Bản tin thời sự sáng 14/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là giá xăng tăng lần thứ 6 liên tiếp,  vượt 32.000 đồng một lít; ông Tề Trí Dũng tiếp tục bị khởi tố vì sai phạm ở Sepzone Linh Trung; Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ; đề xuất mở tàu cao tốc từ TP.HCM đi Tiền Giang, Bến Tre…

Tăng lần thứ 6 liên tiếp, giá xăng vượt 32.000 đồng một lít

Từ 15h ngày 13/6, mỗi lít xăng tăng 800 - 880 đồng trong khi dầu tăng hơn 2.000 đồng và thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay.

Từ 15h ngày 13/6, giá xăng vượt 32.000 đồng một lít

Từ 15h ngày 13/6, giá xăng vượt 32.000 đồng một lít

Sau điều chỉnh của Liên bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng bán lẻ trong nước lập kỷ lục mới. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 là 31.110 đồng một lít; RON 95-III vượt 32.000 đồng, lên mức 32.370 đồng một lít. RON 95-III là loại bán phổ biến, chiếm gần 70% lượng tiêu thụ trên thị trường và được Liên bộ Công Thương - Tài chính điều hành giá.

Các mặt hàng dầu (dầu hoả, dầu diesel) ở kỳ điều hành này tăng khá mạnh, trên 2.000 đồng một lít. Dầu hoả đắt thêm 2.490 đồng, lên mức giá 27.830 đồng một lít. Dầu diesel cũng tăng 2.630 đồng, lên 29.020 đồng một lít. Riêng dầu mazut giảm 550 đồng một lít, còn 20.350 đồng.

Đây là lần tăng giá thứ sáu liên tiếp từ ngày 21/4 đến nay. Tổng cộng, xăng RON 95-III đắt thêm 5.060 đồng mỗi lít, còn xăng E5 RON 92 thêm 4.640 đồng.

Ông Tề Trí Dũng tiếp tục bị khởi tố vì sai phạm ở Sepzone Linh Trung

Ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc IPC, Phó Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Sepzone Linh Trung) tiếp tục bị khởi tố vì sai phạm ở Sepzone Linh Trung.

Ông Tề Trí Dũng tiếp tục bị khởi tố vì sai phạm ở Sepzone Linh Trung

Ông Tề Trí Dũng tiếp tục bị khởi tố vì sai phạm ở Sepzone Linh Trung

Chiều 13/6, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã khởi tố ông Tề Trí Dũng (cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn - SADECO) về tội “Tham ô tài sản” liên quan đến việc chiếm đoạt 70.000 USD tiền thù lao và tiền thưởng người đại diện vốn không chuyên trách do Công ty TNHH Sepzone Linh Trung chi trả cho thành viên Hội đồng thành viên.

Theo đó, Công ty TNHH Sepzone Linh Trung là công ty liên danh với IPC. Công ty IPC nắm giữ 50% vốn điều lệ tại Công ty Sepzone Linh Trung.

Trước đó, ngày 6/6, Công an TP.HCM cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc Công ty SADECO), Vũ Xuân Đức (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty IPC) và Trần Đăng Linh (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty IPC) về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí”. Cả 4 bị can bị khởi tố vì liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển nhượng nền đất tại Dự án Khu định cư An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Ngoài ra, mới đây, ông Tề Trí Dũng bị TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên phạt 19 năm tù trong vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO cho Nguyễn Kim.

Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Việt Nam không còn là đối tượng bị phân tích nâng cao về thao túng tiền tệ, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính Mỹ.

Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Bộ Tài chính Mỹ vừa ban hành Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ", trong đó tiếp tục xem xét các đối tác thương mại chính trên 3 tiêu chí theo Đạo luật năm 2015: thặng dư thương mại song phương với Mỹ, thặng dư cán cân vãng lai và can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Tại kỳ báo cáo này, Việt Nam không còn đáp ứng cả 3 tiêu chí nên Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam (cùng với Đài Loan) ra khỏi danh sách "đối tượng bị phân tích nâng cao" và trở lại "danh sách giám sát". 10 nền kinh tế còn lại nằm trong danh sách giám sát này gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Mexico.

Một nền kinh tế đáp ứng hai trong ba tiêu chí theo Đạo luật năm 2015 sẽ được Mỹ đưa vào "danh sách giám sát". Một khi nằm trong danh sách này, nền kinh tế đó cũng sẽ tiếp tục trong danh sách này ít nhất hai kỳ báo cáo liên tiếp - để xác định sự cải thiện mang tính lâu dài.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong cả năm 2021, Việt Nam đáp ứng tiêu chí Bộ Tài chính Mỹ đưa ra là thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Mỹ ở mức 90 tỷ USD (ngưỡng 15 tỷ USD).

Tại báo cáo lần này, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Mỹ với Việt Nam ngày 5/4, Bộ Tài chính Mỹ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua. Nhà điều hành này đã thể hiện sự nghiêm túc trong việc giải quyết các quan ngại của phía Mỹ và duy trì được ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức.

Đề xuất mở tàu cao tốc từ TP.HCM đi Tiền Giang, Bến Tre

Sở Giao thông Vận tải TP.HCM dự tính mở tuyến tàu cao tốc từ khu trung tâm đi Tiền Giang, Bến Tre, dài hơn 100 km, hoạt động 6h - 18h mỗi ngày, để phát triển du lịch.

Tàu cao tốc do Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP khai thác chạy trên sông Sài Gòn

Tàu cao tốc do Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP khai thác chạy trên sông Sài Gòn

Nội dung vừa được Sở Giao thông vận tải gửi Sở Du lịch TP.HCM cùng các sở ngành liên quan thuộc tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, nhằm phối hợp khảo sát và thống nhất kế hoạch triển khai.

Theo phương án được ngành giao thông Thành phố dự tính, hành trình tàu chạy đến Tiền Giang có cự ly 110 km; đến tỉnh Bến Tre khoảng 120 km. Các tuyến dự kiến có điểm đầu từ bến Bạch Đằng (Quận 1) hoặc cảng Sài Gòn, Nhà Rồng (Quận 4), sau đó theo sông Sài Gòn - Nhà Bè - Soài Rạp - Vàm Cỏ (hoặc theo kênh Nước Mặn, sông Cần Giuộc) - kênh Chợ Gạo - sông Tiền rồi đến cảng, bến thuộc Tiền Giang và Bến Tre.

Phương tiện trên tuyến dự kiến là tàu có sức chở 75 - 151 khách. Tàu chạy thẳng từ TP.HCM đến Tiền Giang, Bến Tre và ngược lại, không dừng đón trả khách trên hành trình.

Hai tuyến tàu cao tốc dự kiến đưa vào khai thác từ quý III năm nay, sau khi các bên khảo sát thực tế và thống nhất thực hiện. Thời gian đầu, các tàu dự kiến hoạt động 6h - 18h, sau đó điều chỉnh phù hợp thực tế, nhu cầu của khách...

Ngoài hai tuyến nêu trên, Sở Giao thông vận tải đang phối hợp các bên liên quan triển khai tàu cao tốc từ TP.HCM đi Côn Đảo.

Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đắk Glong bị khai trừ Đảng

Ông Phạm Thanh Vỹ - nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) bị kỷ luật do cho doanh nghiệp vay đầu tư dự án, rồi cắt tiền quyết toán để thu hồi vốn và lãi.

Trụ sở Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong, nơi ông Phan Thanh Vỹ làm việc.
Trụ sở Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong, nơi ông Phan Thanh Vỹ làm việc.

Ngày 13/6, Tỉnh ủy Đắk Nông thông báo ông Vỹ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong, bị khai trừ Đảng tại Kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ vừa diễn ra.

Ông Vỹ bị cáo buộc dùng tiền cá nhân cho doanh nghiệp vay, đầu tư dự án ở địa phương. Sau khi các hạng mục dự án hoàn thành, ông cắt tiền quyết toán của doanh nghiệp để thu hồi vốn và lãi vay.

Doanh nghiệp không đồng tình nên đã tố cáo ông Vỹ lên cơ quan công an. Tháng 12/2020, ông Vỹ bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông bắt giữ, khám xét tại nơi làm việc, nhà riêng phục vụ điều tra.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông cho rằng, ông Vỹ vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ được giao; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chiếm đoạt tài sản; vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng; ảnh hưởng uy tín của tổ chức đảng, đơn vị công tác...

Chuyên đề