - bán là 24.240-24.610 đồng/USD, tăng 60 đồng ở chiều mua vào và tăng 10 đồng ở chiều bán ra. Tại ngân hàng cổ phần, giá mua - bán là 24.237 - 24.592 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, giá USD giao dịch tại 24.950 - 25.020 đồng/USD, tăng 110 đồng ở chiều mua vào và bán ra so với sáng qua. USD trên thị trường "chợ đen" có giá cao hơn ngân hàng 400 - 700 đồng mỗi chiều.
Chuẩn bị thi công đường hầm và nhà ga metro số 2 Bến Thành - Tham Lương
Tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM (metro số 2) có tổng mức đầu tư 47.890 tỷ đồng, đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Thiết kế đoàn tàu metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) |
Sáng 17/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM tổ chức triển khai thi công đầu năm Giáp Thìn 2024 Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại nhà ga trung tâm Bến Thành.
Tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư là 47.890 tỷ đồng, nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Dự án có chiều dài hơn 11 km, trong đó đoạn đi ngầm dài hơn 9 km và đoạn đi trên cao dài gần 2 km với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Đến nay, tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 86,69%.
Tháng 6/2023, Ban Quản lý đường sắt đô thị đã khởi công các công trình hạ tầng kỹ thuật cho hạng mục điện.
Đến nay, khâu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật đã hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu các gói thầu di dời - tái lập công trình cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, biển báo, đèn tín hiệu giao thông (tháng 12/2023).
Quý I giải phóng xong mặt bằng Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải, tính đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng của Dự án thành phần 3 đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 đã đạt gần 99%, chỉ còn khoảng 9 hộ dân chưa giao đất.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đang đắp đất nền tại Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu |
Các địa phương phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng Dự án trong quý I/2024.
Dự án thành phần 3 dài khoảng 19,5 km, tổng mức đầu tư 4.964 tỷ đồng, do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan chủ quản. Tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện Dự án là 137,52 ha, gồm 1.215 hộ, tổ chức.
Tính đến nay, tổng kinh phí bồi thường đã ban hành quyết định phê duyệt là hơn 2.701 tỷ đồng cho 1.206 hộ, tổ chức, đạt gần 99%. Còn khoảng 9 hộ dân tại thị xã Phú Mỹ chưa bàn giao mặt bằng, dự kiến hết quý I/2024 địa phương sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công.
Hiện nay, trên toàn tuyến, Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Công ty CP 479 Hòa Bình - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 703 đang đồng loạt triển khai 15 mũi thi công, lũy kế giá trị thi công Dự án đạt 15%. Tiến độ thực hiện Dự án vượt 2% so với kế hoạch.
Hiện Liên danh nhà thầu đang tổ chức thi công tại các vị trí: cầu Suối Nhum; cầu vượt Hội Bài - Châu Pha, cầu Suối Đá, cầu vượt ngang Km43+767, cầu Sông Dinh; đã khoan được 178 cọc khoan nhồi cầu, 45 dầm và hơn 2.021 m3 bê tông bệ, thân mố trụ cầu.
Về phần đường, các nhà thầu đã hoàn thành xây dựng trạm trộn bê tông xi măng tại Km39+950 và Km48+800; lắp dựng trạm nghiền đá tại mỏ đá lô II.B xã Châu Pha; đang tổ chức thi công 26/50 vị trí cống; đắp đất nền đường K0.95 được 10 km; đắp đường công vụ, đường nhánh phải nút giao Quốc lộ 56; thi công cấp phối đá dăm được 5 km.
Năm 2024, Dự án được bố trí 500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương. Đến nay đã giải ngân được gần 232 tỷ đồng, tương ứng 46,4%.
Dự kiến, trong năm 2024, Dự án sẽ hoàn thành 70% giá trị công trình và đến 30/9/2025 sẽ hoàn thành xây dựng Dự án, sớm 3 tháng so với kế hoạch được giao.
Chuyển Công an điều tra sai phạm tại Trung tâm đấu giá tài sản Cần Thơ
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Cần Thơ mất khả năng thanh toán, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương 1,3 tỷ đồng, nợ ngân sách 1,1 tỷ đồng.
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Cần Thơ, nơi xảy ra nhiều sai phạm |
Ngày 17/2, Thanh tra TP. Cần Thơ ban hành Kết luận thanh tra tình hình thu, chi tài chính tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Cần Thơ (trực thuộc Sở Tư pháp).
Kết quả thanh tra cho thấy, từ năm 2018 - 2021, Trung tâm có nhiều thiếu sót, sai phạm trong hoạt động thu, chi và quản lý tài chính; thanh toán và hạch toán kế toán không đúng quy định. Việc trích lập các quỹ, một số khoản chi chưa đúng quy định…
Cụ thể, Trung tâm không xây dựng riêng quy chế quản lý, sử dụng tài sản công mà xây dựng chung trong quy chế chi tiêu nội bộ; không báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản công cho Sở Tư pháp để theo dõi, tổng hợp và báo về cơ quan tài chính để quản lý…
Đến thời điểm thanh tra, Trung tâm còn nợ thuế, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, nợ người lao động... với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, Trung tâm còn nợ tạm ứng ngân sách số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
Giai đoạn năm 2018 - 2021, Trung tâm để xảy ra nhiều sai phạm trong hoạt động thu, chi và quản lý tài chính, như: trích lập quỹ không đúng quy định; theo dõi thu, chi ngoài sổ sách kế toán, không phản ánh trên sổ sách kế toán nợ phải thu của khách hàng...
Theo Kết luận thanh tra, Kế toán trưởng có nhiều vi phạm trong công tác tài chính, kế toán, hạch toán sai các khoản chi phí; hạch toán và trích lập quỹ không đúng quy định. Thủ quỹ Trung tâm vi phạm quy định trong quản lý quỹ tiền mặt dẫn đến thất thoát quỹ tiền mặt.
"Thiếu sót, sai phạm xảy ra tại Trung tâm có trách nhiệm của Giám đốc Sở Tư pháp, với trách nhiệm của người đứng đầu trực tiếp quản lý đơn vị trực thuộc; Phó Giám đốc được giao phụ trách, ký duyệt quyết toán và bộ phận tham mưu xét duyệt quyết toán cho Trung tâm", Kết luận nêu.
Từ các thiếu sót, sai phạm trên, Thanh tra TP. Cần Thơ chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Công an Thành phố để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP. Cần Thơ.
Đảm bảo hoàn thành Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát trong tháng 4/2025
Trong năm 2024, các nhà thầu sẽ tập trung thi công hoàn thành hạng mục xây lắp; hệ thống thoát nước, công trình nền hạ đường giao thông, nền hạ công viên và hệ thống chiếu sáng toàn tuyến…
Các kỹ sư, công nhân làm việc tại Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên |
Ngày 17/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã đi kiểm tra công trường Dự án Cải tạo và xây dựng hạ tầng kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Lãnh đạo Thành phố đề nghị các đơn vị nỗ lực thi công, đảm bảo chất lượng và hoàn thành công trình dịp 30/4/2025.
Báo cáo tại công trường, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM (Chủ đầu tư) cho biết, Dự án đang triển khai theo kế hoạch, đảm bảo tiến độ với 10/10 gói thầu được thi công đồng loạt trên toàn tuyến.
Trong năm 2024, các nhà thầu sẽ tập trung thi công hoàn thành hạng mục xây lắp; hệ thống thoát nước, công trình nền hạ đường giao thông, nền hạ công viên và hệ thống chiếu sáng toàn tuyến…
Đến nay, hạng mục xây dựng kè bờ kênh (rung hạ cừ ván bê tông dự ứng lực SW) đạt 48,74% khối lượng; thi công cọc bê tông ly tâm ứng suất trước đạt 36,34%; xử lý nền đất yếu bằng cọc xi măng đạt 50,95%; cống cấp 2 đã triển khai thi công 22/22 cống.
Trong hai năm 2022 và 2023, Dự án đã giải ngân hơn 3.600 tỷ đồng, dự kiến năm 2024 giải ngân 2.300 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, hiện Dự án tồn tại một số khó khăn như tình trạng tái lấn chiếm của gần 240 trường hợp tại quận Bình Tân, Quận 12, Tân Bình và Bình Chánh. Nguồn cung vật liệu cát san lấp, cát đổ bê tông và cát xây thô gặp khó khăn do các mỏ vướng mắc về pháp lý.
Chủ đầu tư kiến nghị lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn này.
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, khởi công tháng 2/2023. Dự án đi qua Quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Dự án xây dựng tuyến kè bờ kênh có tổng chiều dài 63 km; nạo vét kênh 31 km; đường giao thông hai bên bờ kênh tổng chiều dài 63 km.
Tân Hoàng Minh bị dừng làm thủ tục hải quan tại TP.HCM
Tập đoàn Tân Hoàng Minh tiếp tục bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại TP.HCM do nợ thuế gần 160 tỷ đồng.
Agribank gần đây liên tục rao bán các khoản nợ để thu hồi 1.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh và các công ty liên quan |
Cục Hải quan TP.HCM vừa cho biết, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thuộc Cục Hải quan TP.HCM đã có quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh).
Cơ quan quản lý cho biết, Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị cưỡng chế do nợ thuế quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định, với tổng số tiền 159,5 tỷ đồng.
Quyết định cưỡng chế này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 1 năm kể từ ngày 31/1 và hết hiệu lực khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước. Trước đó, đầu tháng 9/2022, doanh nghiệp này cũng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế do nợ thuế quá 90 ngày với tổng số tiền hơn 174 tỷ đồng.
Liên quan tới các khoản nợ của Tân Hoàng Minh, thời gian qua, Ngân hàng Agribank liên tục rao bán các khoản nợ để thu hồi 1.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh và các công ty liên quan. Nhiều khoản nợ trong số này đã được rao bán tới lần thứ 4 - 5 nhưng bất thành.