Cầu tạm ở Trà Vinh sập khi hai xe 5 tấn qua cầu để thử tải
Cầu tạm bằng sắt dùng trong lúc cầu Long Bình 1 xây dựng, nằm trên đường Hùng Vương, TP. Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã sập trong lúc thử tải, ngày 16/7.
Hiện trường vụ sập cầu sáng 16/7 |
Cây cầu tạm bắc qua sông Long Bình, hoàn thành hôm 13/7, dự kiến cho người đi bộ, xe máy, xe thô sơ chạy qua vào tuần sau. Trước khi đưa vào hoạt động, đơn vị thi công cho hai xe 5 tấn qua cầu để thử tải. Khi hai xe đến nhịp giữa, công trình không chịu nổi tải trọng đã sập xuống sông.
Chủ tịch UBND TP. Trà Vinh Nguyễn Văn Tâm cho biết, sự cố không gây thiệt hại về người, đơn vị thi công chịu trách nhiệm sửa chữa, thay thế cầu tạm. Tuy nhiên, sự cố sẽ ảnh hưởng tiến độ xây dựng cầu mới. Thời gian này người dân tiếp tục đi cầu cũ, chờ cầu tạm khắc phục sự cố.
Dự án xây dựng cầu Long Bình 1 tổng mức đầu tư 63 tỷ đồng, phê duyệt năm 2022, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Trà Vinh làm chủ đầu tư. Cầu chính rộng 12 m, dài 54 m, xây gần vị trí cầu hiện hữu. Dự án còn mở rộng, cải tạo phần đường ở vị trí lên cầu, cải tạo bờ kè khu vực mố cầu.
Trong thời gian xây cầu, người đi bộ, xe máy, xe thô sơ sẽ đi cầu tạm, còn ôtô, xe tải phải di chuyển ở cầu Long Bình 2 và Long Bình 3, cách đó 2 - 5 km.
Hà Nội nhảy vọt trong top điểm đến của Telegraph
Tờ Telegraph (Anh) vừa công bố giải thưởng 2023 Telegraph Travel Awards, dựa trên kết quả bình chọn của 30.000 độc giả cho các điểm đến, hãng hàng không, du thuyền và công ty du lịch.
Hà Nội xếp ở vị trí 27 trong danh mục các thành phố được yêu thích, bình chọn bởi độc giả tờ Telegraph. |
Được ra mắt từ năm 1998, giải thưởng thường niên Telegraph Travel Awards vừa trở lại với bảng xếp hạng năm 2023, sau nhiều năm gián đoạn vì đại dịch Covid-19. Khoảng 30.000 độc giả của Telegraph đã bình chọn ở 20 hạng mục trong lĩnh vực du lịch, từ các điểm đến tốt nhất cho đến những hãng hàng không, du thuyền hay nhà điều hành tour xuất sắc.
Năm nay, Cape Town (Nam Phi) xếp số 1 tại hạng mục 10 thành phố hàng đầu thế giới do độc giả Telegraph bình chọn, trong khi các thành phố châu Âu chiếm phần lớn bảng xếp hạng. Không có điểm đến Đông Nam Á nào lọt vào top 10, chỉ có Singapore xếp vị trí 20. Hà Nội xếp ở vị trí 27, nằm trong top các thành phố thăng hạng vượt bậc so với năm 2019 (tăng 27 bậc, từ vị trí 54).
Trong bảng xếp hạng 10 thành phố hàng đầu ngoài châu Âu và châu Mỹ (Best in the rest of the world), các điểm đến ở Đông Nam Á góp 3 đại diện là Singapore xếp thứ 6, Chiang Mai xếp thứ 7 và Hà Nội xếp thứ 8.
Kể từ năm 2014, Việt Nam luôn có mặt trong top 20 quốc gia được yêu thích của Telegraph Travel Awards. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục góp mặt trong top 20 với vị trí thứ 18, xếp ngay trên Thái Lan (vị trí 19). Trong top 10 quốc gia yêu thích tại châu Á và Trung Đông năm 2023, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 3 sau Nhật Bản và Sri Lanka.
Đề nghị hạn chế xây nhà cao tầng ở vùng lõi Sa Pa
Bộ Xây dựng đề nghị Lào Cai hạn chế xây dựng, đặc biệt nhà cao tầng tại khu vực lõi đô thị du lịch Sa Pa để không gây quá tải hạ tầng.
Khu vực trung tâm Sa Pa nhìn từ trên cao, dày đặc công trình cao tầng |
Đây là một trong những nội dung Bộ Xây dựng đề nghị tỉnh Lào Cai nghiên cứu, bổ sung trong Đồ án quy hoạch phân khu thuộc quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2040.
Trong văn bản mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất Lào Cai hạn chế phát triển xây dựng, đặc biệt về tầng cao và mật độ để không gây quá tải sức chứa về hạ tầng và vệ sinh môi trường tại khu vực lõi đô thị du lịch Sa Pa hiện hữu.
Đồng thời, cơ quan quản lý cũng đề nghị Lào Cai rà soát cụ thể các tiêu chí về mật độ xây dựng, tầng cao tối đa đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại quy hoạch chung được duyệt. Tỉnh cần tách biệt rõ các chỉ tiêu quản lý quy hoạch với khu vực hiện trạng cải tạo, các khu vực phát triển đô thị và xây dựng mới.
Trong đó, khu vực cải tạo không được làm tăng mật độ xây dựng và tầng cao để giảm áp lực với hạ tầng, bảo vệ môi trường. Với khu xây mới, Tỉnh cần làm rõ cơ sở khoa học, tính pháp lý và sự phù hợp với quy hoạch chung về đề xuất tầng cao từ 5 - 7 tầng. Theo Bộ, một số khu vực đề xuất 9, 15 tầng cũng chưa phù hợp với quy hoạch chung và cảnh quan tự nhiên Sa Pa.
Bên cạnh đó, tỉnh Lào Cai cũng cần rà soát, nghiên cứu cụ thể phạm vi giới hạn cây xanh bảo vệ hành lang thoát nước theo hệ thống suối, đảm bảo khả năng tiêu thoát nước không bị ngập úng. Các khu vực có khả năng gây lũ quét, sạt lở đất cũng phải cần đánh giá cụ thể từng vị trí để có giải pháp xây dựng đảm bảo an toàn.
Bộ Xây dựng cũng góp ý với tỉnh Lào Cai về quy hoạch 5 phân khu của đô thị du lịch Sa Pa.
Chậm tiến độ, dự án môi trường 72 triệu USD ở Nha Trang đứng trước nguy cơ bị kiện
Trễ hẹn do vướng giải phóng mặt bằng, dự án môi trường ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đứng trước nguy cơ bị kiện.
Khu vực kè bắc sông Cái (TP Nha Trang) chậm tiến độ |
Dự án CCSEP Nha Trang có kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, thuộc Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải, tổng vốn đầu tư 72 triệu USD (hơn 1.600 tỷ đồng). Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay 60 triệu USD (khoảng 1.400 tỷ đồng), còn lại là nguồn vốn đối ứng.
CCSEP Nha Trang được triển khai từ năm 2019 với mục đích kết nối đô thị, cải thiện môi trường, hỗ trợ cải cách thể chế, dự kiến hoàn thành trước 31/12/2022, song không về đích kịp. Hai hợp phần của Dự án là kè bắc sông Cái và đường Chử Đồng Tử; kè và đường nam sông Cái sau đó được lùi tiến độ đến tháng 3, 4 năm nay cũng không thể hoàn thành do vướng mặt bằng, phải dừng thi công từ năm ngoái.
Theo Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh Khánh Hòa, quá trình thực hiện Dự án CCSEP Nha Trang liên tục vấp phải vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng.
Do chậm triển khai, WB nêu quan điểm không chấp nhận gia hạn thêm và đưa ra phương án cần hủy một số hạng mục đầu tư ra khỏi Dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân nói việc hủy bỏ các hạng mục còn lại thuộc hợp phần hai Dự án CCSEP Nha Trang sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho địa phương. Nếu cắt giảm hạng mục kè và đường sẽ ảnh hưởng mục đích giảm ngập lụt, kết nối giao thông toàn dự án.
Theo ông Tuân, Tỉnh còn đối diện những rủi ro khi dừng hợp đồng và hủy các hạng mục khỏi Dự án. Các nhà thầu đã huy động nhiều máy móc, vật tư và nhân lực để thi công Dự án. Trong khi đó, theo các điều khoản ký kết, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không do lỗi nhà thầu có thể dẫn tới khiếu kiện, tranh chấp hợp đồng và phải đền bù cho phía thi công.
Ban Quản lý dự án phát triển Tỉnh đã tiếp nhận đơn đề nghị bồi thường gần 13 tỷ đồng nếu chấm dứt hợp đồng từ thành viên liên danh thực hiện gói thầu kè và đường nam sông Cái.
Giá vàng trong nước cao hơn thế giới 12 triệu đồng/lượng
Ngày 16/7, giá vàng trong nước chững lại nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 12 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch cao đã làm vàng giảm bớt sức hấp dẫn với nhà đầu tư.
Giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 12 triệu đồng/lượng. |
Sáng 16/7, giá vàng miếng SJC trong nước gần như đứng im. Tập đoàn Doji niêm yết vàng miếng SJC 66,7 - 67,35 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết vàng miếng SJC mua vào - bán ra ở mức 66,5 - 67,2 triệu đồng/lượng.
Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết Vàng Rồng Thăng Long ở mức 55,88 - 56,73 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.
Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.955 USD/ounce, đi ngang so với phiên giao dịch trước đó. Quy đổi theo tỷ giá hiện hành, giá vàng thế giới khoảng 55,6 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế phí.
Tàu cao tốc đi Phú Quốc dừng chạy
Tàu cao tốc đi Phú Quốc và các đảo Nam Du, Hòn Sơn dừng chạy do ảnh hưởng bão Talim, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang nguy cơ xảy ra mưa dông, lốc xoáy.
Tàu neo đậu tại bến tàu Rạch Giá |
Ông Võ Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng hải Kiên Giang cho biết, việc dừng cả tàu và phà cao tốc khởi hành từ Rạch Giá, Hà Tiên đi Phú Quốc, các đảo và ngược lại, đến khi có thông báo mới.
Đảo Phú Quốc nằm phía Tây Nam, cách thành phố Rạch Giá 120 km về phía Đông, cách TP. Hà Tiên 45 km về phía Tây. Mỗi ngày có hơn 30 chuyến tàu cao tốc từ đất liền ra Phú Quốc. Vé đã mua được các hãng thu lại hoặc đổi chuyến cho khách.
Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, dự báo đến đêm 18/7, tâm bão Talim trên khu vực bắc Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất cấp 10 - 11, giật cấp 13.
Ảnh hưởng bão, vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang, bao gồm Phú Quốc gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8, sóng cao 1,5 - 3 m, biển động, nguy cơ xảy ra mưa rào, dông, lốc xoáy...
Hơn 220 triệu khách đi xe buýt tại Hà Nội trong 6 tháng đầu năm
Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn Thành phố ước đạt hơn 223 triệu khách.
6 tháng đầu năm 2023, tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn thành phố ước đạt hơn 223 triệu khách |
Cụ thể, theo Sở GTVT Hà Nội, Thành phố đang khai thác 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt 2 tầng thoáng nóc (tuyến city tour).
Trong số hơn 223 triệu khách đi xe buýt trong 6 tháng đầu năm, có hơn 2,28 triệu khách đi buýt nhanh BRT và hơn 10 nghìn khách du lịch đi city tour.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, mạng lưới vận tải khách công cộng bằng xe buýt đã tiếp cận đến toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã; 510/579 xã, phường, thị trấn; 65/75 bệnh viện; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông; 33/37 khu đô thị.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, có tới hơn 5 triệu lượt hành khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông, tăng 63,7% so với cùng kỳ 2022.
Đối với vận tải hành khách bằng xe taxi, trên địa bàn Thành phố có tổng số 70 đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng taxi, vận chuyển khoảng 42 triệu lượt hành khách…
Đề xuất chi hơn 673 tỷ đồng nâng cấp, cải tạo công viên lớn nhất Đà Nẵng
UBND TP. Đà Nẵng đề xuất nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê) với kinh phí hơn 673 tỷ đồng.
Phối cảnh Chiếc nhẫn hòa bình tại Công viên 29/3 |
UBND TP. Đà Nẵng vừa có tờ trình gửi HĐND Thành phố về chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3 (phường Thạc Gián, quận Thanh Khê).
Tại tờ trình này, UBND TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện Dự án với tổng mức đầu tư 673,128 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Thành phố.
Trong đó, chi phí xây dựng là 271,7 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 297,3 tỷ đồng, chi phí thiết bị là 28,8 tỷ đồng...
Dự án có diện tích sử dụng đất 189.871 m2 và diện tích thu hồi đất 2.989 m2, thời gian thực hiện từ 2023 - 2026. Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, Công viên 29 Tháng 3 là lõi xanh trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, hiện nay công viên dần xuống cấp, khu vườn thú gây ô nhiễm, việc chăm sóc thú nuôi bất cập, khu vui chơi nghèo nàn, thiếu nhiều dịch vụ, tiện ích phục vụ cộng đồng, cây xanh có nhiều nhưng do các lần điều chỉnh quy hoạch chưa thống nhất nên vẫn chưa phát huy được vẻ đẹp cũng như độ che phủ cho một công viên rộng lớn.
Ngoài ra, hệ thống nước thải của các khu dân cư xung quanh vẫn xả thẳng vào hồ làm hồ nước bị ô nhiễm, nước bốc mùi thường xuyên gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới hình ảnh công viên và sinh hoạt thường ngày của người dân.
“Vì vậy, việc nâng cấp, cải tạo Công viên 29 Tháng 3 là cần thiết để nâng cấp hạ tầng, kiến trúc cảnh quan tại công viên, tạo điểm nhấn xanh của trung tâm Thành phố. Việc này cũng đáp ứng chức năng hoạt động công cộng của Công viên 29 Tháng 3, hoạt động văn hóa xã hội; phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi của người dân”, tờ trình nêu.
Hải Phòng cấm biển, dừng du lịch trên đảo Cát Bà từ 12h ngày 17/7
Ngày 16/7, UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng) vừa có thông báo về việc phòng, chống bão số 1.
Huyện Cát Hải yêu cầu tạm dừng hoạt động thăm quan trên các Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và các bãi tắm trên địa bàn huyện từ 12h ngày 17/7 |
Đồn Biên phòng Cát Bà khẩn trương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền và ngư dân còn đang hoạt động trên biển về các vị trí tránh trú theo quy định. Kiểm đếm, hướng dẫn, sắp xếp cho tàu, thuyền, bè dịch vụ, nuôi trồng thủy sản và sơ tán nhân dân về các vị trí tránh trú an toàn hoàn thành trước 12h ngày 17/7. Nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi hoạt động trong thời gian diễn biến bão số 1.
Đồn biên phòng chủ trì, phối hợp với UBND thị trấn Cát Bà, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà tổ chức di dời bè dịch vụ ở Bến Bèo, các tàu tuyến du lịch về nơi tránh trú an toàn; hướng dẫn, sắp xếp các tàu nghỉ đêm về các vị trí tránh trú an toàn; di chuyển khách thăm quan du lịch trên các vịnh, đảo về các khu vực trung tâm thị trấn Cát Bà tránh trú an toàn hoàn thành trước 12h ngày 17/7.
Đồn Biên phòng Cát Hải thông báo, kêu gọi các phương tiện tàu, thuyền và ngư dân còn đang hoạt động trên biển về các vị trí tránh trú theo quy định, hoàn thành trước 12h ngày 17/7, nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi hoạt động trong thời gian diễn biến của bão số 1...
Phòng phối hợp Ban Quản lý Vịnh, các cơ quan đơn vị liên quan thông báo tạm dừng hoạt động thăm quan trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà và các bãi tắm trên địa bàn huyện từ 12h ngày 17/7.
Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện phối hợp UBND thị trấn Cát Bà thông tin đến chủ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện thực hiện giảm giá lưu trú tối thiểu 50% cho khách du lịch tránh trú bão...