Bản tin thời sự sáng 17/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cần hơn 136.000 tỷ đồng đầu tư Vành đai 4 TP.HCM; nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 6 làn xe; miễn, giảm nhiều loại thuế cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3; 300 tỷ đồng làm đường vào cảng Vân Phong…

Cần hơn 136.000 tỷ đồng đầu tư Vành đai 4 TP.HCM

Tuyến đường dài 207 km đi qua 5 tỉnh, thành được khái toán tổng mức đầu tư hơn 136.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án giao thông phía Nam từ trước tới nay.

Phối cảnh Vành đai 4 được đầu tư giai đoạn một với 4 làn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp; cùng đường song hành hai bên

Phối cảnh Vành đai 4 được đầu tư giai đoạn một với 4 làn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp; cùng đường song hành hai bên

Thông tin nêu trong công văn UBND TP.HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau khi cùng các địa phương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 4.

Được quy hoạch năm 2011, Vành đai 4 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng chiều dài gần 207 km. Trong đó, đoạn qua Long An dài nhất với hơn 78 km, Bình Dương gần 48 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,2 km và TP.HCM 16,7 km.

Tổng mức đầu tư dự án hiện được khái toán gần 136.600 tỷ đồng, tăng so với dự kiến trước đây. Trong đó, mặt bằng dự án được giải tỏa một lần với quy mô hoàn chỉnh từ đầu và làm trước 4 làn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp (rộng 3 m). Trên tuyến có khoảng 21 nút giao lớn cùng hệ thống đường song hành, đường gom dân sinh, nhất là những nơi qua khu đô thị, dân cư.

Vành đai 4 TP.HCM, dự kiến được chia làm 11 dự án thành phần, gồm hai nhóm giải phóng mặt bằng, đường gom dân sinh và tuyến chính cao tốc. Trong tổng mức đầu tư, vốn ngân sách ước tính hơn 76.000 tỷ đồng (khoảng 42.553 tỷ đồng vốn trung ương và hơn 33.5500 tỷ đồng vốn địa phương). Phần còn lại hơn 60.000 tỷ đồng huy động vốn từ nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Theo kế hoạch, hồ sơ dự án sau khi hoàn thiện nghiên cứu và thẩm định sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10 năm nay. Khi được thông qua, tuyến đường dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau ba năm, là công trình có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực phía Nam. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo trục giao thông chiến lược liên kết các cao tốc, quốc lộ, sân bay, giúp phát triển kinh tế xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 6 làn xe

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn lên 6 làn xe để phù hợp với quy hoạch cao tốc sau năm 2030.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn 2 làn xe qua Thừa Thiên Huế

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn 2 làn xe qua Thừa Thiên Huế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).

Trong báo cáo tiền khả thi, Bộ Giao thông vận tải đưa ra hai phương án. Phương án 1 là mở rộng cao tốc lên 4 làn xe, tổng đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng. Phương án 2 là 6 làn xe theo quy hoạch với tổng mức đầu tư 12.770 tỷ đồng.

Bộ Giao thông Vận tải lựa chọn phương án 1 với ưu điểm là hạn chế giải phóng mặt bằng chính tuyến, phù hợp với quy mô đầu tư các đoạn lân cận (Vạn Ninh - Cam Lộ và La Sơn - Hòa Liên) và tận dụng được hạng mục kiên cố hóa mái taluy đã thi công, phù hợp về nguồn vốn được thông báo là 7.000 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn cũng tính toán nhu cầu vận tải đến năm 2045 mới cần mở rộng lên 6 làn xe.

Thẩm định dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa tính đến việc gia tăng lưu lượng phương tiện vận chuyển than từ Lào tới các cảng biển Việt Nam. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam để xuất khẩu qua các cảng biển, bằng đường bộ, bao gồm cả tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn có thể lên tới 20-30 triệu tấn mỗi năm.

Bên cạnh đó, theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2050, đoạn Cam Lộ - La Sơn sẽ được đầu tư xây dựng cao tốc 6 làn xe trước năm 2030. Nếu dự án dự kiến hoàn thành năm 2026 với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh thì sẽ khó đảm bảo trước năm 2030 đạt quy mô 6 làn xe. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đầu tư cao tốc 6 làn xe theo quy hoạch.

Để đồng bộ với nhiều đoạn trên tuyến cao tốc Bắc Nam có 4 làn xe hoàn chỉnh, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất mở rộng đoạn cao tốc Cam Lộ - La Sơn hiện hữu từ 2 lên 4 làn xe, bề rộng nền đường từ 12 m thành 22 m, bề rộng mặt đường từ 11 m thành 20,5 m. Các đoạn đã được đầu tư nền đường 23,25 m sẽ cơ cấu mặt cắt ngang theo hướng mở rộng dải dừng xe khẩn cấp.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 7.000 tỷ đồng, dự kiến bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023.

Miễn, giảm nhiều loại thuế cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3

Tổng cục Thuế vừa có công văn hướng dẫn giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp sau bão lũ. Theo đó, người dân, doanh nghiệp sẽ được miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế như: Thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, khấu trừ thuế giá trị gia tăng…

Miễn, giảm nhiều loại thuế cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3

Miễn, giảm nhiều loại thuế cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão số 3

Tổng cục Thuế vừa có công văn gửi 26 cục thuế địa phương hướng dẫn miễn giảm, gia hạn tiền thuế cho người dân, doanh nghiệp sau bão lũ, gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Theo đó, người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do cơn bão số 3 và mưa lũ sẽ được miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thiên tai được gia hạn từ 1-2 năm tiền nộp thuế (tùy từng trường hợp ảnh hưởng của bão). Doanh nghiệp được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa dùng cho sản xuất, kinh doanh.

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế phần tổn thất do thiên tai.

Doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm xảy ra thiệt hại.

Đối với thuế tài nguyên, doanh nghiệp được miễn, giảm thuế cho số tài nguyên bị tổn thất, nếu đã nộp thuế sẽ được hoàn trả hoặc trừ vào số thuế phải nộp kỳ sau. Doanh nghiệp cũng được giảm 50% thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nếu bị thiệt hại về đất và nhà.

Đối với cá nhân và hộ kinh doanh bị ảnh hưởng thiên tai sẽ được giảm thuế thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên. Trong đó, mức thuế thu nhập cá nhân được giảm tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không quá số thuế phải nộp. Thuế tiêu thụ đặc biệt được giảm tương ứng thiệt hại nhưng không quá 30% số thuế phải nộp.

Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế địa phương hướng dẫn cá nhân, tổ chức doanh nghiệp thực hiện chính sách gia hạn, miễn, giảm thuế. Cục thuế địa phương phân công cán bộ đầu mối hướng dẫn người nộp thuế hồ sơ, thủ tục và khôi phục hồ sơ thuế, chứng từ liên quan xác định giá trị thiệt hại.

300 tỷ đồng làm đường vào cảng Vân Phong

Đường nối vào cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong dài 7,6 km, rộng 34 m, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành giai đoạn một vào cuối năm nay.

Khu vực dự kiến làm cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Khu vực dự kiến làm cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án trên giai đoạn 2 vừa được HĐND tỉnh thông qua. Đoạn đường dài 2,4 km, tổng vốn gần 150 tỷ đồng (trong tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng), thực hiện trong giai đoạn 2024-2027. Trước đó, giai đoạn một của dự án dài 5,4 km, tổng kinh phí 150 tỷ đồng đã được triển khai, dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Dự án do Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong làm chủ đầu tư. Điểm đầu dự án tiếp nối với đường từ quốc lộ 1 đến Đầm Môn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh); điểm cuối tại vị trí hết ranh giới của cảng tổng hợp Bắc Vân Phong. Khi cả hai giai đoạn hoàn thành, trục đường sẽ kết hợp với tuyến gần đó, giúp giao thông từ quốc lộ 1 xuyên suốt đến cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong dài 22 km.

Công trình kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư, đảm bảo quốc phòng an ninh, phát triển kinh tế tại khu vực Bắc Khu kinh tế Vân Phong.

Khu kinh tế Vân Phong rộng khoảng 150.000 ha, trong đó hơn một nửa là diện tích mặt nước, còn lại là đất liền và đảo. Đây là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Khánh Hòa. Khu kinh tế này được chia thành 19 phân khu gồm cảng biển, dịch vụ hậu cần, đô thị, dịch vụ nghỉ dưỡng... Vân Phong được quy hoạch là trung tâm kinh tế biển cả nước với quy hoạch cảng biển, kết hợp đô thị, dịch vụ như sân bay, casino.

Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giao thông Vận tải, cảng biển Vân Phong dự kiến sẽ được quy hoạch thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai.

Cụ thể, cảng trung chuyến quốc tế được quy hoạch ở khu bến Bắc Vân Phong, với quy mô phát triển 4 cầu cảng với chiều dài hơn 1 km, năng lực thông qua từ 4,3-5,4 triệu tấn đến năm 2025. Đến năm 2030, quy mô phát triển 6 cầu cảng với chiều dài gần 2 km, năng lực thông qua từ 5,5-6,9 triệu tấn và từ 120.000 lượt khách đến 130.000 lượt khách.

Các nhà băng giảm lãi vay cho khách hàng thiệt hại vì bão Yagi

Nhiều ngân hàng giảm 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão Yagi.

Tàu du lịch bị bão Yagi đánh chìm tại Cảng quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh

Tàu du lịch bị bão Yagi đánh chìm tại Cảng quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh

Bão Yagi và hoàn lưu sau bão quét qua 26 tỉnh, thành phía Bắc và Thanh Hóa hôm 7/9 gây thiệt hại về người, tài sản. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thống kê từ 20 địa phương số dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 80.000 tỷ đồng. Trong đó, tại Quảng Ninh và Hải Phòng có 11.700 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ khoảng 23.100 tỷ đồng.

Sau yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đồng loạt đưa ra chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Trong khối ngân hàng có vốn Nhà nước, Vietcombank giảm 0,5% lãi suất cho các khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh ở khu vực bị thiệt hại do bão, từ 6/9 đến hết năm nay. Chính sách này áp dụng cho dư nợ hiện hữu và vay mới. Ngân hàng này ước tính gần 20.000 khách hàng với tổng dư nợ 130.000 tỷ được hạ lãi suất, tương ứng mức hỗ trợ 100 tỷ đồng.

Tại Agribank – ngân hàng chuyên cho vay lĩnh vực nông nghiệp - bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc cho biết khoảng 12.000 khách hàng với dư nợ 21.000 tỷ đồng bị ảnh hưởng do bão và mưa lũ. Bà Bình cho hay con số này có thể tăng vì còn nhiều khu vực giao thông bị chia cắt, mất điện, mất liên lạc... ngân hàng chưa thống kê hết.

"Agribank dự kiến sẽ giảm 0,5 - 2% trên lãi suất đang áp dụng để hỗ trợ khách hàng, tùy theo mức độ thiệt hại", bà Bình chia sẻ.

VPBank giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu và tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được giảm 1%, ngắn hạn hạ 0,5%. Chính sách này áp dụng từ 13/9 đến hết năm nay tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...

Tại TPBank, nhà băng này giảm tối đa 50% số tiền lãi cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bão, lũ đến hết tháng 1 năm sau. Chương trình có hạn mức tối đa 2.000 tỷ đồng và ngân hàng nhận đề nghị hỗ trợ từ khách hàng tới hết tháng 10.

Từ nay đến hết năm, MSB cũng giảm lãi suất 1% cho khách hàng là hộ kinh doanh đang vay vốn tại ngân hàng này, thời gian vay lên đến 60 tháng.

Saigon Glory có 97 lần mua lại trái phiếu trước hạn

Dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy từ đầu năm tới nay, Công ty TNHH Saigon Glory đã có 97 lần mua lại trái phiếu trước hạn, tổng giá trị gần 1.000 tỷ đồng.

Saigon Glory có 97 lần mua lại trái phiếu trước hạn

Saigon Glory có 97 lần mua lại trái phiếu trước hạn

Thời gian thực hiện mua lại số trái phiếu nói trên từ tháng 2 đến cuối tháng 8 với tổng giá trị mua lại đạt 991,27 tỷ đồng. 10 lô trái phiếu được mua lại trước hạn là từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10.

10 lô này có tổng giá trị 10.000 tỷ đồng, được phát hành cho gần 4.000 trái chủ từ năm 2020. Mục đích phát hành là để thực hiện dự án khu văn phòng - thương mại - dịch vụ - căn hộ - khách sạn tại số 1 Phạm Ngũ Lão, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM (khu tứ giác Bến Thành).

Trong đó, 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 7/2023 và 5.000 tỷ đồng được đáo hạn vào tháng 8/2025.

Tuy nhiên, Saigon Glory không thể thanh toán gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn. Đến đầu năm nay, doanh nghiệp đạt thỏa thuận với trái chủ và gia hạn thành công tất cả 10 lô trái phiếu này.

Theo đó, toàn bộ các lô trái phiếu trên sẽ được kéo dài thời gian đáo hạn 1-2 năm và sẽ được mua lại theo tiến độ. 3 lô trái phiếu từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.03 có ngày đáo hạn vào tháng 6/2023 sẽ được gia hạn đến tháng 6/2025.

Với các lô trái phiếu SGL-2020.04 và SGL-2020.05, ngày đáo hạn được dời từ tháng 7/2023 sang tháng 7/2025. 5 lô còn lại, từ SGL-2020.06 đến SGL-2020.10, cùng đáo hạn vào tháng 8/2025, sẽ được gia hạn tới tháng 11/2026.

Trong thời gian gia hạn, Saigon Glory sẽ mua lại trước hạn nợ gốc trái phiếu của mỗi lô ngay khi có thể nhưng sẽ không muộn hơn tiến độ được đề ra định kỳ với tỷ lệ thanh toán tăng dần mỗi kỳ. Trước đây, lãi suất của các lô trái phiếu này được cam kết không thấp hơn 11%/năm. Sau điều chỉnh, lãi suất cũng được giảm xuống còn 8%/năm.

Về Saigon Glory, đơn vị này là chủ đầu tư của dự án trên "đất vàng" khu tứ giác Bến Thành có 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão, Calmette, Lê Thị Hồng Gấm, Phó Đức Chính. Ban đầu, đây là công ty con 100% vốn của Bitexco, có trụ sở tại tầng 47 toà nhà Bitexco Financial Tower, do ông Vũ Quang Bảo (em trai ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco) là người đại diện theo pháp luật.

4 nhà máy Samsung tại Việt Nam thu hơn 15 tỷ USD quý II

Doanh thu và lợi nhuận trong quý II/2024 của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đều tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng vẫn giảm so với quý liền trước.

Samsung hiện sở hữu 4 nhà máy tại Việt Nam

Samsung hiện sở hữu 4 nhà máy tại Việt Nam

Tập đoàn Samsung Electronics đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy doanh thu trên toàn cầu của hãng đạt gần 55 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc báo lãi sau thuế 7,29 tỷ USD, tăng đột biến 471% so với năm 2023.

Samsung Electronics cho biết tăng trưởng trong quý II phần lớn nhờ vào điều kiện thuận lợi của thị trường chip nhớ đã giúp giá bán trung bình (ASP) tăng cao cùng với doanh số vượt trội của tấm nền OLED.

Trong đó, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, đóng góp khoảng 27% doanh thu cho tập đoàn này.

Cụ thể, doanh thu của nhà máy Samsung Thái Nguyên góp hơn 5,6 tỷ USD; nhà máy Samsung Bắc Ninh góp gần 4 tỷ USD; Samsung Display Việt Nam góp gần 4,2 tỷ USD; và Samsung HCMC CE Complex góp 1,3 tỷ USD.

Tổng doanh thu của 4 nhà máy tại Việt Nam đạt trên 15 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng giảm 10% so với quý I liền trước.

Bất chấp doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận tại 4 nhà máy này lại chỉ dừng ở mức gần 1,03 tỷ USD, giảm gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với quý I, lợi nhuận của 4 nhà máy tại Việt Nam cũng sụt giảm khoảng 14%.

Trong đó, lợi nhuận mà nhà máy Samsung Thái Nguyên đạt 427 triệu USD trong quý II; nhà máy Samsung Bắc Ninh đạt 396 triệu USD; Samsung Display Việt Nam đạt 161 triệu USD và Samsung HCMC CE Complex mang về 45 triệu USD.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Samsung Electronics ghi nhận doanh thu đạt hơn 108 tỷ USD và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 12 tỷ USD, tăng lần lượt 18% và 403% so với cùng kỳ của năm ngoái.

Chuyên đề