Bản tin thời sự sáng 16/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam gần đạt mốc tiêm 100 triệu liều vaccine; đơn vị tư vấn Dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất bị phê bình; ba giai đoạn vận hành khai thác metro Nhổn - ga Hà Nội; gần 93% trẻ trên 12 tuổi tại TP.HCM đã tiêm vaccine Covid-19; ngày 16/11, đại gia Diệp Bạch Dương hầu tòa…

Việt Nam gần đạt mốc tiêm 100 triệu liều vaccine

Đến tối 15/11, Việt Nam gần đạt mốc tiêm chủng 100 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó có 64,3 triệu người được tiêm mũi một, gần 35 triệu người tiêm đủ liều.

Nhân viên y tế đến từ tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân Quận Long Biên, Hà Nội

Nhân viên y tế đến từ tỉnh Bắc Giang hỗ trợ tiêm vaccine cho người dân Quận Long Biên, Hà Nội

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, Long An là địa phương đầu tiên đã hoàn thành tiêm mũi hai cho 100% dân số trưởng thành. Khánh Hòa có tỷ lệ tiêm phủ mũi hai cao thứ hai cả nước, với 96% dân số. Hà Nội và TP.HCM đều đã phủ mũi hai cho hơn 80% dân số trưởng thành.

Các tỉnh, thành đã bao phủ mũi một cho tất cả dân số từ 18 tuổi là: TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hậu Giang, Long An, Khánh Hòa.

Sơn La có độ bao phủ vaccine mũi một thấp nhất cả nước, với gần 48% dân số; tiếp sau là Thanh Hóa (51%); Nam Định (59%); Nghệ An (60%).

Địa phương có độ bao phủ mũi hai thấp nhất là Thái Bình và Đăk Lăk (hơn 9%); Tuyên Quang, Quảng Bình (11%); Gia Lai (12%).

Các loại vaccine được sử dụng ở Việt Nam hiện nay là: Astra Zeneca; Moderna; Pfizer – BioNTech; Johnson & Johnson; Vero Cell; Hayat-Vax; Abdala; SputnikV.

Việt Nam bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 từ đầu tháng 3/2021, với những liều Astra Zeneca đầu tiên dành cho lực lượng tuyến đầu ở Hà Nội, TP.HCM, Hải Dương.

Đơn vị tư vấn dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất bị phê bình

Lãnh đạo Bộ GTVT phê bình hai đơn vị tư vấn là TEDI và ADCC vì thiếu người giải quyết vướng mắc tại Dự án cải tạo đường băng sân bay Tân Sơn Nhất.

Công trường thi công đường băng Tân Sơn Nhất

Công trường thi công đường băng Tân Sơn Nhất

Ngày 15/11, đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết đã thông báo ý kiến của Thứ trưởng Lê Anh Tuấn về kiểm điểm tiến độ Dự án Cải tạo, nâng cấp đường băng và đường lăn hai sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất.

Theo đó, Thứ trưởng Tuấn đánh giá, tiến độ thi công hệ thống thoát nước ở sân bay Tân Sơn Nhất đang rất chậm, mới đạt được 55%, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, ông yêu cầu Ban Quản lý Dự án chỉ đạo các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện khẩn trương thi công bù tiến độ.

Do một số hạng mục tại sân bay gặp vướng mắc và chậm được xử lý, lãnh đạo Bộ GTVT đã phê bình Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã không bố trí cán bộ ở hiện trường Dự án. Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) cũng bị phê bình vì đứng đầu trong liên danh tư vấn, nhưng không nhắc nhở và đôn đốc TEDI cử người xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Đại diện Bộ cho hay, TEDI có thể e ngại tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM nên đã không bố trí người vào hiện trường sân bay. Công ty ADCC thiếu trách nhiệm giải quyết sự việc.

Dự án cải tạo đường băng Tân Sơn Nhất gồm cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L; xây mới các đường lăn thoát nhanh, đường lăn song song và nâng cấp các đoạn đường lăn nối, công trình quản lý bay, đèn tín hiệu... Dự án có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng, thi công theo 2 giai đoạn; giai đoạn đầu trong 6 tháng và giai đoạn sau hoàn thành cuối năm 2021.

Ba giai đoạn vận hành khai thác metro Nhổn - ga Hà Nội

Trong giai đoạn đầu, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) sẽ tổ chức khai thác các đoàn tàu 3 toa trên tuyến Nhổn - ga Hà Nội, công suất 8.600 khách/giờ.

Đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) chạy thử toàn tuyến trên cao

Đoàn tàu tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) chạy thử toàn tuyến trên cao

Theo dự thảo đề cương nghiệm thu hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội gửi tới Hội đồng kiểm tra Nhà nước, MRB cho biết, giai đoạn hai từ năm 2030 trở đi sẽ khai thác các đoàn tàu 4 toa, với năng lực gần 33.000 hành khách/giờ/hướng. Giai đoạn ba, từ năm 2040 trở đi, MRB sẽ khai thác các đoàn tàu 5 toa, với năng lực trên 36.000 hành khách/giờ/hướng.

Việc nghiệm thu thực hiện theo 8 giai đoạn. Thứ nhất nghiệm thu thử nghiệm, hiệu chỉnh các hệ thống thành phần và toàn hệ thống dự án. Giai đoạn hai sẽ kiểm tra, nghiệm thu các công trình chuyên biệt trên tuyến.

Giai đoạn ba chạy thử và cấp chứng chỉ nghiệm thu chạy thử để bàn giao vận hành chạy thử. Giai đoạn bốn đánh giá, cấp chứng nhận an toàn hệ thống của tư vấn ISA (liên danh tư vấn Apave - Bureau Veritas - Certifer) lần 1 và cấp chứng chỉ nghiệm thu chạy thử CAC. Giai đoạn năm vận hành, chạy thử hệ thống.

Giai đoạn sáu tiếp tục vận hành, chạy thử để đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống của tư vấn ISA lần 2; thẩm định chứng nhận an toàn hệ thống; nghiệm thu hoàn thành đưa công trình vào sử dụng.

Giai đoạn bảy là nghiệm thu hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng. Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng sẽ kiểm tra công tác nghiệm thu trước khi đưa vào khai thác thương mại.

Giai đoạn tám là bàn giao công trình và đưa vào khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Khởi công năm 2010, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km, trong đó 8,5 km chạy trên cao, 4 km chạy ngầm. Điểm đầu là Nhổn, điểm cuối ga Hà Nội, tổng vốn đầu tư Dự án sau điều chỉnh là 1.176 triệu Euro.

Gần 93% trẻ trên 12 tuổi tại TP.HCM đã tiêm vaccine Covid-19

Hơn 651.400 trong số 701.800 trẻ 12 - 17 tuổi tại TP.HCM đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19, đạt tỷ lệ 92,8%.

Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1)

Tiêm vaccine Pfizer cho trẻ trên 12 tuổi tại trường THPT Lương Thế Vinh (Quận 1)

Đại diện Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 đợt một cho trẻ 12 - 17 tuổi tại Thành phố diễn ra từ ngày 27/10 - 8/11. Sau khi Quận 1 và Củ Chi khởi đầu chiến dịch, tất cả quận huyện còn lại nhanh chóng triển khai với 509 điểm tiêm cho trẻ đi học và 68 điểm tiêm cho trẻ không đi học.

Trong đợt tiêm, ghi nhận 54 trẻ có phản ứng thông thường, chưa trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm. 12 trẻ chống chỉ định tiêm chủng, 560 trẻ có bệnh nền được chuyển tiêm tại bệnh viện.

Ngành y tế TP.HCM đánh giá đã hoàn thành chiến dịch đợt một thành công, đảm bảo các công tác an toàn tiêm chủng. Các điểm tiêm được bố trí đầy đủ khu vực tiếp nhận, khám sàng lọc, khu vực tiêm.

Dự kiến ngày 22/11, Thành phố sẽ triển khai tiêm đợt hai, thực hiện tiêm mũi hai cho trẻ đã tiêm mũi một đủ thời gian. Tính đến nay, hơn 7,8 triệu người dân Thành phố đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một, hơn 5,9 triệu người đã tiêm mũi hai.

Đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt hai loại vaccine tiêm cho trẻ 12 - 17 tuổi, là vaccine của Pfizer và của Moderna. Chiến dịch tiêm cho trẻ em thời gian qua được tiêm với loại vaccine Comirnaty của Pfizer-BioNTech (do hiện chưa có đủ vaccine Moderna).

Chiến dịch tiêm chủng Covid-19 cho trẻ em 12 - 17 tuổi trên cả nước bắt đầu hôm 1/11, tuy nhiên trước đó một số địa phương đã tiêm thí điểm, trong đó có TP.HCM và Bình Dương.

Lắp 4.500 tấm chống ồn trên đường vành đai 3 Hà Nội

2.400 cột thép và 4.500 tấm chống ồn được lắp đặt dọc tuyến đường vành đai 3 trên cao, đoạn cao Mai Dịch - Nam Thăng Long.

Công nhân lắp vách chống ồn dọc tuyến đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long

Công nhân lắp vách chống ồn dọc tuyến đường trên cao Mai Dịch - Nam Thăng Long

Sáng 15/11, đơn vị thi công sử dụng cần cẩu để nâng các tấm chống ồn lắp đặt vào 2.400 cột giữ được dựng sẵn từ trước. Đại diện Ban quản lý dự án Trần Văn Quyền cho biết, quá trình lắp đặt đang được đẩy nhanh khi thời tiết thuận lợi, hiện bên thi công đã lắp đặt được hơn 1.000 tấm, đạt 20% khối lượng công việc và dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12.

Vách chống ồn sẽ được lắp dọc tuyến Mai Dịch - Nam Thăng Long dài hơn 5 km mỗi bên. Ngoài việc giảm thiểu âm lượng tiếng ồn ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, tường chống ồn còn có khả năng che chắn gió, tăng sự tập trung cho lái xe, tăng tính an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Trước khi thi công, nhà thầu đã phối hợp với Bộ GTVT khảo sát và quan trắc mức độ tiếng ồn sau khi tuyến đường đi vào hoạt động.

Hiện, ngoài việc lắp đặt chống ồn, 6 nhánh lên xuống cầu cạn vành đai 3 cũng đang hoàn thiện các hạng mục cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng.

Dự án vành đai 3 trên cao đoạn Nam Thăng Long - Mai Dịch có tổng mức đầu tư trên 5.300 tỷ đồng, thông xe từ tháng 10/2020; quy mô đường cao tốc 4 làn xe, với tốc độ thiết kế 100 km/h; tổng chiều dài 5,367 km. Trong đó, chiều dài cầu cạn là 4,831 km.

Ngày 16/11, đại gia Diệp Bạch Dương hầu tòa

Đại gia Diệp Bạch Dương bị đưa ra xét xử về cáo buộc dùng nhà đất đã thế chấp tại ngân hàng để hoán đổi cho Thành phố, gây thiệt hại 186 tỷ đồng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp trong lần ra tòa hồi tháng 3

Bà Dương Thị Bạch Diệp trong lần ra tòa hồi tháng 3

Bà Dương Thị Bạch Diệp (tức đại gia Diệp Bạch Dương, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) bị TAND TP.HCM xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngày 16/11.

Bà bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu trong vụ hoán đổi nhà đất 57 Cao Thắng lấy trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM - số 185 Hai Bà Trưng (cùng Quận 3) gây thiệt hại cho Nhà nước.

Trước đó, tòa đã nhiều lần lên lịch xét xử, song phải hoãn do Thành phố liên tục thực hiện giãn cách phòng chống Covid-19. Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 22/11.

Hồi giữa tháng 3, trong hơn một tuần xét xử, phiên tòa liên tục diễn ra các tình huống kịch tính. Bà Diệp và các luật sư cũng đưa ra nhiều tài liệu, căn cứ bảo vệ quan điểm hợp đồng thế chấp nhà cho Agribank là giả mạo.

HĐXX sau đó đã quyết định trả hồ sơ, điều tra toàn diện vụ án do xuất hiện một số tình tiết mới...

Hai tháng sau, kết luận điều tra bổ sung hoàn tất. VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm truy tố bà Diệp và các bị cáo khác. Viện cho rằng, lời khai và chứng cứ bà Diệp đưa ra tại tòa không phải là tình tiết mới phát sinh. Trong suốt quá trình điều tra, bà đã khai về việc nhà 57 Cao Thắng không thế chấp cho bất kỳ hợp đồng tín dụng nào, các tài liệu ngân hàng đưa ra là giả.

Cơ quan điều tra đã thu thập tài liệu từ nhiều nguồn để chứng minh hành vi lừa đảo là có căn cứ. Những tài liệu này phù hợp với nhau về diễn biến vụ án, kết quả điều tra, kết quả thẩm vấn công khai tại tòa.

Chuyên đề