Bản tin thời sự sáng 1/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tạm dừng nhập cảnh hành khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; khám chữa bệnh không cần thẻ bảo hiểm y tế giấy từ 1/6; tái lập 10 chốt kiểm soát xe ra vào Gò Vấp vào tối 31/5; Vietnam Airlines thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử; Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung trong vụ án tại SAGRI…

Tạm dừng nhập cảnh hành khách tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng nhập cảnh toàn bộ hành khách tại sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Hành khách đợi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Hành khách đợi làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các hãng hàng không, Cảng vụ hàng không miền Bắc và Nam, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc dừng nhập cảnh hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Theo đó, nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Nội Bài từ 0 giờ ngày 1/6 đến hết ngày 7/6/2021 (theo giờ Việt Nam).

Cục Hàng không Việt Nam cũng kéo dài thời hạn dừng tiếp thu các chuyến bay quốc tế chở người nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến hết ngày 14/6/2021 (theo giờ Việt Nam).

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam thông báo tạm dừng nhập cảnh toàn bộ các đối tượng hành khách tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất từ ngày 27/5 đến hết ngày 4/6/2021.

Khám chữa bệnh không cần thẻ bảo hiểm y tế giấy từ 1/6

Người dân có thể dùng ảnh thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng VssID thay cho thẻ giấy khi đi khám bệnh trên toàn quốc từ hôm nay (1/6).

Dùng tài khoản BHXH điện tử để khám chữa bệnh tại Quảng Nam

Dùng tài khoản BHXH điện tử để khám chữa bệnh tại Quảng Nam

Chính sách áp dụng cho người dùng đã có tài khoản bảo hiểm xã hội số trên ứng dụng VssID, theo quyết định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ngày 31/5. Cơ sở khám chữa bệnh dùng đầu đọc để quét mã QR Code hoặc ghi trực tiếp số thẻ bảo hiểm y tế trên ứng dụng nếu không có đầu đọc.

Muốn áp dụng chính sách này, người dùng phải tạo tài khoản bằng cách tải ứng dụng VssID cài đặt trên điện thoại thông minh. Ứng dụng liên kết tài khoản giao dịch điện tử của người dùng với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Sau khi tạo tài khoản có ảnh chính chủ, người dùng có thể tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, khám tại cơ sở nào, quá trình tham gia bảo hiểm xã hội, chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp.

Theo lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chính sách phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào khám chữa bệnh. Người dân không phải lo lắng nếu mất hay quên thẻ giấy ở nhà, giảm thủ tục cho cả hai phía. Việc khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế giấy diễn ra bình thường với người dùng chưa có tài khoản trên VssID.

Tái lập 10 chốt kiểm soát xe ra vào Gò Vấp vào tối 31/5

Sau hơn nửa ngày tạm ngưng, 10 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào quận Gò Vấp (TP.HCM) được chính quyền địa phương tái lập, tối 31/5.

Cảnh sát ở chốt đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp đang kiểm tra người ra vào, khuya 31/5

Cảnh sát ở chốt đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp đang kiểm tra người ra vào, khuya 31/5

Các chốt được lập ở cầu thép An Phú Đông, cầu An Lộc, cầu Bến Phân, cầu Trường Đai, cầu Chợ Cầu, số 399 Tân Sơn (Phường 12), Phan Huy Ích, ngã tư Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng, Lê Quang Định (Phường 1) và Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng - Nguyễn Kiệm. Mỗi điểm bố trí 8 người gồm CSGT, công an, y tế, cảnh sát PCCC, bảo vệ dân phố... Trước đó, từ 0h ngày 31/5, 10 chốt đã được thiết lập nhưng do ùn tắc nên chính quyền tạm tháo dỡ để điều chỉnh.

Theo phương án được UBND quận Gò Vấp thống nhất, xe và người ra vào sẽ được kiểm tra phòng dịch. Lực lượng y tế sẽ phối hợp nhân sự tại các chốt kiểm soát y tế, đo thân nhiệt người ra vào. Đồng thời bố trí xe cứu thương đưa các trường hợp nghi nhiễm đi cách ly.

Động thái lập những chốt nói trên được thực hiện sau khi UBND Thành phố chỉ đạo áp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 31/5 với quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Quận 12, theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".

Người dân hai địa bàn này được yêu cầu ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết như mua thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; hoặc làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (những nơi không bị đóng cửa, dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác...

Sau khi các chốt được triển khai, các xe không được chạy vào quận Gò Vấp, trừ xe công vụ, cấp cứu, chở lương thực, nhu yếu phẩm, chở công nhân, chuyên gia của doanh nghiệp, chở vật liệu sản xuất.

Vietnam Airlines thử nghiệm hộ chiếu sức khỏe điện tử

Chứng nhận sức khỏe điện tử với ứng dụng IATA Travel Pass (ITP) được Vietnam Airlines thử nghiệm từ tháng 6, áp dụng cho hành khách trong nước bay quốc tế.

Hành khách xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất

Hành khách xét nghiệm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất

Theo đại diện Vietnam Airlines, hộ chiếu sức khỏe điện tử sẽ tích hợp một số thông tin như dữ liệu sinh trắc học, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, tiêm vaccine phòng Covid-19.

Hộ chiếu này có thể thay thế các loại thủ tục bằng giấy tờ hiện nay. Đây là ứng dụng được phát triển bởi Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), đảm bảo an toàn, thông tin nhất quán giữa các bên gồm chính phủ, cơ sở xét nghiệm, hãng hàng không và hành khách, được công nhận tại nhiều quốc gia.

Hành khách có nhu cầu bay quốc tế sẽ tải miễn phí ứng dụng ITP vào điện thoại di động, tạo hồ sơ cá nhân số gồm ảnh và thông tin hộ chiếu, điền thông tin chuyến bay và các thông tin về sức khỏe theo yêu cầu dịch tễ tại điểm đến. Nếu không sử dụng ứng dụng ITP, hành khách phải cung cấp cho hãng bay và nhà chức trách các loại giấy tờ theo yêu cầu.

Trước khi khởi hành, hành khách sẽ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại cơ sở được chỉ định bởi Chính phủ và đã đăng kí với IATA, sau đó chia sẻ kết quả xét nghiệm điện tử và xác nhận tình trạng bay với hãng hàng không trước hành trình. Ứng dụng sẽ giúp hãng hàng không và nhà chức trách kiểm tra tính hợp lệ của các chứng chỉ, dễ dàng định danh hành khách...

Theo đại diện Vietnam Airlines, hộ chiếu sức khỏe điện tử có chức năng tương tự hộ chiếu vaccine. Hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc triển khai hộ chiếu vaccine cũng như các thỏa thuận liên quan ở cấp chính phủ, nên trước mắt hãng thử nghiệm ứng dụng hộ chiếu sức khỏe điện tử. Việc thực thi chính thức loại hộ chiếu này tiến hành sau khi được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Khai quật khảo cổ điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa (tỉnh Thừa Thiên Huế), nơi thiết triều của vua triều Nguyễn, sẽ được khai quật khảo cổ trước khi hạ giải trùng tu.

Điện Thái Hòa nhìn từ trên cao

Điện Thái Hòa nhìn từ trên cao

Theo ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa có văn bản cho phép đơn vị khai quật khảo cổ tại điện Thái Hòa nằm bên trong Đại nội Huế nhằm đánh giá hiện trạng công trình, phục vụ việc trùng tu sau này. Địa điểm khai quật là sân và bên trong điện Thái Hòa.

Thời gian khai quật từ ngày 5 đến 20/6, với diện tích 66 m2.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu trong thời gian khai quật, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu được trong quá trình khai quật phải được tạm lưu giữ tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để bảo quản, tránh để hư hỏng, thất lạc.

Điện Thái Hòa nằm trong Đại nội Huế được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Công trình là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn, được dùng cho các buổi triều quan trọng của triều đình như lễ đăng quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần và các buổi đại triều.

Trước hiện trạng điện Thái Hòa xuống cấp, có nguy cơ đổ sập do mưa bão, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã lên kế hoạch trùng tu với tổng kinh phí 150 tỷ đồng. Phương án trùng tu đã được gửi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung trong vụ án tại SAGRI

Theo Cơ quan điều tra, hành vi vi phạm pháp luật của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng giám đốc SAGRI) và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định pháp luật, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.

Bị can Lê Tấn Hùng (trái) và Trần Vĩnh Tuyến

Bị can Lê Tấn Hùng (trái) và Trần Vĩnh Tuyến

Ngày 31/5, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) cùng 17 bị can khác về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí”; “Tham ô tài sản” và “Che giấu tội phạm”.

Trước đó, Viện KSND Tối cao đã trả hồ sơ để làm rõ thiệt hại của vụ án cùng một số vấn đề khác. Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố thêm 3 bị can gồm: Hồ Văn Ngon, nguyên Phó Tổng giám đốc và Lê Thị Diệp Cẩm, Phó trưởng Phòng nhân sự hành chính SAGRI; Dư Huy Quang, nguyên Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM. Về thiệt hại trong vụ án, Cơ quan điều tra bảo lưu số tiền 672 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra bổ sung, mặc dù Dự án Khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TP.HCM mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp quyền phê duyệt, nhưng ông Trần Vĩnh Tuyến với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP.HCM vẫn ký quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án trên, không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Hành vi trên của ông Tuyến đã tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện thủ tục chuyển nhượng Dự án trái quy định của pháp luật khi không tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường, gây thiệt hại 672 tỷ đồng.

Chuyên đề