Bản tin thời sự sáng 15/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là tiếp nhận hơn 2,5 triệu liều vaccine Moderna từ Đức; đề xuất giảm số ngày cách ly xuống còn 3 ngày với người Việt nhập cảnh; Vietnam Airlines dự kiến bán gần 30 tàu bay; Đồng Nai xin dừng xây khu tái định cư thứ 2 sân bay Long Thành…

Tiếp nhận hơn 2,5 triệu liều vaccine Moderna từ Đức

Lô vaccine Moderna gồm 2.558.000 liều do Đức hỗ trợ thông qua cơ chế Covax, được bàn giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sáng 14/12.

Lô vaccine từ Đức về Hà Nội

Lô vaccine từ Đức về Hà Nội

Như vậy, đến nay Việt Nam đã nhận được tổng cộng gần 45,2 triệu liều vaccine phòng chống Covid-19 thông qua cơ chế Covax.

Hồi tháng 9, Đức cũng đã hỗ trợ vaccine và thiết bị y tế cho Việt Nam. Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner cho biết, diễn biến hiện nay cho thấy còn rất lâu mới có thể chiến thắng được đại dịch. Đức sẽ tiếp tục cung cấp vaccine cho Việt Nam thông qua cơ chế Covax, tổng cộng khoảng 10 triệu liều.

Đức là đồng sáng lập cơ chế điều phối Access to Covid-19 Tools Accelarator (ACT-A, Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19). Đây là cơ chế hợp tác toàn cầu về phát triển, sản xuất và tiếp cận bình đẳng Test Covid-19, dịch vụ điều trị và vaccine. Đức đóng góp 2,2 tỷ Euro, là nhà tài trợ lớn thứ hai của cơ chế. Tính đến đầu tháng 12, Đức đã cung cấp hơn 610 triệu liều vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer cho 144 nước và khu vực.

Covax là trụ cột của cơ chế điều phối ACT-A, được điều hành chung bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh đổi mới sáng tạo chuẩn bị ứng phó dịch bệnh (CEPI) và UNICEF với tư cách là những đối tác phân phối.

Việt Nam đang tiêm vaccine Covid-19 cho người dân, trong một chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Đến ngày 14/12, tất cả tỉnh thành đã tiêm được tổng cộng hơn 132 triệu liều, trong đó gần 75 triệu tiêm mũi một, tiêm mũi hai là gần 58 triệu liều.

Đề xuất giảm số ngày cách ly xuống còn 3 ngày với người Việt nhập cảnh

Các doanh nghiệp hàng không kiến nghị cho phép người tiêm đủ liều vaccine Covid-19 được theo dõi sức khoẻ tại nhà 3 ngày, thay cho 14 ngày như dự thảo của Bộ Y tế.

Máy bay đón hành khách hồi hương

Máy bay đón hành khách hồi hương

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA), đơn vị này đã kiến nghị Bộ Y tế nội dung trên khi góp ý xây dựng dự thảo về biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh qua đường hàng không.

Đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi Covid-19, Hiệp hội đề xuất hành khách được tự theo dõi sức khỏe tại nhà, được tiếp xúc với người nhà theo nguyên tắc 5K trong 3 ngày đầu nhập cảnh. Hành khách tự test nhanh, nếu có kết quả dương tính mới xét nghiệm PCR.

Với người nhập cảnh chưa tiêm đủ liều vaccine, Hiệp hội đề nghị bổ sung quy định chính quyền địa phương có trách nhiệm bố trí cách ly tập trung 7 ngày, nếu người đó không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Theo dự thảo của Bộ Y tế, người Việt nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine sẽ phải tự theo dõi sức khỏe 3 ngày đầu tại nhà hoặc khách sạn, không được tiếp xúc với người ở cùng nhà, phải xét nghiệm PCR vào ngày thứ ba. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách tiếp tục theo dõi sức khỏe từ ngày thứ tư đến hết ngày thứ 14 kể từ ngày nhập cảnh.

Người nhập cảnh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine thì cách ly tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ nhất và ngày thứ bảy. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, người dân tiếp tục theo dõi sức khỏe đến hết 14 ngày.

Ngoài ra, Bộ Y tế quy định yêu cầu chung với người nhập cảnh là phải có giấy xét nghiệm Covid-19 theo phương pháp PCR, trừ trẻ em dưới 2 tuổi. Theo VABA, cần mở rộng "trừ trẻ em dưới 18 tuổi" cho phù hợp với quy định và điều kiện chung trên thế giới.

Vietnam Airlines dự kiến bán gần 30 tàu bay

Nhận định tiếp tục dư thừa máy bay thời gian tới, Vietnam Airlines lên kế hoạch bán 15 chiếc tháng này và 12 chiếc trong 2 năm tới.

Vietnam Airlines dự kiến bán gần 30 tàu bay A321 và ATR-72

Vietnam Airlines dự kiến bán gần 30 tàu bay A321 và ATR-72

CEO Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, hồi tháng 7, hãng này có 106 tàu bay. Đến nay, Vietnam Airlines đã bán được 2 tàu bay A321, đội bay còn 104 chiếc, trong đó có 29 tàu thân rộng, 7 tàu ATR-72, còn lại là thân hẹp.

Theo ông Hà, doanh nghiệp này dự báo đến năm 2025 vẫn tiếp tục dư thừa tàu bay. Năm tới, Vietnam Airlines dự kiến thừa 8 tàu thân rộng, 22 tàu thân hẹp. Do vậy, hãng đang tiến hành tái cơ cấu lại đội bay, cũng như đàm phán với bên cho thuê có các phương án hỗ trợ như huỷ, lùi lịch nhận tàu bay đến sau năm 2023, giảm chi phí, giãn thanh toán. Đồng thời, hãng tiếp tục xây dựng phương án bán máy bay.

Ông Hà cho biết thêm, tháng 12, Vietnam Airlines đưa ra phương án bán 9 máy bay A321, 6 máy bay ATR-72, cuối tháng sẽ rõ kết quả. Từ năm 2022 đến cuối 2023, 12 chiếc A321 sẽ tiếp tục được bán thêm.

CEO Vietnam Airlines giải thích kế hoạch này nhằm bán bớt tàu bay hãng đang sở hữu và đẩy sớm hơn quá trình hiện đại hoá đội bay, thay thế cho những tàu trên 12 năm tuổi.

Đồng Nai xin dừng xây khu tái định cư thứ 2 sân bay Long Thành

Cho rằng dự án đang làm đủ nhu cầu di dời người dân, tỉnh Đồng Nai xin dừng khu tái định cư thứ 2 giúp tiết kiệm khoảng 4.000 tỷ đồng.

Một góc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang được người dân xây nhà sau khi di dời, nhường đất xây sân bay Long Thành

Một góc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đang được người dân xây nhà sau khi di dời, nhường đất xây sân bay Long Thành

Thông tin nêu trong kiến nghị điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành do UBND tỉnh Đồng Nai vừa gửi Chính phủ.

Theo địa phương này, để có mặt bằng sạch giao chủ đầu tư xây dựng sân bay Long Thành đúng tiến độ, Đồng Nai thu hồi 5.000 ha đất xây dựng sân bay và hơn 362 ha xây hai khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn (282 ha với 5.000 nền đất) và một phần phân khu III - Bình Sơn (80 ha với 1.000 nền đất).

Tuy nhiên, 340 hộ dân trước đây đăng ký ở phân khu III - Bình Sơn, nhưng nay muốn chuyển tới khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn và được đáp ứng. Do khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đáp ứng toàn bộ nhu cầu nên địa phương đã dừng triển khai Dự án tái định cư phân khu III - Bình Sơn.

Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành được Quốc hội giao cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn 4.100 tỷ đồng xây dựng hạ tầng các khu tái định cư; 479 tỷ đồng tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không; gần 18.000 tỷ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 306 tỷ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân...

Sẽ khởi công Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trong tháng 1/2022

Tỉnh Điện Biên và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) vừa thống nhất kế hoạch khởi công Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trong tháng 1/2022.

Theo ACV, sẽ khởi công Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trong tháng 1/2022

Theo ACV, sẽ khởi công Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trong tháng 1/2022

Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Quy mô khu bay gồm: Đường cất, hạ cánh; đường lăn, sân đỗ máy bay và nhiều hạng mục phụ trợ khác. Quy mô hàng không dân dụng, cải tạo, mở rộng công suất khai thác nhà ga hành khách hiện hữu từ 300.000 hành khách/năm lên 500.000 hành khách/năm; cải tạo, xây dựng mới các công trình phụ trợ khu hàng không dân dụng đảm bảo đồng bộ khai thác.

Việc mở rộng sân bay Điện Biên nhằm bảo đảm khai thác máy bay Airbus A320, A321 và tương đương, thay vì chỉ khai thác máy bay loại nhỏ ATR 72 hoặc Embraer 190 như hiện nay.

Theo ACV, ngay sau khi nhận gần 150 ha mặt bằng do UBND tỉnh Điện Biên bàn giao, chủ đầu tư đã khẩn trương thực hiện các phần việc; lên khung tiến độ cụ thể cho từng hạng mục chính như: Rà phá bom mìn, hàng rào an ninh, công trình đường cất, hạ cánh, đường lăn và sân đỗ tàu bay; nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ. Mục tiêu đặt ra là đến tháng 8/2023 sẽ hoàn thành toàn bộ Dự án.

Cũng theo ACV, ngay trong tháng 1/2022, Dự án sẽ chính thức được khởi công.

Đề xuất cao tốc Hà Nội - Hải Phòng chỉ thu phí điện tử không dừng

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ Giao thông vận tải đề xuất lựa chọn tuyến cao tốc để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng.

Phương tiện bắt đầu đi vào trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Phương tiện bắt đầu đi vào trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo đề xuất Bộ Giao thông vận tải lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng.

Đề xuất này được dựa trên cơ sở xem xét 12 tuyến cao tốc đang thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ và thống nhất giữa với Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI).

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, Bộ Giao thông vận tải có đủ thẩm quyền quyết định việc chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc được lựa chọn.

Sau khi Bộ Giao thông vận tải chấp thuận sẽ triển tổ chức tuyên truyền trong thời gian 4 tháng (từ 1/1 - 30/4/2022). Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ bố trí các điểm dán thẻ cho chủ phương tiện tại đầu vào các trạm thu phí trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trong thời gian tuyên truyền và trong 3 tháng đầu thực hiện thí điểm.

Thời gian triển khai thí điểm dự kiến từ 5/5/2022. Căn cứ theo Quyết định số 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ, để có cơ sở pháp lý triển khai thí điểm, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải ban hành quyết định thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng trước 30/4/2022.

Doanh nghiệp được nhập ôtô qua cảng biển Nghi Sơn từ 24/1/2022

Ngoài 5 cảng biển trước đây, ôtô dưới 16 chỗ sẽ được nhập khẩu về qua cảng biển Nghi Sơn (Thanh Hoá) từ 24/1/2022.

Doanh nghiệp được nhập ôtô qua cảng biển Nghi Sơn từ 24/1 năm 2022

Doanh nghiệp được nhập ôtô qua cảng biển Nghi Sơn từ 24/1 năm 2022

Theo nội dung Thông tư 21 về cửa khẩu nhập khẩu ôtô dưới 16 chỗ ngồi vừa được Bộ Công Thương ban hành, 6 cảng biển được phép nhập khẩu gồm Cái Lân (Quảng Ninh), Hải Phòng, Nghi Sơn (Thanh Hoá), Đà Nẵng, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Như vậy, ngoài 5 cảng biển trước đây, ôtô dưới 16 chỗ, thời gian tới được nhập về Việt Nam qua cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá).

Bộ Công Thương cho biết, quy định 6 cảng biển được nhập khẩu ôtô không áp dụng với xe tạm nhập tái xuất của doanh nghiệp, tổ chức được hưởng quyền miễn trừ theo quy định riêng của Chính phủ, Thủ tướng. Các loại xe nhập cho mục đích quốc phòng, an ninh; xe tạm nhập để trưng bày tại các hội chợ, triển lãm hoặc nhập về nhằm nghiên cứu thử nghiệm. Hay xe quá cảnh với các nước có chung đường biên giới và kinh doanh chuyển khẩu... cũng không bắt buộc phải nhập khẩu qua 6 cảng biển này.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng ôtô nhập khẩu vào Việt Nam tháng 11 đạt khoảng 14.000 xe, giảm 8,5% so với tháng 10, nhưng lại tăng 14,5% so với cùng kỳ 2020. Bình quân giá nhập khẩu (khai báo hải quan) khoảng 21.800 USD một chiếc.

Tính chung 11 tháng có hơn 143.730 ôtô nhập khẩu nguyên chiếc các loại được nhập về Việt Nam, tăng trên 55% so với cùng kỳ 2020, với tổng giá trị gần 3,2 tỷ USD.

Cứu 17 thuyền viên trôi dạt trên vịnh Vân Phong

Tàu chở hơn 3.500 tấn gỗ bị nghiêng khi qua vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa), 17 thuyền viên phải sang phao cứu sinh, trôi dạt nhiều giờ trên biển, ngày 14/12.

Các thuyền viên bị nạn trên biển được đưa lên tàu

Các thuyền viên bị nạn trên biển được đưa lên tàu

Tàu Ming Yue 69, quốc tịch Mông Cổ, thuộc Công ty CP Vận tải xăng dầu Ngân Việt Phát, trụ sở tại Hải Phòng, hành trình từ Trung Quốc đến Đồng Nai. Rạng sáng 14/12, khi đến vùng biển vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh (cách cửa vịnh Vân Phong khoảng 1,5 hải lý), tàu bị nghiêng khoảng 70 độ. Các thuyền viên gặp nguy hiểm, rời tàu lên hai phao cứu sinh, bị trôi dạt.

Cảng vụ Hàng hải Nha Trang khi nhận tín hiệu đã thông báo các đơn vị liên quan, hoạt động ở khu vực này ứng cứu. Sau hơn hai giờ, tàu lai dắt Sea Boxer vượt biển, tới được địa điểm cứu thuyền viên gặp nạn. Tàu Ming Yue 69 cũng được lai dắt vào vị trí kín gió ở vịnh Vân Phong, chờ khắc phục sự cố; khóa van két để tránh tràn dầu ra biển.

Chuyên đề