Bản tin thời sự sáng 17/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế VAT với ngân hàng, chứng khoán, bất động sản; giá vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước tiếp chuỗi ngày im ắng; hàng loạt quận, huyện ở Hà Nội nguy cơ thiếu nước sạch mùa hè; nâng thời hạn thị thực điện tử để thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài…

Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế VAT với ngân hàng, chứng khoán, bất động sản

Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế VAT 2% với nhóm hàng hoá như: Viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,...

Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế 2% VAT cho bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng

Chính phủ rút lại đề xuất giảm thuế 2% VAT cho bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết 43/2022, sau khi tiếp thu ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ đề nghị giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế giá trị gia tăng 10%, xuống còn 8% như năm 2022.

Điểm mới ở lần trình này là Chính phủ đã rút lại đề xuất giảm thuế VAT 2% với nhóm hàng hoá như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Việc giảm 2% thuế VAT không được làm giảm thu và tăng bội chi ngân sách năm nay, để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

Theo đánh giá của Chính phủ, việc giảm thuế VAT 2% bảo đảm đúng mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.

Chính phủ ước tính, áp dụng giảm thuế này trong 6 tháng cuối năm thì dự kiến ngân sách giảm thu khoảng 24.000 tỷ đồng. Con số này giảm 9.000 tỷ đồng so với phương án giảm thuế với tất cả hàng hoá, dịch vụ mà Chính phủ đề xuất trước đây. Mức giảm này là hợp lý trong bối cảnh thu ngân sách từ cuối năm 2022 đến nay có xu hướng giảm.

Giá vàng thế giới tăng nhẹ, trong nước tiếp chuỗi ngày im ắng

Giá vàng thế giới ngày 16/5 tiếp tục tăng nhẹ trong khi giá vàng trong nước đứng im.

Giá vàng trong nước tiếp chuỗi ngày im ắng

Giá vàng trong nước tiếp chuỗi ngày im ắng

Vào lúc 7h50, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC niêm yết vàng SJC ở mức 66,65 triệu đồng/lượng mua vào và 67,25 triệu đồng/lượng bán ra.

Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý, vàng SJC giao dịch 66,55 - 67,15 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra.

Vàng 9999 được DOJI được niêm yết 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng SJC của Vietinbank Gold mua vào 66,65 triệu đồng/lượng và bán ra 67,27 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu giao dịch ở mức 66,6 - 67,13 triệu đồng/lượng mua vào - bán ra. Giá vàng 24K Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá 2 chiều 56,46 - 57,41 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, cùng thời điểm sáng 16/5, vàng thế giới giao ngay ở mức 2.014,9 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với cùng thời điểm hôm trước.

Giới phân tích nhận định, giá vàng ngày 16/5 tăng khiêm tốn trong bối cảnh nhu cầu nắm giữ USD sụt giảm, khiến giá trị của đồng tiền này suy yếu so với nhiều ngoại tệ khác.

Quy đổi theo tỷ giá hiện hành tại Vietcombank, vàng thế giới có giá khoảng 57,14 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng của SJC vẫn đang cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 10,11 triệu đồng/lượng.

Với thời điểm hiện nay, giá vàng thế giới trên mốc 2.000 USD/ounce nhưng giá vàng trong nước không thay đổi bởi nhiều năm nay vàng trong nước và thế giới không liên thông. Tuy nhiên, các cửa hàng vàng vẫn để mức chênh lệch vàng mua vào, bán ra gần 1 triệu đồng/lượng khiến nhà đầu tư gặp nhiều rủi ro.

Hàng loạt quận, huyện ở Hà Nội nguy cơ thiếu nước sạch mùa hè

Vào mùa hè nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân tăng cao nhưng nguồn cấp không đáp ứng đủ có thể khiến hàng loạt quận, huyện của Hà Nội như Hà Đông, Thanh Xuân, Quốc Oai... thiếu nước sạch cục bộ.

Người dân sinh sống tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chờ lấy nước sạch

Người dân sinh sống tại địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chờ lấy nước sạch

Đây là nhận định của Sở Xây dựng Hà Nội trong kế hoạch đảm bảo cung cấp nước sạch mùa hè năm 2023 trên địa bàn TP. Hà Nội.

Theo đó, khi nhu cầu sử dụng nước sạch tăng cao vào mùa hè, nguồn cấp nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà không đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong phạm vi cấp nước hoặc gián đoạn cấp nước... sẽ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ tại một số quận, huyện như Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai...

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay, tổng công suất nguồn cấp nước sạch từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn Hà Nội đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dự kiến thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay, nhu cầu sử dụng nước của người dân khoảng 1.250.000 - 1.350.000m3/ngày đêm, nhưng khả năng phân phối nguồn nước chưa đồng bộ với nhu cầu sử dụng nước sạch tại các khu vực đô thị.

Sở Xây dựng đánh giá có nhiều nguyên nhân có thể xảy ra mất nước cục bộ trong mùa hè năm nay.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn 1 công suất 300.000 m3/ngày đêm chưa hoàn thành; giá bán buôn nước mặt sông Đuống cao hơn giá bán buôn nước mặt sông Đà nên Công ty Viwaco tập trung khai thác tối đa công suất của Nhà máy nước mặt sông Đà, dẫn tới khu vực có cốt địa hình cao như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức thiếu nguồn ở điều kiện bình thường...

Nâng thời hạn thị thực điện tử để thu hút du lịch, đầu tư nước ngoài

Theo Chính phủ, đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế và người muốn vào Việt Nam tìm cơ hội đầu tư.

Đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế

Đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 lên 90 ngày nhằm đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế

Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa có báo cáo gửi Quốc hội, giải trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ cho rằng, chính sách mở cửa tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ là "đòn bẩy" lớn để thu hút du lịch, đầu tư, hợp tác doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây là "những động lực quan trọng để phát triển nền kinh tế của đất nước trong giai đoạn hiện nay và tương lai".

Theo luật hiện hành, thời hạn thị thực điện tử ngắn nên chưa thu hút du khách. Nếu nâng thời hạn thị thực điện tử đến 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, sẽ đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế từ thị trường xa. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam dài ngày nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.

Nâng thời hạn thị thực điện tử cũng phù hợp thời gian lưu trú đối với người nước ngoài chịu trách nhiệm thành lập hiện diện thương mại, người chào bán dịch vụ, nhà cung cấp dịch vụ theo hợp đồng như cam kết của Việt Nam tại các Hiệp định FTA.

"Việc cấp e-visa được thực hiện qua xét duyệt nhân sự trước. Do đó, so với đơn phương miễn thị thực, việc cấp thị thực điện tử giúp cơ quan quản lý xuất nhập cảnh sàng lọc nhóm người chưa đủ điều kiện nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý", báo cáo nêu.

Dự luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (khai mạc 22/5).

Đề xuất tham quan định kỳ trụ sở UBND TP.HCM

Sở Du lịch đề xuất tổ chức tham quan định kỳ trụ sở HĐND và UBND TP.HCM ở số 86 Lê Thánh Tôn, Quận 1 vào các ngày lễ, Tết dương lịch.

Du khách tham quan UBND TP.HCM

Du khách tham quan UBND TP.HCM

Sở Du lịch đề xuất ba phương án tham quan công trình kiến trúc nổi tiếng này trong thời gian tới.

Cụ thể, với phương án một từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ mở thêm ba đợt vào các ngày lễ lớn như kỷ niệm Thành phố chính thức mang tên TP.HCM vào 2/7; Quốc khánh 2/9 và chào mừng năm mới 2024. Thời gian vào hai ngày cuối tuần, dự kiến đón 168 đoàn với khoảng 5.040 khách.

Ở phương án hai, số đợt tham quan tăng lên 9, ngoài 3 đợt như phương án một, còn thêm các ngày kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5), Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6), cách mạng Tháng Tám thành công (19/8); Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9), Nam kỳ khởi nghĩa (23/11); tuần lễ Du lịch TP.HCM (2/12). Dự kiến có 504 đoàn với 15.120 khách tham quan. Thời gian thực hiện giống phương án một.

Ở phương án ba, Thành phố sẽ tổ chức 8 đợt định kỳ vào thứ Bảy, Chủ nhật cuối cùng hàng tháng. Việc tham quan sẽ bắt đầu từ tháng 5 với khung giờ giống với các phương án trên. TP.HCM dự kiến đón khoảng 13.440 du khách thuộc 448 đoàn tham quan.

Sở Du lịch đề xuất áp dụng phương án ba bởi tổng số ngày tham quan đáp ứng được nhu cầu, lịch tổ chức cố định, dễ nhớ, khoảng cách giữa các lần hợp lý, thuận lợi cho xây dựng chương trình và góp phần kích cầu du lịch…

Trước đó, ở lần đầu tiên đón khách vào dịp lễ 30/4 và 1/5, trụ sở HĐND và UBND Thành phố đã đón hơn 1.500 khách tham quan.

Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM được xây dựng trong 20 năm, bắt đầu từ năm 1889, hoàn thành năm 1909 do kiến trúc sư Femand Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Nhà điêu khắc Louis - Lucien Ruffier đảm nhiệm phần trang trí kiến trúc bên ngoài.

Thời Pháp, tòa nhà có tên là Hotel de ville hay còn gọi là Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà có tên là Tòa đô chánh Sài Gòn. Sau năm 1975, nơi này trở thành trụ sở UBND TP.HCM.

Công ty bất động sản nợ gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu sắp giải thể

Revital Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang có dư nợ trái phiếu lên đến 1.155 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn gần 10 tỷ đồng.

Revital Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang có dư nợ trái phiếu lên đến 1.155 tỷ đồng

Revital Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang có dư nợ trái phiếu lên đến 1.155 tỷ đồng

Trong báo cáo thông tin định kỳ về tài chính doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư Revital Việt Nam - hoạt động trong lĩnh vực bất động sản - ghi nhận khoản lỗ sau thuế 190 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 156,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của công ty này chỉ còn ghi nhận 9,4 tỷ đồng, giảm tới 95,3% so với thời điểm cuối năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) theo đó tăng mạnh so với năm 2021, từ 77,33% lên 2.054,81%.

Tuy nhiên, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cũng tăng vọt từ 8,13 lần lên 195,71 lần, lên 1.839 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu 1.155 tỷ đồng - bằng thời điểm cuối năm 2021 - gấp 123 lần vốn chủ sở hữu.

Theo thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đây là dư nợ của lô trái phiếu được phát hành ngày 17/9/2018, kỳ hạn 7 năm, đáo hạn ngày 17/9/2025. Trái phiếu có lãi suất 4%/năm, do Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) làm tổ chức lưu ký.

Đáng chú ý, thông tin của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, hiện Revital Việt Nam đang làm thủ tục giải thể. Theo HNX, Revital Việt Nam được thành lập năm 2014, có trụ sở chính tại Hà Nội, vốn điều lệ 650 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật là bà Trần Kim Hạnh.

TP.HCM tổ chức đấu giá lô xe vi phạm với giá khởi điểm gần 4 tỷ đồng

Hơn 5.300 xe là tang vật vi phạm được Công an TP.HCM đưa ra đấu giá với giá khởi điểm gần 4 tỷ đồng.

Hàng nghìn xe tang vật tại kho của Công an quận Bình Tân TP.HCM nhìn từ trên cao

Hàng nghìn xe tang vật tại kho của Công an quận Bình Tân TP.HCM nhìn từ trên cao

Ngày 16/5, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM) đã ra thông báo đến các tổ chức đấu giá có đủ năng lực, kinh nghiệm, điều kiện, tiêu chí để đăng ký tham gia tổ chức bán đấu giá lô xe vi phạm vừa được phê duyệt.

Việc tổ chức bán đấu giá nằm trong kế hoạch thực hiện quyết định thanh lý tài sản của Bộ Công an.

Lô tài sản là tang vật vi phạm gồm 5.328 phương tiện các loại (4 xe chở hàng bốn bánh, 3 xe mô tô ba bánh, 5.321 xe mô tô 2 bánh) với giá khởi điểm là hơn 3,9 tỷ đồng.

Tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá được thực hiện Điều 56 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia tổ chức đấu giá vào giờ hành chính, trong 5 ngày (từ ngày 15/5 đến hết ngày 19/5) tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (Công an TP.HCM), số 341, đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, Quận 1, TP.HCM.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư