Bản tin thời sự sáng 17/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đầu tư nhà xã hội còn hạn chế dù nhu cầu cao; hơn 20.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Quảng Nam; hợp long cầu dài nhất cao tốc Bắc Nam; đấu giá 36 lô đất ở Quảng Trị, lô vượt sàn cao nhất hơn 64%...

Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đầu tư nhà xã hội còn hạn chế dù nhu cầu cao

Theo Bộ Xây dựng, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu đến năm 2025.

Giai đoạn 2021 - 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó có 72 dự án hoàn thành

Giai đoạn 2021 - 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó có 72 dự án hoàn thành

Thông tin này được nêu trong báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội ngày 16/3.

Giai đoạn 2021 - 2023, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội (quy mô 411.250 căn) được triển khai, trong đó mới có 72 dự án (hơn 38.100 căn) hoàn thành. Còn lại 129 dự án (gần 115.000 căn) đã được khởi công, 298 dự án (hơn 258.000 căn) được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Nhiều địa phương đã tích cực trong thu hút đầu tư, khởi công dự án nhà ở xã hội như Bắc Ninh (15 dự án, 6.000 căn), Bắc Giang (5 dự án, hơn 12.400 căn), Hải Phòng (7 dự án, hơn 11.600 căn), Bình Dương (7 dự án, hơn 6.500 căn).

Ở chiều ngược lại, một số địa phương trọng điểm với nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu đến năm 2025. Trong đó, Hà Nội dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, mới đáp ứng được 9% nhu cầu. Tương tự, TP.HCM có thể đưa vào sử dụng 7 dự án, quy mô gần 5.000 căn, tương đương 19% nhu cầu. Đà Nẵng dự kiến hoàn thành 5 dự án, với 2.750 căn, đáp ứng 43% nhu cầu.

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra loạt địa phương không có dự án nhà ở xã hội nào khởi công trong 3 năm qua như Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng.

Có ba nguyên nhân chính, theo Bộ Xây dựng, khiến việc phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế. Thứ nhất, cơ chế, chính sách phát triển loại hình nhà ở này chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu. Trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng, điều kiện thuê, mua nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài, chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư chưa đủ hấp dẫn.

Cuối cùng, nguồn vốn ưu đãi 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội chưa được giải ngân hiệu quả. Đến nay, mới có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay trên tổng số 129 dự án đã khởi công. Như vậy, còn 59 dự án nằm ngoài danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất chưa thực sự thu hút người vay dù Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần hạ lãi suất gói 120.000 tỷ đồng…

Hơn 20.000 tỷ đồng đăng ký đầu tư vào Quảng Nam

Quảng Nam trao chứng nhận đầu tư cho 10 doanh nghiệp đăng ký thực hiện 16 dự án trị giá hơn 20.000 tỷ đồng.

Trong 16 dự án, có 10 dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Trong 16 dự án, có 10 dự án đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam

Các quyết định trên được Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Lê Văn Dũng và Chủ tịch UBND Tỉnh Lê Trí Thanh trao cho 10 doanh nghiệp tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 16/3.

Trong đó, Dự án mở rộng nâng cấp bến cảng Chu Lai, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành của Công ty TNHH Cảng biển quốc tế Chu Lai có vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng.

7 dự án khác của Thaco Trường Hải có tổng vốn đầu tư gần 3.600 tỷ đồng, ở Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai. Trong đó, Thaco đầu tư một nhà máy sản xuất ghế ô tô du lịch có mức vốn 1.000 tỷ đồng.

Dự án Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng phân khu Khu công nghiệp Nam Thăng Bình và Dự án Đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp phía Tây cao tốc đoạn qua Thăng Bình có số vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.

Theo Quy hoạch, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "hai vùng, hai cụm động lực, ba hành lang phát triển". Vùng Đông gồm các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng ven biển. Trong đó, Tam Kỳ là đô thị trung tâm hành chính, kinh tế, giáo dục, đào tạo; Hội An là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch, giao lưu quốc tế với các sản phẩm đặc sắc có chiều sâu văn hóa; Điện Bàn là đô thị phát triển công nghiệp, khoa học và đổi mới sáng tạo.

Vùng Tây gồm các huyện miền núi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên; phát triển vùng nguyên liệu lâm sản và dược liệu quốc gia; kinh tế vườn, trang trại, chăn nuôi; khai thác thủy điện, khoáng sản; bảo vệ khu vực biên giới…

Hợp long cầu dài nhất cao tốc Bắc Nam

Cầu Hưng Đức bắc qua sông Lam, La Giang nối tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, được hợp long ngày 16/3.

Cầu Hưng Đức dài gần 4,1 km, bắc qua sông Lam, nối huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

Cầu Hưng Đức dài gần 4,1 km, bắc qua sông Lam, nối huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh

Vị trí hợp long nằm giữa cầu với đốt dầm dài 2 m, rộng 17,5 m, sử dụng hơn 24 m3 bê tông, nối liền bờ Bắc ở xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và bờ Nam ở xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Hợp long là giai đoạn then chốt trong thi công đúc hẫng, kết nối các nhịp cầu giữa sông bằng đốt dầm. Sáng nay, đốt dầm cuối cùng đã được đổ bê tông, hoàn thành hợp long toàn bộ phần đúc hẫng. Các phương tiện có thể bắt đầu đi trên cầu để vận chuyển vật tư, vật liệu xây dựng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công cầu và cao tốc.

Là một trong những hạng mục quan trọng nhất của cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, cầu Hưng Đức được khởi công tháng 5/2022, tổng chiều dài gần 4,1 km với 90 nhịp, trong đó có 76 nhịp Super-T và 14 nhịp đúc hẫng. Mặt cầu rộng 17,5 m với 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa, vận tốc thiết kế 80 km/h. Đây là cầu vượt sông dài nhất toàn cao tốc Bắc Nam.

Theo ông Trương Đức Liên, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng, cầu Hưng Đức có tính chất kỹ thuật phức tạp và là hạng mục đường găng tiến độ của Dự án. Trong quá trình thi công, các nhà thầu gặp nhiều khó khăn do mưa bão, hai lần cầu tạm bị lũ cuốn trôi và bị ảnh hưởng bão giá.

"Đến nay, công trình đạt hơn 95% khối lượng, vượt tiến độ kế hoạch đề ra", ông Liên nói và cho biết, các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện một số hạng mục như đúc lan can, dải phân cách, thảm mặt cầu... để hoàn thành vào đầu tháng 5.

Đấu giá 36 lô đất ở Quảng Trị, lô vượt sàn cao nhất hơn 64%

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức đấu giá 36 lô đất. Kết quả, 35 lô có giá trúng đấu giá vượt xa giá khởi điểm.

Khách hàng tham gia đấu giá 36 lô đất tại Quảng Trị

Khách hàng tham gia đấu giá 36 lô đất tại Quảng Trị

Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị cho biết, 36 lô đất có giá khởi điểm từ hơn 700 triệu đồng đến 3,5 tỷ đồng/lô, gồm: 13 lô đất ở phía Đông đường Thành Cổ (Phường 3, TP. Đông Hà), 23 lô ở Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 3.

Có hơn 500 hồ sơ tham gia đấu giá 36 lô đất trên. Kết quả, 35 lô có người trúng đấu giá; 1 lô đấu giá không thành vì chỉ có 1 người tham gia đấu giá.

Tổng giá trúng đấu giá 35 lô đất là hơn 52 tỷ đồng, trong đó vượt giá khởi điểm hơn 9,4 tỷ đồng. Đặc biệt, có lô đất giá khởi điểm hơn 900 triệu đồng, giá trúng đấu giá hơn 1,5 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm 64,9%.

Ông Nguyễn Trí Hữu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Trị - cho biết, đây là lần đầu tiên trong 2 năm qua đơn vị tổ chức đấu giá đất mà có số khách hàng tham gia đấu giá đông và có kết quả vượt sàn cao như vậy.

Bình Dương có thêm 10 khu công nghiệp đến 2030

Bình Dương dự kiến phát triển thêm 10 khu công nghiệp mới đến năm 2030 và tăng thu hút vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Hiện có gần 3.100 dự án tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa

Hiện có gần 3.100 dự án tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa

Thông tin này được ông Nguyễn Trung Tín, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, nêu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ.

Theo ông Tín, năm nay, Ban đặt mục tiêu thu hút khoảng 130 - 140 dự án vào các khu công nghiệp, với tổng vốn 1,2 - 1,3 tỷ USD. Các dự án này dự kiến hút thêm nguồn lực 1.100 - 1.200 tỷ đồng trong nước, tạo việc làm cho 15.000 người lao động, đem về doanh thu 35 - 40 tỷ USD.

Đơn vị cũng xúc tiến phát triển thêm 10 khu công nghiệp mới đến năm 2030. Trong đó, 2 khu công nghiệp tại huyện Bắc Tân Uyên và TP. Tân Uyên sẽ được lập mới trong 2 năm tới, với tổng diện tích 1.000 ha.

Còn lại, 8 khu công nghiệp khác tại huyện Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng và Phú Giáo được triển khai đến cuối năm 2030. Tổng diện tích các khu này trên 6.000 ha.

Khoảng 45.000 ha đất được Bình Dương dành để phát triển đô thị, khu công nghiệp. Ngoài đầu tư mới, Tỉnh sẽ mở rộng các khu công nghiệp hiện hữu để thu hút các ngành nghề giá trị cao, công nghệ mới.

Ban Quản lý các khu công nghiệp Tỉnh cũng cho biết định hướng thu hút vốn từ các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... vào các khu công nghiệp tương lai này.

Năm ngoái, khoảng 1,2 tỷ USD vốn ngoại và 6.000 tỷ đồng vốn trong nước được "rót" vào các khu công nghiệp tại đây. Hiện có gần 3.100 dự án tại các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh, trong đó 77% là dự án FDI, còn lại là trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 33 tỷ USD.

Cổ phiếu Hải Phát sắp được giao dịch trở lại

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã quyết định đưa cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX) ra khỏi diện đình chỉ giao dịch.

Cổ phiếu HPX đã thoát khỏi diện đình chỉ giao dịch. Ảnh minh họa

Cổ phiếu HPX đã thoát khỏi diện đình chỉ giao dịch. Ảnh minh họa

HoSE cho biết, trong 6 tháng liên tục kể từ ngày Sở Giao dịch ra quyết định đình chỉ giao dịch, Hải Phát không vi phạm quy định về công bố thông tin.

Cùng với đó, ngày 8/3 vừa qua, Hải Phát đã công bố thông tin Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (riêng và hợp nhất) theo quy định. Do đó, HoSE sẽ thực hiện đưa cổ phiếu HPX ra khỏi diện đình chỉ giao dịch và giao dịch trở lại toàn thời gian theo quy định.

Trước đó, HoSE đã ra quyết định chuyển hơn 304 triệu cổ phiếu HPX vào diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 18/9/2023. Nguyên nhân là doanh nghiệp địa ốc này tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, thuộc trường hợp chứng khoán bị đình chỉ giao dịch.

Cách đây ít ngày, Hải Phát có công văn gửi HoSE thông báo đã khắc phục xong tình trạng chứng khoán bị đình chỉ giao dịch và đề nghị được đưa cổ phiếu HPX giao dịch trở lại.

Sau khi cổ phiếu HPX bị đình chỉ giao dịch, Công ty đã rà soát, kiểm điểm rút kinh nghiệm để tránh xảy ra những vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin như thời gian qua. Đồng thời, Công ty đã nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc công bố thông tin của công ty đại chúng niêm yết.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Hải Phát ghi nhận doanh thu đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng 4% so với năm liền trước và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 134 tỷ đồng, giảm 6%. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành 112% kế hoạch lợi nhuận trong năm 2023.

Năm 2024, chủ đầu tư bất động sản này đặt kế hoạch doanh thu 2.800 tỷ đồng, tăng gần 65% so với năm 2023, lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 105 tỷ đồng, giảm 22% và cổ tức dự kiến 5%.

TP.HCM mở rộng tuyển lớp 1, 6 theo nguyên tắc học gần nhà

Sau 1 năm thử nghiệm ở 3 địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề xuất mở rộng tuyển sinh đầu cấp, theo nguyên tắc học sinh được học trường gần nhà.

TP.HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non các cấp. Ảnh minh họa

TP.HCM hiện có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non các cấp. Ảnh minh họa

Theo tờ trình của Sở gửi UBND Thành phố về tuyển sinh đầu cấp sáng 16/3, việc mở rộng áp dụng hệ thống thông tin địa lý (Geographic Information System - bản đồ GIS) trong tuyển sinh đầu cấp căn cứ hiệu quả và kinh nghiệm thực hiện ở TP. Thủ Đức, Quận 8, quận Tân Bình hồi năm ngoái.

Dựa vào nơi cư trú thực tế của học sinh, với sự trợ giúp của bản đồ GIS, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp địa phương sẽ bố trí chỗ học gần nhà nhất cho trẻ, thay vì phân tuyến học sinh ở phường nào phải nhập học ở trường thuộc địa bàn đó.

Năm ngoái, khi thử nghiệm, cách làm này được đánh giá tạo nhiều thuận lợi về đi lại, đưa đón cho học sinh, phụ huynh, hạn chế tình trạng "chạy" hộ khẩu, học trái tuyến.

Tuy nhiên, Sở lưu ý, tùy tình hình thực tế, các đơn vị có thể áp dụng GIS như một công cụ hỗ trợ bên cạnh các phương pháp khác để đạt được mục tiêu nói trên.

Các trẻ trong độ tuổi phải được khai báo đầy đủ thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu về tuyển sinh của ngành giáo dục Thành phố và được xác thực đầy đủ với dữ liệu dân cư quốc gia.

Việc tuyển sinh lớp 1, 6 ở Thành phố được chia thành 2 đợt. Đợt một ưu tiên tuyển sinh học sinh đang cư trú thực tế trên địa bàn. Sau đó, với các trường chưa tuyển đủ học sinh, ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp ở địa phương có thể mở đợt hai. Thời gian thông báo kết quả chậm nhất vào ngày 1/8. Tất cả khâu đăng ký và xác nhận nhập học của phụ huynh đều bằng hình thức trực tuyến.

Sở nhấn mạnh, các trường không được nhận học sinh ngoài nếu chưa nhận đủ theo danh sách phân bổ của UBND quận, huyện. Nếu nhận, trường phải được ban chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp xét duyệt. Hiện TP.HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non các cấp.

Chuyên đề