Bản tin thời sự sáng 17/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM muốn xây hơn 100 km metro ngầm đến năm 2040; Bắc Giang loại khu công nghiệp Huyền Sơn rộng 150 ha khỏi quy hoạch; TP.HCM chi 650 tỷ đồng làm điện mặt trời ở trụ sở công; Bao bì Tân Tiến trả cổ tức 350%...

TP.HCM muốn xây hơn 100 km metro ngầm đến năm 2040

TP.HCM sẽ quy hoạch ưu tiên, tập trung hoàn thành mạng lưới metro đồng bộ với tổng chiều dài khoảng 260 km đến năm 2040, trong đó có khoảng 100 km đi ngầm.

Tàu Metro số 1 chạy thử dưới ga ngầm Bến Thành

Tàu Metro số 1 chạy thử dưới ga ngầm Bến Thành

Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Thành phố sẽ quy hoạch mạng lưới metro 11 tuyến, dài khoảng 520 km đến năm 2060.

Mạng lưới metro này gồm 8 tuyến xuyên tâm, 2 tuyến vành đai và 1 tuyến đường sắt nhẹ ven sông Sài Gòn. Bổ sung 3 depot metro gồm: Bình Triệu, Long Trường và An Hạ bên cạnh 7 depot đã được quy hoạch.

Từ nay đến năm 2040, TP.HCM sẽ quy hoạch ưu tiên, tập trung hoàn thành mạng lưới metro đồng bộ với tổng chiều dài khoảng 260 km, trong đó có khoảng 100 km đi ngầm.

TP.HCM đã triển khai hai tuyến metro, gồm: số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) dài hơn 11 km.

Trong đó, tuyến số 1 sau 17 năm được duyệt, 12 năm thi công, đến nay mới chuẩn bị hoàn thành, dự kiến khai thác thương mại cuối năm nay. Tuyến số 2 cũng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến đến năm 2030 mới hoàn thành.

Do vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2040 cơ bản làm xong khoảng 260 km metro sẽ khó khả thi nếu vẫn thực hiện theo cách làm cũ.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã trình UBND Thành phố đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Tổng nhu cầu vốn đầu tư sơ bộ giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 790.528 tỷ đồng (tương đương gần 33 tỷ USD).

Theo đề án, để đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư phát triển mạng lưới metro, cần thiết xây dựng và trình cấp thẩm quyền cho phép TP.HCM áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đột phá.

Sở GTVT TP.HCM đề xuất 22 cơ chế thuộc 6 nhóm lĩnh vực. Nhóm cơ chế về quy hoạch, Thành phố muốn có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch. UBND TP.HCM được phép phê duyệt các chỉ tiêu trong đồ án quy hoạch đối với khu vực TOD khác với tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành…

Bắc Giang loại khu công nghiệp Huyền Sơn rộng 150 ha khỏi quy hoạch

Khu công nghiệp Huyền Sơn rộng 150 ha tại huyện Lục Nam được Bắc Giang đưa ra khỏi quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.

Bắc Giang loại khu công nghiệp Huyền Sơn rộng 150 ha khỏi quy hoạch. Ảnh minh họa

Bắc Giang loại khu công nghiệp Huyền Sơn rộng 150 ha khỏi quy hoạch. Ảnh minh họa

HĐND tỉnh Bắc Giang vừa thông qua điều chỉnh Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Trong phương án phát triển khu công nghiệp, Tỉnh đã loại khỏi quy hoạch Khu công nghiệp Huyền Sơn với quy mô 150 ha tại huyện Lục Nam. Dự án này từng nằm trong danh sách 20 khu công nghiệp mới, theo Quy hoạch Tỉnh được duyệt tháng 2/2022.

Tỉnh cũng giảm diện tích Dự án Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Tiên Sơn - Ninh Sơn, huyện Việt Yên từ 223 ha còn 167 ha. Ngoài ra, 77 ha diện tích quy hoạch khu logistics Tiên Sơn - Ninh Sơn sẽ chuyển sang đất khu công nghiệp.

Khu công nghiệp An Hà, huyện Lạng Giang cũng được điều chỉnh thời gian thực hiện sớm hơn, từ giai đoạn 2031 - 2050 lên 2021 - 2030. Theo đó, Dự án sẽ triển khai trên diện tích 206 ha đến năm 2030 và mở rộng thêm 94 ha trong giai đoạn 2031 - 2050.

Trong phương án phát triển dự án dịch vụ, Bắc Giang cũng đưa Khu dịch vụ tổng hợp, logistics Nham Biền ra khỏi Quy hoạch. Dự án có quy mô 80 ha, nằm tại thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng. Tỉnh đã giảm 51 ha diện tích Khu sân golf Yên Hà tại huyện Yên Dũng và huyện Việt Nam, xuống còn 149 ha, trong đó sân golf còn 94 ha. Còn khu sân golf trong Dự án Khu sân golf và nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí Hố Cao, huyện Lạng Giang được tăng diện tích 1,6 lần, lên 126 ha. Quy mô toàn Dự án vẫn giữ nguyên.

Theo điều chỉnh quy hoạch, Bắc Giang sẽ có 22 đô thị đến năm 2030, giảm 7 đô thị so với trước đó. Cụ thể, có một đô thị loại I (TP. Bắc Giang), một đô thị loại III (TP. Việt Yên), 4 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V.

Thời gian qua, Bắc Giang trở thành một trong những thủ phủ khu công nghiệp phía Bắc với tỷ lệ lấp đầy cao. Đến nay, Tỉnh có 9 khu công nghiệp, gồm 6 khu hiện hữu và 3 khu đã trong quy hoạch, tập trung ở thị xã Việt Yên, các huyện Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang... Đây cũng là những khu vực phát triển sôi động nhiều phân khúc bất động sản ven khu công nghiệp trong giai đoạn 2020 - 2022.

TP.HCM chi 650 tỷ đồng làm điện mặt trời ở trụ sở công

Thành phố sẽ chi 650 tỷ đồng để lắp điện mặt trời áp mái 440 trụ sở công trên địa bàn với tổng công suất hơn 43 MW.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở UBND Quận 12

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở UBND Quận 12

Nội dung được ông Nguyễn Phương Duy, Phó trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương cho biết tại họp báo về kinh tế, xã hội TP.HCM, chiều 16/5.

Đây là giai đoạn 1 của đề án thí điểm đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà tại trụ sở công, thực hiện theo Nghị quyết 98 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Giải pháp này giúp Thành phố tăng nguồn tại chỗ, giảm phụ thuộc vào điện lưới.

Trong 440 trụ sở có 65 tòa nhà của đơn vị quân đội, 72 nhà của ngành công an, 57 bệnh viện và 246 cơ quan sở, ngành, quận huyện. Chi phí lắp đặt từ vốn ngân sách và các nguồn hợp pháp khác.

Theo tính toán của Sở Công Thương, thời gian thu hồi vốn hệ thống này khoảng 5 - 7 năm, thông qua giảm chi phí chi thường xuyên để thanh toán tiền điện của các cơ quan, đơn vị.

So với tuổi thọ hệ thống pin trên 20 năm, theo ông Duy, đầu tư năng lượng mặt trời mái nhà đảm bảo hiệu quả, đặc biệt khi các trụ sở công chủ yếu dùng điện vào ban ngày.

Ông Duy cho biết, vừa qua TP.HCM đã thí điểm lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại một số trụ sở cơ quan hành chính, như UBND các quận Phú Nhuận, 4, 8, 10, 12 và có hiệu quả nhất định.

Tính toán của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy, Thành phố có tiềm năng phát triển loại nguồn điện này khoảng 5.081 MW đến 2030. Trong đó, công suất có thể lắp tại các cơ quan hành chính sự nghiệp là hơn 166 MW.

Theo số liệu của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, đến cuối 2022, Thành phố có trên 14.150 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất hơn 355 MW, chiếm khoảng 7% tổng công suất nguồn điện.

Bao bì Tân Tiến trả cổ tức 350%

Mỗi cổ phiếu TTP của Bao bì Tân Tiến giúp các cổ đông nhận về 35.000 đồng cổ tức tiền mặt, mức cao kỷ lục trong lịch sử doanh nghiệp.

Mỗi cổ phiếu TTP của Bao bì Tân Tiến giúp các cổ đông nhận về 35.000 đồng cổ tức tiền mặt

Mỗi cổ phiếu TTP của Bao bì Tân Tiến giúp các cổ đông nhận về 35.000 đồng cổ tức tiền mặt

Theo nghị quyết mới đây, Hội đồng quản trị Công ty CP Bao bì Tân Tiến (Tapack - TTP) thông qua việc chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Tỷ lệ chi trả là 350%, tức mỗi cổ phiếu sẽ được nhận 35.000 đồng. Đây là mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động doanh nghiệp. Tỷ lệ trả cổ tức năm 2023 cũng tăng đột biến khi ba năm trước đó, TTP đều đưa ra con số 15%.

Thời gian thực hiện vào cuối tháng 6. Với hơn 13,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, Tapack sẽ tốn hơn 473 tỷ đồng cho việc chia cổ tức. Cổ đông lớn Dongwon Systems đang nắm 97,83% nên có thể nhận về gần 463 tỷ đồng.

Cổ đông của TTP nhận tin vui sau khi doanh nghiệp này báo lãi kỷ lục. Năm 2023, tuy doanh thu giảm 10% về khoảng 1.734 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại tăng 233% lên gần 153 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết, Công ty bị cạnh tranh bởi các đối thủ và ảnh hưởng của nền kinh tế khó khăn nên doanh thu sụt giảm. Tuy nhiên, họ đã tiết giảm các chi phí sản xuất, kiểm soát hao phí nên lợi nhuận tăng trưởng mạnh.

Bao bì Tân Tiến tiền thân là Công ty Nhựa dẻo Việt Nam (Simiplast), là đơn vị sản xuất bao bì nhựa mềm đầu tiên trong nước. Tháng 10/2015, doanh nghiệp này về chung nhà với Dongwon Systems - tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong lĩnh vực nguyên vật liệu đóng gói bao bì.

Khách hàng của Bao bì Tân Tiến đang là những tên tuổi lớn như Unilever Việt Nam, Pepsico, Ajinomoto, Vedan, Acecook, Trung Nguyên, Kinh Đô, Vinamilk... Năm nay, Công ty lên kế hoạch đạt doanh thu 1.944 tỷ đồng và lãi trước thuế 223 tỷ đồng, lần lượt tăng 12% và 14% so với năm trước. Theo đó, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 15%.

Phát hiện 5 xe đầu kéo vận chuyển 240 m3 gỗ xá xị nhập khẩu trái phép

Hơn 240 m3 gỗ xá xị trị giá hơn 3 tỷ đồng được cho là nhập khẩu trái phép từ cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị) về xã Hà Môn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum để tiêu thụ.

Số gỗ xá xị được xác định nhập khẩu trái phép

Số gỗ xá xị được xác định nhập khẩu trái phép

Ngày 16/5, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, vừa phát hiện, bắt quả tang 5 phương tiện ô tô tải đầu kéo vận chuyển lâm sản trái phép trên tuyến Quốc lộ 14B, đoạn qua địa phận thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Qua quá trình làm việc, bước đầu cảnh sát xác định số gỗ nêu trên là của Công ty TNHH XNK Minh Đông Sơn, đang được vận chuyển từ cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị) về Thôn 5, xã Hà Môn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum để tiêu thụ.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, Đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng số 2 thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành kiểm tra số lâm sản nêu trên.

Kết quả kiểm tra xác định, trên 5 phương tiện có vận chuyển gỗ xá xị với khối lượng hơn 240 m3, tổng giá trị tang vật vi phạm hơn 3 tỷ đồng.

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam đã tạm giữ toàn bộ phương tiện, tang vật vi phạm và đang tiến hành xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Kênh Nước Đen tại TP.HCM được dọn sạch rác

Sau hơn ba ngày thu gom gần 100 tấn rác, lục bình, gần 500 m kênh Nước Đen, quận Bình Tân (TP.HCM) đã được dọn sạch, giảm ô nhiễm.

Kênh Nước Đen được dọn sạch rác

Kênh Nước Đen được dọn sạch rác

Trưa 16/5, lực lượng chức năng phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân đã hoàn tất vớt rác, lục bình dưới kênh Nước Đen. Cách đây 3 ngày, địa phương đã huy động nhiều máy cẩu, công nhân, nhóm tình nguyện vớt gần 100 tấn rác sinh hoạt, chai nhựa, túi nilon, đồ dùng sinh hoạt, lục bình dưới lòng kênh.

Hơn nửa năm qua đoạn kênh giao với kênh Tham Lương đặc kín rác thải dù trước đó 1,4 km chiều dài con kênh đã được cải tạo, mở rộng với kinh phí 629 tỷ đồng từ năm 2022. Nguyên nhân là công trình thi công kênh Tham Lương - Bến Cát, đoạn nối với kênh Nước Đen đang đóng cọc nhồi nên làm thắt dòng chảy khiến rác tích tụ một chỗ. Ô nhiễm kéo dài nhiều hàng trăm hộ dân dọc kênh bị ảnh hưởng, bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Ông Nguyễn Phước Bình, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa cho biết, sắp tới đơn vị sẽ huy động lực lượng vớt rác thường xuyên để ngăn ô nhiễm. Còn về lâu dài, phường đang chờ quận kiến nghị với thành phố giao cho địa phương quản lý dòng kênh. "Phường cũng sẽ lắp camera giám sát, tăng cường phạt nguội đối với người xả rác xuống kênh để nâng cao ý thức người dân", ông Bình nói.

Giám đốc Khu di tích Đền Hùng Lê Trường Giang bị tạm giữ

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ), bị tạm giữ với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Lê Trường Giang

Ông Lê Trường Giang

Quyết định tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp với ông Lê Trường Giang 54 tuổi, trú TP. Việt Trì, được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Phú Thọ thực thi ngày 14/5. Sai phạm cụ thể của ông Giang chưa được công bố.

Khi bị bắt, ông Giang là Giám đốc, Bí thư Đảng ủy khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, là nơi thờ các vua Hùng có công dựng nước. Ngày xa xưa vùng đất này là khu vực trung tâm của nhà nước Văn Lang.

Chuyên đề