Bản tin thời sự sáng 1/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là quận Hoàn Kiếm và 176 xã của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập; gần trăm căn nhà ở Tây Nguyên bị ngập sâu; đầu tư 2.000 tỷ đồng làm bờ kè, công viên dọc sông qua TP. Mỹ Tho; khảo cổ điện Cần Chánh trước khi phục dựng; khởi tố thêm 13 người trong vụ thanh tra giao thông Bà Rịa - Vũng Tàu nhận hối lộ…

Quận Hoàn Kiếm và 176 xã của Hà Nội thuộc diện phải sáp nhập

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định, Thành phố có quận Hoàn Kiếm và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Theo các quy định hiện nay, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập

Theo các quy định hiện nay, quận Hoàn Kiếm thuộc diện phải sáp nhập

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, giai đoạn 2019 - 2021, Thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường; không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện phải sắp xếp.

Hiện nay, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã và 579 đơn vị hành chính cấp xã 383 xã, 175 phường, 21 thị trấn.

Sau khi sắp xếp, Thành phố đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư đảm bảo đúng theo quy định. Về chế độ chính sách đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư được thực hiện kịp thời và có chính sách hỗ trợ thêm. Từ đó đã tạo được đồng thuận cao. Các đơn vị hành chính được sắp xếp sớm hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.

Chủ tịch TP. Trần Sỹ Thanh cho biết, qua rà soát và đối chiếu với các tiêu chí theo quy định hiện nay, Thành phố có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (quận Hoàn Kiếm) và 176 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025.

Gần trăm căn nhà ở Tây Nguyên bị ngập sâu

Mưa lớn kéo dài khiến 64 nhà dân ở Đắk Nông và gần 30 căn nhà ở Đắk Lắk ngập sâu, cơ quan chức năng phải di dời nhiều người đến nơi an toàn.

TP. Gia Nghĩa bị nước lũ bủa vây

TP. Gia Nghĩa bị nước lũ bủa vây

Ngày 31/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Đắk Nông cho biết, tại TP. Gia Nghĩa, mực nước trên các sông, suối dâng cao khiến 64 nhà dân và 9 phòng trọ ngập 0,5 - 1,5 m, một nhà rẫy bị sập. Nơi ngập nhiều nhất là phường Nghĩa Tân, Quảng Thành và Nghĩa Trung. Những hộ sống gần sông suối, bị ngập trên 1 m.

Ngoài ra, mưa lớn cũng gây sạt lở đất 3 vị trí ở phường Quảng Thành; đường tại xã Đăk Nia bị ảnh hưởng khoảng 80 m, đất tràn lấp mặt đường trên 200 m3. Tại xã Đắk R’Moan, đường bị sạt lở, xói mòn khoảng 7 m, sâu 1,5 m.

Ngoài TP. Gia Nghĩa, các huyện Đắk Rlấp, Tuy Đức, Đắk Glong cũng bị thiệt hại về nhà cửa, đường giao thông và cây trồng.

Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Đắk Nông, thời gian tới, Tỉnh tiếp tục mưa to, cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất, sụt lún đất trên các sườn dốc.

Ở huyện Ea Súp và Lăk (Đắk Lắk), mưa lớn cũng gây ngập gần 0,5 m đối với 30 căn nhà và hơn 2.000 ha cây trồng. Một số tuyến đường hư hỏng do sạt lở, giao thông chia cắt.

Đầu tư 2.000 tỷ đồng làm bờ kè, công viên dọc sông qua TP. Mỹ Tho

Gần 10 km bờ sông Bảo Định, TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) được đầu tư bờ kè, đường giao thông, công viên cây xanh, tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng.

Phối cảnh hai bên bờ sông Bảo Định qua TP. Mỹ Tho

Phối cảnh hai bên bờ sông Bảo Định qua TP. Mỹ Tho

Thông tin được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tỉnh cho biết ngày 30/7. Dự án được trung ương hỗ trợ 1.350 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách địa phương.

Đơn vị thi công đang giải phóng mặt bằng để chuẩn bị khởi công dự án với chi phí gần 730 tỷ đồng. Công trình gồm các hạng mục bờ kè, đường giao thông rộng 3,5 - 8 m, hệ thống chiếu sáng, công viên dọc hai bờ sông, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Sông Bảo Định dài 25 km, bờ kè sông ngoài chức năng chống sạt lở, triều cường, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, còn là điểm nhấn về cảnh quan du lịch cho TP. Mỹ Tho.

Khảo cổ điện Cần Chánh trước khi phục dựng

Điện Cần Chánh, một trong những ngôi điện quan trọng nhất của triều Nguyễn, sẽ được phục dựng sau khi khảo cổ.

Điện Cần Chánh được khảo cổ học trước lúc trùng tu

Điện Cần Chánh được khảo cổ học trước lúc trùng tu

Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết đang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật, khảo cổ di tích điện Cần Chánh trước khi phục dựng.

Hơn 20 ngày qua, đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đào thám sát nhiều hố trong khu vực sân điện Cần Chánh. Hệ thống các chân trụ đá, bậc cấp đã xuất lộ, nhiều hiện vật như mảnh sành sứ, gạch vồ được tìm thấy. Dự kiến, công tác khảo cổ diễn ra hơn một tháng.

Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, sau khi khảo cổ, điện Cần Chánh sẽ được phục dựng theo kiến trúc của triều Nguyễn trước lúc bị triệt giải năm 1947. Hình ảnh, tư liệu điện Cần Chánh qua các bức ảnh của người Pháp đang được đơn vị tổng hợp.

Được xây dựng năm 1804 dưới thời vua Gia Long, Cần Chánh là ngôi điện chính và quan trọng nhất trong khu vực Tử Cấm Thành, kết cấu 5 gian và 2 chái kép, tiền điện có 7 gian và 2 chái đơn. Đây là nơi làm việc của các vua triều Nguyễn, tổ chức thượng triều mỗi tháng bốn lần vào ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch.

Tháng 2/1947, điện bị phá hủy hoàn toàn do chiến tranh, ngày nay chỉ còn lại phần nền móng. Năm 2021, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phục hồi điện với kinh phí 200 tỷ đồng.

Khởi tố thêm 13 người trong vụ thanh tra giao thông Bà Rịa - Vũng Tàu nhận hối lộ

Quá trình mở rộng điều tra vụ án thanh tra giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận hối lộ hơn 10 tỷ đồng, cơ quan điều tra vừa khởi tố thêm 13 bị can về hành vi đưa hối lộ.

Hai trong số 13 bị can vừa bị khởi tố nghe cơ quan điều tra tống đạt các quyết định

Hai trong số 13 bị can vừa bị khởi tố nghe cơ quan điều tra tống đạt các quyết định

Ngày 31/7, Viện KSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết vừa phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra cùng cấp, tống đạt các quyết định khởi tố bị can đối với 13 người là cá nhân, chủ doanh nghiệp trong và ngoài Tỉnh về hành vi “đưa hối lộ”.

Danh tính 13 bị can chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng công bố.

Động thái trên được đưa ra trong quá trình điều tra, mở rộng vụ án “đưa và nhận hối lộ” liên quan đến các đội Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trước đó, vào đầu tháng 5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam 4 bị can là thanh tra giao thông đề điều tra về hành vi nhận hối lộ và 5 bị can là chủ doanh nghiệp vận tải về hành vi đưa hối lộ, với cáo buộc số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam thêm 2 thanh tra giao thông là Trần Ngọc Huệ và Phạm Văn Dương về hành vi nhận hối lộ.

Bước đầu cơ quan điều tra xác định, ông Lâm Hữu Trí (thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã nhiều lần nhận tiền hối lộ từ các cá nhân, doanh nghiệp vận tải thông qua 2 tài khoản ngân hàng, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, hàng tháng ông Trí sẽ rút tiền hoặc chuyển khoản để chia cho các đội thanh tra giao thông phụ trách địa bàn, theo quy ước chung đã được thống nhất.

Như vậy, liên quan vụ án, đến nay đã có 24 người bị khởi tố, một số được áp dụng biện pháp bắt tạm giam, gồm 6 thanh tra giao thông, còn lại là cá nhân, chủ doanh nghiệp. Vụ án đang được tiếp tục mở rộng điều tra.

Cấm neo đậu tàu thuyền ven bờ vịnh Hạ Long từ ngày 1/8

TP. Hạ Long yêu cầu, từ ngày 1/8/2023, tất cả các phương tiện thủy không được neo đậu tại khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long. Việc này nhằm lập lại trật tự việc neo đậu tàu bè cũng như từng bước làm sạch môi trường khu vực ven bờ vịnh Hạ Long.

Một chiếc tàu gỗ tùy tiện cập vào để cho người trèo qua lan can để lên bờ

Một chiếc tàu gỗ tùy tiện cập vào để cho người trèo qua lan can để lên bờ

Theo đó, từ ngày 1/8/2023, TP. Hạ Long yêu cầu không neo đậu phương tiện thủy nội địa tại khu vực vùng đệm ven bờ vịnh Hạ Long (tiếp giáp luồng đường thủy nội địa Bài Thơ - Đầu Mối) thuộc địa giới hành chính các phường: Bạch Đằng, Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hà, Hồng Hải, Hồng Gai, Yết Kiêu (trừ trường hợp khẩn cấp có thể nguy hiểm đến tính mạng, tài sản như sự cố, tránh trú bão...).

Khẩn trương di chuyển phương tiện ra vị trí được phép neo đậu theo quy định (đối với tàu, thuyền đánh bắt thuỷ, hải sản cùng các phương tiện cung ứng hậu cần di chuyển ra khu vực Bến cá tạm phường Cao Xanh, Bến Cái Xà Cong, phường Hà Phong).

Sau ngày 31/7/2023, các tổ chức, cá nhân nào không chấp hành sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Theo báo cáo, tình hình neo đậu phương tiện của các tàu đánh bắt thuỷ, hải sản; các phương tiện cung ứng, hậu cần tại một số nơi ven bờ vịnh Hạ Long, đặc biệt là khu vực vùng đệm vịnh Hạ Long tiếp giáp luồng đường thuỷ nội địa Bài Thơ - Đầu Mối thuộc địa giới hành chính các phường Hà Phong, Hà Tu, Hồng Hà, Hồng Hải, Bạch Đằng, Hồng Gai, Yết Kiêu tồn tại nhiều tình trạng vi phạm về neo đậu phương tiện tàu, thuyền.

Việc này dẫn đến việc gây mất an toàn giao thông đường thuỷ, ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan khu vực trung tâm TP. Hạ Long.

Hơn 7.000 người mất tiền trong thẻ tín dụng vì sập bẫy 'rút tiền miễn phí'

Nhóm tội phạm giả nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách có thẻ tín dụng đề nghị "hỗ trợ rút tiền mặt miễn phí" khiến hơn 7.000 người tin lời đã bị trừ 136 tỷ đồng.

Công an quận Tân Bình bắt quả tang nhóm người lừa tư vấn, nhận hình ảnh của chủ thẻ tín dụng, tháng 12/2022

Công an quận Tân Bình bắt quả tang nhóm người lừa tư vấn, nhận hình ảnh của chủ thẻ tín dụng, tháng 12/2022

Ngày 31/7, Công an TP.HCM khởi tố Hoàng Trọng Vỹ, Trần Văn Xuân cùng 6 người khác về hành vi Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TVX Group.

Theo điều tra, tháng 1/2022, Vỹ và Xuân có thông tin những khách hàng được cấp thẻ tín dụng tại các ngân hàng. Họ thuê người đóng giả nhân viên nhà băng, gọi điện đến những khách trên đề nghị "hỗ trợ rút tiền mặt từ hạn mức thẻ được cấp, không mất phí".

Sau khi có được thông tin thẻ, mã bí mật, nhóm này thông qua các trang thương mại trực tuyến, ví điện tử rút tiền. Họ sẽ chuyển cho các nạn nhân một phần tiền để làm tin, trì hoãn việc phát hiện mất tiền, rồi chiếm giữ phần còn lại.

Cơ quan điều tra xác định có hơn 7.000 người đã tin lời nhóm Vỹ và Xuân, thẻ tín dụng bị trừ tổng cộng hơn 136 tỷ đồng. Hai nghi can cầm đầu đã chỉ đạo hoàn lại cho các chủ thẻ 112 tỷ đồng, chiếm đoạt hơn 24 tỷ. Nhà chức trách kêu gọi những cá nhân, tổ chức là nạn nhân của nhóm này đến trình báo.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư