Bản tin thời sự sáng 17/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là vaccine Covid-19 ở Việt Nam phải tiêm hết trước ngày 5/5; TP.HCM kiến nghị thu hồi 3 khu đất quốc phòng để làm đường; bị phạt 550 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu TAR; mặt đường ở TP.HCM sụp hố sâu diện tích gần bằng ô tô 7 chỗ; doanh nghiệp tự ý mở đường dưới gầm cầu đường sắt, uy hiếp an toàn chạy tàu…

Vaccine Covid-19 ở Việt Nam phải tiêm hết trước ngày 5/5

Lô vaccine Covid-19 do Covax cung ứng cho Việt Nam sẽ hết hạn vào ngày 31/5. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu hoàn thành tiêm chủng trước ngày 5/5, thay vì 15/5 như dự kiến.

Vaccine AstraZeneca đang được tiêm chủng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội

Vaccine AstraZeneca đang được tiêm chủng ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội

Phó giáo sư Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hạn sử dụng vaccine Covid-19 không quá hai tháng. Đây là vaccine mới, các thông tin về an toàn đang tiếp tục được cập nhật.

Về yêu cầu hoàn thành tiêm chủng vaccine Covid-19, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chỉ đạo, do 31/5 là hết hạn sử dụng vaccine, các địa phương phải triển khai nhanh, không được để bất kỳ liều vaccine nào phải hủy bỏ vì lý do không tổ chức tiêm chủng. Yêu cầu đặt ra là tiêm đến đâu, an toàn đến đó. Nếu các địa phương không tổ chức tiêm hết, Bộ Y tế sẽ thu hồi lại vaccine và thông báo rộng rãi.

Bộ Y tế đã tiếp nhận hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca từ Covax và phân bổ tới 28 địa phương, tiếp tục tổ chức tiêm chủng theo đúng kế hoạch. Tính đến sáng ngày 16/4 đã tiêm chủng cho hơn 73.000 người.

TP.HCM kiến nghị thu hồi 3 khu đất quốc phòng để làm đường

UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Quốc phòng chuyển giao khoảng 8.800 m2 đất để thực hiện 3 dự án giao thông nhằm giảm ùn tắc ở quận Gò Vấp.

Phối cảnh Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm

Phối cảnh Dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm

UBND TP.HCM vừa gửi kiến nghị đến Bộ Quốc phòng về thu hồi đất quốc phòng thực hiện 3 dự án: nâng cấp đường Dương Quảng Hàm, đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên văn hóa quận Gò Vấp; mở đường D3, Phường 10; kết nối giao thông đường Quang Trung - Nguyễn Văn Công - Nguyễn Kiệm, Phường 3.

Trong đó, có khoảng 3.800 m2 đất thuộc quyền quản lý của 8 đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng để làm Dự án nâng cấp đường Dương Quảng Hàm. Công trình dài 2,4 km, rộng 32 m, vốn đầu tư hơn 380 tỷ đồng, khi hoàn thành giúp giảm ùn tắc, ngập nước, chỉnh trang đô thị... dọc tuyến và vùng lân cận.

Khu đất thứ hai có diện tích hơn 3.600 m2, do Cục Quân nhu quản lý để thực hiện Dự án mở rộng đường D3, Phường 10, quận Gò Vấp... Công trình nhằm giảm ùn tắc trên đường Quang Trung và Phan Văn Trị, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch.

Khu đất thứ ba rộng gần 1.400 m2 do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng quản lý, để thực hiện Dự án kết nối giao thông đường Quang Trung - Nguyễn Văn Công - Nguyễn Kiệm, Phường 3.

Bị phạt 550 triệu đồng vì thao túng giá cổ phiếu TAR

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa thông báo xử phạt ông Nguyễn Quang Vinh (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) 550 triệu đồng vì sử dụng 35 tài khoản để liên tục mua, bán, giao dịch khớp chéo giữa các tài khoản với nhau, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TAR của Công ty CP Nông nghiệp và Công nghệ cao Trung An.

Nhiều người bị xử phạt vì vi phạm trong giao dịch chứng khoán
Nhiều người bị xử phạt vì vi phạm trong giao dịch chứng khoán

Trong ngày 16/4, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng thông báo quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông Trần Quốc Phổ, quận Long Biên, TP. Hà Nội với số tiền 10 triệu đồng.

Ông Phổ là người có liên quan của bà Vũ Cẩm La Hương, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC), nhưng không công bố thông tin dự kiến giao dịch khi bán 11.000 cổ phiếu IBC vào cuối tháng 1.

Một cá nhân khác cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính trong tuần này là ông Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán IDJ). Ông Linh đăng ký bán 157.600 cổ phiếu IDJ từ 20/2 đến 19/3 và không thực hiện giao dịch.

Tuy nhiên, đến ngày 26/3, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) mới nhận được báo cáo kết quả thực hiện việc bán số cổ phiếu IDJ trên của ông Linh.

Mặt đường ở TP.HCM sụp hố sâu diện tích gần bằng ô tô 7 chỗ

Đường ống cấp nước dài hơn 6 km bị vỡ làm mặt đường Huỳnh Tấn Phát, Quận 7, TP.HCM sụp hố sâu, có diện tích gần bằng ô tô 7 chỗ.

Công nhân khắc phục sự cố sụp mặt đường Huỳnh Tấn Phát

Công nhân khắc phục sự cố sụp mặt đường Huỳnh Tấn Phát

Hố rộng hơn 2 m, sâu gần 4 m, hở hàm ếch xuất hiện trước Nhà thi đấu đa năng Quận 7, sau cơn mưa lớn ngày 16/4. Người dân sau đó đặt nhiều tấm bảng bằng nhựa để cảnh báo nguy hiểm.

Theo đại diện Xí nghiệp Truyền dẫn nước sạch, ống nước bằng gang, đường kính 37,5 cm, dày 2 cm lắp đặt hơn 45 năm bị vỡ, nước thoát ra đã cuốn trôi đất đá trên mặt đường gây sụt lún.

Đoạn xảy ra sự cố thuộc tuyến cấp nước cho các hộ dân từ cầu Phú Xuân (huyện Nhà Bè) đến Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7), dài khoảng 6 km.

Đến trưa 16/4, gần chục công nhân cùng xe cẩu được huy động khắc phục sự cố, cắt bỏ vị trí ống nước vỡ để thay ống.

Đề xuất lắp 2 trạm cân tự động trên Quốc lộ 1 ở tỉnh Bình Thuận và tỉnh Tiền Giang

Để kiểm soát tải trọng xe, Cục Quản lý đường bộ IV đề xuất lắp đặt 2 trạm cân trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Thuận và tỉnh Tiền Giang.

Thanh tra giao thông Cục Quản lý đường bộ IV kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 51

Thanh tra giao thông Cục Quản lý đường bộ IV kiểm tra tải trọng xe trên Quốc lộ 51

Ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV cho biết đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc lựa chọn các vị trí đặt trạm cân kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) trên các tuyến quốc lộ trọng điểm thuộc Cục quản lý.

Theo ông Thành, Cục QLĐB IV đề xuất 2 vị trí để lựa chọn lắp đặt cân KSTTX cố định, tự động. Vị trí 1 tại Km1624+400 trên Quốc lộ 1 (huyện Tuy Phong, Bình Thuận), vị trí 2 tại Km1961+400, Quốc lộ 1 (huyện Châu Thành, Tiền Giang).

Các vị trí được lựa chọn lắp đặt trạm cân KSTTX đáp ứng yêu cầu đoạn quốc lộ có nhiều xe tải lưu thông, không có các đường nhánh ở khu vực lân cận, kết nối với cảng, bến nhà máy sản xuất nằm trên đoạn đường thẳng, bằng phẳng, dốc dọc nhỏ hơn 2% nhằm kiểm soát xe quá tải.

Vị trí đặt trạm cân có 2 chiều đường, có số làn xe cần lắp đặt bộ cân KSTTX ở mức tối thiểu, hành lang an toàn giao thông đủ rộng.

Doanh nghiệp tự ý mở đường dưới gầm cầu đường sắt, uy hiếp an toàn chạy tàu

Một doanh nghiệp đã tự ý đào đất làm một con đường cho xe chở đá qua lại ở dưới gầm cầu đường sắt Thống Nhất tại tỉnh Bình Thuận. Các đơn vị đường sắt đã cảnh báo nguy cơ xe đụng gầm cầu, uy hiếp đến an toàn chạy tàu.

Doanh nghiệp tự san ủi đất để làm đường cho xe chở đá dưới gầm cầu

Doanh nghiệp tự san ủi đất để làm đường cho xe chở đá dưới gầm cầu

Theo biên bản ghi nhận từ các đơn vị thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, vị trí xảy ra vi phạm tại gầm cầu đường sắt Thống Nhất đoạn qua xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, Công ty CP Rạng Đông đã san ủi đất dưới gầm cầu tạo thành một con đường cho xe chở đá chạy qua lại. Qua kiểm tra hiện trường, các đơn vị đường sắt đánh giá đây là khu vực rừng núi, địa hình phức tạp, hay xảy ra mưa lũ. Việc doanh nghiệp đào đất hạ độ cao sẽ làm thay đổi hướng dòng chảy thoát nước vào mùa mưa lũ, dễ dẫn đến nguy cơ xói lở móng, mố trụ cầu.

Mặt khác, tĩnh không từ mặt đường đến dầm cầu chỉ 3,9m (phạm vi đường tự mở) là rất nguy hiểm, dễ dẫn đến xe chở đá qua lại va chạm vào nhịp dầm cầu trong khi tuyến đường sắt đang khai thác chạy tàu.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Bộ Giao thông vận tải về sự việc nêu trên. Báo cáo nêu rõ, sau khi phát hiện sự việc, Công ty CP Đường sắt Sài Gòn (đơn vị quản lý đường sắt) đã rào chắn không cho xe qua lại để đảm bảo an toàn. Thế nhưng khi không có lực lượng chức năng tại hiện trường, đơn vị khai thác đá lại cố tình tháo dỡ rào chắn cho xe chở đá hoạt động qua lại. Sự việc rào chắn rồi tháo dỡ diễn ra nhiều lần từ đầu năm tới nay.

Chuyên đề