Bản tin thời sự sáng 17/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường đầu năm 2024; giá vàng và USD đồng loạt tăng mạnh; cổ phiếu Thép Pomina tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo; Đà Nẵng xét duyệt 44 căn chung cư cho người khó khăn thuê…

TP.HCM thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường đầu năm 2024

Thành phố dự kiến cho sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh... có thu phí với mức 20.000 - 350.000 đồng mỗi m2, từ đầu năm 2024.

TP.HCM dự kiến cho sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh... có thu phí
TP.HCM dự kiến cho sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường làm điểm giữ xe, kinh doanh... có thu phí

Nội dung nêu trong tờ trình về mức thu phí sử dụng tạm lòng đường, hè phố vừa được Sở Giao thông vận tải gửi UBND TP.HCM để báo cáo HĐND Thành phố thông qua.

Những trường hợp được dùng lòng đường, hè phố và đóng phí, gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ô tô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; điểm giữ xe có thu tiền dịch vụ.

Các hoạt động khác là điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua - bán hàng hóa; điểm bố trí công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền người sử dụng và lắp đặt công trình tạm trên hè phố, dải phân cách; điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng phục vụ thi công.

Mức phí được đề xuất áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, các tuyến ở trung tâm cao hơn ngoại thành. Trong đó, mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng. Các hoạt động khác áp dụng 20.000 - 100.000 đồng/m2.

Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 sẽ tính thuê nửa tháng, từ 15 ngày trở lên tính 1 tháng. Dự kiến mỗi năm, nguồn thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè gần 800 tỷ đồng, được nộp vào ngân sách Thành phố để duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Thời gian bắt đầu thu phí dự kiến từ 1/1/2024. Trong đó, Sở Giao thông vận tải sẽ đảm nhận thu phí những tuyến cơ quan này quản lý. Các đường thuộc quản lý của quận, huyện sẽ do địa phương thực hiện.

Hiện, TP.HCM có 4.869 tuyến đường rộng từ 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Tình trạng mua bán, lấn chiếm trên vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị.

Giá vàng và USD đồng loạt tăng mạnh

Vàng miếng SJC tăng gần nửa triệu đồng sau một đêm, lên sát 69 triệu đồng/lượng, trong khi giá USD tiếp tục tăng vài chục đồng so với ngày 15/9.

Vàng miếng SJC tăng gần nửa triệu đồng sau một đêm

Vàng miếng SJC tăng gần nửa triệu đồng sau một đêm

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), vàng miếng hiện được mua vào ở mức 68,25 triệu đồng và bán ra 68,95 triệu đồng/lượng. Mức này tăng 450.000 đồng ở chiều mua vào và 250.000 đồng chiều bán ra so với cuối ngày 15/9.

Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng nâng giá mua bán lên 68 - 68,9 triệu đồng/lượng. Còn tại Công ty Vàng bạc đá phú Phú Nhuận (PNJ), giá vàng miếng niêm yết ở 68 - 68,8 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn cũng nhích thêm khoảng 250.000 đồng/lượng so với ngày 15/9. Cụ thể, vàng nhẫn 9999 loại 1 chỉ trở lên hiện mua vào khoảng 56,5 triệu đồng/lượng và bán ra khoảng 57,5 triệu đồng.

Từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 8, giá vàng trong nước không thay đổi đáng kể dù thế giới biến động, thậm chí có lúc vượt 2.000 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng trong nước gần đây có sự điều chỉnh mạnh hơn. Tính đến ngày 16/9, giá vàng SJC đã tăng gần 2,15% chỉ trong một tháng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay đạt 1.945,6 USD/ounce trong cuối buổi sáng 16/9, tăng 0,7% so với ngày 15/9, sau nhiều phiên trượt giá liên tiếp. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 56,43 triệu đồng/lượng, thấp hơn 12,5 triệu đồng so với trong nước.

Trong khi đồng bạc xanh yếu đi trên thị trường quốc tế, tỷ giá giữa USD và VND vẫn tiếp tục tăng. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng 16/9 ở mức 24.036 đồng, tăng 36 đồng so với ngày 15/9. Mức này tiếp tục ở vùng đỉnh cao nhất lịch sử.

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND cũng tăng mạnh. Vietcombank niêm yết giá mua và bán USD quanh mức 24.055 - 24.425 đồng, tăng 35 đồng ở cả hai chiều so với hôm trước. Trong khi BIDV đang giao dịch 24.115 - 24.415 đồng/USD, còn VietinBank niêm yết tỷ giá 24.060 - 24.400 đồng.

Cổ phiếu Thép Pomina tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo

Cổ phiếu Công ty CP Thép Pomina (mã POM - sàn HOSE) tiếp tục nằm trong diện cảnh báo từ ngày 22/9.

Thép Pomina lỗ sau thuế 537,02 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa

Thép Pomina lỗ sau thuế 537,02 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Ảnh minh họa

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa tiếp tục đưa cổ phiếu POM vào diện cảnh báo kể từ ngày 22/9 do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó, ngày 5/5, HOSE cũng đưa cổ phiếu POM vào diện theo dõi ở diện cảnh báo do lợi nhuận chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 là âm 444,68 tỷ đồng.

Một diễn biến đáng lưu ý khác, từ ngày 17/8 đến ngày 31/8, bà Do Nhung (quốc tịch Mỹ), em ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Pomina bán ra 712.200 cổ phiếu trong tổng đăng ký bán toàn bộ 7.283.927 cổ phiếu, tương ứng đã bán được 9,8% tổng đăng ký để giảm sở hữu từ 2,6% về còn 2,35% vốn điều lệ. Lý do không bán hết cổ phiếu đăng ký do không đạt được giá kỳ vọng.

Từ ngày 12/9 đến ngày 11/10, bà Do Nhung tiếp tục đăng ký thoái toàn bộ 6.571.727 cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 2,35% về còn 0% vốn điều lệ.

Trước đó, ngày 7/8, bà Đỗ Thị Kim Cúc, em ông Đỗ Duy Thái đã bán ra 3 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 2,9% xuống 1,83% vốn điều lệ.

Một người em gái nữa của ông Thái là bà Đỗ Thị Kim Ngọc cũng vừa bán ra 2,3 triệu cổ phiếu POM để giảm sở hữu từ 3,64% về còn 2,82% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 17/8.

Xét về hoạt động kinh doanh, lũy kế nửa đầu năm 2023, Thép Pomina ghi nhận doanh thu đạt 2.444,48 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ sau thuế 537,02 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 8,11 tỷ đồng, tức giảm 545,13 tỷ đồng.

Với việc tiếp tục ghi nhận lỗ trong nửa đầu năm 2023, tính tới 30/6/2023, tổng lỗ lũy kế lên tới 789,26 tỷ đồng, bằng 28,2% vốn điều lệ.

Đà Nẵng xét duyệt 44 căn chung cư cho người khó khăn thuê

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam vừa ký văn bản về phương án xét duyệt, bố trí thuê chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước đối với hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một khu chung cư xã hội tại Đà Nẵng

Một khu chung cư xã hội tại Đà Nẵng

Theo đó, đối tượng thuê là các hộ nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo được công nhận tại địa phương theo quy định. Số lượng căn hộ bố trí thuê đợt này gồm 44 căn, trong đó, quận Hải Châu có 6 căn, Thanh Khê 7 căn, Sơn Trà 10 căn, Liên Chiểu 3 căn, Ngũ Hành Sơn 12 căn, Cẩm Lệ 5 căn và huyện Hòa Vang 1 căn.

Điều kiện thuê là, có đăng ký hộ khẩu và thường trú liên tục tại TP. Đà Nẵng đủ 7 năm trở lên tính đến thời điểm nộp hồ sơ.

Chưa có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở trên địa bàn Thành phố; trường hợp có nhà ở, quyền sử dụng đất ở nhưng đã chuyển nhượng thì chỉ xem xét khi đủ 5 năm kể từ thời điểm chuyển nhượng.

Chưa được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại Thành phố.

Điều kiện ưu tiên, thứ nhất là hộ có người bị khuyết tật nặng, đặc biệt nặng. Thứ 2 là hộ có người bị bệnh hiểm nghèo. Thứ 3 là hộ có người đơn thân nuôi con.

Trình tự được thực hiện theo 3 bước, UBND các quận, huyện thông báo, tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt tại địa phương. Sau đó, Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo Hội đồng xét duyệt, bố trí thuê chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng xét duyệt, Sở Xây dựng tổng hợp, trình UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định bố trí thuê.

Dừng tàu du lịch trên sông Nho Quế

Tàu du lịch trên sông Nho Quế (tỉnh Hà Giang) đưa khách tham quan hẻm Tu Sản nổi tiếng dừng khai thác từ sáng 16/9 do có sự bất đồng về "phân chia lợi ích".

Tàu du lịch chở khách trên sông Nho Quế

Tàu du lịch chở khách trên sông Nho Quế

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản vừa ra thông báo ngừng vận chuyển du khách trên lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 do chưa thống nhất được phương án quản lý tạm thời hoạt động vận tải thủy nội địa phục vụ khách du lịch trong phạm vi lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1, chưa ký kết hoặc gia hạn hợp đồng vận chuyển hành khách với Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1.

Vì vậy, từ 0h ngày 16/9, HTX tạm ngừng vận chuyển du khách tham quan hẻm Tu Sản bằng tàu du lịch trên sông Nho Quế đến khi có thông báo mới.

Lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 là khu vực duy nhất để khách du lịch tham quan hẻm Tu Sản bằng tàu du lịch. HTX Nông nghiệp và Dịch vụ du lịch Tu Sản là đơn vị duy nhất khai thác tàu du lịch ở khu vực này.

Theo đại diện UBND huyện Mèo Vạc, huyện không chỉ đạo HTX tạm ngừng vận chuyển du khách tham quan hẻm Tu Sản. Ngày 15/9, UBND Huyện đã có văn bản chấp thuận việc gia hạn hợp đồng vận chuyển hành khách giữa hai đơn vị từ 16/9 đến hết 31/12. Tuy nhiên, HTX đã tự đưa ra thông báo trên khiến UBND huyện Mèo Vạc "thực sự sốc". Vị đại diện UBND Huyện nói thêm, lý do thực sự của việc tạm ngừng vận chuyển khách này là hai bên không thống nhất được vấn đề "phân chia lợi ích".

Đại diện UBND huyện Mèo Vạc cho biết, sáng 16/9, lãnh đạo UBND huyện Mèo Vạc đã làm việc với HTX và Công ty CP Thủy điện Nho Quế 1. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

PNJ bị phạt và truy thu thuế hơn 13 tỷ đồng

Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp giai đoạn 2021 - 2022, bị truy thu thuế và chậm nộp thuế.

Mức lãi sau thuế năm 2022 của PNJ cao nhất lịch sử, đạt 1.811 tỷ đồng

Mức lãi sau thuế năm 2022 của PNJ cao nhất lịch sử, đạt 1.811 tỷ đồng

PNJ vừa thông báo nhận quyết định của Tổng cục Thuế về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế qua thanh tra thuế với các khoản phạt và nghĩa vụ thuế bổ sung.

Theo đó, doanh nghiệp đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế phải nộp giai đoạn 2021 - 2022 trị giá hơn 2 tỷ đồng. Số tiền truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hơn 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, số tiền truy thu thuế thu nhập cá nhân phải nộp là 262 triệu đồng. Số tiền chậm nộp thuế là 712 triệu đồng. Tổng số tiền PNJ bị phạt và truy thu là hơn 13,1 tỷ đồng.

PNJ có truyền thống nhiều năm kinh doanh trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, phụ kiện thời trang. Công ty còn kinh doanh đồng hồ và kiểm định kim cương, đá quý, kim loại quý. Bà Cao Thị Ngọc Dung là nhà sáng lập, đồng thời giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty từ năm 2004 đến nay, bên cạnh đó có một số năm đảm nhận vị trí Tổng giám đốc.

Về kết quả kinh doanh, từ năm 2019 đến nay, Công ty luôn lãi sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng. Mức lãi năm 2022 cao nhất lịch sử, đạt 1.811 tỷ đồng. Trong 7 tháng đầu năm nay, ước tính doanh thu thuần của Công ty giảm hơn 9% còn 18.823 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.171 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, bằng 60% kế hoạch năm.

Khẩn trương xử lý số xe máy bị bỏ quên tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản chỉ đạo Cảng vụ hàng không miền Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra tình trạng xe máy bị bỏ quên tại nhà để xe TCP - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM).

Nhiều xe máy bị bỏ quên tại sân bay Tân Sơn Nhất

Nhiều xe máy bị bỏ quên tại sân bay Tân Sơn Nhất

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam nhận được phản ánh của báo chí về việc phương tiện xe máy bị bỏ quên tại Nhà để xe TCP - sân bay Tân Sơn Nhất gây mất an toàn trong công tác phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

Trước tình trạng nêu trên, Cục yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam khẩn trương phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành kiểm tra tình trạng xe máy bị bỏ quên tại nhà để xe TCP - sân bay Tân Sơn Nhất; làm việc với Công ty TCP để làm rõ các giải pháp, hướng xử lý như: liên hệ với chủ xe, báo cáo xin ý kiến xử lý của cơ quan có thẩm quyền; bố trí khu vực riêng và các giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường đã, đang và sẽ thực hiện của Công ty TCP đối với các trường hợp xe máy để lâu ngày tại nhà để xe TCP.

Đồng thời yêu cầu Công ty TCP phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an TP.HCM tổ chức kiểm tra công tác phòng chống cháy nổ tại nhà để xe TCP…

Phê duyệt 2 khu tái định cư cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu trong tháng 9/2023

Ngày 16/9, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, UBND TP. Biên Hòa đang lấy ý kiến các đơn vị đối với hồ sơ quy hoạch chi tiết 2 khu tái định cư tại TP. Biên Hoà nhằm phục vụ tái định cư cho người dân phải di dời thuộc Dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Dự kiến, 2 khu tái định cư này sẽ được phê duyệt quy hoạch trong tháng 9/2023.

Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 4 khu tái định cư cho Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 4 khu tái định cư cho Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch 4 khu tái định cư cho Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, TP. Biên Hòa quy hoạch 2 khu tái định cư tại phường Phước Tân và phường Tam Phước.

Khu tái định cư 31,52 ha tại phường Tam Phước được bố trí nhà liên kế gồm các khu nhà ở phục vụ tái định cư diện tích khoảng 11.225 ha, bố trí được khoảng 1.280 lô đất ở liền kề, bố trí 1,1 ha quỹ đất dự trữ phát triển nhà ở trong tương lai, bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng các công trình an sinh xã hội khác nhằm phục vụ dân cư trong nội khu và dân cư của các khu vực xung quanh như: công trình giáo dục, thương mại - dịch vụ, công viên cây xanh...; sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 717,5 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2023 - 2024. Tiến độ thực hiện Dự án tối đa 4 năm.

Khu tái định cư 49,32 ha tại phường Phước Tân, TP. Biên Hòa đáp ứng 1.066 lô với quy mô dân số 4.248 người và 4 khối nhà ở cao tầng với quy mô dân số 3.752 người. Tổng cộng quy mô khoảng 8.000 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.127,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2024 - 2025. Tiến độ thực hiện Dự án tối đa 3 năm.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư