Bản tin thời sự sáng 16/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM xin bắn pháo hoa hai điểm dịp Tết Dương lịch; đề xuất Bộ Quốc phòng giao 153 ha đất mở rộng sân bay Phù Cát; Hà Nội dự kiến bồi thường gấp đôi diện tích khi cải tạo chung cư cũ; Công ty Lý Tuấn bị phạt gần 1 tỷ đồng; rà soát 82 dự án thuộc khu vực đồi núi tại Nha Trang…

TP.HCM xin bắn pháo hoa hai điểm dịp Tết Dương lịch

UBND TP.HCM xin Thủ tướng bắn pháo hoa ở hầm sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và Công viên văn hoá Đầm Sen (Quận 11) mừng Tết Dương lịch 2023.

Bắn pháo hoa tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP. Thủ Đức

Bắn pháo hoa tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn, TP. Thủ Đức

Nội dung này được UBND Thành phố nêu trong văn bản khẩn gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hôm 15/12, để cơ quan này xem xét, trình Thủ tướng chấp thuận.

Cụ thể, Thành phố dự kiến bắn pháo hoa một điểm tầm cao tại đầu đường hầm sông Sài Gòn (TP. Thủ Đức) và điểm tầm thấp tại Công viên văn hoá Đầm Sen (Quận 11). Thời gian bắn 15 phút, từ 0h đến 0h15 ngày 1/1/2023; kinh phí từ nguồn xã hội hoá.

Bắn pháo hoa mừng Tết Dương lịch là hoạt động thường niên của TP.HCM. Tuy nhiên, năm trước thành phố không bắn pháo hoa do Covid-19. Số điểm bắn năm nay ít hơn so với mọi năm (3 - 4 điểm). Đến thời điểm này, TP.HCM là địa phương duy nhất cả nước xin bắn pháo hoa lúc giao thời năm mới.

Cùng với tổ chức bắn pháo hoa, TP.HCM chào đón năm mới 2023 bằng chương trình countdown vào đêm 31/12 tại Công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ, đường Lê Duẩn (từ Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Pasteur).

Đề xuất Bộ Quốc phòng giao 153 ha đất mở rộng sân bay Phù Cát

UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét giao 153 ha đất quân sự tại sân bay Phù Cát cho hàng không dân dụng để mở rộng sân bay.

Máy bay đón khách ở sân bay Phù Cát

Máy bay đón khách ở sân bay Phù Cát

Ngày 15/12, UBND tỉnh Bình Định cho biết đã có văn bản gửi Bộ Quốc phòng trong đó nêu phương án quy hoạch sân bay đạt cấp 4C giai đoạn 2021 - 2030, công suất 5 - 7 triệu khách và 12.000 tấn hàng mỗi năm. Đến năm 2050, Phù Cát được nâng lên sân bay cấp 4E, công suất 12 - 15 triệu khách và 27.000 tấn hàng một năm, sân đỗ từ 26 vị trí lên 35.

Hiện, đất sân bay rộng 860 ha, trong đó hàng không dân dụng quản lý gần 15 ha còn lại do quân sự quản lý và diện tích dùng chung. Vì vậy Bình Định đề nghị Bộ Quốc phòng xem xét giao phần diện tích đất quân sự cho hàng không dân dụng quản lý là 99 ha và diện tích đất quân sự sử dụng chung 54 ha.

Cách trung tâm TP. Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc, sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, phục vụ được 600 khách vào giờ cao điểm, công suất thiết kế 2,5 triệu khách một năm; đường băng dài hơn 3.000 m, rộng 45 m và sân đỗ với 7 vị trí.

Tháng trước, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị đầu tư mở rộng sân đỗ (từ 7 lên 14 chỗ đậu); làm đường băng thứ hai đạt chuẩn 4E từ ngân sách nhà nước để có thể khai thác các máy bay lớn như Boeing 787, 777, Airbus A350. Địa phương cũng muốn xây mới nhà ga theo phương thức PPP (đối tác công - tư), nâng công suất sân bay lên 5 triệu khách một năm, hàng hóa đạt 50.000 tấn một năm.

Hà Nội dự kiến bồi thường gấp đôi diện tích khi cải tạo chung cư cũ

Hà Nội dự kiến hệ số bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích căn chung cư cũ khi được cải tạo, xây dựng lại.

Chung cư cũ số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên dự kiến được phá dỡ xây mới quý III/2023

Chung cư cũ số 135 Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên dự kiến được phá dỡ xây mới quý III/2023

UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn.

Theo dự thảo, đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư do Nhà nước trực tiếp thực hiện thì hệ số bồi thường bằng 1 lần so với diện tích căn hộ cũ.

Đối với phần diện tích căn hộ tái định cư vượt quá hệ số bồi thường 1 lần thì chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng. Theo đó, chi phí đóng góp được tính theo giá trị để đầu tư xây dựng dự án phân bổ đều cho 1 m2 diện tích sàn căn hộ tái định cư.

Đối với dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư không thuộc sở hữu nhà nước, thì hệ số bồi thường không vượt quá 2 lần diện tích sử dụng căn hộ cũ ghi trong sổ đỏ.

Theo dự thảo, căn hộ mới được đền bù không nhỏ hơn 25 m2, đảm bảo tỷ lệ căn có diện tích nhỏ hơn 45 m2 không vượt quá 25% tổng số căn hộ chung cư.

Quy định yêu cầu nhà đầu tư cân đối giữa tổng diện tích sàn căn hộ hiện trạng và tổng diện tích sàn nhà ở theo quy hoạch được duyệt. Việc sử dụng phần diện tích để kinh doanh phải đảm bảo tổng dân số của dự án không vượt quá dân số đã được phê duyệt theo quy hoạch.

Theo dự thảo, phần diện tích còn lại sau khi bố trí cho các chủ sở hữu tầng 1 của nhà chung cư cũ, chủ đầu tư được kinh doanh thương mại để bù đắp kinh phí đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án.

Trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay có gần 1.580 nhà chung cư cũ, trong đó có hơn 1.200 nhà thuộc 76 khu chung cư và hơn 300 chung cư cũ độc lập.

Chính sách cải tạo chung cư cũ của TP. Hà Nội được thực hiện từ năm 2005 nhưng đến nay mới có gần 19 dự án được hoàn thành, 14 dự án đang triển khai.

Công ty Lý Tuấn bị phạt gần 1 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ký Quyết định xử phạt Công ty TNHH Lý Tuấn số tiền gần 1 tỷ đồng do vi phạm trong khai thác khoáng sản.

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa xử phạt Công ty Lý Tuấn gần 1 tỷ đồng do vi phạm trong khai thác khoáng sản

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa xử phạt Công ty Lý Tuấn gần 1 tỷ đồng do vi phạm trong khai thác khoáng sản

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Lý Tuấn ở thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, do bà Phạm Thị Minh Lý là người đại diện pháp luật với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Công ty này cũng bị đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản 10 tháng do có nhiều vi phạm trong khai thác khoáng sản tại mỏ đất Dông Cây Dừa, xóm 1, thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn.

Theo Quyết định, Công ty TNHH Lý Tuấn có 7 hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Công ty đã không thực hiện kiểm kê trữ lượng; khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới; khai thác vượt công suất; sử dụng khoáng sản sau khai thác không đúng mục đích trong giấy phép khai thác khoáng sản khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép...

Nghiêm trọng hơn, Công ty có hành vi chuyển đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Với các hành vi vi phạm trên, Công ty TNHH Lý Tuấn phải nộp phạt số tiền là 917 triệu đồng và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện các hành vi vi phạm, với số tiền hơn 258 triệu đồng. Tổng số tiền mà Công ty Lý Tuấn phải nộp vào ngân sách nhà nước hơn 1,175 tỷ đồng.

Mỏ đất Dông Cây Dừa được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp cho Công ty TNHH Lý Tuấn không qua đấu giá, có giấy phép khai thác trong thời hạn 5,5 năm. Mỏ có diện tích 3 ha, trữ lượng gần 494.000 m3, công suất khai thác 90.000 m3/năm.

Rà soát 82 dự án thuộc khu vực đồi núi tại Nha Trang

Khánh Hòa cho rà soát 82 dự án trên khu vực đồi núi ở Nha Trang và đèo Cù Hin để khớp nối, hoàn thiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.

Khánh Hòa cho rà soát 82 dự án trên khu vực đồi núi ở Nha Trang và đèo Cù Hin

Khánh Hòa cho rà soát 82 dự án trên khu vực đồi núi ở Nha Trang và đèo Cù Hin

Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT) tỉnh Khánh Hòa vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh này về việc rà soát tình hình triển khai thực hiện các dự án tại khu vực đồi núi trên địa bàn TP. Nha Trang và khu vực đèo Cù Hin.

Thống kê của Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho thấy, khu vực đồi núi ở TP. Nha Trang và khu vực đèo Cù Hin đang có 82 dự án. Trong đó, chỉ có 2 dự án là Khu biệt thự Kim Vân Thủy và Công viên nghĩa trang Vĩnh Thái đã có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, đã được cấp giấy phép xây dựng hoặc được miễn giấy phép xây dựng.

Hơn 40 dự án đã có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất nhưng chưa được cấp giấy phép xây dựng; các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư quyết định chủ trương đầu tư giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng chưa có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất… Đơn cử như Khu biệt thự Đường Đệ, Khu biệt thự Incomex, Khu ĐTM Mountain View, Khu đô thị Haborizon Nha Trang, Khu biệt thự Quốc Anh, Công viên bến du thuyền quốc tế,…

Đối với nhóm dự án nói trên, Sở KH&ĐT Khánh Hòa đã kiến nghị UBND Tỉnh giao Sở Xây dựng xem xét, tham mưu việc cập nhật các dự án vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Nha Trang đến năm 2040.

Đối với 23 dự án còn lại, chỉ mới nằm ở khâu đề xuất, chưa có giấy chứng nhận đầu tư hay quyết định chủ trương đầu tư, như: Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Santorini Nha Trang, Cù Hin resort & spa hotel, Khu đô thị City View, Khu resort Mercury Nha Trang, Khu biệt thự cao cấp PH Nha Trang…

Các dự án này, Sở KH&ĐT Khánh Hòa thống nhất không quy hoạch đất ở mà chỉ quy hoạch đất thương mại, dịch vụ, theo hướng thân thiện môi trường, hài hòa với thiên nhiên, bảo đảm mật độ xây dựng tối đa không quá 10%.

Cũng theo Sở KH&ĐT Khánh Hòa, trong 82 dự án hiện đã thu hồi 5 dự án, gồm: Khu biệt thự sinh thái KKH, Khu biệt thự Bãi Tiên, Công viên Bến tàu du lịch Sông Lô - Nha Trang, Khu đô thị mới Khatoco và Dự án trường đại học Tôn Đức Thắng.

Lâm Đồng yêu cầu đóng cửa mỏ khai thác quặng vàng Trà Năng

Ngày 15/12, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu Công ty CP Đá quý và vàng Lâm Đồng nghiêm túc thực hiện việc đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại khu vực xã Tà Năng, huyện Đức Trọng.

Khu vực hiện trường sàng lọc tuyển quặng vàng trái phép tại thôn TouNeh, xã Tà Năng.

Khu vực hiện trường sàng lọc tuyển quặng vàng trái phép tại thôn TouNeh, xã Tà Năng.

Theo đó, Sở TN&MT yêu cầu, Công ty CP Đá quý và vàng Lâm Đồng thực hiện nghiêm túc các nội dung, công việc theo Quyết định số 3450 của Bộ TN&MT và hồ sơ được duyệt; thanh lý hợp đồng thuê đất, báo cáo về Sở trước ngày 15/1/2023.

Theo Quyết định số 3450 của Bộ TN&MT, mục đích đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại các khu Tây Suối Ngang và Đông Suối Ngang - mỏ Trà Năng thuộc xã Tà Năng để bảo vệ tài nguyên, khoáng sản thuộc phần diện tích chưa khai thác; thanh lý tài nguyên thuộc phần diện tích đã khai thác hết trữ lượng đến thời điểm đóng cửa mỏ… Diện tích khu vực đóng cửa mỏ là 18,1 ha, bao gồm khai trường khai thác 5 ha, thuộc Tây Suối Ngang và Đông Suối Ngang; khu vực mặt bằng xưởng tuyển, luyện và phụ trợ 2,85 ha; khu vực hồ lắng 2,5 ha; khu vực bãi thải 2 ha và các đường vận tải, đồi núi 5,78 ha.

Sở TN&MT yêu cầu Công ty CP Đá quý và vàng Lâm Đồng tiếp tục thực hiện các nội dung trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản và dự án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt. Doanh nghiệp này thực hiện thủ tục liên quan tới chuyển giao hạng mục, khu vực cho dự án khai thác và chế biến quặng vàng gốc khu vực Trà Năng II, xã Đa Quyn, huyện Đức Trọng; đồng thời không được tác động khai thác dưới bất cứ hình thức nào.

Mỏ khoáng sản quặng vàng tại xã Tà Năng được Bộ TN&MT cấp cho Công ty CP Đá quý và vàng Lâm Đồng năm 2008. Đây là mỏ vàng duy nhất tỉnh Lâm Đồng được cấp phép khai thác.

Đảo Lý Sơn bị cô lập nhiều ngày

Thời tiết xấu và sóng dâng cao, đảo Lý Sơn bị cô lập bốn ngày, làm giá cả tăng vọt, người dân không thể vào đất liền chữa bệnh.

Cầu cảng Lý Sơn vắng người vì không có tàu cập bến

Cầu cảng Lý Sơn vắng người vì không có tàu cập bến

Trưa 15/12, ông Nguyễn Hữu Đoan, Giám đốc Ban Quản lý cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) cho biết, gió cấp 6 - 7, biển động liên tục nên đã cho dừng toàn bộ tàu cao tốc và tàu hàng từ đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại, từ ngày 12/12.

Điều này khiến người dân Lý Sơn không thể vào đất liền và ngược lại. Lương thực, thực phẩm trên đảo khan hiếm, giá tăng gần 20% do thiếu hàng. Một số nông sản như hành tỏi không thể chuyển vào đất liền tiêu thụ. Người dân khi ốm đau, cấp cứu phải thuê tàu cao tốc với giá 22 - 24 triệu đồng một chuyến vào đất liền chữa bệnh.

Theo Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi, thời tiết xấu ở khu vực đảo còn tiếp diễn nhiều ngày tới. Khả năng từ ngày 17 - 19/12, vùng biển Quảng Ngãi gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao 3 - 5 m.

Lý Sơn rộng hơn 10 km2, khoảng 20.000 người, cách đất liền hơn 20 km, là nơi đầu tiên hứng áp thấp, gió bão từ Biển Đông. Hiện người dân ra vào đảo bằng tàu cao tốc, mỗi ngày 3 - 6 chuyến, thời gian chạy 30 - 45 phút.

Chuyên đề