Bản tin thời sự sáng 14/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Hà Nội dự kiến xây nhà hát Hồ Tây; hơn 1.800 tỷ đồng xây cầu nối TP.HCM - Đồng Nai; xe buýt Hà Nội chạy 100% công suất từ ngày 15/7; hơn 34.000 chủ xe chưa nạp tiền vẫn đi làn thu phí không dừng…

Hà Nội dự kiến xây nhà hát Hồ Tây

Nhà hát có thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, sẽ là không gian trình diễn nghệ thuật, tổ chức các sự kiện văn hóa chính trị của Thủ đô.

Phối cảnh công trình nhà hát ở hồ Đầm Trị, phường Quảng An, Tây Hồ.

Phối cảnh công trình nhà hát ở hồ Đầm Trị, phường Quảng An, Tây Hồ.

Công trình nhà hát là điểm nhấn kiến trúc của Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, đang được UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) lấy ý kiến cộng đồng dân cư.

Phó Chủ tịch quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, nhà hát được xây dựng ở khu vực hồ Đầm Trị nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mặt nước, cũng không nằm trong diện tích mặt nước Hồ Tây. Công trình dự kiến do kiến trúc sư nổi tiếng thế giới người Italy Renzo Piano thiết kế, sẽ trở thành biểu tượng văn hóa mới của Thủ đô, góp phần nâng cao giá trị nghệ thuật, tinh thần của người dân.

Để lấy ý kiến cộng đồng, Quận đã tổ chức treo pano quy hoạch ở bốn địa điểm trong khu vực bán đảo Quảng An; công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử. Dự kiến trong tuần này, Quận tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch, sau đó UBND phường nằm trong khu vực nghiên cứu quy hoạch cũng sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân.

Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500, có tổng diện tích nghiên cứu hơn 77 ha, trong đó quy mô lập quy hoạch trên 45 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên.

Hơn 1.800 tỷ đồng xây cầu nối TP.HCM - Đồng Nai

Cầu Nhơn Trạch nối TP.HCM qua Đồng Nai, thuộc đường Vành đai 3 vừa được ký hợp đồng xây dựng với kinh phí hơn 1.800 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch.

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch.

Hợp đồng xây dựng cầu Nhơn Trạch (Gói thầu CW1) vừa được ký kết ngày 13/7 giữa Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông vận tải) và Công ty Kumho Engineering & Construction Co., Ltd (Hàn Quốc). Nhà thầu sẽ thi công ngay sau khi TP.HCM và Đồng Nai bàn giao mặt bằng.

Cầu Nhơn Trạch bắc qua sông Đồng Nai, dài hơn 2 km, rộng 19,5 m, cùng đường dẫn ở hai bên dài gần 600 m. Công trình nằm trong Dự án 1A của đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, thuộc Vành đai 3 TP.HCM. Khi hoàn thành, cầu giúp rút ngắn đường từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua TP.HCM, Bình Dương; hạn chế xe vào nội đô các tỉnh, thành.

Dự án 1A dài hơn 8 km, kết nối Tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Giai đoạn một, tuyến được xây dựng rộng 20,5 - 26 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Kinh phí đầu tư hơn 6.900 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.

Vành đai 3 đi qua TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và Quốc lộ 22 - Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước - Tân Vạn thuộc Bình Dương) dài 16 km đã đầu tư hoàn thành.

Hoàn thành 30 km đường xuyên núi nối Kon Tum với Quảng Ngãi

Sau gần hai năm khởi công, Dự án nâng cấp, mở rộng các đoạn xung yếu trên Quốc lộ 24 qua tỉnh Kon Tum, tổng đầu tư gần 850 tỷ đồng, đã hoàn thành.

Quốc lộ 24 mở rộng từ rộng 5-7 m lên 9-10 m

Quốc lộ 24 mở rộng từ rộng 5-7 m lên 9-10 m

Theo ông Phan Mười, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Kon Tum, đơn vị thi công đang hoàn thiện những hạng mục cuối như lắp biển báo, lan can, kẻ đường, mương thoát nước... chuẩn bị bàn giao cho Bộ Giao thông vận tải.

Dự án thành phần 2 - Quốc lộ 24 do Sở Giao thông vận tải Kon Tum làm chủ đầu tư, khởi công tháng 7/2020. Dự án bắt đầu từ xã Hiếu, huyện Kon Plông đến TP Kon Tum. Mục tiêu dự án nâng cấp hơn 30 km rộng 5 - 7 m lên 9 - 10 m.

Phần lớn đoạn đường được nâng cấp đi từ xã Hiếu, huyện Kon Plông đến thị trấn Măng Đen. Tuyến đường này nhiều đồi núi hiểm trở, ngoằn ngoèo và xuyên qua những cánh rừng. Để giúp các xe chạy trên tuyến được thuận lợi, an toàn, Dự án đã chỉnh, nắn khoảng 30 đoạn có cua nguy hiểm, độ cao, vực sâu lớn.

Quốc lộ 24 dài trên 168 km (qua Quảng Ngãi 68 km, Kon Tum 100 km) là tuyến giao thông đặc biệt quan trọng, huyết mạch nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với Khu công nghiệp Dung Quất…

Xe buýt Hà Nội chạy 100% công suất từ ngày 15/7

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách đang ngày một tăng cao, Sở GTVT Hà Nội vừa chấp thuận cho xe buýt có trợ giá của Thành phố hoạt động 100% công suất kể từ 15/7.

Xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất từ 15/7

Xe buýt Hà Nội được hoạt động 100% công suất từ 15/7

Văn bản chấp thuận của Sở GTVT Hà Nội gửi Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Thành phố (HPTC) nêu rõ, yêu cầu Trung tâm có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị vận hành tổ chức thực hiện theo đúng phương án vận hành đối với các tuyến buýt trợ giá đã được chấp thuận.

HPTC tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ trên tuyến, chất lượng phương tiện đưa vào khai thác vận hành, xe xuất bến theo đúng thời gian đã được phê duyệt và nhu cầu đi lại của hành khách đề xuất phương án vận hành tuyến cho phù hợp; kiểm tra, xử lý theo quy định đối với đơn vị không đủ về phương tiện và người lái trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Sở GTVT Hà Nội đề nghị các đơn vị vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt triển khai các điều kiện để thực hiện đúng, đủ các chỉ tiêu khai thác vận hành tuyến đã được Sở phê duyệt.

Trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn Thủ đô, từ ngày 16/3/2022, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị vận hành buýt giảm 15% công suất để phòng chống dịch.

Hơn 34.000 chủ xe chưa nạp tiền vẫn đi làn thu phí không dừng

Sau một tháng thu phí không dừng (ETC) trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đơn vị quản lý ghi nhận hơn 34.000 lượt xe chưa nạp tiền để đi làn ETC.

Dán thẻ ePass trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Dán thẻ ePass trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Theo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi - đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), trong tháng 6 (tháng đầu tiên áp dụng ETC toàn tuyến), trung bình mỗi ngày có 46.500 lượt xe, ngày cao điểm hơn 60.000 lượt xe chạy trên tuyến.

Vidifi ghi nhận 5,2% xe đi vào chưa dán thẻ, chưa nạp tiền, không đủ số dư thanh toán. Trong đó, hơn 13.200 lượt chưa dán thẻ ETC đi vào cao tốc; hơn 34.300 lượt đã có tài khoản song chưa nạp tiền; gần 25.000 lượt không đủ số dư trong tài khoản khi ra cao tốc.

Những chủ xe chưa mở tài khoản được yêu cầu mở và dán thẻ ETC. Chủ xe chưa có tiền trong tài khoản phải nạp tiền đủ số dư tối thiểu. Chủ xe không đủ tiền trong tài khoản phải trả bằng tiền mặt ở làn ra theo phương án xử lý sự cố.

Hiện, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tạm áp dụng hạn mức đầu vào 40.000 đồng, tương đương mức phí chặng ngắn nhất, đối với xe dán thẻ eTag do Công ty VETC cung cấp. Tuy nhiên, xe dán thẻ ePass do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cung cấp không cần tài khoản có đủ hạn mức đầu vào, dẫn đến nhiều chủ xe không đủ tiền vẫn vào cao tốc.

Từ ngày 1/6, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thu phí không dừng toàn bộ. Chủ xe phải sử dụng một trong hai loại thẻ eTag hoặc ePass của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không dừng. Sau tuyến này, các cao tốc khác như TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai sẽ được lắp đặt và thu phí ETC toàn bộ.

Chuyên đề