Bản tin thời sự sáng 16/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là loạt dự án ở nhiều địa phương vào danh sách kiểm tra của Bộ Xây dựng; bỏ thi thăng hạng viên chức; Hoàng Quân muốn huy động 1.000 tỷ từ bán cổ phiếu để xây nhà ở xã hội; dùng 1,5 tấn thuốc nổ đánh sập hầm vàng ở Bồng Miêu…

Loạt dự án ở nhiều địa phương vào danh sách kiểm tra của Bộ Xây dựng

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND các tỉnh Phú Yên, Phú Thọ và Bà Rịa - Vũng Tàu về việc cử 4 đoàn kiểm tra xuống các địa phương để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý nhà ở, kinh doanh bất động sản giai đoạn 2016 - 2022. Mỗi địa phương, đoàn sẽ kiểm tra thực tế tại 10 dự án nhà ở, khu đô thị hoặc dự án bất động sản lớn.

Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra thực tế tại 10 dự án nhà ở, khu đô thị hoặc dự án bất động sản lớn tại mỗi địa phương

Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra thực tế tại 10 dự án nhà ở, khu đô thị hoặc dự án bất động sản lớn tại mỗi địa phương

Đoàn kiểm tra Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, quy hoạch, bố trí đất, bố trí nguồn vốn để phát triển đối với từng loại hình nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư…

Công văn nêu rõ, với nhà ở thương mại, Bộ Xây dựng kiểm tra các địa phương này trong việc quản lý, phát triển nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở; trình tự thủ tục đầu tư xây dựng (chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án, lựa chọn chủ đầu tư dự án, phê duyệt dự án…).

Đối với phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đánh giá thực hiện theo Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội.

Đối với công tác cải tạo chung cư cũ, các địa phương phải báo cáo kết quả triển khai thực hiện cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2016 - 2022 và kế hoạch cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2021 - 2030.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng xem xét, kiểm tra kết quả thực hiện các dự án đầu tư phát triển nhà ở tái định cư; kết quả thực hiện nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước.

Bộ Xây dựng yêu cầu 3 tỉnh trong kế hoạch thanh tra trên cần báo cáo tình hình triển khai các dự án bất động sản khác như biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng, tình hình thực hiện pháp luật về kinh doanh bất động sản và các pháp luật có liên quan. Số lượng dự án đã có văn bản bán nhà ở hình thành trong tương lai và việc bảo lãnh bán nhà ở hình thành trong tương lai; tình hình tồn kho bất động sản.

UBND các tỉnh cũng cần đánh giá thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản…

Bỏ thi thăng hạng viên chức

Chính phủ bãi bỏ hình thức thi, chỉ giữ lại xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức dựa vào năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ.

Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Giáo viên Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP. Thủ Đức, TP.HCM

Theo Nghị định số 85/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành, các điều khoản liên quan đến thi thăng hạng viên chức trên toàn quốc đều được bãi bỏ. Viên chức được đăng ký xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao hơn nếu đáp ứng các tiêu chuẩn: xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm liền kề trước khi dự xét thăng hạng, không trong thời hạn kỷ luật.

Viên chức phải có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận chức danh nghề nghiệp ở hạng cao hơn. Họ cũng phải có văn bằng, chứng chỉ, thời gian công tác tối thiểu. Ngoài tiêu chuẩn chung do Chính phủ quy định, viên chức dự xét thăng hạng cần đáp ứng điều kiện cụ thể do bộ quản lý đưa ra.

Các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương quyết định chỉ tiêu thăng hạng phù hợp vị trí việc làm và cơ cấu viên chức. Nếu số viên chức dự xét thăng hạng nhiều hơn chỉ tiêu, các đơn vị sẽ ưu tiên người có thành tích cao hơn, nữ, dân tộc thiểu số, nhiều tuổi hơn, thời gian công tác nhiều hơn.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 7/12, nhưng viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng trước đó vẫn áp dụng theo quy định cũ trong thời hạn 6 tháng tiếp theo. Sau 6 tháng, nếu các đơn vị không hoàn thành phê duyệt kết quả thăng hạng viên chức đã thi hoặc xét thăng hạng thì phải thực hiện theo nghị định này.

Đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức được Bộ Nội vụ nêu hồi tháng 5. Lý do là toàn quốc có 1,8 triệu viên chức khiến kỳ thi thăng hạng hàng năm tốn kém, có nhiều tiêu cực. Hơn nữa, trong 6 năm (2012 - 2018) chỉ có 6 bộ tổ chức thi. Các địa phương cử viên chức tham gia các kỳ thi này, thay vì tự tổ chức. Chỉ có TP. Hà Nội tổ chức thi. Những chức danh như kiến trúc sư, thẩm kế viên, đo đạc, địa chính, đạo diễn chưa được tổ chức thi.

Hoàng Quân muốn huy động 1.000 tỷ từ bán cổ phiếu để xây nhà ở xã hội

Địa ốc Hoàng Quân đang chuẩn bị chào bán 100 triệu cổ phiếu HQC, dự kiến thu về 1.000 tỷ đồng bổ sung vốn cho Dự án Chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng và mua cổ phần.

Địa ốc Hoàng Quân sẽ chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh minh họa

Địa ốc Hoàng Quân sẽ chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Ảnh minh họa

Công ty CP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp này.

Theo đó, Địa ốc Hoàng Quân sẽ chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ phát hành 21%) cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó huy động 1.000 tỷ đồng. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và ủy quyền cho Hội đồng quản trị lựa chọn thời điểm thích hợp để chào bán cổ phiếu tăng vốn.

Toàn bộ số tiền thu về từ đợt chào bán riêng lẻ này sẽ được Hoàng Quân dùng bổ sung vốn, nâng cao năng lực tài chính cho Công ty. Trong đó, 600 tỷ đồng dùng để mua cổ phần Công ty Đầu tư Thành phố Vàng và 400 tỷ đồng còn lại sẽ mua cổ phần trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ của công ty này nhằm bổ sung vốn cho Dự án Chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng.

Giá chào bán cổ phiếu riêng lẻ Hoàng Quân đưa ra đang cao hơn 2,5 lần so với thị giá cổ phiếu HQC chốt phiên hôm 15/12 (4.400 đồng).

Trước đó trong năm 2022, Địa ốc Hoàng Quân từng thông qua phương án chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Mục đích cũng nhằm huy động vốn mua cổ phần của Công ty Đầu tư Thành phố Vàng. Tuy nhiên, do biến động của thị trường chứng khoán nên kế hoạch này chưa được thực hiện.

Về Dự án Chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng (Golden City), đây là dự án có quy mô 3,35 ha, vốn đầu tư hơn 1.776 tỷ đồng, là dự án nhà ở xã hội quy mô lớn nhất tại TP. Tây Ninh, đồng thời là một trong 7 dự án của Hoàng Quân nằm trong gói hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội trị giá 120.000 tỷ đồng.

Dùng 1,5 tấn thuốc nổ đánh sập hầm vàng ở Bồng Miêu

Từ hôm nay đến giữa tháng 1/2024, nhà chức trách sẽ sử dụng 1,5 tấn thuốc nổ để đánh sập 47 cửa hầm ở mỏ vàng Bồng Miêu.

Một cửa hầm vàng bị đất đá lấp kín sau khi nổ mìn

Một cửa hầm vàng bị đất đá lấp kín sau khi nổ mìn

Ngày 15/12, nhà thầu thực hiện Dự án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu đã dùng thuốc nổ đánh sập 7 cửa hầm khu vực núi Kẽm, thuộc mỏ vàng Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam). Tại mỗi hầm rộng 1,5 - 2,5 m, sâu hàng chục mét, nhà thầu khoan lỗ phía trong, đặt thuốc nổ và kích nổ bằng dây điện từ xa. Các cửa hầm sau đó bị đất đá bịt kín, ngăn người đào vàng trái phép đi vào trong.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam, Chủ đầu tư Dự án, cho biết, trước khi đánh sập, công an đã đẩy đuổi, lập 2 chốt chặn người dân lên mỏ vàng khai thác trái phép. Dự kiến đến giữa tháng 1/2024, nhà thầu đánh sập hết 47 cửa hầm. Ngoài ra, 1 cửa hầm chính và 15 cửa thông gió doanh nghiệp khai thác vàng để lại sẽ được đổ bê tông bịt kín.

Mỏ vàng Bồng Miêu được khai thác từ thời Pháp, là một trong những mỏ có trữ lượng vàng lớn nhất cả nước. Năm 2005, Công ty TNHH Bồng Miêu được cấp phép khai thác, giấy phép hết hạn năm 2016. Theo Luật Khoáng sản, hết thời hạn khai thác phải đóng cửa mỏ, nhưng công ty này phá sản nên không thể triển khai.

Do mỏ vàng không được quản lý chặt chẽ nên người dân từ nhiều nơi kéo về khai thác. Địa phương mất tài nguyên nhưng không thể thu thuế, đất đai bị đào bới, hóa chất, bùn thải ra môi trường gây ô nhiễm…

Tháng 3/2022, sau nhiều lần tỉnh Quảng Nam kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án Đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu với kinh phí 19,5 tỷ đồng, giao địa phương thực hiện. Kinh phí từ nguồn ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và bổ sung từ ngân sách Tỉnh.

Xây cầu đường bộ nối Lào Cai - Trung Quốc

Cầu đường bộ dài 420 m nối xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với Bá Sái, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, dự kiến khởi công tháng 12/2023.

Tỉnh Lào Cai thi công xây dựng tuyến đường BV20 thuộc Dự án cầu biên giới qua sông Hồng

Tỉnh Lào Cai thi công xây dựng tuyến đường BV20 thuộc Dự án cầu biên giới qua sông Hồng

UBND tỉnh Lào Cai cho biết, việc xây cầu đường bộ trên được nêu tại một văn kiện ký kết trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đó là Hiệp định và Nghị định thư giữa Chính phủ hai nước về việc xây dựng và đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cho nhân viên, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng để cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng.

Theo Hiệp định, cầu sẽ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực theo dạng cầu dây văng tháp thấp. Cầu chia làm 6 nhịp, khổ 35,3 m, có 4 làn xe cơ giới, mỗi làn 3,5 m; 2 làn xe thô sơ mỗi làn 4 m; 2 làn lề bộ hành mỗi làn 4,5 m; dải phân cách giữa cầu 2,8 m.

Cầu chính sẽ do hai bên cùng đầu tư xây dựng, trong đó, Việt Nam thi công một nửa cầu chính gồm 50 m nhịp chính và 60 nhịp biên, cầu dẫn dài 40 m và đường vào cầu. Tổng chiều dài cầu bên phía Việt Nam là 165,1 m.

Chính phủ hai nước thống nhất giao tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam thành lập Tổ công tác liên hợp xây dựng cầu đường bộ chịu trách nhiệm thỏa thuận và thống nhất tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế cầu. Mỗi bên tự thiết kế công trình đường dẫn của bên mình. Công tác giám sát chất lượng công trình do hai bên cùng triển khai.

Theo đại diện tỉnh Lào Cai, Chính phủ hai nước cũng thống nhất đơn giản hóa thủ tục đối với người tham gia xây dựng, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công, vật liệu xây dựng xuất nhập biên giới Việt - Trung qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu trong thời gian xây dựng cầu. Các công việc liên quan đã được hai nước chuẩn bị từ nhiều tháng nay.

Khu vực xã Bản Vược, huyện Bát Xát nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch năm 2018.

Giám đốc ở TP.HCM bị bắt với cáo buộc hối lộ đăng kiểm

Ông Phạm Xuân Lộc, Giám đốc Công ty Quang Châu, bị cáo buộc đưa tiền để lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở huyện Bình Chánh bỏ qua các lỗi khi kiểm duyệt xe.

Ông Phạm Xuân Lộc (giữa) khi cảnh sát tống đạt quyết định bắt tạm giam

Ông Phạm Xuân Lộc (giữa) khi cảnh sát tống đạt quyết định bắt tạm giam

Ngày 15/12, ông Lộc, bị Công an TP.HCM bắt tạm giam để điều tra hành vi Đưa hối lộ.

Trước đó, giữa tháng 3, Công an huyện Bình Chánh đã bắt tạm giam Nguyễn Chí Quyết, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-13D ở huyện Bình Chánh, và hai phó giám đốc về hành vi Nhận hối lộ.

Cơ quan điều tra xác định, Lộc đã đưa 150 triệu đồng cho Nguyễn Chí Quyết để được thông qua các hồ sơ thi công cải tạo phương tiện xe cơ giới. Sau đó, các đăng kiểm viên đã bỏ qua nhiều lỗi sai phạm và cấp 97 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cho ông Lộc trái quy định.

Liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Thành phố, Công an TP.HCM và các quận, huyện đã khởi tố 209 bị can. Ngoài ra, công an hơn 30 tỉnh, thành khác đã khởi tố hơn 60 vụ án với tổng cộng hàng trăm bị can về hàng loạt tội: Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác.

Chủ biệt thự Phú Quốc xin tự tháo dỡ công trình trái phép

Chủ 2 biệt thự trong số 79 căn xây trái phép tại xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), xin tự tháo dỡ công trình lấn chiếm nhằm giảm bớt thiệt hại.

Hiện trạng khu biệt thự 79 căn xây dựng lấn chiếm đất công ở Phú Quốc

Hiện trạng khu biệt thự 79 căn xây dựng lấn chiếm đất công ở Phú Quốc

Sáng 15/12, ngôi nhà rộng hơn 170 m2 của ông Phạm Văn Ba cơ bản hoàn thành tháo dỡ các hạng mục chính. Xe cẩu đã xô đổ dãy hàng rào cuối cùng, xúc dọn đống xà bần trong khuôn viên.

Ngôi nhà của ông Ba nằm trong khuôn viên sân vườn rộng hơn 920 m2. Sau khi có lệnh cưỡng chế, ông làm đơn xin tự nguyện tháo dỡ dưới sự giám sát của chính quyền. Hai ngày trước, chủ nhà thuê nhân công tháo bỏ ngôi nhà, giữ lại những vật liệu còn sử dụng được.

Ở gần đó, căn biệt thự rộng hơn 130 m2 nằm ở khuôn viên khoảng 510 m2 cũng được ông Phạm Văn Cường (chủ nhà) tiến hành tự tháo dỡ sau khi làm đơn gửi chính quyền.

Hai biệt thự trên nằm số 79 căn xây trái phép, lấn chiếm đất công bị chính quyền phát hiện hồi năm 2019. Khu nhà xây sai phép này nằm trong diện tích 1.000 ha, được chính quyền thu hồi để giao cho nhà đầu tư phát triển dự án.

Lãnh đạo Thành phố cho hay, để xảy ra vi phạm xây dựng như trên do đây là khu vực rộng lớn, không có trụ sở ấp, tổ nhân dân tự quản nên việc giám sát chưa chặt chẽ. Đến nay chính quyền đã đập bỏ 16 căn và lên kế hoạch tháo dỡ 9 căn trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, để xảy ra vi phạm như trên ngoài sai sót của nhiều cơ quan, cán bộ địa phương còn do ý thức chấp hành của người vi phạm. Nhiều người biết sai và rủi ro vẫn cố tình làm. Chưa kể lĩnh vực đất đai, xây dựng ở địa bàn có nhiều nhóm lừa đảo, thủ đoạn tinh vi.

12 quận nội thành TP.HCM bị cắt nước

Để thi công nâng cấp một số hạng mục tại Nhà máy Nước Thủ Đức, hàng chục nghìn hộ thuộc 12 quận nội thành và TP. Thủ Đức sẽ bị cắt nước đêm cuối tuần.

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở Nhà máy Nước Thủ Đức

Công nhân kiểm tra hệ thống cấp nước ở Nhà máy Nước Thủ Đức

Nước sẽ bị cắt trong 4 giờ, từ 22h ngày 16/12 đến 2h ngày 17/12. Trong đó, 6 quận ở nội đô bị cắt nước toàn bộ, gồm: 1, 3, 4, 5, 10 và Phú Nhuận.

Một số nơi khác bị cắt nước một phần, gồm các quận: 6 (phường: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 11 và 12); 8 (phường 9, 10, 11, 12, 13); 11 (phường 2, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16); 7 (Tân Thuận Đông, Khu chế xuất Tân Thuận); Bình Thạnh (phường 1, 2, 3, 15, 17, 19, 21, 22, 24, 25); Tân Bình (phường 1, 3, 4, 5, 12).

Tại TP. Thủ Đức, nước bị cắt ở 23 phường: Linh Xuân, Linh Trung, Linh Chiểu, Trường Thọ, Linh Tây, Linh Đông, Thảo Điền, An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Cát Lái, Thạnh Mỹ Lợi, Hiệp Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Phước Long B, Tân Phú, Long Bình, Long Thạnh Mỹ, Trường Thạnh, Long Phước, Long Trường, Phú Hữu.

Ngoài các khu vực trên, một số nơi khác cũng bị nước yếu trong thời gian thi công. Trong đó, quận Tân Bình có Phường 2 (khu vực sân bay Tân Sơn Nhất) và huyện Bình Chánh gồm hai xã Bình Hưng, Phong Phú.

Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, khi hệ thống cấp nước hoạt động lại, một số nơi xa nguồn có thể phục hồi chậm hơn dự kiến. Đơn vị sẽ điều tiết mạng lưới cấp nước và tăng cường tiếp nước bằng xe bồn đến các nơi quan trọng bị ảnh hưởng.

Chuyên đề