Bản tin thời sự sáng 15/3

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam lên tiếng về 'đường cơ sở' Trung Quốc tuyên bố ở Vịnh Bắc Bộ; phấn đấu hoàn thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4/2025; đề nghị xem lại mức tăng lương hưu, trợ cấp lên 15 - 38,9%; giá thép lần đầu giảm sau ba tháng…

Việt Nam lên tiếng về 'đường cơ sở' Trung Quốc tuyên bố ở Vịnh Bắc Bộ

Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ hiệp định phân định năm 2000, khi nước này ra tuyên bố xác lập đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng

"Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000, cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết trong họp báo ngày 14/3.

Tuyên bố được bà Hằng đưa ra khi trả lời câu hỏi về thông tin Trung Quốc ngày 1/3 tuyên bố xác lập đường cơ sở ở khu vực phía bắc Vịnh Bắc Bộ theo luật ban hành năm 1992, trong đó quy định đường cơ sở của lãnh hải nước này được phân định bằng phương pháp đường cơ sở thẳng.

Trong tuyên bố này, chính phủ Trung Quốc đưa ra 7 "điểm cơ sở" khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố "lãnh hải" ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm này không tồn tại trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo.

Bà Hằng cho biết, Việt Nam "đã và sẽ tiếp tục trao đổi quan điểm với Trung Quốc về vấn đề này trên tinh thần hữu nghị, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau".

Theo người phát ngôn, Việt Nam bảo lưu quyền và lợi ích pháp lý của mình theo luật pháp quốc tế, cũng như quan điểm đã nêu tại tuyên bố ngày 6/6/1996 của chính phủ Việt Nam liên quan đến tuyên bố ngày 15/5/1996 của chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của Trung Quốc.

"Việt Nam cho rằng, các quốc gia ven biển cần tuân thủ UNCLOS 1982 khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác, bao gồm quyền tự do hàng hải, quyền quá cảnh qua các eo biển sử dụng cho hàng hải quốc tế, và phù hợp với UNCLOS 1982", bà Hằng nhấn mạnh.

Phấn đấu hoàn thành nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4/2025

Chủ đầu tư và các nhà thầu đặt mục tiêu hoàn thành nhà ga T3 của sân bay Tân Sơn Nhất vào dịp 30/4/2025, vượt 2 tháng so với kế hoạch.

Công nhân thi công tại Dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất
Công nhân thi công tại Dự án ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất

Mục tiêu được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư) đưa ra tại buổi phát động thi đua hoàn thành ga T3 Tân Sơn Nhất ngày 14/3. Đây là dự án được đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, phục vụ khách nội địa quy mô lớn nhất nước với 20 triệu người, nâng tổng công suất khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách mỗi năm, cùng với hai ga T1 và T2 hiện hữu.

Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng ga T3 cho biết, sau 6 tháng khởi công, gói thầu quan trọng nhất là xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga đã hoàn thành hơn 81% khối lượng thi công phần thô. Trên công trường, liên danh nhà thầu huy động hơn 400 đầu xe, thiết bị và gần 2.000 kỹ sư, công nhân triển khai đồng loạt các hạng mục nhằm bảo đảm kế hoạch.

Nhà ga T3 gồm 3 hạng mục chính: ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn. Trong đó, nhà ga có 1 tầng hầm, 4 tầng nổi, xây trên diện tích 112.500 m2. Ga được thiết kế thành hai phần đi - đến riêng biệt, có 90 quầy thủ tục, 20 quầy bagdrop thả hành lý tự động, 42 ki-ốt check in, 27 cửa ra máy bay... Riêng hạng mục nhà xe kết hợp dịch vụ phi hàng không gồm 2 tầng hầm, 4 tầng nổi xây trên diện tích 130.000 m2.

Cùng ngày, tại buổi ký kết thi đua ở công trường Dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), ACV và các nhà thầu cũng đặt mục tiêu hoàn thành đường băng trước dịp 30/4 năm tới.

Công trình đường cất hạ cánh sân bay Long Thành dài 4.000 m, rộng 45 m, khởi công ngày 31/8/2023. Đến nay, các hạng mục nền đất, nền cát đã cơ bản xong. Lớp cấp phối đá dăm đã hoàn thành trên 70% và đang triển khai lớp bêtông, xi măng để hoàn thiện đường cất hạ cánh và bay hiệu chuẩn...

Đề nghị xem lại mức tăng lương hưu, trợ cấp lên 15 - 38,9%

Bộ Tài chính đề nghị xem lại đề xuất tăng lương hưu, các khoản trợ cấp lên 15 - 38,9% vì kinh phí lên hơn 17.000 tỷ đồng, vượt khả năng cân đối của ngân sách.

Bộ Tài chính đề nghị xem lại đề xuất tăng lương hưu, các khoản trợ cấp lên 15 - 38,9%

Bộ Tài chính đề nghị xem lại đề xuất tăng lương hưu, các khoản trợ cấp lên 15 - 38,9%

Bộ Tài chính vừa có công văn hồi đáp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về đánh giá tác động của cải cách tiền lương mới từ ngày 1/7 đến thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH).

Bộ này đề nghị, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tính toán lại mức đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH 15%; tăng chi trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng 29,2% (từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng mỗi tháng); tăng chuẩn trợ cấp xã hội 38,9% (từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng mỗi tháng).

Với mức tăng như trên, tổng kinh phí chi trả là 17.276 tỷ đồng, gấp 2,3 lần nguồn kinh phí được Quốc hội phê duyệt (7.430 tỷ đồng), vượt khả năng cân đối của dự toán ngân sách nhà nước nửa cuối năm 2024.

Từ ngày 1/7, lương cơ sở (1,8 triệu đồng) không còn, trong khi hàng loạt chế độ BHXH, BHYT, an sinh xã hội lấy mức lương này làm căn cứ. Vì thế, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ban ngành liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 xem xét mức chuẩn làm cơ sở để bảo đảm tính pháp lý, sự thống nhất khi thực hiện các chế độ.

Từ giữa năm 2024, cán bộ, công chức, viên chức sẽ được trả lương theo vị trí việc làm thay vì hệ số cào bằng hiện nay. Dự kiến từ năm 2025, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tiếp tục tăng bình quân 7% mỗi năm, đến khi mức lương thấp nhất khu vực công bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng 1 khu vực doanh nghiệp (lương tối thiểu vùng 1 hiện là 4,68 triệu đồng).

Chính phủ đã trích lập được nguồn 560.000 tỷ đồng, đảm bảo đủ cải cách tiền lương đến năm 2026.

Giá thép lần đầu giảm sau 3 tháng

Hòa Phát, Việt Đức hạ 200.000 đồng mỗi tấn thép cuộn, đưa mặt hàng này xuống quanh 14 triệu đồng, lần đầu giảm sau hơn 3 tháng.

Giá thép lần đầu giảm sau 3tháng

Giá thép lần đầu giảm sau 3tháng

Đầu tuần này Hòa Phát thông báo giảm giá thép cuộn CB240 về 14,14 triệu đồng một tấn. Mức này hạ 200.000 đồng so với lần điều chỉnh gần nhất vào cuối tháng 1.

Ngưỡng giảm tương tự cũng được các thương hiệu Việt Ý, Việt Đức, Pomina, Kyoei, Việt Sing, VAS áp dụng. Trong khi đó, giá thép thanh vằn D10 CB300 ổn định ở mức 14,5 triệu đồng mỗi tấn.

Như vậy, giá loại vật liệu xây dựng này quay đầu giảm sau hơn 3 tháng liên tục tăng. Thép sau điều chỉnh lần này tương đương vùng giá hồi tháng 6/2023 và cách đáy 13,5 triệu hơn 600.000 đồng.

Các thương hiệu điều chỉnh giá bán sau khi lực cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc trong hơn 2 tháng đầu năm. Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tháng 1/2024, sản xuất và bán hàng thép xây dựng đạt hơn 1 triệu tấn, giảm lần lượt 9% và 9,5% so với tháng 12/2023. Tuy nhiên, hai con số này lại tăng hơn 30% so với cùng kỳ.

Với đơn vị đầu ngành như Hòa Phát, sản lượng thép xây dựng, chất lượng cao (HRC) trong tháng 1 đạt 363.000 tấn, hạ 22% so với tháng cuối năm ngoái. Sang tháng 2, sản lượng hai nhóm thép này còn 212.000 tấn, giảm 42% với tháng 1. Doanh nghiệp này đánh giá nhu cầu thị trường chung chưa cải thiện, cầu vẫn thấp.

Nhìn chung, ngành thép trong nước vẫn đối mặt khó khăn do tồn kho cao, giá bán thấp, trong khi nhà sản xuất phải chịu thêm nhiều chi phí tài chính khác. VSA dự báo, thị trường những tháng đầu năm sẽ ghi nhận cạnh tranh về giá giữa các nhà máy để mở rộng và giữ thị phần.

Cầu cửa ngõ TP.HCM được khởi động lại sau 6 năm đình trệ

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý ở cửa ngõ Tây Nam TP.HCM dừng từ năm 2018 sẽ được tái khởi công vào tháng 5 và hoàn thành cuối năm nay.

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý ở cửa ngõ Tây Nam TP.HCM đình trệ từ năm 2018

Cầu Tân Kỳ - Tân Quý ở cửa ngõ Tây Nam TP.HCM đình trệ từ năm 2018

Thông tin được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông gửi đến buổi họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.HCM, chiều 14/3.

Theo đó, việc chấm dứt hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với nhà đầu tư - Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng (IDICO) đã hoàn thành. Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông làm chủ đầu tư công trình. Tháng 5 tới, UBND quận Bình Tân sẽ bàn giao mặt bằng để Dự án được thi công. Dự kiến, thời gian triển khai kéo dài 8 tháng, ngày 31/12 cầu sẽ hoàn thành và thông xe.

Dự án cầu Tân Kỳ - Tân Quý được TP.HCM phê duyệt năm 2017, khởi công đầu năm 2018, theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT thay thế cầu cũ bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Cầu dài 83 m, rộng 16 m, đoạn đường dẫn dài 225 m. Công trình có vốn đầu tư hơn 312 tỷ đồng, sau đó được nâng lên 668 tỷ đồng do tính cả lãi vay trong thời gian xây dựng, chờ thu phí.

Theo hợp đồng giữa Thành phố và chủ đầu tư IDICO, cầu sẽ hoàn thành cuối năm 2018, sau đó dự kiến hoàn vốn sau 111 tháng thu phí thông qua trạm BOT An Sương - An Lạc trên Quốc lộ 1, cách đó khoảng 500 m.

Cuối năm 2018, Dự án đã thực hiện khoảng 70% khối lượng, nhưng đình trệ do vướng mặt bằng. Sau đó, quận Bình Tân đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhưng Dự án vẫn chưa thể tiếp tục do vướng mắc liên quan hợp đồng BOT đã ký bởi Dự án không phù hợp Nghị quyết 437 của Quốc hội (không được làm trên đường hiện hữu).

Kỳ họp HĐND Thành phố vào cuối năm 2022 đã chấp thuận chi 491 tỷ đồng để hoàn thành cầu, chuyển từ hợp đồng BOT sang đầu tư công.

Nghiên cứu cấm xe khách, xe tải nặng đi cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Xe khách, xe tải nặng chạy tốc độ thấp, gây cản trở nhiều phương tiện khác trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, cần chuyển sang đi Quốc lộ 1, theo Cục Đường bộ Việt Nam.

Nhiều xe tải nặng, xe khách lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Nhiều xe tải nặng, xe khách lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Đại diện Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Khu quản lý đường bộ II, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh tổ chức đếm, phân loại xe lưu thông trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn trong 3 ngày, từ 15 đến 17/3.

Tuyến đường hiện nay chưa thu phí, không có đường giao cắt qua khu dân cư nên thu hút nhiều phương tiện lưu thông, nhất là xe khách và xe tải đường dài. Trong khi đó, Quốc lộ 1 qua tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế lại vắng xe.

Dựa vào kết quả đếm xe, đơn vị sẽ đề xuất phương án phân luồng giao thông, hạn chế một số loại xe lưu thông trên cao tốc để chuyển sang đi Quốc lộ 1. "Chúng tôi sẽ nghiên cứu cấm xe khách, xe tải nặng đi trên cao tốc. Đây cũng là đề xuất của Cục Cảnh sát giao thông", đại diện Cục Đường bộ Việt Nam nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, xe khách, xe tải nặng có tốc độ lưu thông thấp 50 - 60 km/h gây cản trở nhiều phương tiện khác, giảm năng lực thông hành của cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Do đó, các loại phương tiện này cần được phân luồng lưu thông trên Quốc lộ 1 với 4 làn xe như trước đây để giảm tải cho cao tốc.

Hiện các đoạn cao tốc Bắc Nam như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu quy mô 4 làn xe hạn chế, không có làn dừng khẩn cấp, đều cấm xe tải trên 10 tấn lưu thông, giúp giảm lưu lượng xe tải trên các tuyến.

Quảng Ngãi dừng làm công viên gần 900 tỷ đồng bên sông Trà Khúc

20 ngày sau khi trình dự án công viên cây xanh Thạch Bích bên sông Trà Khúc với tổng đầu tư 893 tỷ đồng lên HĐND Tỉnh, UBND Quảng Ngãi bất ngờ xin rút.

Vị trí làm công viên Thạch Bích ở phường Lê Hồng Phong

Vị trí làm công viên Thạch Bích ở phường Lê Hồng Phong

Trong công văn vừa gửi HĐND tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Võ Phiên xin rút tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án Công viên cây xanh Thạch Bích đã trình cơ quan này vào ngày 22/2.

Lý do được lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi đưa ra là sau khi có tờ trình gửi HĐND, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đánh giá dự án có tổng mức đầu tư lớn. Trong khi đó, khả năng nguồn thu tiền sử dụng đất năm 2024 không đạt kế hoạch, nên không đủ nguồn lực để làm. UBND Tỉnh sẽ trình dự án lại khi đánh giá khả thi về nguồn thu sử dụng đất của địa phương.

Dự án Khu công viên cây xanh Thạch Bích được UBND TP. Quảng Ngãi đề xuất đầu tư từ tháng 5/2023 tại phường Lê Hồng Phong với nguồn vốn từ ngân sách Tỉnh. Chính quyền Thành phố làm chủ đầu tư trong giai đoạn 2024 - 2027. Công viên rộng hơn 8 ha gồm: vườn hoa, cây xanh; khu tổ chức sự kiện ngoài trời; quảng trường nước; khu vui chơi thiếu nhi; khu thể dục, thể thao; bãi đổ xe...

Theo chính quyền TP. Quảng Ngãi, việc đầu tư công viên là cần thiết vì thành phố được định hướng phát triển về phía biển, lấy sông Trà Khúc làm trục cảnh quan. Trong khi đó, các khu vui chơi ngoài trời chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân Thành phố. Công viên cũng sẽ góp phần thay đổi diện mạo Thành phố, thúc đẩy phát triển du lịch.

Hơn nữa, đây là khu vực đã được quy hoạch để thực hiện nhiều dự án, nhưng kéo dài 20 năm vẫn chưa thực hiện được khiến người dân bức xúc, tạo điểm nóng an ninh trật tự.

Mở điểm ẩm thực quê trên đường ruộng ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Chính quyền mở điểm ẩm thực trên đường ruộng băng giữa cánh đồng An Nhứt vào 16 - 20h mỗi ngày để người nghèo, công nhân mất việc buôn bán, ổn định cuộc sống.

Phối cảnh khu ẩm thực trong tương lai

Phối cảnh khu ẩm thực trong tương lai

Ngày 14/3, UBND xã An Nhứt, huyện Long Điền cho công nhân, xe múc dọn dẹp, trồng cây trên hai tuyến đường nối Quốc lộ 55 băng qua cánh đồng lúa để tổ chức điểm ẩm thực quê. Dự kiến, việc buôn bán sẽ khai trương vào giữa tuần tới.

Mô hình này từng được mở hồi tháng 1, cũng trên con đường ruộng cách đó chừng một km. Chính quyền cho 22 hộ nghèo, công nhân mất việc đặt quầy di động làm bằng tre, trúc bán gỏi cuốn, bánh khọt, bánh hỏi, chuối nướng, bán mì chả cá, bắp nướng... Các món ăn có giá bình dân 5.000 - 25.000 đồng.

Điểm ẩm thực quê này trong thời gian ngắn thu hút rất đông người dân, du khách dẫn đến tình trạng ôtô đậu 2 bên Quốc lộ 55 gây mất an toàn giao thông. Ngoài ra, khu vực chưa có giải pháp đảm bảo an toàn cho trẻ em, vệ sinh nên địa phương quyết định tạm dừng hoạt động từ đầu tháng 3.

Đến nay, phương án hoạt động trở lại của điểm ẩm thực này đã được UBND huyện Long Điền thông qua. Tại vị trí mới, chính quyền bố trí một bãi đậu xe, lắp đèn năng lượng mặt trời, đèn trang trí, làm hệ thống lan can dọc kênh, trang bị phao cứu hộ, thùng rác, nhà vệ sinh, trồng hoa để tạo điểm nhấn.

"Địa phương ưu tiên 62 gian hàng cho những hộ nghèo, vừa thoát nghèo, bán hàng rong hay những công nhân vừa bị mất việc do nhà máy dừng sản xuất để giúp họ ổn định cuộc sống", ông Nguyễn Trường Thành, Chủ tịch UBND xã An Nhứt nói và cho biết, những tiểu thương phải trải qua đợt tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Theo lãnh đạo địa phương, điểm ẩm thực trên con đường nội đồng không làm cản trở lưu thông của người dân địa phương. Bởi việc thu hoạch lúa thường kết thúc trước lúc các quầy hàng mở bán.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư