Bản tin thời sự sáng 15/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TKV muốn khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê; TP.HCM ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng; Hà Nội sắp có phố ẩm thực thứ hai; lo ngại xây đường xuyên khu sinh quyển thế giới, Đồng Nai xin điều chỉnh xây dựng Quốc lộ 13C; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoạt động cuối tháng 4…

TKV muốn khởi động lại mỏ sắt Thạch Khê

TKV đề nghị Chính phủ cho phép khởi động lại Dự án mỏ sắt Thạch Khê, nơi có trữ lượng sắt lớn nhất Đông Nam Á trong khi tỉnh Hà Tĩnh vẫn muốn dừng khai thác.

Công trường dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh hồi đầu năm 2011

Công trường dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh hồi đầu năm 2011

Dự án Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008. Công ty này do TKV nắm cổ phần chi phối.

Đến nay, theo TKV, số tiền tập đoàn này và các nhà đầu tư đã góp vào dự án khai thác, tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) tới nay là 1.800 tỷ đồng.

Chủ đầu tư đã triển khai, điều chỉnh Dự án theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, nhưng từ cuối năm 2011, Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã phải dừng triển khai, bỏ hoang.

Trong văn bản gửi Chính phủ, TKV cho biết, tháng 2 năm nay Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Bộ Chính trị cho phép đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững để xem xét đầu tư các dự án khai thác, chế biến sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) hoàn thành trước năm 2030.

Vì thế tập đoàn này đề nghị Chính phủ cho phép tái khởi động Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Tĩnh Trần Việt Hà, từ nhiều năm qua, Tỉnh luôn nhất quán quan điểm chưa khai thác dự án này, và sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương dừng Dự án.

Trước đó, trong các văn bản gửi Trung ương, tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, mỏ sắt quá gần biển và thành phố Hà Tĩnh, tiếp tục khai thác sẽ gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà) được phát hiện từ năm 1960, trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

TP.HCM ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng

Đường Tôn Đức Thắng dọc bến Bạch Đằng, Quận 1 (TP.HCM), trong quy hoạch được chuyển xuống dưới mặt đất cùng bãi xe ngầm, không gian phía trên dành cho người đi bộ.

Đường Tôn Đức Thắng đoạn tiếp giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng

Đường Tôn Đức Thắng đoạn tiếp giáp với phố đi bộ Nguyễn Huệ và bến Bạch Đằng

Đây là một trong những định hướng trong quy chế quản lý kiến trúc vừa được UBND TP.HCM phê duyệt. Hiện, Sở Quy hoạch và Kiến trúc Thành phố cũng tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian ngầm cho toàn bộ khu trung tâm thành phố (930 ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Là một trong 5 đường lớn và lâu đời nhất Sài Gòn, đại lộ Tôn Đức Thắng nằm ở trung tâm Quận 1, dài khoảng 2 km, điểm đầu giao tuyến Lê Duẩn, sau đó chạy qua khu Ba Son rồi uốn theo công viên bến Bạch Đằng ven sông Sài Gòn đến cầu Khánh Hội. Trục đường này kết nối trực tiếp phố đi bộ Nguyễn Huệ, công trường Mê Linh, bến Bạch Đằng và là một trong tuyến chính qua lại giữa khu trung tâm với Quận 4 và Nam Sài Gòn.

Theo kế hoạch ngầm hoá tuyến đường này, đoạn dọc công viên bến Bạch Đằng dài gần 1 km sẽ làm hai tầng dưới mặt đất, cho xe chạy hai chiều. Bãi xe ngầm xây dọc tuyến, dự kiến cách công trường Mê Linh khoảng 100 m về phía đường Ngô Văn Năm, với sức chứa khoảng 300 ô tô và có thể tận dụng một phần cho xe máy. Lối đi bộ được bố trí từ bãi đậu xe ngầm tới công trường Mê Linh tại tầng hầm thứ nhất.

Hà Nội sắp có phố ẩm thực thứ hai

Toàn bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, sẽ trở thành khu phố ẩm thực đêm thứ hai ở Hà Nội, dự kiến hoạt động từ quý IV năm nay.

Nhiều người dân và du khách đến thưởng thức các món ăn làm từ phở tại phố Ngũ Xã

Nhiều người dân và du khách đến thưởng thức các món ăn làm từ phở tại phố Ngũ Xã

UBND quận Ba Đình vừa báo cáo Thành phố tiến độ thực hiện khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã. Phạm vi nghiên cứu là toàn bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã với 7 tuyến phố gồm: Ngũ Xã, Trần Tế Xương, Nguyễn Khắc Hiếu, Mạc Đĩnh Chi, Nam Tràng, Lạc Chính và Trấn Vũ. Trong đó, 2 tuyến phố trung tâm đảo (Ngũ Xã và Nguyễn Khắc Hiếu) tổ chức đi bộ trên đoạn phố dài khoảng 120 m, mặt cắt ngang đường trung bình khoảng 8 m.

Thời gian đầu, chính quyền thí điểm cấm phương tiện giao thông để tổ chức khu phố ẩm thực tại đoạn phố đi bộ từ 19h đến 24h các ngày thứ Sáu, Bảy và Chủ nhật. Sau đó, Quận sẽ xem xét tổ chức khu phố ẩm thực 7 ngày/tuần và tăng thêm thời gian cấm phương tiện từ 19h đến 5h hôm sau.

Đảo Ngọc - Ngũ Xã, hay còn gọi bán đảo Trúc Bạch, nằm trên hồ Trúc Bạch, rộng 4,5 ha, người và phương tiện từ đảo đến các khu vực xung quanh qua hai cầu nhỏ tại phố Trấn Vũ và phố Ngũ Xã.

Lo ngại xây đường xuyên khu sinh quyển thế giới, Đồng Nai xin điều chỉnh xây dựng Quốc lộ 13C

Cho rằng việc làm đường ảnh hưởng rừng, chia cắt sinh cảnh sống của động vật hoang dã, Đồng Nai họp bàn để đề xuất Trung ương xem lại quy hoạch.

Rừng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nơi có quy hoạch tuyến đường 13C.

Rừng Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai nơi có quy hoạch tuyến đường 13C.

UBND tỉnh Đồng Nai vừa yêu cầu các sở ban ngành và Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai có ý kiến về việc quy hoạch Quốc lộ 13C và cầu Mã Đà nối Bình Phước qua tỉnh này để có đề xuất Trung ương.

Sau đề xuất này, Tỉnh ủy Đồng Nai có văn bản đề nghị chính quyền Tỉnh chỉ đạo rà soát, xin ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan về việc xem xét điều chỉnh xây dựng Quốc lộ 13C.

Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai rộng trên 100.000 ha thuộc tiểu vùng bảo tồn sinh thái khẩn cấp, nằm trong hệ sinh thái Trường Sơn. Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, nếu làm đường nối Quốc lộ 13C sẽ tạo ra tuyến đường 40 km xuyên vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Việc này không phù hợp quy định và các điều ước quốc tế.

Trong văn bản gửi UBND Tỉnh, đơn vị này còn cho rằng, tuyến đường còn gây khó cho công tác bảo tồn ba di tích lịch sử cấp quốc gia tại đây. Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai kiến nghị Tỉnh gửi văn bản xin ý kiến Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Tổ chức UNESCO về việc xây đường nối Quốc lộ 13C đi xuyên vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Đồng Nai cho biết, việc quy hoạch Quốc lộ 13C để phát triển hạ tầng, kết nối các tỉnh Đông Nam Bộ là hợp lý. Tuy nhiên, khi tuyến đường đi qua khu dự trữ sinh quyển thế giới nên Tỉnh chưa thống nhất và đang xin điều chỉnh hướng tuyến phù hợp.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ hoạt động cuối tháng 4

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành trên 97% khối lượng, dự kiến ngày 30/4 đưa vào sử dụng.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (phải) giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (phải) giao với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tại Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành

Theo lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, các hạng mục như nền mặt đường cùng 51 cầu chính, cầu vượt trên tuyến đã xong. Hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, giao thông thông minh... cơ bản hoàn thành, đang chờ hệ thống cáp quang hoàn chỉnh để kết nối.

Hiện, các trạm thu phí trên cao tốc đã xong một số hạng mục như nhà điều hành, đảo phân làn, mái che, ca bin, giá long môn (treo biển báo hiệu)... Trước đó, Bộ Giao thông vận tải thống nhất đặt hai trạm chính và ba trạm phụ; dự kiến thu phí trong quý II/2022.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng. Tuyến rộng 16 m, gồm 4 làn xe, giai đoạn đầu không có làn khẩn cấp, thay vào đó mỗi chiều bố trí 6 điểm dừng khẩn cấp. Giai đoạn mở rộng sau này, cao tốc sẽ nâng lên 6 làn gồm hai làn dừng khẩn cấp hai bên.

Công an cấp xã có thể cấp đăng ký xe máy

Bộ Công an sẽ phân cấp cho công an xã tại một số nơi đủ điều kiện được tiếp nhận hồ sơ đăng ký biển số xe máy, từ giữa tháng 5.

Giấy đăng ký mô tô xe máy

Giấy đăng ký mô tô xe máy

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Công an cho biết, cơ quan này đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp nhận xử lý vụ, việc đến cấp xã để tạo thuận lợi cho người dân.

Cụ thể, Bộ sẽ phân cấp cho công an cấp huyện đăng ký ô tô; công an cấp xã tại một số địa phương đạt tiêu chí đăng ký, quản lý xe máy, mô tô. Hiện nay, giấy đăng ký ô tô do Phòng Cảnh sát giao thông thuộc công an tỉnh, thành phố cấp; giấy đăng ký mô tô, xe máy do công an cấp huyện cấp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Long cho biết thêm, Bộ Công an đang hoàn thiện đề án đấu giá biển số xe để trình Chính phủ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chuyên đề