Bản tin thời sự sáng 16/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mở rộng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 4 làn xe; ACV bố trí đủ vốn làm đường băng thứ 2 sân bay Long Thành; Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; giá trúng đấu giá đất huyện ven Hà Nội giảm mạnh…

Mở rộng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 4 làn xe

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý triển khai giai đoạn 2 mở rộng cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 4 làn xe theo phương thức PPP từ năm 2026.

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Phối cảnh cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Tại buổi thị sát cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cho Dự án. Nhà đầu tư, đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng để góp phần thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 121 km, đi qua Lạng Sơn, Cao Bằng, được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đang được triển khai gồm xây dựng cao tốc dài hơn 93 km với 2 làn xe; các đoạn qua cầu, hầm có 4 làn xe hoàn chỉnh; giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến quy mô 4 làn xe. Tổng mức đầu tư hơn 14.110 tỷ đồng theo phương thức PPP, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 69%.

Giai đoạn 2 gồm mở rộng đoạn đường 2 làn lên 4 làn hoàn chỉnh (có làn khẩn cấp) với tổng mức đầu tư hơn 3.830 tỷ đồng và xây mới đoạn còn lại 27 km kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh với tổng mức đầu tư 5.100 tỷ đồng.

Đại diện nhà đầu tư cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng toàn Dự án đạt 87,4 km trong tổng số 93,3 km (chiếm 93%). Hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn đặt mục tiêu đến hết tháng 12/2024 sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng của Dự án. Các đơn vị thi công đã huy động 1.020 nhân sự, 357 máy móc, thiết bị tổ chức làm ngày đêm, phấn đấu hoàn thành giai đoạn 1 cuối năm 2025.

Các địa phương và nhà đầu tư kiến nghị Thủ tướng trong tháng 11 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn 1 để tăng tỷ lệ vốn nhà nước hỗ trợ lên tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết đã được Quốc hội phê duyệt đối với dự án qua địa bàn miền núi khó khăn. Dự án cần triển khai giai đoạn 2 theo phương thức PPP và áp dụng cơ chế tương tự giai đoạn 1.

ACV bố trí đủ vốn làm đường băng thứ 2 sân bay Long Thành

Chủ đầu tư tiết kiệm được gần 4.000 tỷ đồng qua đấu thầu và nguồn phí dự phòng, số tiền này sẽ dùng để xây đường băng thứ 2 sân bay Long Thành.

Đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành đang hoàn thiện

Đường cất hạ cánh số 1 sân bay Long Thành đang hoàn thiện

Thông tin được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư Dự án sân bay Long Thành) cho biết ngày 15/11. Đây là số tiền đơn vị này tiết kiệm được trong quá trình đấu thầu Dự án thành phần 3 cùng với chi phí dự phòng của Dự án.

Đường cất hạ cánh thứ 2 sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Theo tính toán của ACV, chi phí đầu tư đường băng này sẽ được cân đối trọn vẹn trong tổng mức đầu tư của Dự án thành phần 3 sân bay Long Thành nên sẽ không làm tăng vốn Dự án.

Theo ACV, việc xây dựng đường băng thứ 2 sẽ giúp tăng năng lực và hiệu quả khai thác của sân bay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư Dự án. Đồng thời, đường cất hạ cánh thứ 2 cũng đáp ứng nhu cầu khai thác của sân bay Long Thành khi đường cất hạ cánh thứ nhất xảy ra sự cố, không phải chuyển sang Tân Sơn Nhất...

Theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành), trong đó xây dựng thêm đường cất hạ cánh số 3. Nếu chủ trương này được Quốc hội thông qua, đường băng thứ 2 sẽ khởi động vào cuối năm nay và hoàn thành vào năm 2026, đúng thời điểm sân bay đi vào hoạt động thương mại.

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành rộng 5.000 ha, có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 336.630 tỷ đồng. Giai đoạn 1, sân bay xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách mỗi năm, dự kiến hoàn thành năm 2026.

Theo báo cáo của ACV, đến tháng 9, các dự án thành phần ở sân bay đạt tiến độ rất tốt. Hiện tháp không lưu đã cất nóc, đang hoàn thiện. Gói thầu nhà ga hành khách đến nay đạt trên 8.300 tỷ đồng, tương ứng 25% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trước tháng 12/2025. Công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ đạt khoảng 2.015 tỷ đồng, tương ứng 27%, vượt 3 tháng so với kế hoạch...

Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục có đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và xác định Việt Nam “không thao túng tiền tệ”.

Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam

Bộ Tài chính Mỹ đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam

Theo Báo cáo bán niên về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn với Mỹ" do Bộ Tài chính Mỹ công bố, cơ quan này có đánh giá tích cực về chính sách tiền tệ của Việt Nam và tiếp tục xác định Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia "không thao túng tiền tệ".

Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đánh giá các chính sách của các đối tác thương mại lớn với Mỹ, đóng góp khoảng 78% thương mại quốc tế với Mỹ trong 4 quý vừa qua, tính đến hết quý II/2024.

Có 3 tiêu chí được Bộ Tài chính Mỹ đưa ra khi xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại lớn gồm: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Hai tiêu chí đầu tiên gồm thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai tương đương không vượt 3% GDP. Tiêu chí thứ ba dựa trên tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương tính trong 12 tháng.

Nếu một nền kinh tế vượt ngưỡng hai trong ba tiêu chí trên, Mỹ sẽ đưa nền kinh tế đó vào "danh sách giám sát" và sẽ có trong danh sách này ít nhất 2 kỳ báo cáo tiếp theo.

Báo cáo được Bộ Tài chính Mỹ thực hiện 2 lần trong một năm tài chính.

Trước đó, tháng 7/2021, Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận giải quyết những lo ngại của phía Mỹ về các thông lệ tiền tệ của Việt Nam.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cam kết hiện đại hóa và nâng cao tính minh bạch của chính sách tiền tệ và khuôn khổ quản lý tỷ giá hối đoái, không sử dụng chính sách tỷ giá để đạt được lợi thế cạnh tranh không lành mạnh.

Báo cáo lần này kết luận không có đối tác thương mại nào can thiệp vào tỷ giá nhằm mục đích tác động đến cán cân thanh toán hoặc đạt lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.

Giá trúng đấu giá đất huyện ven Hà Nội giảm mạnh

Mức trúng cao nhất cho thửa đất tại khu Dộc Tranh, huyện Phúc Thọ, Hà Nội chỉ 37,6 triệu đồng/m2, trong khi 2 tháng trước, một số thửa tại đây có giá lên đến 75 triệu đồng/m2.

Khu đất đấu giá Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ

Khu đất đấu giá Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ và Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam mới đây đã tổ chức phiên đấu giá 12 thửa đất tại huyện này. Trong đó, 7 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) có giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2. 4 thửa khu Hương Nam (xã Xuân Đình) có giá khởi điểm 25 triệu đồng/m2 và 1 thửa khu Cổng chợ (xã Tích Giang) có giá khởi điểm 16,5 triệu đồng/m2.

So với phiên đấu giá cách đây 2 tháng, lượng người tham gia đã giảm mạnh khi chỉ có 32 nhà đầu tư đăng ký với hơn 120 hồ sơ. Phiên đấu giá hôm 17/9 ở Phúc Thọ có trên 100 khách hàng tham dự.

Sức hút nhà đầu tư giảm cũng làm mức trúng đấu giá đất đi xuống. 7 thửa đất khu Dộc Tranh đều bán thành công, nhưng giá trúng cao nhất chỉ 37,6 triệu đồng/m2. Mức trúng thấp nhất tại khu này là 28,8 triệu đồng/m2, tức chỉ cao hơn giá khởi điểm khoảng 20%.

Trong khi đó, cũng tại khu đất Dộc Tranh này vào giữa tháng 9, thửa trúng cao nhất lên đến 75 triệu đồng/m2, gấp đôi phiên đấu giá vừa diễn ra.

Trong tháng 8, 9, nhiều phiên đấu giá đất tại các huyện ven Hà Nội đã thu hút hàng trăm người tham dự, trong đó có những phiên có trên 1.000 hồ sơ đăng ký. Giá trúng liên tiếp thiết lập kỷ lục mới, nhiều khu đất trên 100 triệu đồng/m2. Nhiều hội nhóm, môi giới đã tham gia và rao bán chênh hàng trăm triệu đồng một lô ngay sau khi kết thúc đấu giá.

Tuy nhiên, gần đây, hoạt động đấu giá đất tại các huyện ven Hà Nội có dấu hiệu hạ nhiệt sau nhiều động thái chấn chỉnh từ cơ quan quản lý. Lượng người tham dự các phiên đấu giá giảm mạnh như phiên đấu giá hồi đầu tháng ở Hoài Đức có hơn 100 khách đăng ký - giảm gần 4 lần so với sự kiện hồi tháng 8.

Từ đầu năm đến nay, các quận, huyện tại Hà Nội thu hơn 11.000 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ thu được khoảng 9.200 tỷ đồng.

Vĩnh Long xây dựng làng du lịch gạch, gốm hơn 3.000 ha

Làng gạch, gốm đỏ hơn 100 tuổi với hơn 800 lò ở huyện Mang Thít được đầu tư bảo tồn, phát triển thành khu du lịch trọng điểm.

Hàng trăm lò sản xuất gạch, gốm đỏ ven kênh Thầy Cai ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

Hàng trăm lò sản xuất gạch, gốm đỏ ven kênh Thầy Cai ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long

UBND tỉnh Vĩnh Long ngày 15/11 phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm quy mô 3.060 ha thuộc địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) là khu du lịch trọng điểm của Tỉnh. Khu vực này cũng được định hướng là khu du lịch quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch được kỳ vọng hồi sinh và lan tỏa làng nghề gạch gốm hơn 100 tuổi thành biểu tượng mới trong chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế dịch vụ, sáng tạo, có giá trị gia tăng cao.

Không gian khu quy hoạch chia thành 9 phân khu. Trong đó trọng tâm là khu nông nghiệp sinh thái gắn với khu lò gạch, gốm với quy mô hơn 1.000 ha. Còn lại là các phân khu phát triển dịch vụ - du lịch, nghỉ dưỡng; khu dân cư đô thị, nông thôn với diện tích hơn 2.000 ha. Các mô hình kinh doanh được xây dựng theo cách tiếp cận cụm ngành kết hợp các chuỗi giá trị. Trong đó, du lịch làm ngành lõi, nông nghiệp và công nghiệp giữ vai trò cung ứng và hỗ trợ.

Tỉnh Vĩnh Long đang kêu gọi khoảng 3.500 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa xây dựng làng gạch, gốm trở thành một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực.

Ngành sản xuất gạch, ngói xuất hiện tại Vĩnh Long vào đầu thế kỷ XIX ở phía Nam sông Cổ Chiên, huyện Mang Thít. Đến giữa thế kỷ XX, toàn Tỉnh có 39 lò hoạt động sản xuất gạch, ngói nung, tạo việc làm cho 600 - 800 lao động. Đến đầu thế kỷ XXI, làng nghề phát triển mạnh với 2.284 miệng lò.

Tuy nhiên, do chi phí sản xuất gia tăng, công nghệ lạc hậu, nhu cầu thị trường giảm nên nghề sản xuất gạch, gốm ở Vĩnh Long "xuống dốc". Trong 10 năm qua, toàn Tỉnh đã có hơn 1.250 lò gạch gốm bị phá dỡ, hiện trên địa bàn Tỉnh còn khoảng hơn 850 lò.

Đồng Tháp làm đường rộng 40 m tới làng hoa Sa Đéc

Đường dài 1,9 km, kinh phí 544 tỷ đồng được xây dựng để kết nối du khách tham quan làng hoa lớn nhất miền Tây, giảm ùn ứ dịp cuối tuần, lễ Tết.

Hướng tuyến đường được mở rộng

Hướng tuyến đường được mở rộng

Lãnh đạo UBND TP. Sa Đéc cho biết, điểm đầu của Dự án tại vòng xoay làng hoa, thuộc đường vành đai Tây Bắc (Đường tỉnh 848 vành đai), điểm cuối kết nối Đường tỉnh 848 (gần cầu Cái Bè).

Dự án rộng 40 m, trong đó mặt đường 27 m, vỉa hè mỗi bên 6,5 m, 6 làn xe. Công trình sẽ xây mới 3 cầu qua các rạch Sa Nhiên - Mù U, rạch Cai Dao và rạch Ông Thung.

Trong tổng mức đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng gần 170 tỷ đồng với diện tích gần 8 ha, xây dựng gần 300 tỷ đồng và chi phí khác. Dự án đang giải phóng mặt bằng, đã hoàn thành việc cắm mốc, hoàn thành năm 2027.

Tuyến đường nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ tại đường làng hoa (đường Cai Dao - Sa Nhiên) mỗi dịp cuối tuần, lễ Tết. Hiện khách du lịch rất bí bách vì không có chỗ gửi xe, di chuyển khó khăn.

Làng hoa Sa Đéc rộng 950 ha với 4.000 hộ sản xuất hoa kiểng, nguồn thu hàng năm khoảng 3.000 tỷ đồng. Khởi nguồn từ trồng các loại hoa hồng, nay nơi đây trở thành làng hoa lớn nhất miền Tây với hơn 2.000 chủng loại hoa kiểng.

Bắc Giang sắp cho thuê hàng nghìn nhà ở xã hội từ 2,7 triệu đồng một căn

Hơn 2.400 căn nhà xã hội ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang dự kiến được cho thuê từ 2,7 triệu đồng với căn diện tích gần 30 m2.

Dự án nhà ở xã hội tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
Dự án nhà ở xã hội tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang

Sở Xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết, vừa nhận được báo cáo của Công ty CP Phát triển Fuji Bắc Giang về việc bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hội tại Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Dự án do Công ty CP Phát triển Fuji Bắc Giang và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vinaco làm chủ đầu tư.

Theo đó, có hơn 2.400 căn nhà xã hội để cho thuê, diện tích khoảng 30 - 32,5 m2, bố trí cho 2 - 4 người. Giá cho thuê dự kiến 93.300 đồng mỗi m2 một tháng, đã gồm VAT 5% và phí bảo trì 2%, tương ứng 2,7 - 3 triệu đồng một căn.

Chủ đầu tư cho biết, mức giá thuê sẽ được thương thảo và xác định chính thức khi ký hợp đồng thuê nhà. Thời gian bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 15/11.

Khu nhà ở xã hội dành cho công nhân xã Nội Hoàng gồm 10 tòa nhà, trong đó có 4 tòa cao 6 tầng, còn lại cao 18 tầng. Dự án có diện tích xây dựng gần 15.000 m2 với hơn 2.800 căn. Tầng 1 là khu để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng và khu bếp ăn. Từ tầng 2 trở lên là các phòng dạng ký túc xá. Ngoài ra, Dự án còn được bố trí sân thể thao, sân vườn kết hợp bãi đỗ xe ngoài nhà.

Đầu tháng 10, Sở Xây dựng cũng công bố danh mục 142 căn nhà xã hội cho thuê tại Khu nhà xã hội dành cho công nhân tại Khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Các căn có diện tích 30 - 62 m2, giá thuê từ 99.500 đồng mỗi m2 một tháng, tương ứng 3 - 6,1 triệu đồng một căn.

Được xem là thủ phủ công nghiệp phía Bắc, tỉnh Bắc Giang có kết quả tích cực về xây dựng nhà ở xã hội. Báo cáo gần đây của Bộ Xây dựng cho biết, Tỉnh đã triển khai 15 dự án với 75.000 căn, đáp ứng nhu cầu nhà ở của 90% số lượng công nhân tới năm 2030.

Quảng Ninh khởi tố Giám đốc Công ty CP Thiên Nam

Với hành vi vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên, Giám đốc Công ty CP Thiên Nam ở Quảng Ninh bị khởi tố.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tống đạt các quyết định tố tụng đối với Vũ Đình Kiên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tống đạt các quyết định tố tụng đối với Vũ Đình Kiên

Ngày 15/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Vũ Đình Kiên - Giám đốc Công ty CP Thiên Nam về tội “Vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên”.

Theo tài liệu được công bố, Công ty CP Thiên Nam (TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) lợi dụng việc thực hiện Dự án Thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng bãi thải mỏ tại khu vực phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh để khai thác đất đá thải mỏ không được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt lớn nguồn tài nguyên khoáng sản và tiền thuế cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể, từ tháng 7/2023 đến 31/01/2024, Vũ Đình Kiên trực tiếp chỉ đạo, điều hành công nhân và bố trí máy móc, thiết bị, phương tiện để khai thác trái phép trên 582 nghìn m3 đất đá thải mỏ tại khu vực phường Mông Dương. Ước tính giá trị trữ lượng khoáng sản đã khai thác trái phép là 29,8 tỷ đồng.

Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh đang tập trung mở rộng điều tra vụ án, làm rõ hành vi sai phạm của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm, triệt để theo quy định của pháp luật, đồng thời thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.

Chuyên đề