Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng
Để tăng cung cho thị trường, Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng SJC sau 11 năm tạm ngưng. Hiện có 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.
Ngân hàng Nhà nước sắp đấu thầu vàng miếng sau 11 năm tạm ngưng |
Thông tin về việc chuẩn bị đấu thầu vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước cho biết mới đây. Đơn vị này sẽ gửi thông báo một ngày trước đấu thầu.
Cụ thể, sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.
Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Hiện có 26 đơn vị, bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng, thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.
Khi đó, giá vàng SJC đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng. Còn hiện tại chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và thế giới quanh 12,5 - 13 triệu đồng/lượng.
Cà Mau công bố hạn hán khẩn cấp
Tỉnh cực Nam tổ quốc công bố tình huống khẩn cấp hạn hán trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh để triển khai ngay các biện pháp ứng phó.
Dòng kênh cạn nước tại huyện Trần Văn Thời trong đợt hạn mặn năm nay |
Đây là địa phương thứ hai ở miền Tây, sau tỉnh Tiền Giang, công bố tình huống khẩn cấp trong mùa khô năm nay, khi hạn hán đã khiến hơn 2.600 hộ bị thiếu nước sinh hoạt; sụt lún, sạt lở đất xảy ra liên tiếp trong những tháng qua.
Ngành chức năng nhận định, mực nước trên các kênh, rạch còn nước trong vùng ngọt hóa của huyện Trần Văn Thời, U Minh tiếp tục xuống mức thấp. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất nông nghiệp ở hai địa phương này còn tiếp diễn; các điểm sụt lún đất, sạt lở bờ kênh, đường giao thông tiếp tục xảy ra.
Từ đầu mùa khô đến nay, huyện Trần Văn Thời đã xảy ra hơn 600 điểm sạt lở, sụt lún đất với tổng chiều dài gần 16 km, ước thiệt hại hơn 20 tỷ đồng.
Theo Nghị định 66/2021 của Chính phủ, tình huống khẩn cấp về thiên tai là tình trạng thiên tai đã hoặc đang xảy ra gây nguy hại trực tiếp an toàn tính mạng, sức khỏe của nhiều người và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng đang sử dụng. Tình huống khẩn cấp được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Chính quyền tỉnh Cà Mau đề nghị huyện Trần Văn Thời, U Minh triển khai các giải pháp về cấp và trữ nước cho người dân ở khu vực thiếu nước sinh hoạt; hỗ trợ dụng cụ chứa, hóa chất xử lý nước, vận chuyển nước từ nơi khác đến vùng không có nước để người dân sử dụng; tuyệt đối không để người dân không có nước sử dụng trong sinh hoạt.
Giá USD ngân hàng lập đỉnh gần 25.300 đồng
Tỷ giá ngân hàng ngày 15/4 tăng mạnh, vọt lên sát 25.300 đồng một USD và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Giá USD ngân hàng lập đỉnh gần 25.300 đồng |
Ngân hàng Nhà nước ngày 15/4 công bố tỷ giá trung tâm tại 24.096 đồng, tăng 14 đồng so với cuối tuần. Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, các ngân hàng thương mại được phép mua bán USD trong vùng giá 22.891 - 25.301 đồng.
Lúc 14h40, Vietcombank niêm yết tỷ giá tại 24.900 - 25.270 đồng, tăng 90 đồng so với cuối tuần. Tỷ giá tại BIDV cũng tăng 80 đồng lên 24.840 - 25.150 đồng; Eximbank cũng nâng 80 đồng lên 24.860 - 25.250 đồng.
Tính từ đầu năm tới nay, USD trên thị trường ngân hàng đã tăng hơn 800 đồng, tương đương mức tăng khoảng 3,3%.
Còn trên thị trường tự do, giá USD mua bán sáng nay tại các điểm thu đổi cũng tăng nhẹ lên 25.450 - 25.550 đồng.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành 6,8 tỷ USD tín phiếu, nâng dần lãi suất liên ngân hàng 1 tháng từ 1,5% lên mức gần 4 - 4,5%, qua đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND.
Khai thác cầu tạm giúp giảm ùn tắc cửa ngõ Tân Sơn Nhất
Cầu vượt tạm dài gần 70 m, ba làn xe, ở giao lộ Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện (TP.HCM) khai thác giúp giảm kẹt xe cửa ngõ sân bay khi thi công hầm chui.
Một nhánh cầu đưa vào khai thác sau gần hai tháng thi công |
Đây là một trong hai cầu vượt được xây dựng ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất với kết cấu bằng thép, vừa hoàn thành sau gần 2 tháng thi công. Hạng mục này thuộc Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa tổng vốn 4.800 tỷ đồng.
Cầu nằm trên đường Trần Quốc Hoàn, dài 66 m, rộng 14 m, cho xe chạy một chiều theo hướng từ sân bay đến nút giao Lăng Cha Cả. Công trình được xây tạm ở khu vực này nhằm phục vụ thi công gói thầu hầm chui của Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà đang triển khai.
Sau khi một cầu đưa vào khai thác, nhà thầu tiếp tục xây nhánh cầu thứ hai ở kế bên với quy mô hai làn xe, dài 100 m, dự kiến hoàn thành ngày 25/6. Cả hai cầu khi đưa vào sử dụng sẽ đảm bảo đường Trần Quốc Hoàn vẫn có đủ 5 làn xe như trước để các phương tiện qua lại trong thời gian thi công các đốt hầm kín phía dưới.
Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được khởi công cuối năm 2022. Đây là tuyến đường mới dài 4 km, điểm đầu ở nút giao Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, điểm cuối tại nơi giao giữa các đường C12 - Cộng Hoà - Trường Chinh. Công trình gồm tuyến chính rộng 25 - 48 m với 6 làn xe, cùng hai đoạn đường nhánh kết nối, một cầu cạn, hai hầm chui ở nút giao Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý.
Đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng nạo vét sông Trường Giang
Tỉnh Quảng Nam sẽ đầu tư gần 2.700 tỷ đồng từ vốn vay ODA và ngân sách để nạo vét 60 km sông Trường Giang cho tàu lưu thông, thoát lũ, xây 6 cầu.
Sông Trường Giang qua xã Bình Nam, huyện Thăng Bình bị xây dựng nhà ở, hồ nuôi tôm khiến lòng sông thu hẹp, chỉ còn khoảng 10 m |
Theo quyết định được Chủ tịch tỉnh Quảng Nam vừa ban hành, dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư. Trong tổng kinh phí, vốn vay ODA hơn 1.830 tỷ đồng, ngân sách 880 tỷ đồng.
Kế hoạch đến năm 2027, Tỉnh sẽ nạo vét xong 60 km sông Trường Giang từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) - Cửa Lở (vịnh An Hòa) qua thành phố Tam Kỳ và 3 huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành. Hai bên bờ sông những đoạn nguy cơ sạt lở được xây kè, kết hợp neo đậu tàu cá tránh trú bão.
Sau nạo vét, tuyến sông Trường Giang đạt chuẩn cấp IV đường thủy nội địa, tàu trọng tải đến 100 tấn có thể lưu thông. Tại TP. Tam Kỳ, dự án xây dựng kênh thoát lũ gần 2,4 km từ hồ sông Đầm ra sông Trường Giang sẽ được triển khai.
Cùng với nạo vét, 6 cầu mới bắc qua sông Trường Giang sẽ được xây dựng, lần lượt từ Bắc vào Nam là cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh và Tam Tiến.
Mục tiêu của dự án là cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, tăng cường tiêu thoát lũ lưu vực sông Trường Giang, hỗ trợ chống ngập lụt cho TP. Tam Kỳ, phục vụ dân sinh, du lịch và phát triển kinh tế khu vực; giảm thiểu sự ô nhiễm, suy thoái môi trường do thiên nhiên và con người tác động.
Dự án cũng nhằm nâng cao năng lực neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại khu Cửa Đại và Cửa Lở trong điều kiện hai nơi này bị bồi lấp, tàu thuyền không thể ra vào.
Năm 2010, Quảng Nam thông qua dự án nạo vét sông Trường Giang với kinh phí gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2013, dự án bị hủy vì thiếu kinh phí.
Cải tạo quảng trường lớn nhất Thanh Hóa
Vỉa hè đường Phan Chu Trinh và nhiều hạng mục quanh quảng trường Lam Sơn, TP. Thanh Hóa đang được đầu tư nâng cấp chuẩn bị đưa phố đi bộ hoạt động dịp hè.
Quảng trường Lam Sơn rộng hơn 55.000 m2 với mặt chính là đường Phan Chu Trinh đang được nâng cấp cải tạo |
UBND TP. Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đang triển khai Dự án cải tạo khuôn viên quảng trường Lam Sơn và hoàn thiện hạ tầng không gian phố đi bộ, chợ đêm ở đường Phan Chu Trinh, phường Điện Biên với tổng mức đầu tư gần 30 tỷ đồng.
Các hạng mục trong khuôn viên quảng trường lớn nhất tỉnh Thanh Hóa sẽ được sửa chữa gồm: hệ thống điện chiếu sáng, đá ốp lát kỳ đài, nhà vệ sinh công cộng, nhà điều hành, đài phun nước, phù điêu mô phỏng mặt trống đồng...
UBND TP. Thanh Hóa cũng cho thay thế, sửa chữa toàn bộ đá lát vỉa hè đường Phan Chu Trinh đoạn từ vòng xuyến trước trụ sở công an TP. Thanh Hóa cũ đi về hướng ga đường sắt Thanh Hóa trên đường Dương Đình Nghệ, dài khoảng 1 km. Hệ thống cây xanh, cống thoát nước, biển báo giao thông, nước sạch, wifi miễn phí cũng sẽ được đầu tư nâng cấp đồng bộ.
Để đưa phố đi bộ Phan Chu Trinh vào hoạt động, TP. Thanh Hóa đầu tư hơn 14 tỷ đồng để trang trí tuyến đường này cùng tuyến lân cận như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đôn Tiết, Lý Nhân Tông.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Thanh Hóa, Dự án đang được các nhà thầu gấp rút thi công, dự kiến hoàn thiện vào tháng 6 để khai trương phố đi bộ sau nhiều lần trì hoãn.
Hà Nội sắp cưỡng chế thu hồi đất thi công tuyến đường hơn 6.000 tỷ đồng
Huyện Phú Xuyên sẽ tiến hành công tác kiểm đếm bắt buộc tài sản trên đất, cương quyết cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân để bàn giao mặt bằng thi công tuyến đường hơn 6.000 tỷ đồng sau nhiều năm chậm trễ.
Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đoạn qua xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên) vẫn dang dở do vướng giải phóng mặt bằng |
Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) có tổng chiều dài 41,5 km, mặt cắt ngang 40 m, dải phân cách 17 m, có tổng vốn đầu tư hơn 6.067 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí đầu tư được đối ứng bằng tiền sử dụng đất của 3 dự án: Khu đô thị Thanh Hà A (195,5 ha), Khu đô thị Thanh Hà B (193,22 ha), Khu đô thị Mỹ Hưng (182 ha).
Tuyến nối từ Hà Đông đi xuyên qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Phú Xuyên và kết nối với Quốc lộ 1A đoạn dưới Cầu Giẽ tại xã Châu Can, huyện Phú Xuyên.
Dự án BT được triển khai từ năm 2008 nhưng mới hoàn thành khoảng 20 km, còn hơn 21 km đang triển khai xây dựng.
Đến nay, Dự án đã chậm hơn 10 năm theo hợp đồng số 02/HĐBT (ngày 18/4/2008).
Tại huyện Phú Xuyên, tổng diện tích giải phóng mặt bằng, thu hồi đất thực hiện Dự án khoảng 42,8 ha, với chiều dài khoảng gần 9 km, thuộc địa bàn 5 xã: Hồng Minh, Phú Túc, Hoàng Long, Tri Trung, Châu Can.
Theo UBND huyện Phú Xuyên, Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đang vướng mắc giải phóng mặt bằng liên quan 15 thửa đất địa bàn xã Hồng Minh với tổng diện tích 1.930,4 m2, kéo dài 150m.
Nguồn gốc đất do UBND xã giao bán trái thẩm quyền từ năm 2008. Sau đó, một số hộ đã san lấp tạo mặt bằng.
Sau khi rà soát, đối chiếu hồ sơ, tài liệu, khảo sát tại hiện trường, Sở Tài nguyên Môi trường đã có báo cáo UBND TP. Hà Nội, đồng thời đề nghị UBND huyện Phú Xuyên thực hiện công tác giải phóng theo đúng quy định.
Ông Nguyễn Trọng Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, thời gian gần đây, chính quyền địa phương đã tập trung giải phóng mặt bằng đối với 15 trường hợp liên quan đến 1.930,4 m2 đất trong tổng diện tích cần phải giải phóng mặt bằng Dự án 102.167,4 m2 đoạn qua xã Hồng Minh.
Đây là vị trí cuối cùng nằm trong phạm vi kéo dài 8,9 km đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây (cũ) đi qua huyện Phú Xuyên nhiều năm qua chưa thể giải phóng mặt bằng.
Vi phạm đấu thầu, cựu Giám đốc CDC Khánh Hòa bị phạt 3 năm 6 tháng tù
TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Huỳnh Văn Dõng - cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa 3 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Huỳnh Văn Dõng tại tòa. |
Chiều 15/4, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Huỳnh Văn Dõng 3 năm 6 tháng tù vì vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng hành vi nói trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Huy - cựu Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính CDC Khánh Hòa 1 năm 7 tháng tù; Nguyễn Trường Giang - cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT), 1 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Phòng dự án VNDAT bị phạt 1 năm 6 tháng tù. Phan Phương Ngọc - cựu nhân viên khoa Dược - Vật tư y tế CDC Khánh Hòa, bị phạt 1 năm 3 tháng tù.
Riêng bị cáo Cao Văn Cường - chủ hộ kinh doanh cơ sở Phong Phú, nhận mức phạt 1 năm 3 tháng tù cho hưởng án treo.
Trước đó, vào ngày 28/11/2023, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có cáo trạng truy tố Huỳnh Văn Dõng, Trần Quốc Huy, Phan Phương Ngọc, Nguyễn Trường Giang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT), Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Dự án VNDAT, Cao Văn Cường đã có sai phạm trong thực hiện các quy định về đấu thầu, gây hậu quả, thiệt hại về tài sản nhà nước.
Quá trình điều tra vụ án xác định, các thành viên Tổ chuyên gia đấu thầu tại CDC Khánh Hòa đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Quá trình mua sắm các loại hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Huỳnh Văn Dõng có chủ trương cho một số doanh nghiệp kinh doanh vật tư y tế được ký gửi vật tư, giao hàng trước để CDC Khánh Hòa sử dụng.
Sau đó, Dõng chỉ đạo cấp dưới hợp thức hoàn thiện hồ sơ tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua bán để thanh toán tiền cho các doanh nghiệp; có chủ trương cho phép cho nhân viên liên hệ mượn hàng của một số doanh nghiệp kinh doanh vật tư y tế, yêu cầu đơn vị cung cấp trúng thầu giao hàng trước để CDC Khánh Hòa sử dụng ngay từ khi có kết quả chấm thầu.