Bản tin thời sự sáng 17/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi; sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục đón lượng khách kỷ lục; khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vốn đầu tư 2 tỷ USD; hàng nghìn hộ dân dự án khu tái định cư tại Nha Trang không thể xây dựng, sửa chữa nhà vì quy hoạch treo 20 năm…

Xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế xây dựng kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 năm 2023 và tiêm cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi; các địa phương không để lãng phí vaccine.

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Pfizer-BioNtech cho học sinh tại TP.HCM

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine Pfizer-BioNtech cho học sinh tại TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, trong đó nêu rõ, Bộ Y tế và các địa phương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine Covid-19.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả và cụ thể đối với vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng; đặc biệt lưu ý các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người có bệnh nền, lực lượng tuyến đầu, công nhân, người cao tuổi… Rà soát kế hoạch tiêm vaccine 6 tháng cuối năm 2022, xây dựng kế hoạch tiêm vaccine năm 2023 và kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 5 tuổi.

Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế thống nhất thuật ngữ trong truyền thông về tiêm vaccine Covid-19; hướng dẫn doanh nghiệp quy trình, thủ tục nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Việt Nam đã tiêm được 238 triệu liều vaccine Covid-19, cơ bản phủ đủ hai mũi cho nhóm dân số từ 12 tuổi; việc tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đang tăng tốc.

Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục đón lượng khách kỷ lục

Sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục đón lượng khách kỷ lục vào cuối tuần dịp hè. Nhiều khách chờ hơn 30 phút vẫn chưa được làm thủ tục.

Người dân xếp hàng tại quầy làm thủ tục

Người dân xếp hàng tại quầy làm thủ tục

Từ sáng đến chiều 16/7, sân bay Tân Sơn Nhất luôn nườm nượp khách. Tình trạng này xuất hiện liên tục vào những ngày cuối tuần gần đây.

Các quầy làm thủ tục của hãng Vietjet Air, Vietnam Airlines, Pacific Airlines đều chật kín người đứng chờ. Trong đó, khu vực ga đi của hãng bay Vietjet có lưu lượng khách đợi làm thủ tục đông nhất. Nhiều người cho biết xếp hàng hơn 30 phút nhưng vẫn chưa đến lượt check-in, gửi hành lý.

Trong khi đó, nhiều hành khách tranh thủ check-in online để tiết kiệm thời gian.

Ở chiều ngược lại, ga đến sân bay Tân Sơn Nhất cũng đông nghịt khách đổ về từ các tỉnh, thành. Một số người cho biết có nhu cầu tham quan, du lịch tại TP.HCM, số khác thăm gia đình.

Đại diện Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết, Tân Sơn Nhất đang bước vào đợt cao điểm hè. Hai nhà ga quốc nội và quốc tế liên tục có lưu lượng tăng tích cực. Đại diện cảng đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành hàng không. Để phục vụ hành khách kịp thời, ngành đã chỉ đạo tăng cường nhân lực tại các đơn vị mặt đất, bố trí lực lượng an ninh hỗ trợ, hướng dẫn người dân ở khu vực lối ra vào.

Trong ngày 16/7, toàn cảng hàng không Tân Sơn Nhất có tổng cộng 727 chuyến bay. Lượng hành khách qua sân bay là hơn 123.700 lượt. Trong đó, khách đi chiếm đa số với hơn 63.000 lượt. Lưu lượng này cao hơn so với cao điểm Tết Nguyên đán 2022 là 105.000 lượt khách và vượt cả lưu lượng cao điểm trước khi dịch bùng phát (năm 2019) là 119.000 lượt.

Khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vốn đầu tư 2 tỷ USD

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa được khánh thành chiều 16/7. Đây là nhà máy sản xuất điện lớn với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm.

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 sẽ đóng góp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,3 tỷ kWh/năm

Nhà máy do Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư với tổng vốn hơn 43.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 2 tỷ USD), khởi công tháng 5/2015, đã hoàn thiện thủ tục liên quan, được công nhận và đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/5/2022.

Đến nay, Nhà máy đã phát điện, cung cấp cho hệ thống điện quốc gia trên 2 tỷ kWh (bao gồm cả sản lượng điện trong giai đoạn chạy thử nghiệm thu), góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước.

Hiện tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của PVN là 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát toàn hệ thống điện quốc gia.

Hàng nghìn hộ dân dự án khu tái định cư tại Nha Trang không thể xây dựng, sửa chữa nhà vì quy hoạch treo 20 năm

Dự án Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) bị quy hoạch treo nhiều năm, hàng nghìn hộ dân tại đây không thể xây dựng, sửa chữa nhà.

Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3 nhìn từ trên cao, phía xa là khu đô thị mới khang trang

Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3 nhìn từ trên cao, phía xa là khu đô thị mới khang trang

Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3 rộng hơn 63 ha, hình thành từ năm 2002. Sau đó, Tỉnh cắt một phần diện tích để làm hai khu đô thị Phước Long 2, Hoàng Long. Gần 39 ha còn lại thực hiện Dự án Khu tái định cư Lê Hồng Phong 3. Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng chậm trễ khiến Dự án không thể triển khai. Năm 2015, Tỉnh chấm dứt đầu tư dự án này, nhưng vẫn chưa bỏ quyết định thu hồi đất (ban hành năm 2009) khiến nhiều hộ dân bị ảnh hưởng.

Quy hoạch treo nhiều năm, lại không được đầu tư hạ tầng, nên những năm gần đây, khu vực này nhếch nhác, xuống cấp và ngập nước. Ông Lương Văn Thông, Tổ trưởng Tổ dân phố 3 Phước Thành cho biết, mỗi lần tiếp xúc cử tri, người dân đều phản ánh địa bàn bị quy hoạch treo quá lâu, song chính quyền chưa có hướng giải quyết. Sau trận bão Damrey cuối năm 2017, gần 80% nhà dân ở khu vực bị sập nhưng người dân không được xây dựng mới.

Nhiều gia đình có con lập gia đình, sinh thêm người nhưng không thể làm hộ khẩu hoặc phải nhập hộ khẩu nhà người quen ở nơi khác. Hệ thống giao thông, điện, nước không được đầu tư, phần lớn dựng tạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thời gian qua, người dân phải góp tiền để láng xi măng các tuyến hẻm.

Năm 2021, UBND TP. Nha Trang đã kiến nghị UBND Tỉnh cho phép Thành phố điều chỉnh, không thực hiện thu hồi đất khi Dự án đã dừng triển khai. Đề xuất này sau đó được ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh, giao các sở, ngành liên quan xem xét, xử lý.

VEC thu phí không dừng trên toàn bộ 4 tuyến cao tốc từ 1/8

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản kiến nghị UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn dán thẻ thu phí không dừng (ETC) để sử dụng trên các tuyến cao tốc.

Từ 0h ngày 1/8/2022, VEC sẽ triển khai hình thức thu phí ETC trên toàn bộ các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, khai thác

Từ 0h ngày 1/8/2022, VEC sẽ triển khai hình thức thu phí ETC trên toàn bộ các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, khai thác

Đồng thời, VEC cũng kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành và lực lượng chức năng địa phương phối hợp, hỗ trợ VEC trong công tác phân luồng, bảo đảm an toàn giao thông, an ninh trật tự và xử phạt các trường hợp điều khiển phương tiện không đủ điều kiện đi vào làn đường dành riêng thu phí ETC tại các nút giao tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai.

Phó Tổng giám đốc VEC Nguyễn Văn Nhi cho biết, kể từ 0h ngày 1/8/2022, VEC sẽ triển khai hình thức thu phí ETC trên toàn bộ các tuyến cao tốc do đơn vị quản lý, khai thác, thay thế cho hình thức thu phí thủ công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, chỉ có phương tiện sử dụng hình thức thu phí ETC mới được vào cao tốc.

Hiện nay, VEC quản lý, vận hành 4 tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Khánh thành Thủy điện Đăk Mi 2 công suất 147 MW

Sau hơn 5 tháng phát điện, sáng 16/7, Công ty CP Năng lượng Agrita - Quảng Nam (thuộc Tập đoàn Hà Đô) đã chính thức khánh thành Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 với tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng.

Đập tràn của Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2

Đập tràn của Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2

Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 nằm trên thượng nguồn sông Đăk Mi, thuộc địa bàn 2 xã Phước Công và Phước Lộc (huyện Phước Sơn, Quảng Nam).

Nhà máy được thi công xây dựng theo dạng thủy điện đường dẫn, với quy mô xây dựng bao gồm: đập bê tông cốt thép trọng lực cao 37 m, đường hầm dẫn nước dài 8 km với 1 giếng đứng sâu 167 m và 1 tháp điều áp; nhà máy với 3 tổ máy trục đứng giúp nâng cao hiệu suất phát điện, tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Dự kiến mỗi năm, Nhà máy Thủy điện Đăk Mi 2 sẽ cung cấp khoảng 440 triệu kWh điện.

Ông Nguyễn Trọng Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô cho biết, Thủy điện Đăk Mi 2 là nhà máy thủy điện thứ 5 và là nhà máy điện thứ 8 được Tập đoàn Hà Đô đưa vào vận hành, nâng tổng công suất phát điện của Tập đoàn lên gần 500 MW, sản lượng điện bình quân 1,5 tỷ kWh/năm.

Chuyên đề