Bản tin thời sự sáng 17/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là SCB xin dừng thu hồi dự án Đà Lạt Plaza vì liên quan vụ án Trương Mỹ Lan; khánh thành đường nối An Giang - Cần Thơ; Phú Thọ sắp có siêu dự án đô thị sân golf gần 500 ha; VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng năm 2024…

SCB xin dừng thu hồi dự án Đà Lạt Plaza vì liên quan vụ án Trương Mỹ Lan

Ngân hàng SCB xin Lâm Đồng xét tạm dừng thu hồi đất, chấm dứt Dự án Đà Lạt Plaza do là tài sản liên vụ án Trương Mỹ Lan.

SCB xin dừng thu hồi Dự án Đà Lạt Plaza vì liên quan vụ án Trương Mỹ Lan. Ảnh minh họa

SCB xin dừng thu hồi Dự án Đà Lạt Plaza vì liên quan vụ án Trương Mỹ Lan. Ảnh minh họa

Kiến nghị này được Ngân hàng Sài Gòn (SCB) nêu trong văn bản gửi UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng.

SCB cho biết, Dự án Khu liên hợp khách sạn và trung tâm thương mại số 23 Phan Như Thạch, Phường 1, TP. Đà Lạt (tên thương mại Đà Lạt Plaza) do Công ty CP Du lịch Delta làm Chủ đầu tư đang là tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty CP Đầu tư Oak Hill. Khoản vay này tại SCB có dư nợ gốc tính đến ngày 30/4 là 734 tỷ đồng.

Vì vậy, theo SCB, nếu Lâm Đồng thu hồi đất, chấm dứt hoạt động Dự án sẽ khiến khoản vay với dự án này không còn là tài sản đảm bảo, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu hồi nợ của Ngân hàng, tác động rất nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của SCB.

Đồng thời, SCB cũng thông tin, Dự án có diện tích hơn 3.377 m2 tại Đà Lạt này thuộc danh sách ngăn chặn, hạn chế giao dịch theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) do có liên quan đến vụ án hình sự Trương Mỹ Lan và đồng phạm. "Trường hợp quý cơ quan thu hồi đất, chấm dứt Dự án, làm thay đổi hiện trạng của tài sản sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, khắc phục hậu quả của tội phạm", SCB nêu trong văn bản.

Từ đó, SCB kiến nghị, tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tạm dừng thu hồi đất, chấm dứt hoạt động Dự án Đà Lạt Plaza cho đến khi có phán quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền.

Trước đó ngày 13/6, Phó Chủ tịch Lâm Đồng Phạm S đã có chỉ đạo hai sở này cùng các đơn vị liên quan rà soát tiến độ thực hiện Dự án Đà Lạt Plaza, cũng như đối chiếu quy định pháp luật về đầu tư để xử lý theo quy định. Đồng thời, ông cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ điều kiện, thủ tục để đề xuất chấm dứt hoạt động dự án đầu tư theo đúng quy định.

Khánh thành đường nối An Giang - Cần Thơ

Tuyến tránh Long Xuyên và nối Quốc lộ 91 dài 15 km, kinh phí hơn 2.100 tỷ đồng, nối An Giang và Cần Thơ, hoàn thành sau hai năm rưỡi thi công, sáng 16/6.

Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên

Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh Long Xuyên

Điểm đầu Dự án kết nối đường dẫn với cầu Vàm Cống, điểm cuối giao với Quốc lộ 91 qua TP. Long Xuyên. Đường rộng 12 m gồm 4 làn, vận tốc thiết kế 80 km/h. Kinh phí đầu tư Dự án từ vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á và đối ứng trong nước.

Tuyến đường đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng giúp người dân đi lại thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91. Đường rút ngắn thời gian di chuyển từ Châu Đốc đến cầu Vàm Cống chỉ còn một giờ so với hai giờ nếu qua nội ô TP. Long Xuyên - vốn ám ảnh người dân và tài xế do tình trạng ùn tắc, kẹt xe thường xuyên.

Theo Bộ Giao thông vận tải, Dự án hoàn thành từng bước kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy hiệu quả của các dự án đã được đầu tư như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống và tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi...

Phú Thọ sắp có siêu dự án đô thị sân golf gần 500 ha

Khu dịch vụ đô thị, văn hóa, thể thao và sân golf Ao Châu có tổng diện tích gần 500 ha nằm ở thị trấn Hạ Hòa vừa được duyệt điều chỉnh quy hoạch.

Một góc danh thắng đầm Ao Châu, thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ

Một góc danh thắng đầm Ao Châu, thị trấn Hạ Hòa, Phú Thọ

UBND tỉnh Phú Thọ vừa duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu dịch vụ đô thị, văn hóa, thể thao và sân golf Ao Châu. Khu vực lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 488 ha thuộc địa bàn huyện Hạ Hòa. Quy mô dân số khoảng 12.000 người, trong đó khách lưu trú khu du lịch khoảng 2.000 người, khu tái định cư gần 1.700 người.

Đồ án quy hoạch gồm hai không gian chính. Phần đất không tác động có quy mô 135 ha, gồm 124 ha mặt nước đầm Ao Châu, còn lại là hành lang an toàn đường sắt.

Phần đất xây dựng khu dịch vụ đô thị, văn hóa, thể thao và sân golf rộng khoảng 353 ha với 5 phân khu chuyên biệt. Trong đó, phân khu A - khu đô thị phía Nam có diện tích 42 ha, quy mô 2.100 người, sẽ phát triển không gian điểm nhấn như công viên cây xanh kết hợp mặt nước đầm Ao Châu, công trình dịch vụ thương mại và du lịch với hướng mở về mặt nước.

Phân khu B - khu đô thị phía Đông rộng 119 ha, quy mô hơn 6.900 người, phát triển cụm công trình hỗn hợp kết hợp du lịch tâm linh bố trí giữa lõi quy hoạch cùng khu nhà ở và công viên cây xanh.

Khu sân golf cùng công trình clubhouse sẽ được xây dựng tại phân khu C rộng 138 ha. Sân golf được phát triển theo các dải, lớp trên nền địa hình tự nhiên kết hợp mặt nước, mang lại trải nghiệm phong phú cho người chơi.

Phân khu D - khu dịch vụ du lịch rộng 35 ha được bố trí phía bắc khu quy hoạch, gồm các khu trải nghiệm như cắm trại, vườn thiền, tái hiện khu làng dân gian Việt Nam cùng không gian sinh hoạt văn hóa, tâm linh, sản xuất sản phẩm thủ công truyền thông.

Phân khu E là khu tái định cư của địa phương với diện tích gần 20 ha. Hiện có khoảng 420 hộ dân với gần 1.700 người có nhu cầu bố trí đất tái định cư.

Trong năm nay, khu đô thị dự kiến hoàn thiện quy hoạch và chọn nhà đầu tư. Giai đoạn 2025 - 2028, chủ đầu tư sẽ xây dựng phân khu sân golf và khu tái định cư. Ba năm tiếp theo sẽ xây dựng công trình còn lại. Dự án dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng vào năm 2032.

VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng năm 2024

Năm nay, VNPT đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kết quả thực hiện năm 2023, và đây là mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn.

Nhân viên VNPT chăm sóc khách hàng

Nhân viên VNPT chăm sóc khách hàng

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 của VNPT đã được kiểm toán, doanh nghiệp này hiện đang giữ 2.660 tỷ đồng tiền mặt cùng 58.339 tỷ đồng đầu tư tài chính. Số tiền này được gửi vào ngân hàng với kỳ hạn từ hai tháng đến một năm để hưởng lãi suất. Kết quả là, VNPT đã thu về gần 3.739 tỷ đồng lãi từ ngân hàng trong năm qua, tăng 41,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù khoản thu từ lãi ngân hàng tăng mạnh, hoạt động kinh doanh chính của VNPT lại chứng kiến sự sụt giảm, khiến lợi nhuận năm 2023 đi xuống. Doanh thu thuần đạt 51.156 tỷ đồng, giảm gần 1,4% so với năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn và các chi phí liên quan, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 4.660 tỷ đồng, giảm tới 33% so với năm 2022.

Theo VNPT, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận là do biên lợi nhuận gộp và các khoản lợi nhuận khác đều giảm mạnh. Phần lãi từ các công ty liên kết cũng không khả quan.

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 59.089 tỷ đồng, tăng gần 8% so với kết quả thực hiện năm 2023, và đây là mức cao nhất trong lịch sử tập đoàn. Riêng công ty mẹ dự kiến mang về 41.973 tỷ đồng.

Công ty mẹ cũng đề ra mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 4.417 tỷ đồng và 3.534 tỷ đồng. Nộp ngân sách dự kiến đạt 3.888 tỷ đồng và kế hoạch vốn đầu tư tối đa không quá 9.650 tỷ đồng.

61 địa điểm tiềm năng được quy hoạch phát triển thành Khu Du lịch Quốc gia

Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được ban hành, có 61 địa điểm phân bố tại 6 vùng du lịch nằm trong danh sách các địa điểm tiềm năng phát triển Khu Du lịch Quốc gia.

Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong 61 địa điểm tiềm năng được quy hoạch trở thành Khu Du lịch Quốc gia

Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong 61 địa điểm tiềm năng được quy hoạch trở thành Khu Du lịch Quốc gia

Cụ thể, Vùng trung du và miền núi phía Bắc có 15 địa điểm tiềm năng gồm: Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lai Châu), Điện Biên Phủ - Pá Khoang (Điện Biên), Hồ Sơn La (Sơn La), Cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu), Thác Bà (Yên Bái), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hồ Hòa Bình (Hòa Bình), Công viên Địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Ba Bể (Bắc Kạn), Tân Trào (Tuyên Quang), Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Núi Cốc (Thái Nguyên), Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ).

Vùng đồng bằng sông Hồng có 11 địa điểm tiềm năng gồm: Ba Vì (Hà Nội), Khu Di tích thắng cảnh Hương Sơn (Hà Nội), Khu vực Hồ Hoàn Kiếm-phụ cận và khu phố cổ Hà Nội (Hà Nội), Cát Bà (Hải Phòng), Vân Đồn - Cô Tô (Quảng Ninh), Yên Tử - Uông Bí (Quảng Ninh), Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Tràng An (Ninh Bình), Kênh Gà - Vân Trình (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam).

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 17 địa điểm tiềm năng gồm: Sầm Sơn - Hải Tiến (Thanh Hóa), Kim Liên, (Nghệ An), Vinh - Diễn Châu (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế), Sơn Trà (Đà Nẵng), Bà Nà (Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận).

Vùng Tây Nguyên có 5 địa điểm tiềm năng gồm: Măng Đen (Kon Tum), Biển Hồ - Chư Đăng Ya (Gia Lai), Yok Don (Đắk Lắk), Hồ Tà Đùng (thuộc Công viên Địa chất toàn cầu Đắk Nông (Đắk Nông), Đan Kia - Suối Vàng (Lâm Đồng).

Vùng Đông Nam Bộ có 5 địa điểm tiềm năng gồm: Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Long Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Trị An (Đồng Nai), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Bà Rá - Thác Mơ (Bình Phước).

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 8 địa điểm tiềm năng gồm: Ninh Kiều (Cần Thơ), Thới Sơn (Tiền Giang), Mang Thít (Vĩnh Long), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), Hà Tiên (Kiên Giang), Nhà Mát - Bạc Liêu (Bạc Liêu), Mũi Cà Mau (Cà Mau).

Danh Khôi dự kiến mua một phần dự án 100 ha Khu dân cư Đại Nam

Danh Khôi muốn phát hành cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.000 tỷ đồng, trong đó 195 tỷ dành mua một phần Khu dân cư Đại Nam.

Danh Khôi dự kiến mua một phần dự án 100 ha Khu dân cư Đại Nam

Danh Khôi dự kiến mua một phần dự án 100 ha Khu dân cư Đại Nam

Thông tin này được Công ty CP Tập đoàn Danh Khôi cho biết trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp thường niên sắp tới.

Theo đó, Danh Khôi sẽ trình cổ đông thông kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong năm nay. Tổng số tiền công ty bất động sản này dự kiến thu được theo mệnh giá là 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu NRC của Danh Khôi trên sàn chứng khoán có giá chưa tới 5.000 đồng mỗi đơn vị.

Công ty cho biết sẽ dùng số tiền này thanh toán các khoản gồm nợ thuế quá hạn (110 tỷ đồng), gốc/lãi trái phiếu (320 tỷ đồng) và nợ vay tại ngân hàng (90 tỷ đồng). Đồng thời, công ty cũng muốn dành khoảng 375 tỷ đồng để mua lại các sản phẩm đất nền đã có pháp lý đầy đủ tại các dự án khu dân cư được quy hoạch bài bản, hạ tầng hoàn thiện.

Danh Khôi tính chi 195 tỷ đồng thu được từ đợt chào bán cổ phiếu để trả tiền mua một phần Dự án Khu dân cư Đại Nam tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Tân Khai - đơn vị thành viên của Công ty CP Đại Nam do ông Huỳnh Uy Dũng, làm Chủ tịch HĐQT.

Cả khu dân cư Đại Nam này rộng gần 100 ha đã được bắt đầu triển khai từ giữa năm 2018. Dự án này được quy hoạch gồm gần 2.460 căn nhà phố, biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường THPT và khu đất dành cho nhà ở xã hội.

Tiền thân của Danh Khôi là Công ty TNHH Bất động sản Danh Khôi (DKR) được thành lập từ năm 2006, chủ yếu kinh doanh trong lĩnh vực tiếp thị và phân phối với 60 nhân sự. Đến nay, Công ty đã lấn sân sang cả phát triển đầu tư dự án. Theo giới thiệu trên website, Danh Khôi đã đầu tư ở 9 tỉnh, thành phố với hơn 10.000 sản phẩm.

Năm 2024, Danh Khôi đặt mục tiêu thu 380 tỷ, tăng hơn 430% so với năm ngoái và lãi sau thuế khoảng 40 tỷ đồng, cũng tăng trên 330%.

Viện trưởng pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa bị bắt

Bác sĩ Lê Văn Hùng, Viện trưởng pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, cùng cấp dưới bị bắt với cáo buộc sai phạm xảy ra tại đơn vị.

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa

Ngày 16/6, ông Lê Văn Hùng và bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó Viện trưởng, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt giữ để điều tra sai phạm liên quan đến kết quả giám định và điều trị cho bệnh nhân tại đây.

Động thái này được cơ quan điều tra đưa ra sau hai ngày bắt nhiều bác sĩ và điều dưỡng của Viện. Đến chiều nay, có 13 cán bộ bị bắt và triệu tập về TP.HCM làm việc, phục vụ điều tra.

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập năm 2015 trên cơ sở nâng cấp Phân viện phía Nam thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Viện có chức năng thực hiện giám định pháp y tâm thần; quản lý, điều trị người rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng.

Trước việc hàng loạt cán bộ bị bắt, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã gửi công văn cho Bộ Y tế, xin ý kiến chỉ đạo để có phương án ổn định nhân lực công tác do bị thiếu.

Thu nhập của lao động Việt tăng hơn 500.000 đồng/tháng

Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Kinh tế khởi sắc, thị trường lao động phục hồi. Ảnh minh họa

Kinh tế khởi sắc, thị trường lao động phục hồi. Ảnh minh họa

Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) vừa có báo cáo về tình hình thị trường lao động 4 tháng đầu năm 2024.

Trong báo cáo này, Cục Việc làm ghi nhận tình hình kinh tế xã hội có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023. Sự tăng trưởng này tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển thị trường lao động.

Trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 81,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, mỗi tháng cả nước có 20,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,5%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Với sự phục hồi của kinh tế xã hội, các thông số về thị trường lao động cơ bản đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19. Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi tốt.

Theo báo cáo của 60/63 địa phương, có khoảng 116.000 doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng lao động với khoảng 1,9 triệu lao động. Nhờ đó, số người có việc làm tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống.

Đặc biệt, tính hết quý I/2024, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,6 triệu đồng, tăng 549.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.

Chuyên đề