Chính phủ yêu cầu bỏ quy định xuất trình hộ khẩu
Các tỉnh, thành rà soát, bãi bỏ quy định yêu cầu người dân trình sổ hộ khẩu khi thực hiện giao dịch dân sự, thủ tục hành chính.
Một người dân cầm chứng minh thư và hộ khẩu giấy đi làm thẻ căn cước công dân gắn chip |
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 8, nêu rõ người dân có thể dùng căn cước công dân, định danh điện tử, dữ liệu dân cư để thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính.
Các địa phương đảm bảo điều kiện về an ninh, an toàn thông tin phục vụ kết nối, sử dụng dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thay cho việc yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, hoàn thành trong tháng 10.
Bộ Tư pháp đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng các văn bản liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ 1/1/2023, theo quy định của Luật Cư trú.
Trên cơ sở rà soát của các bộ, ngành, hai bộ Công an và Tư pháp thống nhất lộ trình, giải pháp sửa đổi văn bản, trình Thủ tướng trước 30/9. Nếu cần thiết, Bộ có thể đề xuất xây dựng nghị định theo thủ tục rút gọn để giải quyết các vấn đề liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu từ đầu năm 2023; hoàn thành trong tháng 12/2022.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương đối mặt nguy cơ đóng cửa vì hết thuốc tê
Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) - đơn vị đầu ngành về răng hàm mặt đang đối mặt với nguy cơ phải đóng cửa vì số lượng thuốc tê chỉ còn cầm cự được 2 tuần.
Các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Theo TS.BS Phạm Thanh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, chỉ còn 2 tuần nữa là hết thuốc tê. Nếu không có thuốc tê thì nguy cơ đóng cửa rất cao vì 2/3 dịch vụ ngoại trú sử dụng thuốc tê.
Theo BS Hà, tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương có 2 nhóm thuốc sử dụng chính là thuốc kháng sinh và thuốc tê. Với thuốc kháng sinh, quan điểm của bệnh viện là hạn chế tối đa, chỉ sử dụng khi cần thiết. Vì thế, trong thời gian qua tại cơ sở không xảy ra tình trạng thiếu thuốc kháng sinh.
Với thuốc tê, ngoài sử dụng thuốc an toàn, nhân viên y tế cũng có nhiệm vụ làm thế nào để lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để thay thế loại thuốc đang dùng mà đã hết.
Với một số loại thuốc tê đã hết, Bệnh viện phải thay thế bằng loại thuốc tê khác tính năng tương tự nhưng việc thay thế này cũng không hề dễ dàng.
Hiện nay, chỉ có 2 - 3 hãng sản xuất thuốc tê nhập về Việt Nam. Trên thế giới cũng không có nhiều nhà sản xuất thuốc tê nên việc tìm kiếm sản phẩm thay thế rất khó.
Phó Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cho biết: Thời gian để từ khi công ty đăng ký nhập cho đến khi về được Việt Nam thì phải mất đến 3 - 4 tháng. Lý do vì nhà máy sản xuất cho nước nào phải có kế hoạch trước chứ không thể lấy thuốc xuất sang Ba Lan bán cho Việt Nam được vì liên quan đến vấn đề nhãn mác, luật…
Hà Nội làm hầm chui tại nút giao vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long
Hầm chui tại nút giao vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long sẽ được xây dựng trong giai đoạn 2022 - 2026, tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước.
Vị trí xây dựng hầm chui nút giao Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long |
HĐND TP. Hà Nội vừa thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư một số dự án của Thành phố về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, trong đó có xây dựng nút giao khác mức giữa đường Vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức.
Thành phố sẽ đầu tư Dự án Xây dựng hầm chui theo hướng Vành đai 3,5 (đường Lê Trọng Tấn) - Quốc lộ 32 với tổng chiều dài 975 m, rộng 18,5 m. Bốn cầu nhánh bằng bê tông cốt thép dự ứng lực với tổng chiều dài hơn 2.300 m, bề rộng cầu 8,8 m, tường chắn bê tông cốt thép dài hơn 600 m.
Ngoài ra, Dự án cũng gồm hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước trên cầu và hai đầu cầu. Phần đường trong phạm vi nút giao được xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước, cây xanh, hào cáp kỹ thuật.
Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội làm chủ đầu tư, mục tiêu hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch, kết nối, khai thác hợp lý với kết cấu hạ tầng đã được xây dựng; giảm thiểu ùn tắc...
Cảnh cáo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Phước
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Xuân Tùng bị kỷ luật vì để xảy ra nhiều sai phạm trong thời gian quản lý xây dựng đô thị ở thị xã Đồng Xoài.
Chính quyền phá dỡ đường do một số người dân Đồng Xoài tự ý mở trên đất nông nghiệp |
Ngày 16/9, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Phước quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Xuân Tùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng.
Theo cơ quan kiểm tra Tỉnh ủy, năm 2016 và 2017 với vai trò Trưởng phòng Quản lý đô thị Đồng Xoài (nay là TP. Đồng Xoài), ông Tùng thiếu trách nhiệm trong tham mưu cấp trên các hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không kiểm tra, giám sát để một số hộ ở TP. Đồng Xoài tự ý làm đường trên đất nông nghiệp nhằm phân lô bán nền trái quy định.
Trước khi làm Phó Giám đốc Sở Xây dựng từ đầu năm 2022, ông Tùng giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Đồng Xoài.
Hải quan TP.HCM thu giữ hơn một triệu USD bị nhuộm đen
Hai hành khách ở Tân Sơn Nhất bị phát hiện giấu 12 cọc in mệnh giá 100 USD đã nhuộm đen, trong hai valy, chuẩn bị lên máy bay đi Thái Lan.
Các cọc USD bị nhuộm hoá chất |
Ngày 16/9, Hải quan TP.HCM cho biết, mỗi cọc gồm 10 xấp, tổng cộng 10.518 tờ, tức "hơn một triệu USD". "Đây là đôla thật bị nhuộm đen. Tuy nhiên, để xác định việc này phải chờ cơ quan chức năng giám định.
Hải quan TP.HCM đang phối hợp Công an TP HCM làm rõ hành vi, mục đích của những người liên quan.
Trước đó, Đội thủ tục hành lý (Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất) phát hiện dấu hiệu bất thường trong hành lý của hai khách người Việt. Họ đi chuyến bay VJ803 sang Bangkok, Thái Lan.
Trong mỗi valy, lực lượng chức năng tìm thấy 6 cọc "100 USD" được bọc trong nylon, phủ bằng hóa chất đen, không nhìn thấy số seri. Tang vật bị tạm giữ, giám định. Danh tính hai hành khách chưa được tiết lộ.
Metro số 1 cam kết không phát sinh chi phí khi lùi thời hạn hoàn thành
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cam kết kiểm soát chặt tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2023 và không để phát sinh chi phí, gia hạn thêm nhiều lần.
Tàu metro chạy thử nghiệm trên đoạn ray 300 m hồi tháng 8. |
Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM giải trình về việc lùi thời gian hoàn thành Dự án Metro số 1 đến cuối năm 2023 - theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo quyết định năm 2019 của UBND TP.HCM về phê duyệt điều chỉnh Dự án, Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) có thời gian hoàn thành vào quý IV/2021. Tuy nhiên đến nay Dự án vẫn chưa thể hoàn thành.
Về vấn đề phát sinh chi phí khi điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án, MAUR cho hay, việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và để có cơ sở pháp lý triển khai thi công Dự án liên tục, không bị gián đoạn.
Theo MAUR, Dự án Metro số 1 hiện đạt hơn 93% tổng khối lượng; công tác thi công còn lại tiếp tục được xúc tiến để hoàn thành. MAUR cũng cam kết kiểm soát chặt chẽ tiến độ để đưa vào khai thác trong năm 2023 như đề xuất, tránh việc gia hạn thời gian hoàn thành nhiều lần.
Metro số 1 dài 19,7 km, từ Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình. Tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Công trình có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Toàn dự án đã có 17/17 đoàn tàu 51 toa được nhập từ Nhật Bản về TP.HCM. Hồi cuối tháng 8, đoàn tàu đầu tiên trong số 17 đoàn tàu metro được vận hành thử nghiệm trên 300 m đường ray. Hệ thống kỹ thuật tàu sau đó cũng được đánh giá hoạt động ổn định.
Xử phạt 2 công ty chứng khoán liên quan trái phiếu Tân Hoàng Minh
Các đơn vị tư vấn chào bán trái phiếu Tân Hoàng Minh bị phạt vì cung cấp thông tin sai lệch, chưa kiểm chứng, chậm nộp báo cáo...
Hai công ty chứng khoán bị xử phạt liên quan đến chào bán trái phiếu Tân Hoàng Minh |
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 250 triệu đồng đối với Chứng khoán An Bình trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nguyên nhân bởi công ty chứng khoán này đã không đảm bảo được các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác và có thể kiểm chứng được.
ABS là tổ chức tư vấn cho Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001 với giá trị 800 tỷ đồng.
Thứ nhất, Nghị quyết số 1606/2021/NQ-SL về phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ đang lưu trữ chỉ gồm các trang đánh số 1, 3, 5, 7, 9, 11 và 13. Nội dung nêu tại các trang này chưa thể hiện đầy đủ thông tin về trái phiếu dự kiến phát hành.
Thứ hai, bản công bố thông tin của Soleil ghi "Công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu và cũng không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán trái phiếu”. Nhưng trên thực tế, công ty này có dư nợ trái phiếu 699 tỷ đồng vào thời điểm đầu năm 2020.
Một công ty tư vấn khác là Chứng khoán Everest (EVS) cũng bị phạt 250 triệu đồng do không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, có thể kiểm chứng được.
EVS là tổ chức tư vấn hồ sơ chào bán cho Công ty Cung điện Mùa Đông (CĐMĐ) thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã WTPCH2125003. Tuy nhiên, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu riêng lẻ theo quy định.
Theo bản công bố thông tin, CĐMĐ đã ghi "thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành”. Tuy nhiên một nội dung khác cho thấy Công ty có 2 mã trái phiếu WTPCH2124001, WTPCH2124002 với tổng trị giá 450 tỷ đồng, nhưng tính đến 30/11/2021 các trái phiếu này vẫn chưa kết thúc và chưa phát sinh nợ gốc, lãi trái phiếu…