Bản tin thời sự sáng 17/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội yêu cầu học sinh, giáo viên khai báo y tế; xét nghiệm ngẫu nhiên người dân về TP.HCM sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; Hải Phòng dừng tiếp nhận công nhân và hàng hóa từ Hải Dương; thành phố Chí Linh phát thẻ đi chợ theo ngày chẵn, lẻ…

Hà Nội yêu cầu học sinh, giáo viên khai báo y tế

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường chuẩn bị điều kiện dạy học trực tuyến trong thời gian từ 17/2 đến hết ngày 28/2.

Các nhà trường sẽ dạy học trực tuyến

Các nhà trường sẽ dạy học trực tuyến

Hà Nội yêu cầu các trường, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh trong công tác quản lý và theo dõi sức khỏe bảo đảm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Thực hiện khai báo y tế sau đợt nghỉ Tết Tân Sửu 2021 đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để rà soát các trường hợp có liên quan đến yếu tố dịch tễ và báo cáo về sở theo quy định.

Các trường phải tiếp tục duy trì, tổ chức có chất lượng các hoạt động dạy và học trong nhà trường bằng hình thức học qua Internet; đảm bảo việc dạy học theo đúng các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT và kế hoạch giáo dục của trường.

Khi thực hiện dạy học qua Internet, cần đảm bảo việc quản lý thời gian, nội dung dạy học chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định. Từng nhà trường chủ động lựa chọn công cụ dạy học qua internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của trường mình.

Nhà trường phải phân công giao viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua Internet; phối hợp với gia đình có biện pháp quản lý việc học của học sinh thông qua internet; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao.

Xét nghiệm ngẫu nhiên người dân về TP.HCM sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021

TP.HCM tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên đối với người đến Thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19.

Người dân từ các tỉnh về TP.HCM xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19

Người dân từ các tỉnh về TP.HCM xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên để ngăn ngừa dịch bệnh Covid-19

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, TP.HCM sẽ tiếp nhận rất nhiều người từ các tỉnh, thành khác trong cả nước đến thành phố để tiếp tục làm việc, học tập... nên khó tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập Thành phố từ các tỉnh, thành khác.

Chiều ngày 16/2, Trung tâm kiểm soát bệnh dịch TP.HCM (HCDC) cho biết sẽ triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng dịch Covid-19 đến Thành phố để chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và hướng đến mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

HCDC sẽ tổ chức xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên đối với người đến Thành phố bằng các phương tiện giao thông công cộng. Cụ thể, tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ có 10 - 20% số lượt hành khách đến sân bay từ các tỉnh, thành có nguy cơ sẽ được lấy mẫu ngẫu nhiên; tại ga Sài Gòn sẽ lấy 100 mẫu đơn/ngày đối với hành khách đến từ các tỉnh thành có nguy cơ; tại bến xe Quận 12, bến xe miền Đông cũ, bến xe miền Đông mới cũng lấy100 mẫu đơn/ngày/địa điểm.

Hải Phòng dừng tiếp nhận công nhân và hàng hóa từ Hải Dương

Lo ngại dịch xâm nhập vào thành phố, Hải Phòng đóng cửa hàng loạt dịch vụ, dừng tiếp nhận công nhân và hàng hóa đến từ Hải Dương.

Từ ngày 16/2 cho đến 3/3, tất cả công nhân và hàng hóa từ Hải Dương vào Hải Phòng đều phải quay đầu

Từ ngày 16/2 cho đến 3/3, tất cả công nhân và hàng hóa từ Hải Dương vào Hải Phòng đều phải quay đầu

Chiều 16/2, Chủ tịch thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu trong thời gian Hải Dương giãn cách xã hội (từ ngày 16/2 đến ngày 3/3), Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả công dân và hàng hóa từ tỉnh này. Trường hợp người dân Hải Dương cố tình vào, nếu bị phát hiện sẽ bắt buộc vào khu cách ly tập trung và phải trả chi phí.

Người Hải Phòng không đi đến tỉnh Hải Dương, trường hợp cần thiết phải có giấy xác nhận của chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; khi trở lại phải vào khu cách ly tập trung của Thành phố và trả chi phí.

Lái xe chở hàng đi tỉnh Hải Dương phải có xác nhận của chủ phương tiện hoặc của UBND xã, phường, thị trấn; khi trở về phải ở khu tập trung do chủ phương tiện bố trí và phải lấy mẫu xét nghiệm. Nếu lái xe cố tình về nhà sẽ bắt buộc vào nơi cách ly tập trung và phải trả chi phí.

Thành phố quyết định dừng phương tiện chở người từ Hải Phòng đi tỉnh Hải Dương; các xe chở hàng hóa và chở khách đi địa phương khác ngoài tỉnh Hải Dương phải đi và về theo cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 10.

Các chủ doanh nghiệp được yêu cầu cam kết không sử dụng lao động của Hải Dương cho đến khi dịch được khống chế; thực hiện nghiêm việc giãn cách người làm việc, đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa người với người một mét. Trưởng ban Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng được yêu cầu giám sát công dân làm việc trong các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng.

Hàng ăn ở Hà Nội được bán khi đảm bảo khoảng cách, khuyến khích mang về

Hà Nội yêu cầu, các hàng ăn phải đảm bảo giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa.

Hà Nội khuyến khích bán hàng mang về nhà

Hà Nội khuyến khích bán hàng mang về nhà

Văn phòng UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kết luận của Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19.

Theo kết luận này, bắt đầu từ 0h ngày 16/2, tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu di tích, cơ sở tôn giáo; tạm dừng hoạt động đối với các quán ăn, uống đường phố, trà đá vỉa hè, và quán cà phê đến khu có chỉ đạo mới của UBND Thành phố.

Đối với nhà hàng ăn phục vụ trong nhà, yêu cầu thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà; trường hợp không đáp ứng đầy đủ việc phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu, cho dừng hoạt động theo thẩm quyền.

Thường xuyên kiểm tra việc đóng cửa các quán game, internet, bar, karaoke, club… theo đúng chỉ đạo của UBND Thành phố.

Thành phố Chí Linh phát thẻ đi chợ theo ngày chẵn, lẻ

Từ ngày 17/2, mỗi hộ dân ở TP. Chí Linh (Hải Dương), được phát 5 thẻ đi chợ trong 15 ngày, cứ 3 ngày đi một lần, nhằm phòng chống Covid-19.

Chợ Chí Linh ngày 16/2, ngày đầu nối tiếp cách ly xã hội

Chợ Chí Linh ngày 16/2, ngày đầu nối tiếp cách ly xã hội

Chủ tịch UBND TP. Chí Linh Nguyễn Văn Kiên cho biết, việc phát thẻ đi chợ cho người dân được UBND các xã, phường có chợ chủ trì, phối hợp với ban quản lý chợ. Các hộ kinh doanh cố định và bán cố định được cấp thẻ ra vào chợ có thời hạn cụ thể. Các hộ dân được cấp thẻ đi chợ theo ngày chẵn và lẻ, mỗi hộ 5 thẻ, tương ứng 15 ngày và tự điền địa chỉ, số điện thoại vào thẻ. Thẻ có giá trị sử dụng một lần/chợ bất kỳ tại TP. Chí Linh. Ban quản lý chợ hoặc tổ quản lý sẽ thu lại thẻ, lưu theo ngày, phục vụ điều tra dịch tễ khi cần thiết.

Theo ông Kiên, đây là một trong những biện pháp nhằm giãn cách xã hội, phòng chống Covid-19, nhưng vẫn tạo điều kiện để người dân buôn bán, kinh doanh. Chỉ những hộ kinh doanh buôn bán mặt hàng thiết yếu mới được mở cửa. Các hộ kinh doanh mặt hàng không thiết yếu tạm thời vẫn đóng cửa đến khi có thông báo mới của tỉnh Hải Dương.

Ban quản lý chợ hoặc UBND xã, phường nơi có chợ sẽ sắp xếp các vị trí kinh doanh trong chợ đảm bảo khoảng cách theo đúng quy định phòng dịch và đường ra chợ đảm bảo thông thoáng, tránh ùn tắc; bố trí lực lượng phun khử khuẩn hàng ngày tại chợ... Các trường hợp buôn bán tại chợ vi phạm quy định về phòng, chống dịch sẽ bị lập biên bản, xử phạt.

Sản lượng vận tải hành khách đường sắt, hàng không Tết Tân Sửu giảm sâu

Theo báo cáo ngày 16/2 của Ủy ban An toàn quốc gia, sản lượng vận tải hành khách ở lĩnh vực đường sắt và hàng không trong dịp Tết Tân Sửu 2021 giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng vận tải hành khách đường sắt, hàng không Tết Tân Sửu giảm sâu

Sản lượng vận tải hành khách đường sắt, hàng không Tết Tân Sửu giảm sâu

Cụ thể, ở lĩnh vực vận tải đường sắt, sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa đều giảm sâu so với năm 2020.

Thống kê sản lượng vận chuyển đường sắt từ ngày 9 đến ngày 13/2 cho thấy, số đoàn tàu khách thống nhất đạt 84,21% so với năm 2020; tàu địa phương đạt 62,5% so với năm 2020. Tổng số khách đi tàu là 12.793 hành khách, đạt 33,56% so với năm 2020. Sản lượng hàng hoá vận chuyển 6.035 tấn, đạt 65,56% so với năm 2020.

Ở lĩnh vực vận tải hàng không, tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt 9,5 nghìn lần hạ cất cánh, giảm 43,4%. Số hành khách đạt xấp xỉ 815,6 nghìn hành khách, giảm 66,6%.

Riêng tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng hàng không Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm ngoái, với 14 nghìn tấn hàng hóa, tăng 3,3% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020.

Đối với ba cảng hàng không quốc tế (CHKQT) lớn: CHKQT Tân Sơn Nhất đạt 3,4 nghìn lần hạ cất cánh (giảm 44,5%), 256 nghìn lượt khách (giảm 71,3%), 6 nghìn tấn hàng hóa (giảm 7,7%); CHKQT Nội Bài đạt 1,9 nghìn lần hạ cất cánh (giảm 51,3%), 136 nghìn lượt khách (giảm 74,8%), 7,6 nghìn tấn hàng hóa (tăng 13%); CHKQT Đà Nẵng đạt 580 lần hạ cất cánh (giảm 73,8%), 43 nghìn lượt khách (giảm 86,2%), 124 tấn hàng hóa (giảm 60,1%);

Các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 408 nghìn khách, giảm 64,8% và 2 nghìn tấn hàng hóa, giảm 54,4% so với cùng thời điểm Tết Nguyên đán năm 2020.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ ùn tắc chiều mùng 5 Tết

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, người dân trở về Thủ đô Hà Nội để chuẩn bị cho ngày làm việc đầu năm mới, khiến lượng phương tiện tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường đông nghịt.

CSGT bố trí nhiều chốt để phân luồng phương tiện, giảm ùn tắc

CSGT bố trí nhiều chốt để phân luồng phương tiện, giảm ùn tắc

Chiều 16/2 (mùng 5 Tết), ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và chuẩn bị cho ngày làm việc đầu năm mới, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau chờ qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Ninh Bình hướng về phía trung tâm Thủ đô dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài.

Sáng ngày 16/2, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an TP. Hà Nội đã tổ chức lễ ra quân đầu xuân. Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng CSGT cho biết 377 nút giao thông trọng điểm, các tuyến trục chính, tuyến vành đai, khu vực cổng bệnh viện, bến xe, nhà ga, 89 điểm chợ hoa, chợ Tết đã được đảm bảo an toàn.

Một tài xế cho biết cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ có 2 điểm ùn tắc thuộc địa phận quận Hoàng Mai và huyện Phú Xuyên. Tài xế mất khoảng 15 - 20 phút để đi qua mỗi khu vực này.

Gần 600 tài xế bị phạt nguội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Trong 7 ngày Tết Tân Sửu 2021, Cảnh sát giao thông đã phạt nguội gần 600 tài xế vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Gần 600 tài xế bị phạt nguội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong 7 ngày Tết Tân Sửu 2021

Gần 600 tài xế bị phạt nguội trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai trong 7 ngày Tết Tân Sửu 2021

Ngày 16/2 (mùng 5 Tết Tân Sửu 2021), Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua (từ 9 - 15/2), qua hệ thống camera giám sát trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, lực lượng chức năng đã xử phạt nguội gần 600 phương tiện vi phạm.

Tài xế mắc chủ yếu ở các lỗi: tốc độ, dừng đỗ xe sai quy định, điều khiển xe không đúng phần, đường làn đường.

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục CSGT cho biết, cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những tuyến cao tốc hiện đại, được trang bị hệ thống camera giám sát có thể chụp vi phạm một cách rõ nét ở khoảng cách cả cây số.

Theo đó, hệ thống camera này giúp cảnh sát giảm tải áp lực ngoài đường, tránh được các va chạm, tranh cãi với tài xế do có bằng chứng điện tử cụ thể và nhìn rõ.

Qua hệ thống mắt thần trên, trong 7 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã kịp thời phát hiện, xử lý phạt nguội gần 600 trường hợp.

Được biết, hệ thống camera giám sát giao thông gồm 110 chiếc được đặt tại 87 điểm trên toàn tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (có chiều dài 264km). Đây được đánh giá là hệ thống camera giám sát giao thông hiện đại nhất được sử dụng.

Chuyên đề