Bản tin thời sự sáng 15/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam đã đặt mua và được cam kết 105 triệu liều vaccine Covid-19; Hà Nội lại đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 ở Ứng Hòa; F1 có nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư được thí điểm cách ly tại nhà; giảm khoảng 3.000 tỷ tổng vốn đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hợp long nối liền hai bờ từ TP.Thủ Đức qua Quận 1 vào dịp 2/9…

Việt Nam đã đặt mua và được cam kết 105 triệu liều vaccine

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Việt Nam đến nay đã có cam kết và ký hợp đồng khoảng 105 triệu liều vaccine, trong đó 38,9 triệu liều do COVAX tài trợ.

Máy bay chở vaccine do Mỹ viện trợ hạ cánh ở Việt Nam

Máy bay chở vaccine do Mỹ viện trợ hạ cánh ở Việt Nam

Trong số vaccine đặt mua, 30 triệu liều khác do Công ty CP Vaccine Việt Nam (VNVC) ký với AstraZeneca, 31 triệu liều do Chính phủ ký với Pfizer ký, 5 triệu liều Moderna ủy quyền cho Công ty Zuellig Pharma Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam đang đàm phán mua 55 triệu liều vaccine, trong đó, 40 triệu liều Sputnik-V do Tập đoàn T&T đàm phán với Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga và 15 triệu liều Covaxin do Bộ Y tế đang đàm phán với Ấn Độ.

Mục tiêu của Việt Nam là mua ít nhất 150 triệu liều vaccine để tiêm phòng cho 70% dân số.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực vận động chính phủ các nước và các hãng sản xuất bán vaccine cho Việt Nam và đẩy sớm thời gian chuyển giao vaccine.

Trên cơ sở vận động và đàm phán tích cực, quyết liệt, chỉ trong hơn một tháng qua số lượng vaccine Việt Nam tiếp nhận đã tăng lên đáng kể. Tính đến ngày 12/7/2021, Việt Nam đã nhận khoảng 8 triệu liều vaccine.

Mới đây, chương trình COVAX đã chính thức phân bổ tiếp cho Việt Nam 1.065.870 liều Pfizer-BioNTech trong các tháng 7 - 9, sau khi đã chuyển cho Việt Nam khoảng 4,5 triệu liều đến nay. COVAX cũng đã chuyển cho Việt Nam 2 triệu liều vaccine Moderna do Mỹ cung cấp vào ngày 10/7.

Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam 2 triệu liều vaccine AstraZeneca và dự kiến viện trợ thêm 1 triệu liều trong thời gian tới, dự kiến chuyển vào ngày 16/7.

Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 500.000 liều Vero Cell của Sinopharm.

Chính phủ Anh cam kết đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên khi xem xét phân bổ 100 triệu liều vaccine Anh hỗ trợ các nước thông qua COVAX và song phương, sẵn sàng trao đổi với AstraZeneca về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ Việt Nam xây dựng năng lực tự sản xuất vaccine.

Australia cam kết viện trợ Việt Nam khoảng 10 triệu USD để mua vaccine thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tặng thêm 1,5 triệu liều AstraZeneca từ nay đến cuối năm 2021.

Hà Nội lại đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 ở Ứng Hòa

Hà Nội vừa có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy hoạch sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô ở huyện Ứng Hòa, có thể triển khai sau năm 2050. Trước đó, Bộ GTVT chọn quy hoạch sân bay Tiên Lãng (Hải Phòng) làm sân bay thứ 2 cho vùng Thủ đô.

Hà Nội tiếp tục muốn đưa sân bay thứ 2 vùng Thủ đô về huyện Ứng Hòa

Hà Nội tiếp tục muốn đưa sân bay thứ 2 vùng Thủ đô về huyện Ứng Hòa

Đây là lần thứ 2 Hà Nội đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa, lần này là đưa vào Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Nội Bài giai đoạn năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong khi đề xuất trước đó của Hà Nội là đưa vào Quy hoạch Cảng hàng không, sân bay Việt Nam giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Theo đó, quan điểm của Hà Nội là muốn có sân bay lớn thứ 2 của vùng Thủ đô, nhưng phải được đặt trong phạm vi Thủ đô; có vai trò, tính chất và quy mô xứng tầm với vị thế của Thủ đô…

Do đó, UBND TP. Hà Nội đề xuất 2 phương án, nếu tới năm 2030, sân bay Nội Bài đạt công suất 65 triệu khách/năm, sân bay thứ 2 vùng Thủ đô đặt ở phía Nam Hà Nội sẽ có công suất tương đương.

Trường hợp tới năm 2030, sân bay Nội Bài nâng công suất đạt 100 triệu khách/năm, sân bay thứ 2 phía Nam Hà Nội sẽ có công suất 50 triệu khách/năm vào năm 2050.

Việc đưa vào quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô đặt trong Hà Nội là cơ sở để địa phương chuẩn bị quỹ đất, cập nhật vào các đồ án quy hoạch liên quan, đảm bảo thống nhất.

Cùng đó, Hà Nội cũng đề xuất vị trí quy hoạch sân bay thứ 2 vùng Thủ đô là tại huyện Ứng Hòa. Khi vị trí quy hoạch này chỉ cách sân bay Nội Bài 54km.

Về giao thông kết nối, đặt sân bay ở huyện Ứng Hòa sẽ thuận lợi cho đi lại, với các tuyến giao thông đã cơ bản hoàn chỉnh… Bên cạnh đó, tại Ứng Hòa hiện có khoảng 1.300 ha chủ yếu đất nông nghiệp, dân cư thấp, nên thuận lợi cho giải phóng mặt bằng.

F1 ở nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư được thí điểm cách ly tại nhà

F1 có nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư, có phòng cách ly riêng, khép kín sẽ được cách ly tại nhà.

F1 ở nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư được thí điểm cách ly tại nhà

F1 ở nhà ở riêng lẻ hoặc căn hộ chung cư được thí điểm cách ly tại nhà

Ngày 14/7, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly người tiếp xúc gần (F1) tại nhà mới, áp dụng cho tất cả các tỉnh, thành trên toàn quốc.

Theo đó, bản hướng dẫn mới đã mở rộng cho tất cả các địa phương nghiên cứu thí điểm cách ly F1 tại nhà, thay vì chỉ áp dụng tại TP.HCM như trước đây. Sau khi thí điểm, các địa phương sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai ở quy mô rộng.

Về thời gian cách ly F1 tại nhà, Bộ Y tế điều chỉnh từ 28 ngày xuống còn 14 ngày. Người đã cách ly tập trung 7 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính thì cách ly tại nhà thêm 7 ngày.

Về nhà ở, ngoài nhà riêng lẻ, Bộ Y tế đã bổ sung những F1 có căn hộ trong khu tập thể, khu chung cư cũng được cách ly tại nhà. Trước cửa nhà có biển cảnh báo nền đỏ, chữ vàng “Địa điểm cách ly y tế phòng chống Covid-19”…

Phòng cách ly phải khép kín, tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình; khuyến khích lắp camera để giám sát F1… Người cách ly có thể dùng điều hòa riêng, nhưng không dùng điều hòa trung tâm; thường xuyên mở cửa sổ, để thông thoáng khí. Trước cửa phòng để một bàn cho người nhà cung cấp đồ ăn, nước uống và nhu yếu phẩm khác…

Với F1, phải cam kết với chính quyền địa phương không ra khỏi nhà; không tiếp xúc với thành viên khác trong gia đình; không tiếp xúc với vật nuôi; luôn thực hiện 5K; cài đặt ứng dụng khai báo y tế hằng ngày. F1 tự đo thân nhiệt, theo dõi sức khỏe và cập nhật lên phần mềm Vietnam Health Declaration hoặc Bluezone.

Trong thời gian cách ly tại nhà, F1 được lấy mẫu xét nghiệm ba lần vào ngày đầu tiên, ngày thứ 7, thứ 14.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng quyết định giảm thời gian cách ly y tế từ 21 ngày xuống 14 ngày với F1, người nhập cảnh.

Giảm khoảng 3.000 tỷ tổng vốn đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Tỉnh Cao Bằng nghiên cứu giảm tổng vốn đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh khoảng 3.000 tỷ do điều chỉnh hướng tuyến.

Một phương án kiến trúc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Một phương án kiến trúc cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Theo ông Lê Hải Hòa, Phó chủ tịch tỉnh Cao Bằng, tuyến cao tốc sẽ được điều chỉnh sát về phía cửa khẩu, không đi về phía thành phố Cao Bằng và bỏ nút giao cao tốc với Thành phố. Để kết nối với cao tốc, Tỉnh sẽ nâng cấp Quốc lộ 34 nối với Thành phố.

Với phương án này, khoảng cách từ TP. Cao Bằng về Đồng Đăng (Lạng Sơn) trong giai đoạn 1 còn 93 km, giảm 3 km so với trước. Tổng vốn đầu tư Dự án giai đoạn 1 từ 13.700 tỷ đồng được giảm xuống còn 10.646 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ Dự án khoảng 5.250 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 870 tỷ đồng và nguồn huy động gần 4.070 tỷ đồng.

Phương án điều chỉnh sẽ được đưa vào báo cáo khả thi, phê duyệt trong quý IV/2021, Dự án dự kiến khởi công tháng 6/2022.

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km, tổng mức đầu tư hơn 20.900 tỷ đồng, trong đó đoạn đi qua tỉnh Lạng Sơn dài 52 km, đoạn qua tỉnh Cao Bằng dài 63 km.

Dự án được phân kỳ đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến 2024, đầu tư khoảng 93 km với quy mô nền đường 17 m từ Lạng Sơn đến huyện Quảng Hòa (Cao Bằng). Giai đoạn 2 sau năm 2025 sẽ đầu tư tiếp khoảng 22 km đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hợp long nối liền hai bờ từ TP. Thủ Đức qua Quận 1 vào dịp 2/9

Nhịp chính dây văng cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn sẽ hoàn thành dịp 2/9, nối liền hai bờ từ TP. Thủ Đức qua Quận 1 và hoàn thành vào quý II/2022.

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được nối TP. Thủ Đức với Quận 1

Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được nối TP. Thủ Đức với Quận 1

Công ty CP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (nhà đầu tư) vừa cho biết thông tin trên. Hiện, cầu Thủ Thiêm 2 được lắp đặt đốt dầm thứ 14 trong tổng 17 đốt phần cầu chính. Ba đốt còn lại sẽ được đẩy nhanh thi công để kịp tiến độ hợp long nhịp chính và trụ tháp.

Nhà đầu tư cũng cho biết phần cầu chính đã lắp xong 13 đốt dầm; trụ tháp giữa sông Sài Gòn đã xong 30 trong số 34 đốt trụ. 56 bó cáp dây văng được nhập từ nước ngoài hiện 44 bó đã lắp trên công trình. Tổng khối lượng thi công Dự án đạt hơn 70% và theo kế hoạch sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác quý II năm 2022.

Động thổ năm 2015, cầu Thủ Thiêm tổng vốn đầu tư gần 3.100 tỷ đồng, dài gần 1,5 km, thiết kế dây văng với trụ tháp chính hình rồng cao 113 m nghiêng về Thủ Thiêm. Kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành năm 2018, nhưng vướng mặt bằng phía Quận 1 nên nhiều lần lỗi hẹn. Hiện, mặt bằng được bàn giao cùng các vướng mắc chính đã giải quyết để Dự án đẩy nhanh tiến độ.

Cầu Thủ Thiêm 2 khi hoàn thành ngoài mở thêm hướng kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TP.HCM còn giúp giảm ùn tắc cho khu vực nút giao Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Thánh Tôn (Quận 1). Với kiến trúc nổi bật, công trình cũng được xem là một trong biểu tượng mới của TP.HCM.

Phú Quốc triển khai tiêm vaccine Covid-19 từ 15/7

Từ ngày 15/7, người dân đảo Phú Quốc (Kiên Giang), người lao động tại các khu du lịch địa phương sẽ được tiêm vaccine Covid-19.

Phú Quốc phấn đấu đạt mục tiêu 95% người dân địa phương được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19

Phú Quốc phấn đấu đạt mục tiêu 95% người dân địa phương được tiêm 2 mũi vaccine Covid-19

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Kiên Giang, đối tượng tiêm vaccine trên địa bàn thành phố Phú Quốc là 127.607 người. Trong đó, có khoảng 60.000 người đang làm việc trong các khu du lịch, khu vui chơi giải trí… đủ điều kiện thực hiện chủ trương thí điểm đón khách du lịch quốc tế.

Trước đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có đề xuất Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 10/2021, với khoảng 25 - 40 chuyến bay/tháng, kéo dài 6 tháng.

Thời gian tiêm mũi vaccine đầu tiên cho người dân tại Phú Quốc sẽ diễn ra từ ngày 15/7. Mũi tiêm thứ 2 được triển khai từ ngày 1/9. Thành phố đảo phấn đấu đạt mục tiêu 95% người dân địa phương được tiêm 2 mũi vaccine để cuối năm 2021 tổ chức đón khách du lịch trở lại.

Chủ tịch UBND thành phố Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã giáng đòn nặng nề lên ngành du lịch Thành phố. Hiện, lượng khách đến Phú Quốc giảm sâu trên 95%.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, các chuyến bay chở khách từ TP.HCM đến Phú Quốc tạm dừng từ ngày 8/7. Vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ đất liền đến đảo này vẫn hoạt động bình thường.

Thông xe cầu vượt ở trung tâm Đà Nẵng

Cầu vượt 5 nhịp, dài hơn 200 mét được thông xe góp phần giải quyết ùn tắc giao thông qua nút giao phía tây cầu Trần Thị Lý (thành phố Đà Nẵng).

Hạng mục cầu vượt được thông xe sáng 14/7

Hạng mục cầu vượt được thông xe sáng 14/7

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã cho thông xe cầu vượt nối đường 2 tháng 9, vượt qua đường Duy Tân ở nút giao cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu) vào sáng ngày 14/7.

Cầu vượt này là một trong ba hạng mục thuộc Dự án Cải tạo nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu). Trong đó hai hạng mục còn lại là đảo xuyến và hầm chui đang được gấp rút xây dựng.

Theo thiết kế, cầu vượt dài 186,4 m; gồm 5 nhịp dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép; mặt cầu rộng 14 m với 4 làn xe; hệ thống đường dẫn hai đầu cầu vượt dài 131 và 134 m; các tuyến đường gom rộng 6 m, vỉa hè 3 m; đèn chiếu sáng, biển báo...

Dự án Cải tạo nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý được khởi công ngày 29/3/2020, tổng vốn đầu tư hơn 723 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng điều hành.

Đây là công trình giao thông có thiết kế nút giao khác mức, gồm 3 tầng là cầu vượt, đảo xuyến và hầm chui. Sau thời gian chậm tiến độ vì thiên tai và dịch Covd-19, mới đây lãnh đạo Thành phố yêu cầu công trình phải hoàn thành trước 31/12.

Dự kiến đến 28/2/2022, toàn bộ công trình sẽ đi vào hoạt động.

Chuyên đề