Bản tin thời sự sáng 16/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Mường Thanh tháo dỡ công trình sai phạm tại Đà Nẵng; vợ, em trai Chủ tịch HĐQT Hải Phát bị phạt 700 triệu vì bán chui cổ phiếu; tỉnh Gia Lai yêu cầu kiểm tra 3 dự án hơn trăm tỷ của AIC; chậm nâng cấp 7 km đường qua trung tâm TP. Cần Thơ, vốn đội hơn 6.500 tỷ đồng…

Mường Thanh tháo dỡ công trình sai phạm tại Đà Nẵng

Chủ đầu tư Dự án Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) đã tháo dỡ 50% phần công trình xây sai phép.

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà nằm gần biển Mỹ Khê

Tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ cao cấp Sơn Trà nằm gần biển Mỹ Khê

Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cho biết, đến nay Tập đoàn Mường Thanh, Chủ đầu tư Dự án, đã tháo dỡ được 78 căn hộ ở các tầng vốn được bố trí làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi, chiếm khoảng 50% công trình xây sai phép. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn giám sát và cưỡng chế phần sai phạm.

Dự án này do Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) làm chủ đầu tư, được Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng cấp phép năm 2016 với 42 tầng nổi, 2 tầng hầm, trong đó từ tầng 2 đến 5 làm bãi đỗ xe, nhà trẻ, hồ bơi. Tuy nhiên, Doanh nghiệp đã tự ý chuyển đổi công năng và biến 4 tầng trên thành 104 căn hộ.

Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng đã quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Chủ đầu tư và yêu cầu ngừng thi công phần vi phạm, nhưng Mường Thanh vẫn cho thi công và rao bán 104 căn hộ sai phạm. Quận Ngũ Hành Sơn còn phát hiện Doanh nghiệp xây sai phép ở các tầng 25, 35, 41, 42 và 2 tầng kỹ thuật.

Đầu tháng 12/2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn thông báo kế hoạch cưỡng chế công trình sai phép với Chủ đầu tư. Tháng 3/2021, UBND quận Ngũ Hành Sơn tiếp tục ban hành kế hoạch cưỡng chế tháo dỡ phần công trình vi phạm. Việc tháo dỡ chia làm 2 giai đoạn, kéo dài 180 ngày. Đến cuối tháng 3/2021, quận Ngũ Hành Sơn tạm dừng cưỡng chế do Doanh nghiệp có đơn xin tự tháo dỡ.

Vợ, em trai Chủ tịch HĐQT Hải Phát bị phạt 700 triệu vì bán chui cổ phiếu

Hai người thân Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát Đỗ Quý Hải bị phạt hơn 700 triệu đồng vì không báo cáo trước khi bán hơn 3,5 triệu cổ phiếu HPX.

Hai người thân Chủ tịch HĐQT Hải Phát Đỗ Quý Hải bị phạt hơn 700 triệu đồng

Hai người thân Chủ tịch HĐQT Hải Phát Đỗ Quý Hải bị phạt hơn 700 triệu đồng

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), bà Chu Thị Lương - vợ Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Hải Phát, ngày 30/11/2022, đã bán hơn 2,56 triệu cổ phiếu HPX không báo cáo trước khi giao dịch. Cùng phiên giao dịch này, ông Đỗ Quý Đường (em ruột ông Đỗ Quý Hải) cũng bán chui hơn 1 triệu cổ phiếu HPX.

UBCKNN quyết định phạt bà Lương 512,9 triệu đồng, ông Đường 206,4 triệu đồng vì hành vi vi phạm này. Đồng thời, hai cá nhân này còn bị đình chỉ giao dịch chứng khoán 4 tháng tính từ ngày 13/4/2023.

Theo báo cáo quản trị, đến năm 2022, ông Đỗ Quý Hải sở hữu khoảng 57,8 triệu cổ phiếu HPX (tương ứng tỷ lệ 19,02%), trong khi đầu kỳ ông vẫn nắm 121,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 40,04%). Còn bà Lương nắm hơn 6,2 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,05%), ông Đường nắm hơn 523.000 cổ phiếu (tỷ lệ 0,17%).

Đến ngày 24/3, lần gần nhất Chủ tịch HĐQT Hải Phát bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu của ông Hải giảm xuống còn 14,39%, tương ứng khoảng 43,7 triệu cổ phiếu HPX.

Hôm 12/4, mã chứng khoán này cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM đưa vào diện cắt margin vì chậm nộp (quá hạn 5 ngày làm việc) báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán. Trước đó, Hải Phát đã xin gia hạn công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm nhưng không được cơ quản lý chấp thuận.

Tỉnh Gia Lai yêu cầu kiểm tra 3 dự án hơn trăm tỷ của AIC

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu tất cả các địa phương, sở, ngành thống kê, báo cáo về các gói thầu có liên quan đến Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC).

Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê

Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê

Theo đó, năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng (nay đã nghỉ hưu) ký quyết định phê duyệt Dự án Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê với công suất 30 tấn/ngày, kỳ vọng sẽ giải quyết nhu cầu chế biến, xử lý rác thải cho thị xã An Khê và các huyện lân cận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tổng mức đầu tư Dự án là 117 tỷ đồng. AIC được chọn thực hiện Gói thầu trang thiết bị kỹ thuật, máy móc trị giá hơn 86 tỷ đồng. Sau một thời gian xây dựng, ngày 30/9/2013, Nhà máy vận hành thử nhưng phát sinh lỗi, khiến toàn bộ máy móc không thể hoạt động. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phát hiện công trình đã được nghiệm thu khống khối lượng gần 65 tỷ đồng. Đến nay, rác thải tại thị xã An Khê vẫn chưa được xử lý.

Cùng thời điểm năm 2011, nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ, UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”. Trên cơ sở đó, giai đoạn 2012 - 2015, Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành giáo dục (nay đã giải tán) thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai đã triển khai 4 dự toán và 1 dự án thuộc đề án trên; đấu thầu 5 gói thầu mua sắm thiết bị dạy và học ngoại ngữ cho các trường phổ thông. AIC trúng các gói thầu này với tổng giá trị trên 133,8 tỷ đồng.

Cũng tại Gia Lai, tháng 12/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường (Chủ đầu tư) phê duyệt Liên danh Công ty CP MOPHA - Công ty CP Uy tín Toàn Cầu - Công ty CP Tư vấn công nghệ và thiết bị Phan Lê trúng Gói thầu cung ứng thiết bị cho Dự án Nâng cấp, bổ sung trang thiết bị quan trắc môi trường. Tổng giá trị Gói thầu gần 122 tỷ đồng. Trong đó, Công ty CP MOPHA là thành viên trực thuộc AIC.

Chậm nâng cấp 7 km đường qua trung tâm TP. Cần Thơ, vốn đội hơn 6.500 tỷ đồng

Dự án nâng cấp 7 km Quốc lộ 91 qua trung tâm TP. Cần Thơ được khởi động lại sau 12 năm đình hoãn, vốn đầu tư từ 1.400 lên 8.000 tỷ đồng.

Đoạn Quốc lộ 91 qua trung tâm Cần Thơ bị ngập trong đợt triều cường

Đoạn Quốc lộ 91 qua trung tâm Cần Thơ bị ngập trong đợt triều cường

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, Dự án đang được Chính phủ trình Quốc hội. Nếu được Trung ương ủng hộ vốn, Thành phố sẽ thực hiện.

Thành phố đã giao Trung tâm Phát triển quỹ đất khảo sát lại và dự kiến chi hơn 7.000 tỷ đồng cho đền bù, giải phóng mặt bằng; còn kinh phí xây lắp khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nâng cấp 7 km qua Cần Thơ là một trong ba dự án trên Quốc lộ 91 được Bộ Giao thông vận tải đầu tư từ năm 2008. Trong khi hai dự án dài 44 km triển khai cùng thời điểm với tổng vốn 2.200 tỷ đồng đã hoàn thành năm 2015, thì đoạn qua Cần Thơ phải dừng theo Nghị quyết của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, kiềm chế lạm phát năm 2011.

Theo Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ, từ khi 44 km Quốc lộ 91 được đưa vào sử dụng, mật độ xe trên tuyến rất cao. Trong khi đó, đoạn 7 km mặt đường nhỏ hẹp (11 - 12 m) dẫn đến ùn tắc, xảy ra nhiều vụ tai nạn; nền đường thấp, hệ thống thoát nước quá nhỏ nên thường ngập nặng khi mưa lớn và triều cường.

Yêu cầu xử lý trách nhiệm dự án nhà ở xã hội Đắk Nông dính loạt vi phạm

UBND tỉnh Đắk Nông đã nhiều lần gia hạn tiến độ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư Dự án Khu nhà ở xã hội (phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa) khắc phục các vi phạm như: mua bán nhà không đúng đối tượng, chậm tiến độ… Tuy nhiên, đơn vị này không thực hiện đúng yêu cầu.

Dự án Khu nhà ở xã hội tại Đắk Nông đang thi công dở dang

Dự án Khu nhà ở xã hội tại Đắk Nông đang thi công dở dang

Sở Xây dựng Đắk Nông vừa có văn bản đề nghị Công ty TNHH MTV ESG Viet Land - Chủ đầu tư Khu nhà ở xã hội - khẩn trương xử lý tồn tại mà UBND Tỉnh nhiều lần chỉ đạo; khắc phục việc xây dựng các căn nhà ở xã hội theo đúng hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, theo tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội đã được quy định tại Nghị định số 100 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án, đảm bảo chất lượng theo quy định. Sở Xây dựng yêu cầu Chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện và báo cáo kết quả về Sở trước ngày 30/4.

Trước đó, ngày 13/4, UBND tỉnh Đắk Nông có công văn về việc xử lý trách nhiệm đối với các tồn tại, vi phạm tại dự án trên.

Dự án được tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2017, do Công ty CP Xây dựng giao thông Beton 6 làm chủ đầu tư. Đến năm 2018, UBND tỉnh Đắk Nông thu hồi Dự án giao cho Công ty TNHH MTV ESG Viet Land thực hiện.

Theo đó, công ty này sẽ xây dựng 15 căn nhà ở thương mại; 108 căn nhà ở liền kề và nhà ở cộng đồng với tổng kinh phí hơn 162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2019 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay, Chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành.

Tính đến thời điểm Sở Xây dựng báo cáo UBND Tỉnh (ngày 3/3/2023), trong tổng số 108 căn nhà ở liền kề, Chủ đầu tư mới thi công hoàn thiện 72 căn, đang thi công phần hoàn thiện 30 căn, chưa thi công 6 căn; chưa thi công 15 căn nhà ở thương mại.

Đối với các hạng mục cấp điện, nước sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy, điện chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè, điện trung thế, mặt đường nhựa, nhà cộng đồng, Chủ đầu tư chưa thi công xong.

Phạt doanh nghiệp tốp đầu ngành quảng cáo WPP 15 triệu đồng

Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng, Công ty TNHH Truyền thông WPP còn phải tháo gỡ toàn bộ quảng cáo trên các trang Facebook có nội dung vi phạm.

Công ty Truyền thông WPP đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa

Công ty Truyền thông WPP đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Truyền thông WPP, có trụ sở chính tại Quận 1, TP.HCM.

Quyết định nêu rõ, Công ty Truyền thông WPP đã thực hiện hành vi vi phạm là đặt sản phẩm quảng cáo của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (ngày 31/12/2022) vào trang Facebook có nội dung vi phạm pháp luật, được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng.

Do có tình tiết giảm nhẹ là Công ty WPP đã gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử quyết định xử phạt hành chính với doanh nghiệp này mức phạt tiền 15 triệu đồng.

Với lỗi vi phạm tương tự như Công ty WPP, vào tháng 3/2023, Công ty TNHH Truyền thông MMS Việt Nam cũng đã bị Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.

Lấp ruộng trái phép, Đất Xanh Quảng Ngãi bị phạt 632 triệu đồng

Do san lấp ruộng lúa trái phép để làm khu dân cư, Công ty TNHH MTV Đất Xanh Quảng Ngãi, nay là Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Ngãi, bị phạt 632 triệu đồng.

Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Ngãi san lấp trái phép gần 32.000 m2 đất lúa, đất trồng cây hàng năm để làm khu dân cư

Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Ngãi san lấp trái phép gần 32.000 m2 đất lúa, đất trồng cây hàng năm để làm khu dân cư

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh vừa ra quyết định xử phạt Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Ngãi số tiền 632 triệu đồng. Đồng thời, Công ty phải thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định. Thời hạn khắc phục hậu quả theo tiến độ Dự án sau khi được cấp thẩm quyền cho gia hạn.

Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Ngãi là Chủ đầu tư Dự án Khu dân cư phía Bắc TP. Quảng Ngãi được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 11/2018.

Dự án có diện tích gần 10 ha thuộc phường Trương Quang Trọng và xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi). Tổng mức đầu tư hơn 159 tỷ đồng.

Sau khi có chủ trương đầu tư, doanh nghiệp liền san lấp đất lúa. Hàng trăm thửa ruộng bị san ủi để xây dựng hạ tầng khu dân cư dù dự án này chưa được giao đất, cho thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng.

Hoạt động xây dựng trái phép của Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Quảng Ngãi diễn ra suốt thời gian dài nhưng mãi đến cuối năm 2022, chính quyền địa phương mới phát hiện, chỉ đạo kiểm tra. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, Công ty san lấp mặt bằng trái phép trên diện tích đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác. Tổng diện tích vi phạm gần 32.000 m2.

Bình Thuận “điểm danh” 33 dự án phạm luật

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận vừa có văn bản đề nghị các chủ đầu tư, kinh doanh bất động sản trên địa bàn chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản đối với 33 dự án khu dân cư, khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng.

Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC MANDALA WYNDHAM MŨI NÉ - một trong 16 khu du lịch nghỉ dưỡng bị Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu chấn chỉnh

Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC MANDALA WYNDHAM MŨI NÉ - một trong 16 khu du lịch nghỉ dưỡng bị Sở Xây dựng Bình Thuận yêu cầu chấn chỉnh

Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị nhận được nhiều phản ánh và đơn thư kiến nghị về việc chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn rao bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua. Trong khi đó, các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.

Một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh bất động sản không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn, có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư 33 dự án bất động sản không thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với đơn vị môi giới bất động sản để thực hiện các hoạt động giao dịch mua bán, chuyển nhượng hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí. Không đăng tải trên mạng Internet và các mạng xã hội khác về các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch bất động sản khi các dự án chưa đủ điều kiện giao dịch.

Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư các dự án kinh doanh bất động sản sớm hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Chuyên đề