Bản tin thời sự sáng 18/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lên 5%; Trung tâm Điều độ quốc gia lo thiếu khí cho phát điện; TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng Vành đai 3 vượt tiến độ ba tháng; đề xuất trên 7.000 tỷ đồng vốn nước ngoài cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…

Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lên 5%

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ 3% lên 5% từ 17/10.

Từ ngày 17/10, NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ

Từ ngày 17/10, NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ

Với biên độ mới này, giá USD tại các ngân hàng thương mại sẽ được điều chỉnh tăng hoặc giảm tối đa 5% so với tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước công bố hàng ngày. Nói cách khác, tỷ giá tại các ngân hàng sẽ có thêm dư địa 2% để điều chỉnh tăng hoặc giảm so với trước.

Sáng 17/10, tỷ giá trung tâm là 23.586 đồng, tăng 45 đồng so với cuối tuần trước. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ được phép giao dịch USD với giá sàn (mức thấp nhất) 22.406 đồng và giá trần (mức cao nhất) 24.765 đồng.

Động thái điều chỉnh biên độ này theo Ngân hàng Nhà nước nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới.

Chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh - sáng 17/10 giao dịch ở mức 113,1 điểm, tăng hơn 17,5% so với hồi đầu năm và vẫn ở vùng giá cao nhất 20 năm.

Trong nước, giá USD tại các ngân hàng thương mại đầu ngày 17/10 cũng tăng vọt sau khi biên độ được nới. Mở cửa, Vietcombank yết giá mua và bán USD ở mức 23.980 - 24.290 đồng, tăng 60 đồng so với giá đóng cửa cuối tuần. Tại Sacombank, giá USD lên 23.990 - 24.247 đồng; còn Eximbank là 24.160 - 24.430 đồng, tăng gần 200 đồng.

Đến 11h10, Vietcombank tiếp tục tăng mạnh giá mua bán USD thêm 170 đồng lên 24.160 - 24.460 đồng. BIDV cũng lần thứ 4 điều chỉnh tỷ giá trong buổi sáng lên 24.180 - 24.460 đồng.

Trên thị trường tự do, giá USD cũng vượt ngưỡng 24.500 đồng. Một số điểm thu đổi ngoại tệ tại Hà Nội công bố giá mua bán quanh 24.420 - 24.520 đồng, tăng hơn 150 đồng so với hôm trước.

Trung tâm Điều độ quốc gia lo thiếu khí cho phát điện

A0 cho rằng việc PVGas cùng các bên liên quan di chuyển giàn khoan trong ngày làm việc sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp khí cho điện.

Nhà máy điện khí Cà Mau

Nhà máy điện khí Cà Mau

Lo ngại này được Trung tâm Điều độ quốc gia - A0 đưa ra trong bối cảnh Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) thông báo nhà thầu Hibiscus dừng cấp khí cho Nhà máy điện khí Cà Mau trong 3 ngày (17 - 19/10), để di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB. Việc này dẫn đến khả năng cấp khí cho điện thiếu hụt, chỉ còn tối đa 1,1 triệu m3 một ngày. Thời gian này cũng trùng vào ngày làm việc trong tuần, thời điểm ghi nhận tiêu thụ điện năng cao trong cả nước.

Tính toán của A0 cho thấy, lượng khí trên chỉ đủ cấp để vận hành các tổ máy của Nhà máy điện khí Cà Mau ở mức tối thiếu, tương đương giảm khoảng 1.255 - 1.500 MW so với công suất đặt nhà máy. A0 cho rằng, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cung ứng điện, an ninh cấp điện toàn quốc.

Do đó, để đảm bảo vận hành hệ thống, đủ điện cho phía Nam trong tuần, A0 đề nghị PVGas cùng các bên liên quan không di chuyển giàn khoan ra khỏi khu vực giàn BRB trong ngày làm việc. Lịch di chuyển có thể đổi sang Chủ nhật - thời điểm nhu cầu tiêu dùng điện cả nước ở mức thấp.

Trường hợp thiếu khí, A0 đề nghị PVGas giảm sản lượng cấp cho các hộ tiêu thụ khác, như sản xuất đạm, khí thấp áp... để ưu tiên cấp khí cho phát điện và có giải pháp đảm bảo vận hành khí ổn định những tháng còn lại của năm nay.

Theo A0, bối cảnh các chi phí nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện vẫn tăng rất cao, việc duy trì ổn định các nguồn phát điện vào các tháng cuối năm 2022 và cả năm 2023 rất cần thiết.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng Vành đai 3 vượt tiến độ ba tháng

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đặt mục tiêu hoàn tất giải phóng mặt bằng Vành đai 3 đoạn qua địa bàn trong quý III năm sau, thay vì cuối năm, nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án.

Hướng tuyến Vành đai 3

Hướng tuyến Vành đai 3

Vành đai 3 dài hơn 76 km, đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Trong đó địa phận TP.HCM, tuyến dài hơn 47 km, đi qua TP. Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Theo kế hoạch, giữa năm 2023 tuyến đường được giao 70% mặt bằng và toàn bộ sau đó 6 tháng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP.HCM, các quận huyện Dự án đi qua cần phấn đấu hoàn thành sớm hơn kế hoạch trên, với mục tiêu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Dự án vào cuối quý III năm sau, tức vượt tiến độ ba tháng.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng cho Vành đai 3 sẽ rất khó khăn và áp lực, nhưng Thành phố xác định việc triển khai ở Dự án sẽ làm mẫu cho các công trình khác. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho tuyến đang được yêu cầu chặt chẽ từ khâu điều tra xã hội học, pháp lý, giá đền bù... Các trường hợp bị ảnh hưởng được tạo điều kiện bằng hoặc tốt hơn sau khi giao đất.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (chủ đầu tư) cho biết, sau khi Thành phố phê duyệt ranh Dự án, đơn vị phối hợp các bên liên quan triển khai cắm mốc ranh giải phóng mặt bằng ở Dự án.

Dự kiến đến ngày 20/10, toàn bộ hơn 1.900 cọc được cắm xong để bàn giao ranh dài hơn 47 km cho 13 phường, xã, thuộc 4 địa phương tuyến đi qua.

Vành đai 3 TP.HCM là dự án giao thông lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam, tổng mức đầu tư hơn 75.300 tỷ đồng (giai đoạn một).

Đề xuất trên 7.000 tỷ đồng vốn nước ngoài cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề nghị báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc bố trí vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn nước ngoài cho Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỷ đồng với tổng chiều dài 105,5 km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5 - 35 m. Ngoài ra, Dự án có hơn 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.

Trên dọc tuyến đường cao tốc có 9 nút giao liên thông khác mức, 1 nút giao bằng tại Đình Vũ, 39 vị trí giao cắt trục thông khác mức, 105 cầu chui dân sinh cùng hệ thống đường gom tổng chiều dài 164,8 km.

Theo đề nghị của Bộ GTVT, Bộ KHĐT báo cáo Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vốn nước ngoài cho Dự án theo chủ trương cho phép chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành cấp phát ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 63 ngày 16/6/2022 với giá trị là hơn 7.036,6 tỷ đồng.

Trong đó, số tiền dùng để hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc là hơn 4.699,6 tỷ đồng, tương đương gần 245,8 tỷ KRW và hoàn trả vốn gốc khoản vay Ngân hàng Tái thiết Đức là 2.337 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD.

TP.HCM đề xuất sơn phản quang màu xanh ở điểm dừng xe buýt

Trung tâm Quản lý giao thông cộng cộng TP.HCM đề xuất sơn phản quang màu xanh ở điểm dừng xe buýt, giúp khách dễ thấy từ xa và cảnh báo xe khác không dừng đậu.

Khách ở trạm dừng đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, được sơn phản quang màu xanh

Khách ở trạm dừng đường Lê Thánh Tôn, Quận 1, được sơn phản quang màu xanh

Đề xuất vừa được đơn vị này gửi Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi thí điểm sơn vạch phản quang các màu xanh, đỏ, cam, tại ba nhà chờ xe buýt trên các tuyến đường ở khu trung tâm gồm: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Thái Học, Lê Quý Đôn. Vị trí sơn phản quang dài 12,3 m, rộng 2,3 m.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, những màu sơn này tạo điểm nhấn, tăng khả năng nhận diện điểm dừng xe buýt, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông... Ngoài ra, biện pháp thi công đơn giản, chi phí khoảng 354.000 đồng mỗi m2. Trong đó, màu xanh được cho tạo sự thoải mái, dễ chịu hơn, nên trung tâm đề xuất chọn để sơn diện rộng tại các điểm dừng xe buýt (ưu tiên khu vực trường học, bệnh viện, nơi đông dân cư). Các vị trí cụ thể sẽ được đơn vị trên khảo sát và thống nhất thực hiện.

Đại diện Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, kiến nghị trên đang được sở xem xét, đánh giá trước khi cho triển khai. Trước đó, hơn 70 vị trí qua đường trước các trường học trên địa bàn cũng được sơn vạch phản quang màu đỏ, lắp biển báo, đèn chớp... giúp tăng nhận diện và an toàn giao thông.

Đồng Nai xây nhà máy đốt rác phát điện hơn 2.200 tỷ đồng

Dự án Nhà máy đốt rác phát điện có tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng dự kiến hoạt động năm 2025, xử lý 1.200 tấn rác thải mỗi ngày.

Công nhân khu xử lý rác thải Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu

Công nhân khu xử lý rác thải Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu

Công trình vừa được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua. Nhà máy được xây trên diện tích 12 ha, ở xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu (tỉnh Đồng Nai), theo phương thức đối tác công tư (PPP, không dùng ngân sách).

Sau khi hoàn thành, Nhà máy sẽ xử lý rác sinh hoạt cho TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu và các vùng lân cận bằng công nghệ đốt, thay thế dần chôn lấp gây ô nhiễm. Giai đoạn đầu, Nhà máy xử lý 800 tấn rác thải mỗi ngày và công suất phát điện 20MW; giai đoạn hai, xử lý 1.200 tấn rác mỗi ngày, phát điện 30MW.

Đồng Nai hiện có bốn dự án xử lý rác hoạt động, mỗi ngày xử lý 2.000 tấn. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, Tỉnh phát sinh khoảng 2.500 tấn rác mỗi ngày, năm 2030 là gần 3.100 tấn mỗi ngày. Nếu nhà máy ở xã Vĩnh Tân hoàn thành đúng tiến độ sẽ xử lý hết lượng rác sinh hoạt ở Tỉnh.

Liên tục phát hiện khai thác, vận chuyển cát trái phép ở biển Cần Giờ

Ngày 17/10, Thiếu tá Nguyễn Hoàng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, Bộ đội Biên phòng TP.HCM cho biết, đơn vị vừa phát hiện, bắt giữ hai phương tiện đang bơm hút, vận chuyển cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ.

Các phương tiện neo đậu tại khu vực Hải đội Biên phòng 2 thuộc Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu để điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật

Các phương tiện neo đậu tại khu vực Hải đội Biên phòng 2 thuộc Bộ đội Biên phòng Bà Rịa-Vũng Tàu để điều tra xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật

Trong quá trình tuần tra, kiểm soát tại khu vực biển Cần Giờ, tổ công tác của Đồn Biên phòng Long Hòa đã phát hiện phương tiện mang biển kiểm soát HD-2479 do ông Vũ Văn Nhất, trú tại Láng Cát, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điều khiển đang thực hiện hành vi bơm hút và vận chuyển cát trái phép.

Tổ công tác đã yêu cầu các phương tiện trên dừng ngay hoạt động và tiến hành kiểm tra. Vào thời điểm bị lực lượng Bộ đội Biên phòng phát hiện, ông Vũ Văn Nhất khai nhận đã bơm hút được khoảng 450 m3 cát từ biển lên phương tiện.

Trước đó, tổ công tác Đồn Biên phòng Long Hòa đã phát hiện và bắt giữ phương tiện mang biển kiểm soát BV 1879 do ông Nguyễn Văn Thiệu, trú tại phường 12, thành phố Vũng Tàu, điều khiển phương tiện đang vận chuyển khoảng 300 m3 cát từ vùng biển Cần Giờ về hướng Vũng Tàu.

Tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số cát trên phương tiện.

Tổ công tác tiến hành lập biên bản đối với người điều khiển các phương tiện trên và yêu cầu đưa hai phương tiện về neo đậu tại khu vực Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng TP.HCM để tiếp tục xác minh, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Hà Nội tổng kiểm tra phòng cháy chữa cháy

Từ ngày 15/10 - 15/12, chính quyền Hà Nội sẽ tổ chức tổng rà soát, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

Công an quận phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra hoạt động phòng, chống cháy, nổ tại các quán karaoke trên địa bàn
Công an quận phối hợp cùng UBND quận Hoàn Kiếm kiểm tra hoạt động phòng, chống cháy, nổ tại các quán karaoke trên địa bàn

Theo quyết định của UBND TP. Hà Nội, việc tổng kiểm tra nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an. Lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm, cháy nổ cao như: khách sạn, nhà trọ, quán karaoke, quán bar, vũ trường, chung cư, nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất...

Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn, Công an TP. Hà Nội cho biết, qua đợt kiểm tra, Phòng sẽ đề xuất xây dựng biểu đồ điện tử về phòng cháy chữa cháy theo vùng. Theo đại tá Hiếu, việc kiểm tra được triển khai toàn diện, đảm bảo tất cả cơ sở phải được kiểm tra, xử lý; cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải được giám sát chặt chẽ; không để tồn tại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Trước đó, sau vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, Hà Nội đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh loại hình này. Kết quả, 58% trong số gần 1.400 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy chữa cháy. Trong đó, 425 cơ sở có khả năng nhưng chưa khắc phục nên đã bị kiến nghị tạm dừng hoạt động; 326 cơ sở không có khả năng khắc phục, đã bị đình chỉ hoạt động.

Chuyên đề