Bản tin thời sự sáng 14/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Lào Cai còn 40 thôn bị cô lập; nhiều quốc lộ vẫn chia cắt do ngập lụt, sạt lở; Khánh Hòa sẽ xây trụ sở chung hơn 1.867 tỷ đồng; giá vàng nhẫn vượt 79 triệu đồng; dự kiến xây khu tái định cư Làng Nủ cách nơi cũ 3 km…

Lào Cai còn 40 thôn bị cô lập

Sạt lở khiến 3 xã ở huyện Bắc Hà (15 thôn) và 25 thôn khác trên toàn tỉnh Lào Cai bị cô lập, các đơn vị phải đi vòng qua đường núi để tiếp tế.

Hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh

Hiện trường vụ lũ quét tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh

Tối 13/9, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, 3 xã của huyện Bắc Hà còn bị cô lập gồm: Nậm Khánh, Bản Liền và Bản Cái. Cơ quan chức năng đang tập trung thông tuyến theo các hướng: xã Bản Liền đi theo đường tỉnh lộ 159 đoạn Tả Củ Tỷ đi Bản Liền; xã Nậm Khánh thông tuyến theo đường liên xã từ Nậm Đét sang; xã Bản Cái tiếp cận theo Quốc lộ 70 đi vào tại Km11.

Ngoài ra, Tỉnh còn 25 thôn bị vẫn cô lập gồm: 9 thôn ở xã Nậm Lúc; 6 thôn ở xã Tả Củ Tỷ; 3 thôn ở xã Thải Giáng Phố; xã Tả Van Chư, Nậm Đét mỗi xã 2 thôn; Cốc Lầu, Cốc Ly, Lùng Cải mỗi xã 1 thôn.

Tỉnh Lào Cai cho biết, tất cả các xã, thôn đều được tiếp tế, đảm bảo nhu yếu phẩm bằng đường bộ vòng qua núi.

Do lo ngại sạt lở, Lào Cai đã sơ tán 740 hộ với hơn 3.200 nhân khẩu đến điểm ăn ở tập trung tại trường, trạm y tế. Những ngày qua, chính quyền tiếp tục rà soát 17 điểm, gần 400 hộ ở 7 xã vùng nguy hiểm cần bố trí điểm sắp xếp dân cư tập trung.

Lào Cai là tỉnh thiệt hại nặng nhất về người do tác động sau bão Yagi. Nhiều vụ sạt lở, lũ quét đã cướp đi sinh mạng cả bản làng như tại Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên ghi nhận 48 người chết, 36 người mất tích.

Nhiều quốc lộ vẫn chia cắt do ngập lụt, sạt lở

Mặt đường bị xói lở tạo hố sâu, đất đá sạt phủ kín nhiều tuyến đường đi các tỉnh miền núi phía Bắc như Bắc Kạn, Cao Bằng, Lào Cai và Hà Giang.

Xử lý điểm sạt lở trên Quốc lộ 279 qua Lào Cai

Xử lý điểm sạt lở trên Quốc lộ 279 qua Lào Cai

Tại tỉnh Bắc Kạn, đoạn Quốc lộ 3B thuộc xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới bị sụt lún chiều 12/9 tạo hố sâu đường kính 1 mét. Hiện đoạn đường chỉ cho phép xe máy, xe 4 - 5 chỗ qua, cấm phương tiện trọng tải lớn.

Quốc lộ 3C cũng bị sạt lở taluy dương tại một số vị trí, hiện chưa thông đường.

Tại Hà Giang, Quốc lộ 4C bị sạt taluy dương và nứt đường tại 2 vị trí, nhiều đoạn bị hỏng hộ lan do đá lăn. Đường lên cột cờ quốc gia Lũng Cú bị sạt lở nền đường. Quốc lộ 279 đoạn Pắc Há - Liên Hiệp bị sạt lở đất khoảng 2.000 m3.

Các tuyến quốc lộ tại Yên Bái bị sạt lở taluy dương tại 190 vị trí với tổng khối lượng khoảng 67.000 m3, sạt lở taluy âm mặt đường tại 22 vị trí. Đến nay, các điểm này đã được thông xe.

Tại Lai Châu, Quốc lộ 4D bị lún nứt đoạn qua xã Sơn Bình, huyện Tam Đường. Vết nứt đã mở rộng 10 - 15 cm, nguy cơ đứt đường, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Sở Giao thông vận tải Lai Châu đã chỉ đạo nhà thầu cảnh báo cấm phương tiện và đào xén tạo một làn xe chạy trong ngày 13/9.

Tại Cao Bằng, Quốc lộ 34 hiện còn 12 vị trí tắc đường do sạt lở taluy và sụt lún nền, mặt đường. Những ngày qua, tuyến đường này bị sạt lở tại 107 vị trí, đã khắc phục, thông xe được 95 điểm.

Quốc lộ 34B còn một vị trí tắc đường do ngập úng khoảng 1,5 m, nước đang rút chậm.

Tại Lào Cai, Quốc lộ 279 từ chiều qua bị sạt lở taluy dương với 30.000 m3 đất đá vùi lấp toàn bộ lòng đường, chiều dài khoảng 100 m gây tắc đường cục bộ.

Quốc lộ 4E bị sạt lở taluy dương tại 101 vị trí với khối lượng hơn 53.000 m3. Đất bùn tràn mặt đường, làm hư hỏng mặt đường và sạt lở taluy âm tại 13 vị trí với chiều dài 372 m.

Tuyên Quang hiện chỉ còn Quốc lộ 2C chưa được thông xe tại 3 vị trí do sạt lở, một số vị trí bị nứt mặt đường, nguy cơ sạt đứt đường.

Nước dâng cao còn gây ngập úng tràn Pắc Cụp trên Quốc lộ 2C và một số vị trí ngập tại Quốc lộ 37 gây tắc đường.

Khánh Hòa sẽ xây trụ sở chung hơn 1.867 tỷ đồng

Trụ sở chung cho các sở, ban, ngành, đoàn thể... sẽ được xây dựng trên khu đất rộng hơn 9,2 ha ở xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), tổng mức đầu tư hơn 1.867 tỷ đồng.

Phối cảnh khu vực thực hiện Dự án

Phối cảnh khu vực thực hiện Dự án

Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên được HĐND Tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 15, ngày 13/9. Trụ sở chung gồm các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội.

Công trình có quy mô 1.200 người sử dụng, triển khai trong giai đoạn 2024 - 2027. Trong tổng mức đầu tư, phần xây dựng trụ sở hơn 1.673 tỷ đồng, còn lại dành cho giải phóng mặt bằng.

Đầu tháng 4/2024, trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Khánh Hòa với tổng mức đầu tư hơn 544 tỷ đồng được khởi công. Công trình gồm các tòa nhà cao 8 tầng, diện tích xây dựng hơn 4.500 m trên khu đất 23.000 m2 ở số 1 Trần Phú - phần đất của UBND Tỉnh, HĐND Tỉnh và Khu liên cơ 1 đang sử dụng.

Giá vàng nhẫn vượt 79 triệu đồng

Mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng 500.000 đồng, vượt 79 triệu đồng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá bán vàng nhẫn Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu sáng 13/9 là 79,1 triệu đồng/lượng

Giá bán vàng nhẫn Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu sáng 13/9 là 79,1 triệu đồng/lượng

Sáng 13/9, các thương hiệu kinh doanh vàng bạc trong nước điều chỉnh giá vàng nhẫn trơn 24K theo diễn biến thế giới.

Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng giá vàng nhẫn lên 77,8 - 79,1 triệu đồng, cao hơn 500.000 đồng một lượng so với ngày 12/9. Các thương hiệu khác như Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Mi Hồng... cũng điều chỉnh giá bán vàng nhẫn lên vùng 79,1 triệu. Ở chiều mua vào từ người dân, giá dao động từ 77,9 đến 78,1 triệu đồng một lượng.

Đây là mức cao kỷ lục của vàng nhẫn từ trước đến nay. Nếu so với đầu năm, hiện mỗi lượng nhẫn trơn 24K đắt hơn 16,15 triệu đồng, tương đương gần 26%.

Trong khi đó, vàng miếng đi ngang 7 ngày liên tiếp do Ngân hàng Nhà nước chưa thay đổi giá bán can thiệp. Các thương hiệu niêm yết loại vàng này quanh 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng, cao hơn khoảng 9% so với đầu năm.

Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý trong phiên 13/9 lập đỉnh mới, ở 2.567 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá bán tại Vietcombank, vàng thế giới tương đương 76,3 triệu đồng/lượng, thấp hơn trong nước 3 - 4 triệu đồng.

Dự kiến xây khu tái định cư Làng Nủ cách nơi cũ 3 km

Chính quyền đang khảo sát vị trí xây khu tái định cư cho 37 hộ dân mất nhà ở Làng Nủ (Lào Cai) cách nơi cũ khoảng 3 km, đất bằng phẳng, thuận tiện sản xuất.

Bộ đội tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ (Lào Cai)

Bộ đội tìm kiếm người mất tích tại Làng Nủ (Lào Cai)

Chiều 13/9, ông Trần Trọng Thông, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, các đơn vị chức năng đang khảo sát, đo đạc và xác định vị trí xây dựng khu tái định cư. Nơi này nằm ở phía ngoài, qua điểm Trường Mầm non Làng Nủ gần 1 km.

37 hộ mất nhà và những gia đình không bị ảnh hưởng nhưng nằm trong vùng nguy cơ lớn sẽ được bố trí nơi ở mới. Tiêu chí chọn nơi ở là an toàn tuyệt đối cho bà con, đầy đủ mặt bằng cũng như điện, nước, không gian xanh. Kinh phí xây dựng từ nguồn xã hội hóa. Trước mắt, huyện sẽ bố trí nơi ở tạm cho 37 hộ dân bị mất nhà vì họ vẫn đang ở nhờ người thân, điểm trường mầm non.

"Chọn khu tái định cư này để gần đất sản xuất, nếu đi xa quá, việc ổn định đời sống của bà con sẽ gặp khó khăn", ông Thông nói. Ngoài ra, khu vực gần hiện trường sạt lở vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Một ngày trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính vào hiện trường Làng Nủ thăm hỏi nhân dân, động viên các lực lượng tìm kiếm. Ông giao các cấp chính quyền khảo sát một số địa điểm, các cơ quan khoa học, chuyên môn đánh giá mức độ an toàn để sớm khôi phục Làng Nủ. "Chậm nhất tới 31/12 phải hoàn thành. Thiếu gì, cần gì thì báo cáo Chính phủ", ông nói, nhấn mạnh tất cả hộ còn sống phải có nơi an cư ổn định, có điện, nước, cây xanh, đảm bảo môi trường sống lành mạnh.

Làng Nủ nằm dưới chân núi Voi, là nơi 167 hộ với 760 đồng bào người Tày sinh sống nhiều đời. Cư dân chủ yếu làm nông, một năm hai vụ lúa, ngô, sắn. Trận lũ quét rạng sáng 10/9 khiến 37 hộ bị vùi lấp, 158 người bị ảnh hưởng.

Tới trưa 13/9 đã có 48 người tử vong, 39 người mất tích, 54 người an toàn và 17 người đang điều trị trong bệnh viện. Hơn 650 người thuộc các lực lượng của Quân khu 2, công an, bộ đội biên phòng, lực lượng tại chỗ của địa phương, 5 chó nghiệp vụ cùng các phương tiện vẫn đang tìm kiếm người mất tích.

Hải quan cửa khẩu Lào Cai thông quan hơn 830 xe hàng trong 2 ngày hoạt động trở lại

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai, trong 2 ngày cửa khẩu Lào Cai hoạt động trở lại, đơn vị đã thông quan cho 838 xe hàng xuất - nhập khẩu.

Hoạt động xuất - nhập khẩu tại Cửa khẩu Kim Thành

Hoạt động xuất - nhập khẩu tại Cửa khẩu Kim Thành

Trước đó, do ảnh hưởng của mưa lũ trên địa bàn, hoạt động xuất - nhập cảnh, xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai (cầu Hồ Kiều) và Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành tạm dừng từ đầu giờ chiều 9/9/2024.

Sau khi cơ quan chức năng của Lào Cai và Hà Khẩu (Trung Quốc) thống nhất khôi phục trở lại hoạt động xuất - nhập khẩu, xuất - nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai và Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã chủ động các phương án để vừa đảm bảo an toàn cho công chức, vừa sẵn sàng giải quyết thủ tục hải quan, đảm bảo công tác quản lý, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Ông Phạm Văn Phúc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 2 ngày cửa khẩu Lào Cai hoạt động trở lại (11 - 12/9), đơn vị đã thông quan cho 838 xe hàng xuất - nhập khẩu, trong đó 450 xe xuất, 388 xe nhập.

Dự báo lượng xe làm thủ tục thông quan trong những ngày tới sẽ tăng nên đơn vị duy trì trực đủ quân số để đảm bảo thông quan thuận lợi, thông suốt.

Lập cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ

Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều doanh nghiệp vận tải bố trí xe và đăng ký thực hiện các chuyến xe 0 đồng vận chuyển hàng cứu trợ đến người dân vùng lũ, từ ngày 13/9.

Xe chở hàng cứu trợ miễn phí đến vùng bão lũ. Ảnh minh họa

Xe chở hàng cứu trợ miễn phí đến vùng bão lũ. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên Hiệp hội thiết lập một chương trình ý nghĩa và dài hơi để ủng hộ người dân vùng lũ bão.

Từ ngày 13/9, các tổ chức, cá nhân có hàng hóa cứu trợ mà chưa có xe vận chuyển có thể liên hệ chương trình để được cung cấp các chuyến xe miễn phí.

Người gửi hàng phải ký cam kết tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng cứu trợ. Ban tổ chức chỉ nhận vận chuyển các đơn hàng đủ một chuyến xe 3,5 tấn, 5 tấn, 7 tấn. Người gửi thông báo giờ xếp hàng, số lượng, loại hàng, trọng lượng, địa điểm đón - trả, người giao, người nhận; đồng thời bố trí người xếp hàng lên xuống xe và cử người đi cùng xe vận chuyển.

Ban tổ chức trả lời về việc cung cấp xe vận chuyển sau 3 tiếng nhận thông tin. Với các yêu cầu đặt xe sau 17h sẽ được thông báo thời gian cung cấp xe vào sáng ngày hôm sau. Ban tổ chức chỉ giao hàng tại các điểm có sự đồng ý hoặc giám sát của các cơ quan, tổ chức như UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc, Hội chữ thập đỏ, trường học, đồn biên phòng...

Đến nay, 7 chuyến xe vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí đã tới Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ.

Chuyên đề