Bản tin thời sự sáng 15/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sáng 15/9, Việt Nam trải qua 13 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng; truy tố ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây thiệt hại 2.700 tỷ đồng; nguyên Chủ tịch TP. Đà Nẵng bị đề nghị khai trừ Đảng; Đà Nẵng gỡ bỏ chốt kiểm soát phòng dịch ở các cửa ngõ; chưa mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15/9…

Sáng 15/9, không ghi nhận ca mắc mới Covid-19, Việt Nam trải qua 13 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng

Sáng ngày 15/9, Bộ Y tế cho biết, không ghi nhận ca mắc mới. Đến hôm nay cũng đã 13 ngày, Việt Nam không ghi nhận ca mắc Covid-19 ở cộng đồng. Việt Nam hiện đã chữa khỏi 926 bệnh nhân.

Sáng 15/9, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, Việt Nam trải qua 13 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng

Sáng 15/9, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19, Việt Nam trải qua 13 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng

Tính đến 6h ngày 15/9, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Tính từ 18h ngày 14/9 đến 6h ngày 15/9, không có ca mắc mới.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 32.578 người. Trong đó, 459 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 15.890 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 16.229 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến thời điểm này, nước ta đã chữa khỏi cho 926 bệnh nhân Covid-19/1.063 ca mắc.

Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 13 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 19 ca. Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca.

Truy tố ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm gây thiệt hại 2.700 tỷ đồng

Ngày 14/9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Vũ Huy Hoàng và các đồng phạm trong vụ án sai phạm liên quan đến Dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM.

Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương

Ngày 14/9, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố ông Vũ Huy Hoàng (từng là Bộ trưởng Bộ Công Thương) và các đồng phạm trong vụ án sai phạm liên quan đến Dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM.

Viện Kiểm sát cũng truy tố các bị can Phan Chí Dũng (nguyên vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương); Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM); Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM); Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM); Lê Văn Thanh (nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM) cùng 4 bị can khác.

Đây là diễn biến mới nhất trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí và "Vi phạm quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM liên quan Dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê" trên khu đất hơn 6.000m2 tại Số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ông Vũ Huy Hoàng cùng đồng phạm bị cáo buộc cố ý vi phạm các quy định về quản lý tài sản nhà nước, vi phạm các quy định về quản lý đất đai từ đó dịch chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng là tài sản Nhà nước sang tư nhân gây thiệt hại thất thoát số tiền đặc biệt lớn: hơn 2.700 tỷ đồng.

Nguyên Chủ tịch TP. Đà Nẵng bị đề nghị khai trừ Đảng

Ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, cùng ba người khác bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị khai trừ khỏi Đảng.

Cựu chủ tịch Văn Hữu Chiến tại phiên phúc thẩm

Cựu chủ tịch Văn Hữu Chiến tại phiên phúc thẩm

Quyết định được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra tại kỳ họp thứ 48 dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú.

Ngoài ông Chiến, ba người khác bị đề nghị khai trừ khỏi Đảng gồm: ông Nguyễn Ngọc Tuấn, nguyên Phó chủ tịch UBND Thành phố; Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Đào Tấn Bằng, nguyên Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng.

Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bốn người nói trên đã "vi phạm pháp luật nghiêm trọng".

Hồi tháng 5, TAND Cấp cao tại Hà Nội ra bản án phúc thẩm tuyên phạt cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tội Vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Bản án nêu rõ, với vai trò Phó chủ tịch Đà Nẵng (2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến đã đồng phạm giúp sức cho cựu Chủ tịch Trần Văn Minh trong việc ký các văn bản chuyển nhượng nhà, đất công sản, dự án bất động sản trái quy định. 19 nhà đất công sản đã chuyển nhượng sai tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi 15 trong số này, gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Chiến còn sai phạm tại dự án 29 ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước khi ký quyết định giao đất cho công ty của Vũ "Nhôm" không qua đấu giá. "Cấp sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội với vai trò chính là có căn cứ", bản án nêu.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhận án 3 năm tù; ông Nguyễn Điểu 3 năm tù; ông Đào Tấn Bằng 18 tháng tù.

Đà Nẵng gỡ bỏ chốt kiểm soát phòng dịch ở các cửa ngõ

8 chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ ra vào TP. Đà Nẵng được gỡ bỏ để người dân thuận tiện đi lại, từ ngày 14/9.

Các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào Đà Nẵng được gỡ bỏ trong ngày 14/9

Các chốt kiểm soát tại cửa ngõ ra vào Đà Nẵng được gỡ bỏ trong ngày 14/9

Đại tá Trần Đình Chung - Phó giám đốc Công an TP. Đà Nẵng yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động và công an các quận, huyện thực hiện nội dung trên.

Quyết định được đưa ra khi Đà Nẵng đang ở ngày thứ 16 không ghi nhận ca lây nhiễm nCoV trong cộng đồng. Thành phố đã nới lỏng cách ly xã hội, nối lại các tuyến giao thông đường hàng không, đường sắt và đường bộ đi các tỉnh, thành.

Khi gỡ các chốt kiểm soát y tế, công an các địa phương sẽ tăng cường nắm tình hình địa bàn, phối hợp với tổ dân phố quản lý chặt chẽ tất cả người nước ngoài và công dân lưu trú, kịp thời đưa đi cách ly với những người đến từ vùng dịch.

Trước đó, khi Đà Nẵng trở thành tâm dịch, từ ngày 31/7, Công an Thành phố đã lập 8 chốt chặn kiểm soát dịch tại các cửa ngõ, không cho người và phương tiện ra khỏi vùng có dịch bệnh.

Chưa mở lại chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ từ ngày 15/9

Việc mở đường bay quốc tế hiện nay cần bàn bạc và thống nhất, làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí....) đối với từng đối tượng. Kế hoạch ban đầu sẽ mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15/9; tuy nhiên, chiều 14/9, Bộ GTVT cho biết vẫn chưa “chốt” được thời điểm chính thức.

Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways luôn trong tư thế sẵn sàng khi Chính phủ chốt thời điểm mở cửa đường bay quốc tế

Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Bamboo Airways luôn trong tư thế sẵn sàng khi Chính phủ chốt thời điểm mở cửa đường bay quốc tế

Cụ thể, kế hoạch ban đầu được công bố Việt Nam sẽ khôi phục đường bay quốc tế tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ 15/9, Việt Nam mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Các đường bay đi Đài Loan - Trung Quốc, Campuchia, Lào được tái khởi động từ 22/9.

Chiều 14/9, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vẫn chưa chốt được thời điểm "mở cửa" chính thức các đường bay quốc tế tới các điểm đến tại các quốc gia có kết quả phòng chống dịch tốt và là các đường bay có nhu cầu vận chuyển cao.

Bộ GTVT cho biết, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là cần làm rõ các điều kiện để được nhập cảnh vào Việt Nam (y tế, cách ly, chi phí....) đối với từng đối tượng (ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư và công dân Việt Nam) để thông báo rộng rãi tới các nước liên quan cũng như đối với những người quan tâm, có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam.

Đưa hơn 360 công dân Việt Nam từ Singapore về nước an toàn

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng hàng không Pacific Airlines đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ.

Ngày 14/9, đưa hơn 360 công dân Việt Nam từ Singapore về nước an toàn. Ảnh minh họa

Ngày 14/9, đưa hơn 360 công dân Việt Nam từ Singapore về nước an toàn. Ảnh minh họa

Ngày 14/9, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Hãng hàng không Pacific Airlines đã phối hợp với các cơ quan chức năng Singapore thực hiện hai chuyến bay đưa hơn 360 công dân Việt Nam từ Singapore về nước, trong đó có trẻ em dưới 18 tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác.

Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã cử cán bộ trực tiếp ra sân bay hỗ trợ công dân hoàn thành các thủ tục cần thiết trước khi các máy bay cất cánh.

Với mục tiêu đảm bảo sức khỏe cho công dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, Hãng hàng không Pacific Airlines đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp về an ninh, an toàn và vệ sinh dịch tễ trong suốt các chuyến bay.

Ngay sau khi máy bay hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ, những người tham gia các chuyến bay đã được kiểm tra y tế và đưa về cơ sở cách ly tập trung theo đúng quy định.

Hà Nội: Gần 60.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp

Lượng hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp ở thủ đô tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Người lao động đến làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Người lao động đến làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội

Ngày 14/9, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến 10/9, đã có gần 60.000 người trên địa bàn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Riêng tháng 8 có hơn 9.000 lao động của hơn 2.000 doanh nghiệp ở Hà Nội đến làm thủ tục, giảm hơn 400 hồ sơ so với tháng 7. Trong đợt dịch thứ hai, cơ quan chức năng không cách ly xã hội toàn Thành phố. Trong tháng 8, gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng giúp thị trường việc làm "bớt ảm đạm hơn".

Theo ông Vũ Quang Thành, lượng hồ sơ thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp từ nay đến cuối năm sẽ còn biến động, phụ thuộc vào kết quả chống dịch. Số người đăng ký sẽ giảm dần qua các tháng nếu dịch được kiểm soát tốt. Nhưng nếu kịch bản xấu xảy ra, dịch diễn biến phức tạp và có ca lây nhiễm trong cộng đồng, các hoạt động công nghiệp, dịch vụ sẽ suy yếu. Số lao động mất việc làm hàng tháng sẽ tăng cao, khoảng 20.000 lao động mỗi tháng và 90% doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng.

Chuyên đề