Bản tin thời sự sáng 14/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là hệ thống có thêm gần 1.000 MW từ dự án điện tái tạo chuyển tiếp; nhiều lãnh đạo ở Thanh Hóa bị cách tất cả chức vụ trong đảng; Nội Bài vào top sân bay quốc tế không để khách xếp hàng chờ quá lâu; Đắk Nông chuẩn bị cắt tràn xả lũ, hạ mực nước hồ thủy lợi 2,1 triệu m3…

Hệ thống có thêm gần 1.000 MW từ dự án điện tái tạo chuyển tiếp

18 nhà máy, phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất hơn 952 MW vận hành thương mại, phát điện lên lưới quốc gia.

Hệ thống có thêm gần 1.000 MW từ dự án điện tái tạo chuyển tiếp. Ảnh minh họa

Hệ thống có thêm gần 1.000 MW từ dự án điện tái tạo chuyển tiếp. Ảnh minh họa

Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết 11/8, gần 93% dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện (PPA), sau hơn 3 tháng đốc thúc. Còn 6 dự án, tổng công suất gần 285 MW vẫn chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện đến EVN.

Trong nhóm đã gửi hồ sơ, 67 dự án (công suất gần 3.850 MW) đề nghị giá tạm bằng một nửa mức trần khung giá của Bộ Công Thương, tức 754 - 908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió. EVN và chủ đầu tư đã đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 59 dự án, và 58 dự án trong số này được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm (tổng công suất hơn 3.181 MW).

Đến nay, 18 dự án hoàn thành vận hành thương mại (COD), phát điện lên lưới, tổng công suất hơn 952 MW. Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp từ thời điểm COD đến ngày 10/8 khoảng 268 triệu kWh. Mức huy động này tăng gần gấp đôi so với cách đây gần một tháng. Bình quân mỗi ngày, số dự án này "góp" cho hệ thống điện quốc gia khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành tiến độ là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN theo khung phát điện của Bộ Công Thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20 - 30% trước đây.

Nhiều lãnh đạo ở Thanh Hóa bị cách tất cả chức vụ trong Đảng

Ngày 13/8, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo về kết quả xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Nhiều lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng

Nhiều lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng

Theo thông báo, tại Kỳ họp thứ 30, ngày 13/7, UBKT Trung ương đã xem xét, biểu quyết thi hành kỷ luật đối với tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm.

Căn cứ các quy định và hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng; thực hiện chỉ đạo của UBKT Trung ương về yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định thi hành kỷ luật, ngày 13/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã quyết định thi hành kỷ luật đối với các tổ chức Đảng, đảng viên.

Cụ thể, kỷ luật khiển trách đối với: Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đảng ủy Sở Thông tin và Truyền thông, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Kỷ luật cảnh cáo đối với: Đảng ủy Sở Tài chính, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng ủy Sở Y tế, nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020; Đảng ủy Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhiệm kỳ 2015 - 2020; Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường, nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020; Đảng ủy Sở Xây dựng, nhiệm kỳ 2010 - 2015; Đảng ủy Cục thuế Tỉnh, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Kỷ luật cảnh cáo đối với các ông: Nguyễn Minh Huân, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng; Hồ Xuân Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh; Hoàng Văn Thế, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với các ông, bà: Lưu Trọng Quang, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thị Thủy, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Hà Mạnh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tài chính.

Cùng với việc xử lý kỷ luật về Đảng, các đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật về hành chính và đoàn thể đồng bộ với kỷ luật về Đảng theo quy định.

Nội Bài vào top sân bay quốc tế không để khách xếp hàng chờ quá lâu

Sân bay quốc tế Nội Bài vào top 20 cảng hàng không có thời gian chờ làm thủ tục thoải mái nhất, theo đánh giá của hành khách toàn cầu trên Airline Quality.

Một nhân viên an ninh hỗ trợ hướng dẫn hành khách tại sân bay Nội Bài

Một nhân viên an ninh hỗ trợ hướng dẫn hành khách tại sân bay Nội Bài

Để tìm ra sân bay nào có thời gian xếp hàng ngắn hoặc dài nhất thế giới, Casago, website chuyên cung cấp dịch vụ du lịch, phân tích đánh giá của hành khách trên Airline Quality. Trong đó, mỗi bài đánh giá đều chấm điểm trải nghiệm chờ đợi làm thủ tục từ 1 đến 5 sao, tương ứng với việc phải xếp hàng dài hay ngắn.

Sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đứng thứ 11 với 63,33% đánh giá 4 và 5 sao về thời gian xếp hàng. Sân bay Tân Sơn Nhất không có tên trong bảng xếp hạng của Casago.

Đứng đầu danh sách là sân bay quốc tế Changi Singapore với 74,5% đánh giá tích cực. Đây cũng là sân bay đạt giải thưởng tốt nhất thế giới của Skytrax năm 2023.

Tiếp theo là sân bay quốc tế Siem Reap ở Campuchia với 71,43%. Đứng thứ ba là sân bay quốc tế Cape Town của Nam Phi với 70,45%, thứ tư là sân bay quốc tế Haneda ở Tokyo, Nhật Bản với 68,25% bình luận tích cực.

Top 20 có các đại diện khác từ châu Á như sân bay quốc tế Hong Kong (Trung Quốc) ở vị trí thứ 9; sân bay quốc tế Narita của Tokyo, Nhật Bản ở vị trí thứ 15; và sân bay Incheon tại Seoul, Hàn Quốc ở vị trí thứ 20.

10 sân bay đem đến trải nghiệm tệ nhất trong quá trình chờ đợi là Grenoble Alpes Isère tại Pháp, Berlin Brandenburg ở Đức, Bordeaux và Paris-Beauvais của Pháp, sân bay London Stansted và London Luton tại Anh, Heraklion của Hy Lạp, Belfast ở Anh, Brussels South Charleroi tại Bỉ, và Geneva của Thụy Sĩ.

Theo đó, sân bay Grenoble Alpes Isère ở Pháp là sân bay đem đến trải nghiệm xếp hàng tệ nhất thế giới, với chỉ 1,59% đánh giá 4 và 5 sao. Vào mùa trượt tuyết, hành khách phải chịu cảnh đông đúc và xếp hàng dài.

Bộ Tài chính muốn thu phí khí thải

Là khoản thu mới nhằm bảo vệ môi trường, phí khí thải dự kiến giúp ngân sách có thêm 1.200 tỷ đồng một năm, theo Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính tính toán khoản thu phí bảo vệ môi trường với khí thải nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu 1.200 tỷ đồng một năm. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính tính toán khoản thu phí bảo vệ môi trường với khí thải nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu 1.200 tỷ đồng một năm. Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định quy định phí bảo vệ môi trường với khí thải đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.

Cơ quan này cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế, chất lượng không khí tại các thành phố lớn, khu công nghiệp, làng nghề Việt Nam đang ngày càng suy giảm, tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, thiệt hại cho nền kinh tế, đe doạ đến môi trường.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là các cơ sở và phương tiện giao thông xả khí thải.

Việt Nam hiện có khoảng 5,1 triệu ôtô cùng một lượng lớn xe máy lưu hành; hàng chục khu tổ hợp, liên hợp trong đó tập trung nhiều dự án, loại hình sản xuất bauxite, gang thép, lọc hóa dầu, trung tâm điện lực đang hoạt động. Ngoài ra, có gần 120.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó 138 đơn vị gây ô nhiễm nghiêm trọng; khoảng 110.000 doanh nghiệp xây dựng. Các cơ sở này phát sinh khối lượng lớn khí thải công nghiệp, bụi thải, tác động xấu đến môi trường.

Theo Bộ Tài chính, phần lớn các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm không khí chưa ý thức đầy đủ trách nhiệm của mình. Do đó, việc nghiên cứu, xây dựng Nghị định phí bảo vệ môi trường với khí thải là cần thiết.

Vì đây là chính sách mới, để có cơ sở tính toán số phí, nguồn thải nộp phí, phải xác định được khối lượng chất gây ô nhiễm. Trước mắt, Bộ đề nghị Chính phủ chỉ quy định với các đơn vị như sản xuất gang thép, luyện kim, than cốc, hoá chất vô cơ cơ bản, phân bón vô cơ và hợp chất nitơ, lọc hoá dầu, nhiệt điện, xi măng phải nộp phí này.

Theo đó, mức phí được xây dựng gồm hai phần: Phí cố định thu đối với mọi cơ sở xả khí thải, để bảo đảm chi phí xử lý các chất nằm ngoài 4 chất (bụi tổng, NOx, SOx, CO); Phí biến đổi thu bổ sung với các cơ sở phải quan trắc khí thải (thu đối với 4 chất: bụi tổng, NOx, SOx, CO).

Về tác động đến ngân sách, Bộ Tài chính tính toán khoản thu mới nếu được thực hiện sẽ giúp tăng thu 1.200 tỷ đồng một năm. Số tiền này góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại địa phương nơi có nguồn thải.

Đắk Nông chuẩn bị cắt tràn xả lũ, hạ mực nước hồ thủy lợi 2,1 triệu m3

Cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông chuẩn bị cắt tràn xả lũ hồ thủy lợi Đắk N'ting có dung tích hơn 2,1 triệu m3 để hạ mực nước hồ trong thời gian nhanh nhất, tránh nguy cơ vỡ đập.

Hồ thủy lợi Đắk N'ting với dung tích hơn 2,1 triệu m3 nước đang xảy ra sự cố nứt nẻ, sạt trượt, có nguy cơ vỡ đập, ảnh hưởng đến vùng hạ lưu

Hồ thủy lợi Đắk N'ting với dung tích hơn 2,1 triệu m3 nước đang xảy ra sự cố nứt nẻ, sạt trượt, có nguy cơ vỡ đập, ảnh hưởng đến vùng hạ lưu

Chiều 13/8, ông Nguyễn Văn Nghĩa - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đắk Nông (chủ đầu tư) cho biết, vừa qua tại công trình hồ thủy lợi Đắk N'ting có dung tích hơn 2,1 triệu m3 nước xảy ra sự cố nứt nẻ, dịch chuyển quả đồi phía trên... Sự việc này làm ảnh hưởng đến cầu, tràn xả lũ, thân đập, có nguy cơ gây vỡ đập.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, chủ đầu tư đã phối hợp với cơ quan chức năng bố trí lực lượng, máy móc, phương tiện ứng trực 24/24h tại khu vực xảy ra sự cố.

Đặc biệt, chủ đầu tư đã khẩn trương, chủ động đào rãnh thoát nước mặt, đầm trám các vết nứt không cho nước tiếp tục chảy xuống các vị trí này.

Chủ đầu tư cũng đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khoan sâu vào vai tràn xả lũ khoảng 50 m. Việc này nhằm mục đích thoát nước trong khối sạt trượt ra, không làm ảnh hưởng đến thân đập.

Cùng với các biện pháp trên, chủ đầu tư cũng tiến hành xả đáy để hạ thấp mực nước trong hồ thủy lợi Đắk N'ting. Thế nhưng, lưu lượng nước đi và về hồ vẫn rất lớn, ước tính tương đương nhau.

Do đó, chủ đầu tư Dự án hồ thủy lợi Đắk N'ting đã lên phương án đưa máy cắt bê tông từ TP.HCM lên để tiến hành cắt tràn xả lũ.

Mục đích của việc này là để rút ngắn thời gian hạ mực nước hồ nhanh nhất có thể. Qua đó, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, khi có sự cố xảy ra.

Về lâu dài, chủ đầu tư sẽ thuê đơn vị tư vấn độc lập tiến hành khoan khảo sát địa chất, đánh giá mức độ sụt trượt, ảnh hưởng thiệt hại đối với công trình. Từ đó có các giải pháp lâu dài để bảo đảm an toàn cho công trình.

Chuẩn bị đầu tư loạt dự án nạo vét luồng hàng hải

Cục Hàng hải Việt Nam đang tích cực triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư nhiều dự án duy tu luồng hàng hải sau khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có các văn bản chỉ đạo thực hiện kế hoạch bảo trì công trình hàng hải năm 2023.

Dự án duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu, tổng kinh phí dự kiến trong 2 năm là 588 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Dự án duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu, tổng kinh phí dự kiến trong 2 năm là 588 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Các dự án được Cục Hàng hải "điểm danh" gồm luồng kênh Cái Tráp, luồng Rạch Giá, Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện), luồng Hải Thịnh, Cửa Lò, luồng Đà Nẵng, Sa Kỳ, luồng Soài Rạp, Sài Gòn - Vũng Tàu, luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu.

Trong đó, hai dự án luồng kênh Cái Tráp và luồng Rạch Giá sẽ phải hoàn thiện trong năm 2023 và các công trình còn lại thực hiện trong 2 năm 2023 - 2024.

Cụ thể, luồng kênh Cái Tráp (tổng kinh phí khoảng 19,8 tỷ đồng) có chuẩn tắc nạo vét đạt độ sâu -1,8 m với khối lượng nạo vét dự kiến 50.000 m3. Luồng Rạch Giá (tổng kinh phí khoảng 30 tỷ đồng) có chuẩn tắc nạo vét đạt độ sâu -2,5 m với khối lượng nạo vét dự kiến 100.000 m3.

Với các luồng hàng hải thực hiện duy tu trong 2 năm 2023 - 2024 đều là những dự án lớn. Trong đó, Dự án luồng Hải Phòng (đoạn Lạch Huyện) có kinh phí khoảng 346 tỷ đồng, chuẩn tắc dự kiến nạo vét đạt -13 m với khối lượng nạo vét khoảng 1,8 triệu m3.

Dự án luồng Soài Rạp có kinh phí hơn 499 tỷ đồng có khối lượng nạo vét dự kiến hơn 1 triệu m3 để đạt chuẩn tắc nạo vét tới -8,5 m. Cũng có chuẩn tắc nạo vét dự kiến đạt -8,5m, Dự án nạo vét luồng Sài Gòn - Vũng Tàu có tổng kinh phí dự kiến trong 2 năm khoảng 267 tỷ đồng.

Riêng Dự án duy tu luồng hàng hải cho tàu biển trọng tải lớn sông Hậu, tổng kinh phí dự kiến trong 2 năm là 588 tỷ đồng với khối lượng nạo vét dự kiến hơn 2 triệu m3, xuống độ sâu -5 m.

Thành ủy TP.HCM cho Công ty Vận hành metro số 1 mượn 16 tỷ đồng

Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Thường trực Thành ủy xem xét, chỉ đạo về việc Công ty Vận hành metro số 1 tiếp tục được tạm ứng số tiền 16 tỷ đồng nhằm có kinh phí chuẩn bị cho công tác nhân sự và chi trả nợ các khoản bảo hiểm xã hội, chi trả lương cho người lao động.

Tàu metro chạy thử hồi tháng 4/2023

Tàu metro chạy thử hồi tháng 4/2023

Trong báo cáo mới đây của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đơn vị này cho biết, Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (Công ty Vận hành metro số 1) đã được Thành ủy TP.HCM cho mượn số tiền 16 tỷ đồng.

Cụ thể, đầu tháng 7 năm nay, Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM đã trình Thường trực Thành ủy xem xét, chỉ đạo về việc Công ty Vận hành metro số 1 tiếp tục được tạm ứng số tiền 16 tỷ đồng.

Đến đầu tháng 8, Văn phòng Thành ủy TP.HCM đã thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về việc cho Công ty Vận hành metro số 1 mượn kinh phí theo đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND TP.HCM.

Trước đó, Công ty Vận hành metro số 1 đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận và báo cáo Ban cán sự đảng UBND Thành phố và Thường trực Thành ủy cho Công ty được tạm mượn 16 tỷ đồng từ nguồn quỹ dự trữ ngân sách Đảng của Đảng bộ Thành phố.

Mục đích của việc mượn số tiền 16 tỷ đồng là nhằm có kinh phí chuẩn bị cho công tác nhân sự và chi trả nợ các khoản bảo hiểm xã hội, chi trả lương cho người lao động trong giai đoạn hiện nay. Công ty cũng cho biết sẽ hoàn trả số tiền đã tạm mượn của Thành phố khi được cấp kinh phí hoạt động.

Lâm Đồng xem xét thu hồi dự án nợ tiền gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng

Ngày 13/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận được văn bản của Cục Thuế Tỉnh về việc rà soát, phối hợp cung cấp thông tin đối với các dự án đã được Tỉnh chấp thuận chủ trương gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, gia hạn dự án đầu tư trên địa bàn.

Cơ quan thuế đã có ý kiến kiến nghị rà soát, thu hồi dự án nợ tiền gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng

Cơ quan thuế đã có ý kiến kiến nghị rà soát, thu hồi dự án nợ tiền gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng

Qua rà soát, Cục Thuế tỉnh Lâm Đồng phát hiện có 10 trường hợp gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo Thông báo Kết luận 929 năm 2020 của Thanh tra Chính phủ với tổng số tiền gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng còn phải nộp đến ngày 31/7/2023 là 3,5 tỷ đồng.

Trước đó, Sở Tài chính ban hành thông báo nghĩa vụ tài chính đối với 8 trường hợp với tổng số tiền gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng còn phải nộp là 1,3 tỷ đồng.

Đó là Công ty TNHH Phát Lâm - nay đổi tên thành Công ty TNHH Mỹ Kim Land, Công ty TNHH Thương mại Tín Dũng, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Nhơn Thành, Công ty TNHH SX TM&DV Tầm Vong, DNTN Đại Đức - nay là Công ty TNHH Đại Đức, Công ty TNHH Lâm Thành, Công ty TNHH XDTM Song Hải Long và Công ty TNHH Đăng Lộc.

Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã ban hành thông báo nghĩa vụ tài chính 2 trường hợp (Công ty TNHH Lâm Sinh Tài và Công ty CP Bất động sản Ruby) với tổng số tiền gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng còn phải nộp là 220 triệu đồng.

Có 1 trường hợp gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo Thông báo Kết luận 929/KL-TTCP. Cụ thể, Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa Hồng Đức đã nộp vào ngân sách nhà nước 1,6 tỷ đồng.

Có 2 đơn vị (Công ty TNHH Quốc Việt và Công ty CP Đầu tư Thái Bảo) chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định đến ngày 31/7/2023 với tổng số tiền 1,9 tỷ đồng

Từ thực tế này, Cục Thuế tiếp tục kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND Tỉnh xem xét thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.

Chuyên đề