Bản tin thời sự sáng 16/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nhiều hồ thủy điện xả đón lũ; tìm nhà đầu tư hai dự án bảo dưỡng máy bay hơn 1.500 tỷ tại sân bay Long Thành; Đà Nẵng khai thác khu bãi rộng hơn 3,7 ha tại cảng Tiên Sa; 62.000 căn hộ ở Hà Nội chưa được cấp sổ hồng…

Nhiều hồ thủy điện xả đón lũ

Nhà máy Thủy điện Sơn La đã mở một cửa xả đáy từ 13h ngày 15/6, một số hồ khác của Thủy điện Tuyên Quang, Thủy điện Sông Lô 2 cũng xả đón lũ.

Hồ thủy điện Sơn La

Hồ thủy điện Sơn La

Sáng 15/6, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai phát công điện lệnh Công ty Thủy điện Sơn La mở một cửa xả đáy hồ Sơn La. Nhà máy thủy điện này nằm ở đầu nguồn sông Đà, công suất 2.400 MW, dung tích hồ chứa hơn 9,26 tỷ m3.

Hiện mực nước hồ Sơn La là 209,15 m, dưới mực nước dâng bình thường gần 6 m, lưu lượng đến hồ hơn 2.160 m3/s, lưu lượng chạy máy phát điện hơn 2.730 m3 mỗi giây. Ban Chỉ đạo lý giải, việc xả nhằm đưa mực nước thượng lưu các hồ về đúng mực nước cao nhất trước lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa.

Lần gần nhất Thủy điện Sơn La phải mở cửa xả là tháng 6/2022. Năm 2023, hồ thủy điện này xuống dưới mực nước chết, các tổ máy phải ngừng phát điện gây thiếu hụt điện nghiêm trọng ở miền Bắc.

Cùng lúc, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai lệnh Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở thêm một cửa xả đáy hồ Tuyên Quang, nâng số cửa xả ở hồ này lên 2 cửa. Thủy điện Tuyên Quang nằm trên sông Gâm, công suất hơn 340 MW, dung tích hồ chứa hơn 2 tỷ m3.

Mực nước hồ Tuyên Quang đang ở cao trình 118,5 m, lưu lượng nước đến hồ hơn 1.861 m3/s, lưu lượng xả qua một cửa xả đáy trước đó và chạy phát điện là 1.220 m3/s. Trước đó ngày 11/6, nhà máy thủy điện này mở một cửa xả đáy, ngày 12/6 mở tiếp một cửa, sau đó một ngày thì đóng chỉ còn duy trì một cửa xả.

Tại Hà Giang, từ 0h50 ngày 15/6, Thủy điện Sông Lô 2 công suất 28 MW đã mở cửa van xả với lưu lượng 400 - 1.100 m3/s.

Ban Chỉ đạo yêu cầu các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội thông báo việc xả nước ngay đến chính quyền, người dân, các hộ nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải và hoạt động khai thác cát sỏi; phối hợp với công ty thủy điện đảm bảo an toàn cho người dân đến xem xả nước.

Tìm nhà đầu tư hai dự án bảo dưỡng máy bay hơn 1.500 tỷ tại sân bay Long Thành

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa giao Cục Hàng không tìm nhà đầu tư 2 dự án xây dựng, kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay tại sân bay Long Thành.

Một số hạng mục thi công tại Dự án sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ

Một số hạng mục thi công tại Dự án sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ

Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, Cục Hàng không là bên mời thầu với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự kiến là quý II, quý III/2024.

Hai dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng máy bay số 1 và số 4 tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành có mức đầu tư 785 tỷ đồng cho mỗi dự án. Tiến độ thực hiện khoảng 18 tháng. Thời hạn của dự án khoảng 24 năm 8 tháng kể từ ngày hoàn thành đầu tư.

Các công trình này sẽ phục vụ nhu cầu bảo dưỡng tàu bay của các hãng khai thác tại sân bay Long Thành trong giai đoạn 1. Tại một thời điểm, mỗi dự án phải phục vụ được 1 tàu bay code E (tàu thân rộng) và 2 tàu bay code C (tàu thân hẹp).

Tại giai đoạn 1, quy mô đầu tư sân bay Long Thành gồm một đường băng và một nhà ga hành khách, cùng các hạng mục phụ trợ phục vụ công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Các gói thầu đều đang được đẩy nhanh tiến độ để phấn đấu đưa sân bay vào vận hành từ cuối năm 2025.

Đà Nẵng khai thác khu bãi rộng hơn 3,7 ha tại cảng Tiên Sa

Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết, vừa đưa vào khai thác khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng).

Khu bãi mới rộng hơn 3,7 ha tại cảng Tiên Sa vừa đưa vào khai thác

Khu bãi mới rộng hơn 3,7 ha tại cảng Tiên Sa vừa đưa vào khai thác

Khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa do Cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 7/2/2022.

Tổng diện tích khu bãi là 37.415 m2, có sức chứa xấp xỉ 110.000 Teus, đáp ứng nhu cầu khai thác hàng hóa container ngày càng tăng cao, giúp công tác bốc xếp của thiết bị tuyến bến, vận chuyển hàng hóa giữa cầu tàu, bãi và ngược lại được thuận lợi, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của Cảng Đà Nẵng.

Quy mô thiết kế đầu tư xây dựng mới bãi sau cầu cảng 4, 5 bao gồm các hạng mục: kè sau cầu, kè bãi; san lấp; bãi container; đường nội bộ; 4 cẩu ERTG nhãn hiệu Mitsui E&S Nhật Bản, hệ thống cấp điện, công nghệ thông tin, chiếu sáng bãi và cấp thoát nước đồng bộ với hạ tầng…

Theo lãnh đạo Cảng Đà Nẵng, Công ty xem hàng container là mặt hàng chủ lực, từng bước xây dựng cảng Đà Nẵng trở thành cảng container lớn và hiện đại nhất miền Trung.

Đồng thời, phát triển dịch vụ cho tàu container, tàu khách và tàu trọng tải lớn được xem là những mũi nhọn để cảng Đà Nẵng tạo sự khác biệt và khẳng định vị thế của mình.

Theo Cảng Đà Nẵng, giai đoạn 2015 - 2023, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng bình quân 12%/năm (trong đó, hàng container tăng trưởng bình quân 15%/năm).

Riêng năm 2023, sản lượng thông qua cảng đạt 12,2 triệu tấn, tăng 190,58% so với năm 2015. Trong đó sản lượng hàng container luôn chiếm hơn 60% sản lượng hàng hóa qua cảng.

Dự án Xây dựng khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa hoàn thành kết hợp với hệ thống kho bãi có sẵn tại Xí nghiệp Cảng Tiên Sa và các công ty thành viên, nâng tổng diện tích cảng lên gần 30 ha.

Dự án cũng bao gồm trang bị 4 cẩu ERTG và hạ tầng kỹ thuật đi kèm, đáp ứng nhu cầu phục vụ tàu container đến 50.000 DWT và tàu hàng tổng hợp đến 70.000 DWT, tàu khách tải trọng 168.000 GT.

62.000 căn hộ ở Hà Nội chưa được cấp sổ hồng

Hà Nội còn 206 dự án với 62.000 căn hộ có sai phạm, cơ quan chức năng sẽ báo cáo Thành phố để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước cho 33.000 căn hộ xây đúng quy hoạch.

Hà Nội còn 206 dự án với 62.000 căn hộ có sai phạm, vướng mắc về quy hoạch

Hà Nội còn 206 dự án với 62.000 căn hộ có sai phạm, vướng mắc về quy hoạch

Tại buổi giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ do Thường trực HĐND TP. Hà Nội tổ chức, các đại biểu đánh giá UBND Thành phố đã có nhiều đổi mới, trả lời kịp thời nhiều vấn đề cử tri kiến nghị, tuy nhiên vẫn còn những kiến nghị chưa được trả lời thỏa đáng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Thanh Nam cho biết, đến nay Sở đã tiếp nhận và giải quyết cho toàn bộ các dự án trên địa bàn Thành phố liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà với tổng số 777 dự án nhà chung cư. Trong đó, 571 khu nhà ở và chung cư đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận.

"Tuy nhiên, Hà Nội còn 206 dự án với 62.000 căn hộ có sai phạm, vướng mắc về quy hoạch hoặc các vi phạm khác như chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý chuyển đổi mục đích sử dụng đất...", lãnh đạo Sở này cho biết.

Các dự án vướng mắc liên quan đến xây dựng sai so với thiết kế, tăng số tầng, chia nhỏ căn hộ, xây sai quy hoạch; chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; chuyển nhượng dự án theo hình thức công ty mẹ cho công ty con.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thành phố đã có chỉ đạo là thực hiện song song việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cùng với xử lý vi phạm của chủ đầu tư.

"Trong 62.000 căn hộ, cơ quan đã báo UBND TP. Hà Nội cấp trước giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 33.000 căn hộ xây đúng quy hoạch. Còn 29.000 căn hộ xây dựng vi phạm quy hoạch đang chờ xử lý", ông Nam thông tin.

Do còn một số khó khăn, vướng mắc về quy định nên Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Thanh tra Chính phủ xin ý kiến Bộ Chính trị hướng xử lý để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Mộc Châu Milk lên HoSE với giá 42.800 đồng/cổ phiếu

Với mức giá tham chiếu tại ngày đầu tiên ra mắt HoSE, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đạt hơn 4.700 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk là thương hiệu sữa lâu đời của Việt Nam

Mộc Châu Milk là thương hiệu sữa lâu đời của Việt Nam

HĐQT Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu - Mộc Châu Milk (UPCoM: MCM) thông qua ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu MCM tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) là ngày 25/6.

Mức giá tham chiếu là 42.800 đồng/cổ phiếu, thấp hơn 10,8% so với mức giá đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng trên thị trường UPCoM (48.000 đồng/cổ phiếu kết phiên 13/6).

Theo đó, số lượng cổ phiếu MCM được niêm yết là 110 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 1.100 tỷ đồng. Với mức giá tham chiếu trên, vốn hóa thị trường của doanh nghiệp đạt 4.700 tỷ đồng.

Trước khi lên sàn HoSE, cổ phiếu MCM đã được niêm yết trên sàn UPCoM từ tháng 12/2020, số lượng lưu hành là 110 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu MCM ghi nhận mức tăng trưởng 13% sau 3,5 năm niêm yết trên UPCoM.

Mộc Châu Milk tiền thân là Nông trường Quân đội Mộc Châu, ra đời từ năm 1958. Đây là đơn vị đầu tiên trong ngành chăn nuôi và sản xuất sữa công nghiệp tại Việt Nam.

Năm 2016, Mộc Châu Milk được cổ phần hóa 100%, trong đó GTNFoods sở hữu 51%. Công ty về chung nhà với Vinamilk (mã: VNM) sau thương vụ M&A ngành sữa vào cuối năm 2019.

Hiện tại, Mộc Châu Milk có hai cổ đông lớn là Vilico (sở hữu 59,3% cổ phần) và Vinamilk (sở hữu 8,85% cổ phần). Bà Mai Kiều Liên - Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Vinamilk đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Mộc Châu Milk.

Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.135 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2022. Song, lợi nhuận sau thuế tăng 8% và đạt mức kỷ lục 374 tỷ đồng.

Năm 2024, cổ đông Mộc Châu Milk đã thông qua kế hoạch doanh thu cao kỷ lục 3.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 332 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và giảm 11% so với kết quả thực hiện năm ngoái.

VATM dự kiến điều hành hơn 800 nghìn chuyến bay trong năm 2024

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2024 của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).

Năm 2024, VATM được giao kế hoạch tổng thu đạt hơn 5.641 tỷ đồng, tăng 12,98% so với thực hiện năm 2023

Năm 2024, VATM được giao kế hoạch tổng thu đạt hơn 5.641 tỷ đồng, tăng 12,98% so với thực hiện năm 2023

Theo kế hoạch, VATM là doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công thông qua thu giá dịch vụ, đảm bảo các chỉ tiêu gồm: sản lượng dịch vụ (lần chuyến điều hành bay) đạt hơn 800 nghìn lần chuyến, tăng 5,74% so với thực hiện năm 2023.

Trong đó, điều hành bay đi, đến đạt hơn 426 nghìn lần chuyến, điều hành bay quá cảnh đạt hơn 374 nghìn lần chuyến. Chất lượng dịch vụ phải bảo đảm an toàn, điều hòa và hiệu quả cho 100% chuyến bay trong vùng trách nhiệm được giao.

Năm 2024, VATM được giao kế hoạch tổng thu đạt hơn 5.641 tỷ đồng, tăng 12,98% so với thực hiện năm 2023. Tổng doanh thu hơn 3.897 tỷ đồng, tăng 6,01% và lợi nhuận sau thuế hơn 885 tỷ đồng, tăng 3,77% (sau khi trích quỹ khoa học công nghệ). Kế hoạch nộp ngân sách nhà nước đạt 2.427 tỷ đồng, tăng 18,81%.

Đối với kế hoạch đầu tư xây dựng, tổng số dự án trong năm doanh nghiệp được giao là 97 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 9.575 tỷ đồng. Kế hoạch giải ngân trong năm 2024 đạt 1.198 tỷ đồng.

Bộ GTVT yêu cầu VATM tiếp tục tập trung chỉ đạo, điều hành tổ chức, thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, đảm bảo điều hành bay an toàn - điều hòa - hiệu quả 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm.

Cùng với đó, triển khai tốt công tác kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.

Tăng cường kiểm tra và duy trì nghiêm chế độ trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan, kịp thời xử lý các tình huống đảm bảo điều hành bay an toàn tuyệt đối, đặc biệt trong các dịp lễ lớn trong năm.

Ưu tiên thực hiện các giải pháp tăng cường tự thực hiện bảo trì, bảo dưỡng khai thác các trang thiết bị kỹ thuật hiệu quả, tiết kiệm chi phí và theo đúng quy định, tiêu chuẩn, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, ổn định, phục vụ cho các hoạt động bay và công tác điều hành bay.

Đầu tư sàn vàng online, nữ đại gia Hà Nội bị lừa 24 tỷ đồng

Được các nghi phạm gọi điện mời tham gia nhóm đầu tư, hướng dẫn mở app tài khoản cá nhân trên sàn IG để đặt lệnh mua bán vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao, một phụ nữ ở Hà Nội bị lừa mất 24 tỷ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đã được cảnh báo. Ảnh minh họa

Thủ đoạn lừa đảo trực tuyến đã được cảnh báo. Ảnh minh họa

Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội liên tục cảnh báo thủ đoạn lừa đảo khi tham gia các ứng dụng, các sàn giao dịch đầu tư tài chính online. Tuy nhiên, vẫn còn nạn nhân bị mắc bẫy.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận trên mạng, xuất hiện ngày càng nhiều các ứng dụng đầu tư tài chính, là nền tảng hỗ trợ những nhà đầu tư có số vốn nhỏ kiếm tiền nhanh chóng. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng lừa đảo "giăng bẫy."

Mới đây, phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận đơn của chị T về việc bị chiếm đoạt 24 tỷ đồng khi tham gia đầu tư vàng online.

Chị T được các đối tượng gọi điện mời tham gia nhóm đầu tư và được hướng dẫn mở app tài khoản cá nhân trên sàn IG để đặt lệnh mua bán vàng với hứa hẹn lợi nhuận cao.

Chị T đã thực hiện các giao dịch đầu tư với tổng số tiền 20 tỷ đồng. Nhưng khi rút tiền, chị T được thông báo không rút được, phải liên hệ trợ lý của sàn.

Chị T tiếp tục chuyển “trợ lý” tổng số tiền 4 tỷ đồng để rút được tiền gốc nhưng không thành công. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, chị T đã đến cơ quan công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội tiếp tục đề nghị người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi từ số điện thoại lạ, cân nhắc kỹ khi tham gia các nhóm đầu tư tài chính, lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ trên các mạng xã hội; không tham gia ứng dụng đầu tư tài chính, sàn giao dịch quốc tế được quảng cáo lãi suất cao, tiềm ẩn nguy cơ bị lừa đảo để bảo vệ mình và tránh rơi vào các cạm bẫy tài chính.

Chuyên đề