Bản tin thời sự sáng 1/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là 12 cao tốc do nhà nước đầu tư sắp thu phí; Bắc Ninh có tân Chủ tịch HĐND, UBND Tỉnh; đấu giá hơn 20 tấn dược liệu quý, giá khởi điểm hơn nửa tỷ đồng; Hà Nội chi 4.100 tỷ đồng để trả lương hưu, trợ cấp BHXH; 18 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài…

12 cao tốc do Nhà nước đầu tư sắp thu phí

12 đoạn, tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, trong đó có 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông dự kiến được thu phí từ ngày 1/10.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua xã Sông Phan, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận

Ngày 31/7, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, thực hiện Luật Đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, Bộ đang xây dựng, lấy ý kiến dự thảo nghị định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.

Theo dự thảo, 12 đoạn, tuyến cao tốc sẽ được thu phí gồm: Lào Cai - Kim Thành, Hà Nội - Thái Nguyên, TP.HCM - Trung Lương, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Những đoạn, tuyến cao tốc này đều do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.

Có hai mức phí với hai loại cao tốc. Với cao tốc 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục (mức 1), mức phí thấp nhất từ 1.300 đồng/km (xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn), cao nhất là 5.200 đồng/km (xe tải trên 18 tấn, container 40 feet).

Với cao tốc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp chạy liên tục (mức 2), mức phí từ 900 - 3.600 đồng/km tùy từng nhóm xe. Dự kiến, Nhà nước thu được 3.210 tỷ đồng mỗi năm, nộp ngân sách khoảng 2.850 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, thu phí sử dụng cao tốc sẽ không xảy ra hiện tượng "phí trùng phí". Cao tốc đem lại lợi ích cho người tham gia giao thông cao hơn so với quốc lộ song hành. Người dân có quyền lựa chọn đi trên quốc lộ hoặc trả tiền sử dụng cao tốc để hưởng chất lượng dịch vụ cao hơn.

Bắc Ninh có tân Chủ tịch HĐND, UBND Tỉnh

HĐND tỉnh Bắc Ninh bầu bà Nguyễn Hương Giang giữ chức Chủ tịch HĐND và ông Vương Quốc Tuấn làm Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Các lãnh đạo tỉnh chúc mừng tân Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Các lãnh đạo tỉnh chúc mừng tân Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh

Tại Kỳ họp thứ 19 (kỳ họp chuyên đề) chiều 31/7, 100% đại biểu HĐND tỉnh Bắc Ninh có mặt đồng ý bầu bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, làm Chủ tịch HĐND Tỉnh. Sau khi được bầu, tân Chủ tịch HĐND tham gia chủ tọa kỳ họp.

HĐND Tỉnh sau đó thống nhất bầu ông Vương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND Tỉnh, giữ chức Chủ tịch UBND Tỉnh; ông Lê Xuân Lợi, Bí thư Thành ủy Từ Sơn, Chủ tịch HĐND TP. Từ Sơn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 10/7, HĐND tỉnh Bắc Ninh miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND Tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 với bà Nguyễn Hương Giang. Bà sau đó được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh phân công làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Ông Vương Quốc Tuấn, là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII. Từ tháng 7/2020 đến nay, ông Vương Quốc Tuấn giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh. Hai ngày trước ông Vương Quốc Tuấn được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh bầu bổ sung làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đấu giá hơn 20 tấn dược liệu quý, giá khởi điểm hơn nửa tỷ đồng

Lô tài sản gồm 21 tấn dược liệu quý là tài sản vi phạm hành chính đã xác lập quyền sở hữu toàn dân được Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh đấu giá khởi điểm hơn nửa tỷ đồng.

Khoảng 11 tấn cẩu tích thái lát, sấy khô bị phát hiện và thu giữ hồi cuối tháng 4

Khoảng 11 tấn cẩu tích thái lát, sấy khô bị phát hiện và thu giữ hồi cuối tháng 4

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh đang có nhu cầu bán đấu giá lần thứ 3 lô tài sản là dược liệu gồm bách bộ (ông ba mươi), cẩu tích (lông cu li) đã được sấy khô. Đây là tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Tài sản bán cả lô, theo nguyên hiện trạng.

Giá khởi điểm của lô tài sản ở lần đấu giá này là hơn 506 triệu đồng, số tiền đặt trước là 100 triệu đồng. Thời gian đấu giá dự kiến vào sáng ngày 12/8 tại Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Quảng Ninh.

Trước đó, ở lần đấu giá thứ nhất hồi cuối tháng 6, lô tài sản trên có giá khởi điểm hơn 712 triệu đồng. Hiện lô tài sản này đang được lưu giữ tại Kho tang vật trụ sở Đội QLTT số 8 (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh). Người có nhu cầu có thể đến xem tài sản vào ngày 1 - 2/8 trong giờ hành chính.

Được biết đây là lô dược liệu bị cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh phát hiện và thu giữ hồi cuối tháng 4 tại khu vực Khu phố 6, thị trấn Ba Chẽ, huyện Ba Chẽ. Số dược liệu gồm hơn 11 tấn cẩu tích thái lát, sấy khô và gần 10 tấn bách bộ.

Chủ hộ kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hóa trên mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, vận chuyển đi Lạng Sơn tiêu thụ.

Hiện, cẩu tích là một trong 23 loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm và đặc hữu phải kiểm soát, theo danh mục của Bộ Y tế ban hành.

Bộ Y tế cho biết loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm là dược liệu có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế, sinh thái, cảnh quan, môi trường hoặc văn hóa - lịch sử mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng.

Hà Nội chi 4.100 tỷ đồng để trả lương hưu, trợ cấp BHXH

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) TP. Hà Nội cho biết, đơn vị đang chuẩn bị khoảng 4.100 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người dân trong tháng 8/2024.

Hà Nội chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH vào ngày 5/8

Hà Nội chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH vào ngày 5/8

Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, dự kiến trong tháng 8/2024, Hà Nội có khoảng 578.000 người (tương đương 97,25%) đối tượng thụ hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH nhận qua hình thức chi trả vào tài khoản cá nhân, còn lại khoảng 16.100 người sẽ nhận qua hình thức tiền mặt.

Theo đó, BHXH Hà Nội sẽ phối hợp bắt đầu chi trả cho người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH vào ngày 5/8 với hai hình thức chi trả là tiền mặt và tài khoản cá nhân.

Lãnh đạo BHXH TP. Hà Nội cho biết thêm, đơn vị đang chuẩn bị khoảng 4.100 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người dân trong tháng 8/2024.

Theo lãnh đạo BHXH Hà Nội, thời gian qua, BHXH TP. Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về tiện ích khi nhận lương hưu, trợ cấp BHXH bằng phương thức không dùng tiền mặt; phối hợp rà soát, phân loại người hưởng để có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ mở tài khoản phù hợp… qua đó số lượng người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH dưới hình thức không dùng tiền mặt ngày càng tăng.

Giải thích về việc cơ quan BHXH TP. Hà Nội sẽ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người dân vào ngày 5/8, không phải là ngày 4/8 như thường kỳ, ông Mến cho biết, do ngày 4/8 là Chủ nhật, nên đơn vị sẽ lùi 1 ngày để việc chi trả cho người dân được chu đáo, thuận lợi...

Trước đó, tại kỳ chi trả tháng 7/2024, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH trên địa bàn TP. Hà Nội là 593.757 người hưởng với số tiền trên 4.082 tỷ đồng, tăng so với tháng 6/2024 trên 519 tỷ đồng do thực hiện điều chỉnh mức hưởng theo Nghị định số 75 của Chính phủ.

Trong đó, chi qua tài khoản cá nhân là 562.569 người, đạt 94,75% (tăng 274.627 người so với tháng 6/2024) với số tiền trên danh sách chi trả trên 3.879 tỷ đồng; chi bằng hình thức tiền mặt là 31.188 người với số tiền trên danh sách chi trả trên 203 tỷ đồng.

18 tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài

Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính tới ngày 30/6, có 18 tàu biển của Việt Nam bị lưu giữ tại cảng nước ngoài.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 18 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài do có nhiều khiếm khuyết. Ảnh minh hoạ

Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 18 lượt tàu biển Việt Nam bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài do có nhiều khiếm khuyết. Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, chỉ trong hai tháng 5 và 6, có tới 5 tàu bị lưu giữ tại các cảng biển nước ngoài do các khiếm khuyết liên quan tới động cơ, hay các lỗi tại thời điểm chính quyền cảng lên tàu. Nhiều khiếm khuyết dễ gây ảnh hưởng tới việc bảo đảm an toàn hàng hải.

Cụ thể, tàu Green Pacific của Công ty CP Gemadept bị lưu giữ tại cảng Chu Hải (Trung Quốc) do các nguyên nhân như thiếu 2 đèn mất khả năng điều động (loại treo); Hệ thống phun sương của kho sơn không hoạt động. Các đầu phun không có áp lực nước ra trong quá trình kiểm tra…

Cũng tại Trung Quốc, tàu HPC Sunrise của Công ty TNHH Vận tải Hải Phương bị lưu giữ tại cảng Hạ Môn. Thời điểm bị lưu giữ, tàu có nhiều vấn đề như cần gạt nước của cửa sổ kính trung tâm và mạn phải buồng điều khiển không hoạt động; công tác điều chỉnh độ sáng cho bảng hệ thống phát hiện mức nước hầm hàng không hoạt động...

Còn tại cảng Quảng Châu, tàu Haian City của Công ty TNHH Vận tải container Hải An lại bị lưu giữ do những khiếm khuyết như la bàn từ lặp trên buồng lái bị sai lệch 3 độ, còn các van điều khiển khí nén số 1 và 3 cho hệ thống van đóng nhanh bị rò rỉ...

Tàu SGS GREEN của Công ty TNHH Thương mại vận tải quốc tế Hải Tín bị lưu giữ tại Hong Kong với nhiều khiếm khuyết. Trong đó, tàu có một lỗ thủng tại mạn phải. Đường ống cứu hỏa chính trên boong bị rò rỉ nhiều tại thời điểm kiểm tra. Tất cả các van của bơm cứu hỏa sự cố bị đóng chặt và không sẵn sàng để hoạt động.

Trong khi đó, tại cảng Singapore, tàu GT Win của Công ty Cổ phần Global Tanker cũng bị lưu giữ. Cụ thể, thang hoa tiêu không thỏa mãn tại thời điểm chính quyền cảng biển lên kiểm tra. Cùng đó, việc kiểm tra, thử và bảo dưỡng thang hoa tiêu không được thực hiện. La bàn từ dự phòng cũng không có trên tàu tại thời điểm kiểm tra, trong khi thức ăn thừa, nhựa và rác không phân loại rác tuân theo kế hoạch quản lý rác.

Cũng vướng lỗi về thang hoa tiêu, tàu Thịnh An 93 của Công ty CP Công nghiệp và thương mại Thịnh An bị lưu giữ tại Cảng Singapore…

Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đối với Công ty CP Thép Pomina

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành Quyết định số 847/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Thép Pomina.

Thép Pomina là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam vận hành hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao và lò hồ quang điện Consteel

Thép Pomina là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam vận hành hệ thống luyện thép kết hợp giữa lò cao và lò hồ quang điện Consteel

Quyết định xử phạt nêu rõ, Công ty CP Thép Pomina bị phạt 92,5 triệu đồng do có hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.

Công ty không công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, báo cáo thường niên năm 2023; công bố thông tin không đúng thời hạn đối với tài liệu họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, báo cáo tài chính bán niên năm 2023 đã được soát xét, tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 và một số văn bản khác.

Bên cạnh đó, Công ty CP Thép Pomina cũng bị phạt 125 triệu đồng do không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên hội đồng quản trị độc lập. Công ty CP Thép Pomina có 6 thành viên hội đồng quản trị trong đó có 1 thành viên hội đồng quản trị độc lập, chưa đảm bảo có tối thiểu 2 thành viên độc lập theo quy định.

Tổng mức tiền phạt đối với Công ty CP Thép Pomina là hơn 217 triệu đồng.

Cựu Chủ tịch Dược phẩm Vimedimex sắp phải hầu tòa do sai phạm đấu giá đất

Ngày 9/8 tới đây, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Hà Nội mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) trong vụ sai phạm đấu giá đất ở Hà Nội.

Cựu Chủ tịch Dược phẩm Vimedimex và các bị cáo liên quan tại phiên tòa lần trước.

Cựu Chủ tịch Dược phẩm Vimedimex và các bị cáo liên quan tại phiên tòa lần trước.

Trước đó, vào tháng 4/2024, TAND TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử và quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Bị cáo Nguyễn Thị Loan bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.

9 bị cáo còn lại gồm các nhân sự thuộc Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex, thẩm định viên, cán bộ Ban quản lý dự án bị truy cứu về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo hồ sơ vụ án, ngày 28/2/2020, UBND huyện Đông Anh (Hà Nội) phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2020 trong đó có Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh được giao nhiệm vụ tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Khi xác định giá khởi điểm, các bị cáo Trần Công Tuyên (cựu Trưởng phòng) và Vương Thị Thu Thủy (cựu cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp) đã yêu cầu các bị cáo là thẩm định viên hạ giá trị khu đất.

Khi tiến hành đấu giá đất phía Đông Nam thôn Cổ Dương, xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (Hà Nội), các bị cáo Tuyên, Thủy đã chỉ đạo nhóm bị cáo thẩm định viên hạ giá trị khu đất.

Việc này đã tạo điều kiện cho các công ty đấu giá của bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex) trúng đấu giá với giá trị thấp, gây thiệt hại cho Nhà nước 135 tỷ đồng.

Mặt khác, quá trình tham gia đấu giá khu đất phía Đông Nam, thôn Cổ Dương, Tiên Dương, Nguyễn Thị Loan còn dùng pháp nhân của 3 công ty đều do Loan điều hành hoạt động để tham gia đấu giá, thống nhất với các bị cáo khác bỏ giá các vòng với số tiền như nhau để được bốc thăm và công ty nào trúng đấu giá thì dự án vẫn thuộc của bị cáo Loan.

Chuyên đề