Bản tin thời sự sáng 17/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Mỹ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna; TP.HCM đang cách ly hơn 2.000 F1 tại nhà; kiến nghị tăng hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 từ 5 đến 7 ngày với lái xe chở hàng hóa; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần 11.500 tỷ đồng để mở rộng; từ 1/9, phi công tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mới được bay…

Mỹ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna

Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) thêm 3.000.060 liều vắc xin Moderna, nâng tổng số vắc xin hỗ trợ cho Việt Nam lên 5 triệu liều.

Mỹ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna

Mỹ hỗ trợ Việt Nam thêm 3 triệu liều vắc xin Moderna

Theo Bộ Ngoại giao, đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo cho đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam biết, Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam thông qua Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) thêm 3.000.060 liều vắc xin Moderna

Với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam, số vắc xin này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất để hỗ trợ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Trước đó, cũng thông qua COVAX, Chính phủ Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam 2 triệu liều vắc xin Moderna. Số vắc xin này đã được vận chuyển đến Việt Nam ngày 10/7.

Ngay sau khi tiếp nhận, Bộ Y tế đã phân bổ 2 triệu liều vắc xin Moderna tới 53 tỉnh, thành phố, lực lượng công an, quân đội và 20 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, đến nay ta đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều (38,9 triệu liều do COVAX tài trợ, 30 triệu liều AstraZeneca ký hợp đồng với Công ty cổ phần vắc xin Việt Nam (VNVC), 31 triệu liều Pfizer ký với Chính phủ, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho công ty Zuellig Pharma Việt Nam), và đang đàm phán mua 55 triệu liều (40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ).

TP.HCM đang cách ly hơn 2.000 F1 tại nhà

Thành phố Hồ Chí Minh cho phép 2.058 F1 cách ly tại nhà, thời gian tới đẩy mạnh hình thức này nhằm chia sẻ áp lực với các khu cách ly tập trung.

2 F1 cách ly trong ngôi nhà ba tầng có 5 phòng ngủ ở quận Phú Nhuận

2 F1 cách ly trong ngôi nhà ba tầng có 5 phòng ngủ ở quận Phú Nhuận

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết thông tin trên. TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 22.564 ca nhiễm; gần 15.000 người đang cách ly tập trung và hơn 37.000 trường hợp cách ly tại nhà. Quy định của Bộ Y tế trước đây, F1 tiếp xúc ca nhiễm phải cách ly tập trung; F2 cách ly tại nhà và chờ kết quả xét nghiệm F1.

Theo ông Mãi, Bộ Y tế đã có chủ trương và hướng dẫn cách ly F1 tại nhà ở TP HCM. Tuy nhiên, do cách hiểu khác nhau về thí điểm cách ly nên ban đầu một số quận huyện thể hiện sự lúng túng, số F1 cách ly chưa nhiều. Gần đây Thành phố đã có sự thống nhất, hướng dẫn cách làm với các địa phương. Thành phố xác định cần phải mạnh dạn cách ly F1 tại nhà. Những nơi có điều kiện sẽ cho phép thí điểm cách ly F1, sau đó mở rộng dần ra.

Bộ Y tế đã có hướng dẫn thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TP.HCM. Mới đây, ngày 13/7, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã có văn bản hướng dẫn cụ thể cách ly F1 tại nhà ở Thành phố.

Kiến nghị tăng hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 từ 5 đến 7 ngày với lái xe chở hàng hóa

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị kéo dài thời gian hiệu lực của giấy xét nghiệm Covid-19 từ 5 đến 7 ngày với lái xe chở hàng hóa.

Kiến nghị tăng hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 từ 5 đến 7 ngày với lái xe chở hàng hóa

Kiến nghị tăng hiệu lực giấy xét nghiệm Covid-19 từ 5 đến 7 ngày với lái xe chở hàng hóa

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết đã kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, Bộ Y tế ban hành văn bản quy định rõ thời gian hiệu lực của kết quả xét nghiệm để các địa phương áp dụng thống nhất.

Hiện nay, hiệu lực xét nghiệm âm tính Covid-19 mỗi địa phương quy định một thời hạn, như Bình Dương, TP.HCM là 3 ngày, Long An 5 ngày, Đồng Nai 7 ngày. Việc chấp thuận kết quả xét nghiệm bằng test nhanh và PCR cũng không thống nhất, gây khó khăn cho lái xe khi vận chuyển hàng hóa.

Bộ GTVT đề nghị Bộ Y tế xem xét, thống nhất thời hạn hiệu lực xét nghiệm Covid-19 của lái xe vận tải hàng hóa từ 5 đến 7 ngày, kết hợp yêu cầu phòng dịch khác để giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hiện xe vận tải hàng hóa Bắc Nam di chuyển tối thiểu 3 ngày, chưa kể thời gian giao hàng. Lái xe giao hàng xong thì giấy xét nghiệm đã hết hiệu lực, lại phải xét nghiệm lại, gây phiền toái và tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xem lại quy định thời hạn giấy xét nghiệm Covid-19. Với tài xế thực hiện chuyến xe nội tỉnh và vùng lân cận thì thời hạn 3 ngày như hiện nay phù hợp, nhưng nếu xe chạy liên tỉnh Bắc Nam cần 6-7 ngày.

Hiện nay cả nước có hơn 2,5 triệu lái xe kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần 11.500 tỷ đồng để mở rộng

Kinh phí đầu tư mở rộng đoạn 24 km cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ước tính hơn 11.500 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2025.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần 11.500 tỷ đồng để mở rộng

Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cần 11.500 tỷ đồng để mở rộng

Nội dung đề cập trong báo cáo đầu kỳ kết quả nghiên cứu tiền khả thi mở rộng tuyến cao tốc nói trên vừa được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận trình Bộ Giao thông Vận tải. Tổng vốn đầu tư dự án hiện tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với tính toán trước đó do cập nhật chi phí xây lắp, giải phóng mặt bằng. Hiện, phần xây lắp tại Dự án ước tính hơn 8.300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng hơn 400 tỷ đồng. Còn lại gần 2.800 tỷ đồng gồm các chi phí dự phòng, tư vấn, quản lý dự án...

Công trình được đề xuất mở rộng đoạn dài 24 km trong tổng 55 km toàn tuyến. Điểm đầu từ cầu Bà Dạt (TP.Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối tại nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Long Thành, Đồng Nai). Dự án mở rộng đường từ 4 lên 8 làn xe, vận tốc 100 - 120 km/h.

Để đồng bộ việc mở rộng mặt đường lên 8 làn xe, theo nghiên cứu của Công ty CP Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam (đơn vị tư vấn), đoạn cao tốc qua địa bàn TP.HCM từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 sẽ được nới thêm mỗi bên 4,75 m. Đoạn từ Vành đai 2 đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mỗi bên được mở rộng 7,5 m.

Riêng khu vực cầu Long Thành, một cầu khác sẽ được xây kế bên cầu hiện hữu với bề rộng gần 20 m. Dọc dự án có 5 nút giao lớn hiện đã có dự án riêng hoặc sắp triển khai các công trình, sẽ kết nối đồng bộ với cao tốc mở rộng.

Từ 1/9, phi công tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mới được bay

Theo chỉ thị về bảo đảm an toàn khai thác tàu bay của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1/9/2021, chỉ thực hiện xếp lịch bay cho người lái tàu bay đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19 (2 mũi).

Từ 1/9, phi công tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mới được bay

Từ 1/9, phi công tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 mới được bay

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người khai thác tàu bay đánh giá việc chấp hành các quy định về duy trì năng định bay thiết bị và kỹ năng điều khiển tàu bay; kiểm tra kỹ năng và năng lực và huấn luyện định kỳ, giãn cách tối thiểu về kinh nghiệm bay đối với toàn bộ các thành viên tổ lái đang khai thác.

Cục Hàng không Việt Nam giao nhiệm vụ Phòng Tiêu chuẩn an toàn bay nghiên cứu Công thư của ICAO về các tình huống khác biệt trong giai đoạn COVID-19 và ban hành Hướng dẫn việc cấp miễn trừ gia hạn thời hạn hiệu lực về huấn luyện và duy trì năng định, giấy chứng nhận sức khỏe và đăng ký theo quy định của ICAO trong tháng 7/2021.

Căn cứ vào điều kiện khai thác cụ thể, người khai thác tàu bay đánh giá, phân loại năng lực Người lái tàu bay theo vị trí công việc; nghiên cứu, bổ sung quy trình bố trí, sắp xếp tổ bay thực hiện nhiệm vụ có tính đến yếu tố kinh nghiệm, giãn cách đảm bảo nguyên tắc tối thiểu hoặc cao hơn…

Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu người khai thác tàu bay phải chấp hành nghiêm túc các chỉ thị về phòng chống COVID-19, thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19 đầy đủ, ưu tiên cho nhóm nhân viên tuyến đầu thường xuyên tiếp xúc với hành khách và có nguy cơ lây nhiễm cao như người lái tàu bay, tiếp viên hàng không cũng như đội ngũ nhân viên kỹ thuật. Từ ngày 1/9/2021 chỉ thực hiện xếp lịch bay cho người lái tàu bay đã được tiêm phòng đầy đủ vaccine COVID-19 (2 mũi).

Hút gần 100.000 m3 cát để bồi đắp bãi biển Cửa Đại

Trong 70 ngày, Cục đường thủy nội địa nạo vét hơn 97.400 m3 cát trên biển Cửa Đại tạo luồng nước sâu và dùng để bồi đắt bãi biển ở đây.

Cát đưa về đổ lên bờ biển Cửa Đại

Cát đưa về đổ lên bờ biển Cửa Đại

Những ngày này nhiều sà lan công suất lớn đang nạo vét luồng lạch nước sâu ở biển Cửa Đại, TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam). Dự án nạo vét do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam làm chủ đầu tư, khu vực thi công dài 2 km, rộng 60 m, sâu 3,5 m; thời gian từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9.

Mỗi ngày, hàng nghìn m3 khối cát được sà lan hút và đổ lên bãi biển Cửa Đại - nơi đang bị sạt lở nghiêm trọng, giúp hình thành những bãi cát dài hàng trăm mét dọc bờ biển.

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đánh giá việc nạo vét luồng Cửa Đại có ý nghĩa một công hai việc; tạo độ sâu để tàu thuyền ra vào vùng biển Cửa Đại và bổ sung lượng cát bị cuối trôi lâu nay ở bãi biển khu vực này.

Bờ biển Cửa Đại dài 7,5 km có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ, lưu trú, song từ năm 2000 đến nay bị xói lở nghiêm trọng. Nhiều dự án bồi đắp đã được triển khai, tuy nhiên mỗi đợt mưa bão, sóng đánh vào vẫn gây sạt lở bờ biển, hàng chục nhà hàng, khu nghỉ dưỡng bị nước biển xâm thực.

Chuyên đề