Bản tin thời sự sáng 17/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thông tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân; cách chức Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND Khánh Hoà; đề xuất chiếu sáng nghệ thuật hồ Xuân Hương ban đêm; thu thuế chuyển nhượng bất động sản gần 27.000 tỷ đồng; yêu cầu Đồng Nai hoàn tất giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành…

Thông tuyến đường sắt Bắc - Nam qua đèo Hải Vân

Sau hơn một ngày bị tê liệt do sạt lở đường, đoạn đường sắt Bắc - Nam giữa Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng được thông tuyến lúc 10h sáng 16/10.

Đường ray bị ngập đất đá do mưa lũ

Đường ray bị ngập đất đá do mưa lũ

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, các đoạn đường sắt bị sạt lở qua đèo Hải Vân đã hoàn thành gia cố nền đường, đảm bảo tàu chạy tốc độ 5 km/h. Sau khi thông tuyến, các chuyến tàu khách Bắc - Nam hoạt động bình thường trở lại.

Hiện nay, một số đoạn đường sắt khu gian Huế - Văn Xá vẫn bị ngập, song tàu có thể chạy qua. Các đơn vị đường sắt tiếp tục gia cố đường để trả lại tốc độ chạy tàu bình thường trong ngày.

Cơn bão số 5 từ tối 14/10 gây mưa lũ, đất đá tràn vào đường ray khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Đà Nẵng, nhiều đoạn đường sắt trên đèo Hải Vân bị sạt lở taluy nền đường, trôi đá, ngập đường ray khiến nhiều khu gian phải phong tỏa, tạm dừng chạy tàu. Các nhà ga trên tuyến cũng bị hư hỏng nhiều thiết bị điện.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ga đỉnh đèo - Hải Vân Nam, Hải Vân Nam - Kim Liên và khu gian Thừa Lưu - Lăng Cô. Đoạn từ Km709 - Km710 nước ngập đỉnh ray 40 cm, gây xói lở nền đá; đoạn từ Km733+460 - Km733+570 bị sạt lở vào đến nền đá và ăn sâu vào thân đường; đoạn Km766+936 đất đá sạt lở dài 20 m, cao 1,5 m, lấp một số thiết bị tại ga Hải Vân với khối lượng đất đá khoảng 300 m3.

Tại các khu vực này, ngành đường sắt đã huy động nhân lực, vật lực túc trực suốt ngày đêm để triển khai phương án khắc phục.

Cách chức Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND Khánh Hoà

Ông Nguyễn Trí Tuân, Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa bị cách chức do để xảy ra sai phạm khi làm Phó Chủ tịch huyện Cam Lâm.

Ông Nguyễn Trí Tuân vừa bị cách chức Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Ông Nguyễn Trí Tuân vừa bị cách chức Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Quyết định kỷ luật vừa được Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hoà thông qua, sau hơn tháng rưỡi ông Tuân bị Ban Thường vụ Tỉnh ủy cách tất cả chức vụ trong Đảng. Ông Tuân làm Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa từ 1/4/2021.

Trước đó, khi đương chức Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Cam Lâm, ông Tuân cùng nhiều cán bộ huyện bị xác định vi phạm quy chế làm việc và pháp luật đất đai, thiếu trách nhiệm lãnh đạo, kiểm tra, cho phép 114 trường hợp tặng cho, hiến đất tự làm đường để tách 2.350 thửa với tổng diện tích hơn 57 ha.

Những sai phạm trên tác động xấu quy hoạch hạ tầng, quản lý đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thu ngân sách... Hơn một năm qua, huyện Cam Lâm trở thành điểm nóng "phân lô, bán nền". Một số sàn giao dịch bất động sản, cò đất về đây "vẽ" dự án khiến thị trường nhà đất ở huyện rối loạn.

Đề xuất chiếu sáng nghệ thuật hồ Xuân Hương ban đêm

Chính quyền TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đề xuất Dự án chiếu sáng hồ Xuân Hương và cung đường ven hồ, với tổng kinh phí 42 tỷ đồng, nhằm tạo điểm nhấn du lịch.

Phối cảnh chiếu sáng nghệ thuật hồ Xuân Hương về đêm

Phối cảnh chiếu sáng nghệ thuật hồ Xuân Hương về đêm

Động thái vừa được UBND TP. Đà Lạt gửi văn bản các sở ngành tỉnh Lâm Đồng xin ý kiến nhằm tạo "sản phẩm du lịch mới" cho Thành phố vào ban đêm. Kinh phí đầu tư sẽ được xã hội hóa, hỗ trợ từ doanh nghiệp.

Khi triển khai, Dự án sẽ xây hệ thống chiếu sáng nghệ thuật công trình bằng đèn led tạo tính mỹ thuật và tiết kiệm năng lượng. Dự án sẽ chiếu sáng cây xanh đồi Cù dài khoảng 700 m, cùng hàng cây nằm trong phạm vi hồ trước mặt đồi Cù.

Đồng thời, 5 cầu chữ Y xung quanh thắng cảnh hồ Xuân Hương sẽ được ốp gỗ, bổ sung đèn trang trí, hệ thống phun khói, sương; bổ sung 5 hình tượng hoa anh đào tại các thảm cỏ khu vực quanh hồ.

Trong tổng vốn đầu tư, chi phí xây lắp trên 38 tỷ đồng, còn lại là chi phí tư vấn, quản lý và vận hành dự án. Trong kế hoạch, Dự án sẽ hoàn thành trước thời điểm diễn ra Festival hoa Đà Lạt cuối năm 2022.

Thu thuế chuyển nhượng bất động sản gần 27.000 tỷ đồng

Luỹ kế 8 tháng, số thuế thu từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng là bất động sản đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 96% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu thuế chuyển nhượng bất động sản gần 27.000 tỷ đồng

Thu thuế chuyển nhượng bất động sản gần 27.000 tỷ đồng

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội thực hiện Nghị quyết 62 về chất vấn tại Kỳ họp 3, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đã có nhiều động thái để tăng thu thuế bất động sản.

Một trong số đó là yêu cầu cơ quan thuế không được gây khó khăn cho người nộp thuế, không ngăn chặn cũng như làm tồn đọng hồ sơ chuyển nhượng bất động sản; không kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ chuyển nhượng.

Luỹ kế 8 tháng, số thu thuế từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và quà tặng là bất động sản đạt hơn 26.860 tỷ đồng, tăng hơn 13.200 tỷ đồng, tức trên 96% so với cùng kỳ 2021. Đầu tháng 9, trung bình giá chuyển nhượng khai cao hơn gần 3 lần so với khung giá đất địa phương đưa ra.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, thu thuế chuyển nhượng bất động sản vẫn tồn tại nhiều bất cập. Hiện quy định quản lý thuế này chưa đồng bộ với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa chặt chẽ.

Về phía người dân, họ chưa hiểu đầy đủ luật, chưa tự giác nộp thuế và nhận thức hậu quả khi khai thuế không đúng thực tế giá chuyển nhượng.

Theo quy định, người nộp thuế kê khai, nộp thuế không đúng với giá thực tế chuyển nhượng, cơ quan thuế có quyền ấn định thuế. Tuy nhiên, cơ quan thuế không có chức năng điều tra nên việc thu thập thông tin làm căn cứ ấn định thuế gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ấn định thuế chỉ hiệu quả nếu cơ quan liên quan (công an, thanh tra...) thu thập đủ chứng cứ chứng minh giao dịch mua bán thực tế, phát hiện kết luận hành vi gian lận, trốn thuế. Đây sẽ là căn cứ để cơ quan thuế ấn định thuế.

Yêu cầu Đồng Nai hoàn tất giải phóng mặt bằng xây sân bay Long Thành

Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai dứt điểm giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân có thể sớm di dời.

Một khu vực đang chờ giải phóng mặt bằng tại công trường sân bay Long Thành

Một khu vực đang chờ giải phóng mặt bằng tại công trường sân bay Long Thành

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ gửi đến Quốc hội báo cáo tình hình triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Yêu cầu trên đưa ra trong bối cảnh Chính phủ đã tổ chức Đoàn công tác kiểm tra hiện trường, họp kiểm điểm tiến độ Dự án; đôn đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và các đơn vị liên quan, song tình trạng chậm trễ bàn giao mặt bằng cho giai đoạn 1 Dự án vẫn chưa được giải quyết.

Giai đoạn 1 Dự án gồm xây dựng đường cất, hạ cánh; nhà ga và hạng mục phụ trợ. Dù mục tiêu đặt ra là trước 15/8, đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai mới bàn giao 2.459 ha mặt bằng, trên tổng số 2.532 ha, đạt 97,12%. Trong đó, mặt bằng đất cần cho xây dựng chưa bàn giao là hơn 44 ha. Dự kiến trong tháng 10, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ bàn giao nốt phần mặt bằng còn lại.

Tại Dự án thành phần 4, có 9/11 lô đất chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng để giao cho Cảng vụ hàng không miền Nam. Việc chưa có mặt bằng sạch khiến dự án thành phần xây dựng ga hàng hóa, kho giao nhận, khu vệ sinh tàu bay, bảo dưỡng trang thiết bị mặt đất... bị chậm lại.

Như vậy đến nay, trong số gần 5.000 ha đất phục vụ Dự án sân bay Long Thành, mới có hơn 4.700 ha được bàn giao, đạt 95%; 4.863 trên tổng số hơn 5.000 hộ đã được xét duyệt tái định cư, hơn 200 hộ còn lại vẫn đang chờ xét duyệt.

Lý giải việc giải phóng mặt bằng chậm, Chính phủ cho biết nguyên nhân là tiến độ xây dựng khu tái định cư không đảm bảo; nhiều hộ dân vướng mắc về giấy tờ đất như chuyển nhượng viết tay, đất vô chủ dẫn tới khó khăn trong đền bù.

Thủ tướng chấp thuận tách cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng thành dự án độc lập

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km được Thủ tướng Chính phủ cho phép tách khỏi Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập, để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện...

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km được Thủ tướng Chính phủ cho phép tách khỏi dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập.

Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km được Thủ tướng Chính phủ cho phép tách khỏi dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập.

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 961 gửi UBND tỉnh Lạng Sơn về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng, Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Theo đó, Thủ tướng thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn và ý kiến của các bộ, ngành liên quan về việc tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp tục là cơ quan chủ quản để tổ chức thực hiện Dự án thành phần 2 sau khi tách theo đúng các quy định của pháp luật.

Trước đó, vào tháng 8, UBND tỉnh Lạng Sơn có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện thủ tục triển khai Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Tại công văn này, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị Thủ tướng cho phép tách Dự án thành phần 2, đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km, có mục tiêu kết nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn với cửa khẩu Hữu Nghị ra khỏi Dự án BOT xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thành dự án độc lập để triển khai thực hiện theo quy định hiện hành và giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tổ chức thực hiện dự án sau khi tách.

Kỷ luật Chủ tịch huyện Đắk G’long, ký hàng loạt ‘sổ đỏ’ trên đất quy hoạch rừng

Đất quy hoạch 3 loại rừng nhưng nhiều lãnh đạo huyện Đắk G’long (tỉnh Đắk Nông) lại ký một loạt “sổ đỏ” cấp cho người dân trái quy định. Vụ việc đang được chuyển cơ quan điều tra tỉnh.

Phần đất quy hoạch 3 loại rừng được lãnh đạo ký cấp "sổ đỏ" sai quy định

Phần đất quy hoạch 3 loại rừng được lãnh đạo ký cấp "sổ đỏ" sai quy định

Liên quan đến phản ánh chính quyền huyện Đắk G’long cấp 65 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân trên đất quy hoạch 3 loại rừng, mới đây Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đắk Nông đã có thông cáo báo chí về việc xử lý cán bộ sai phạm.

Theo đó, UBKT Tỉnh ủy Đắk Nông đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và xem xét thi hành kỷ luật ông Trần Nam Thuần, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long; nguyên Ủy viên Ban thường vụ, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk G’long.

UBKT Tỉnh ủy nhận thấy, trong giai đoạn 2015 - 2020, ông Trần Nam Thuần đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, để xảy ra tình trạng cá nhân, hộ gia đình xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, san ủi đất trái phép nhưng chưa xử lý kịp thời.

Ông Trần Nam Thuần cũng ký cấp “sổ đỏ” trên địa bàn xã Đắk Som cho các hộ gia đình, cá nhân có nguồn gốc sử dụng đất từ cho, tặng, nhận chuyển nhượng sau ngày 1/1/2008, không đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” theo quy định; ký cấp “sổ đỏ” trên địa bàn xã Đắk Som cho các hộ gia đình, cá nhân có mục đích sử dụng đất là đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm, đất trồng lúa, đất ở nông thôn trên diện tích thuộc đất quy hoạch 3 loại rừng…

Xét nội dung, tính chất, mức độ và nguyên nhân, khuyết điểm, UBKT Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Nam Thuần bằng hình thức khiển trách.

Cầu hơn 500 tỷ đồng ở cửa ngõ TP.HCM hoàn thành

Nhánh thứ hai cầu Bưng có tổng vốn đầu tư 515 tỷ đồng, hoàn thành sau 5 năm triển khai, giải quyết ùn tắc cho cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM.

Xe chạy qua nhánh thứ hai cầu Bưng (bên phải)

Xe chạy qua nhánh thứ hai cầu Bưng (bên phải)

Chiều 16/10, nhánh cầu bắc qua kênh Tham Lương trên đường Lê Trọng Tấn, nối quận Bình Tân với Tân Phú, cho xe chạy. Đây là nhánh còn lại của dự án cầu Bưng được khai thác, sau khi một nhánh hoàn thành từ tháng 12 năm ngoái. Hai nhánh cầu đều dài 207 m, mỗi bên rộng 11 m. Ngoài phần cầu, dự án làm đường dẫn gần 350 m, rộng 35 m, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh...

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP - chủ đầu tư) cho biết, công trình cầu Bưng triển khai từ năm 2017, nhằm thay đường cống hộp xuống cấp. Tuy nhiên, quá trình triển khai, Dự án hai lần phải ngưng do vướng mặt bằng và ảnh hưởng Covid-19. Hiện, Dự án còn hạng mục đường dân sinh ở dạ cầu phía quận Tân Phú vướng giải phóng mặt bằng nên chưa xong, cần được đẩy nhanh.

Chuyên đề