Bản tin thời sự sáng 14/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Chính phủ đồng ý mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào; hầm lò tại Quảng Ninh sạt lở, 3 công nhân tử vong; hàng trăm trụ sở huyện, xã bỏ không sau sắp xếp; Hà Nội sắp cưỡng chế thu hồi đất để mở rộng đường huyết mạch lên 35 m…

Chính phủ đồng ý mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào

Bộ Công Thương được duyệt chủ trương mua điện từ Dự án điện gió Trường Sơn (Lào) và đầu tư lưới để đấu nối về Việt Nam.

Chính phủ đồng ý mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào. Ảnh minh họa

Chính phủ đồng ý mua điện từ dự án Trường Sơn tại Lào. Ảnh minh họa

Nội dung trên nêu tại văn bản trả lời Bộ Công Thương của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký mới đây.

Dự án điện gió Trường Sơn, công suất 250 MW của Công ty CP Đầu tư năng lượng Việt Lào dự kiến vận hành quý IV/2025. Dự án này dự kiến được đấu nối vào Trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An) để dẫn điện về Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý, việc nhập khẩu và đầu tư lưới để đấu nối từ Dự án về Việt Nam phải bảo đảm phù hợp Quy hoạch điện VIII, các quy định liên quan.

Hợp đồng mua bán điện (PPA) sẽ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đàm phán, ký với chủ đầu tư Dự án điện gió Trường Sơn. Song, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, hợp đồng này phải bảo đảm hiệu quả kinh tế, tức giá, chi phí mua điện hợp lý; cơ sở pháp lý, trách nhiệm các bên và tiêu chí kỹ thuật.

Trước đó, trình Thủ tướng chủ trương mua điện từ dự án này, Bộ Công Thương cho biết, giá điện nhập khẩu sẽ do EVN thỏa thuận với chủ đầu tư bảo đảm không vượt mức trần 6,95 cent một kWh. Trước đó, chủ đầu tư đề xuất giá bán điện đúng bằng mức trần này.

Để bảo đảm tiến độ bán điện cho Việt Nam vào quý IV/2025, chủ đầu tư sẽ làm toàn bộ công trình lưới điện đấu nối từ nhà máy trên đoạn lãnh thổ Việt Nam. Việc này sẽ giúp EVN giảm một phần chi phí đầu tư, theo Bộ Công Thương.

Cơ quan này cũng đánh giá, nhập nguồn điện từ Lào về Việt Nam là cần thiết, tăng khả năng bảo đảm cung ứng, giảm nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, mua điện dự án Trường Sơn (Lào) phù hợp theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam - Lào và Quy hoạch điện VIII.

Theo Hiệp định liên Chính phủ, Việt Nam sẽ mua khoảng 3.000 MW điện từ Lào đến 2025, nhưng tổng công suất mua thực tế có thể thấp hơn mức này, chỉ đạt 1.977 MW. Dù vậy, Quy hoạch điện VIII vẫn đặt ra nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000 - 8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 MW vào năm 2050.

Hiện, tỷ trọng nhập khẩu điện (từ Lào, Trung Quốc) chiếm khoảng 1,6% sản lượng toàn hệ thống, tính tới hết tháng 4, tương đương 1,56 tỷ kWh.

Hầm lò tại Quảng Ninh sạt lở, 3 công nhân tử vong

Lò của Công ty Than Quang Hanh bị sạt lở đất đá trong lúc công nhân đang khai thác than khiến 3 người chết, một người bị thương.

Công ty Than Quang Hanh, nơi xảy ra vụ tai nạn

Công ty Than Quang Hanh, nơi xảy ra vụ tai nạn

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, 15h ngày 13/5, tại lò chợ (nơi thợ trực tiếp khai thác than) của phân xưởng khai thác 7, đất đá bất ngờ sạt lở vùi lấp 4 công nhân. Công tác cứu hộ kéo dài suốt 3,5 giờ, xác định 3 người tử vong gồm anh Bùi Văn Tuyên (33 tuổi, quê Kinh Môn Hải Dương), Đinh Văn Toàn (44 tuổi, quê Sơn Động, Bắc Giang), Lầu A Vư (29 tuổi, quê Bắc Yên, Sơn La). Anh Lý A Chìa (33 tuổi, quê Nậm Pồ, Điện Biên) bị thương.

Gia đình mỗi công nhân tử vong được tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hỗ trợ 58 triệu đồng, lo hậu sự. Người bị thương được hỗ trợ 5 triệu đồng.

Những năm gần đây, sự cố hầm lò liên tục xảy ra tại Quảng Ninh khiến nhiều công nhân thiệt mạng. Tháng 8/2023, 4 công nhân bị vùi lấp khi hầm lò sập tại Công ty CP Than Vàng Danh ở TP. Uông Bí. Tháng 12 cùng năm, vụ lở tầng khai thác ở mỏ than Cọc Sáu khiến 2 người tử vong, 6 người bị thương. Tháng 4 năm nay, vụ cháy khí metan trong lò than Công ty Than Thống Nhất cũng khiến 4 thợ mỏ thiệt mạng.

Hàng trăm trụ sở huyện, xã bỏ không sau sắp xếp

Chính phủ cho biết vẫn còn 52 trụ sở cấp huyện và 297 trụ sở cấp xã dôi dư chưa được xử lý sau sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021.

Trụ sở xã Việt Xuyên (cũ), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bỏ hoang sau sáp nhập

Trụ sở xã Việt Xuyên (cũ), huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh bỏ hoang sau sáp nhập

Chính phủ vừa có dự thảo Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 595/2022 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Giai đoạn 2019 - 2021, 21 đơn vị cấp huyện và 1.057 đơn vị cấp xã ở 45 tỉnh, thành phố đã sắp xếp.

Với cấp huyện, Chính phủ cho biết có 359 trụ sở làm việc phải sắp xếp. Số được sử dụng tại các đơn vị mới thành lập là 250 và dôi dư 109 trụ sở. Đến nay, các địa phương đã chuyển đổi công năng 55/109; thanh lý, bán đấu giá hai và chưa xử lý 52 trụ sở (gần 48%).

Với cấp xã, sau khi thành lập mới 497 đơn vị cấp xã, 1.144 trụ sở được tái sử dụng và dôi dư ra 755. Đến nay, 370/755 đã được chuyển đổi công năng; 88/755 được thanh lý, bán đấu giá và chưa xử lý 297 trụ sở (gần 40%).

Chính phủ đánh giá, việc bố trí, sử dụng các trụ sở dôi dư chưa hiệu quả. Các địa phương chậm triển khai gồm: TP.HCM, Lào Cai, Thanh Hóa, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Bến Tre, Ninh Bình, Hải Phòng, Phú Yên, Vĩnh Long, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Nam Định, Phú Thọ...

Nguyên nhân là công tác định giá tài sản gặp nhiều khó khăn do giá trị tài sản bị giảm sút. Trình tự, thủ tục bán đấu giá kéo dài, phát sinh chi phí bảo quản. Thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất khi đấu giá khó khăn vì cần điều chỉnh quy hoạch, sử dụng đất của địa phương. Việc chuyển đổi công năng gặp nhiều khó khăn do không phù hợp với nhu cầu, trong khi chi phí cải tạo, sửa chữa cao.

Hà Nội sắp cưỡng chế thu hồi đất để mở rộng đường huyết mạch lên 35 m

Huyện Phú Xuyên sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của một số hộ dân theo quy định, bàn giao mặt bằng thi công mở rộng Quốc lộ 1A (giai đoạn 2) dài hơn 700 m, mức đầu tư 156 tỷ đồng sau nhiều năm chậm trễ.

Quốc lộ 1A sẽ được thi công mở rộng trong thời gian tới

Quốc lộ 1A sẽ được thi công mở rộng trong thời gian tới

Năm 2018, TP. Hà Nội ban hành quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cải tạo, chỉnh trang đoạn đường Quốc lộ 1A và hạ tầng khu trung tâm hành chính huyện Phú Xuyên.

Công trình có điểm đầu tại Km207+314,9 (lối vào Trường Trung cấp nghề số 1) đến điểm cuối Km208+58,5 (lối vào sân vận động huyện Phú Xuyên), chiều dài tuyến 743,6 m; mặt cắt ngang 35 m.

Thành phố cũng quyết định cải tạo đoạn đường vào Huyện ủy và UBND huyện Phú Xuyên với điểm đầu tại Km0 giao với Quốc lộ 1A; điểm cuối hết khu vực Huyện ủy, chiều dài 51 m.

Tổng mức đầu tư xây dựng các hạng mục này hơn 156,1 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố. Thời gian thực hiện Dự án trong giai đoạn 2019 - 2020.

Dự án mở rộng Quốc 1A đi qua địa bàn huyện Phú Xuyên đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn và giao thương hàng hóa cho các làng nghề trên địa bàn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Xuyên, đến nay vẫn còn 11/33 hộ gia đình có công trình trên đất hành lang an toàn giao thông và một phần đất ở không chịu phối hợp nên chưa thể tiếp tục thi công Dự án.

Hiện, UBND huyện Phú Xuyên đã lập phương án, kế hoạch để cuối tháng 6/2024 sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đợt 1 đối với 5 hộ gia đình.

Đối với 5 hộ gia đình có công trình xây dựng trên đất hành lang an toàn giao thông và phần diện tích ao nhà thờ không phối hợp thực hiện quy trình các bước giải phóng mặt bằng theo quy định, huyện Phú Xuyên đã xây dựng phương án tổ chức cưỡng chế thu hồi đất, dự kiến thực hiện trong tháng 7/2024.

Quảng Nam điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án kè chống xói lở bờ sông, bờ biển

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông, bờ biển tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và Núi Thành. 3 dự án này sẽ thực hiện trong năm 2024 với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng.

Đợt mưa lớn vào giữa tháng 11/2023, nước sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc dâng cao, chảy xiết, gây sạt lở ở nhiều vị trí ven sông

Đợt mưa lớn vào giữa tháng 11/2023, nước sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc dâng cao, chảy xiết, gây sạt lở ở nhiều vị trí ven sông

Theo quyết định này, Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Quảng Huế, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc, UBND tỉnh Quảng Nam điều chỉnh thành “Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc”. Mục tiêu đầu tư của Dự án là khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Quảng Huế nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, đất canh tác và các công trình hạ tầng ven sông, góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng Dự án.

Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp bờ sông Thu Bồn giai đoạn 2, tại 2 xã Duy Thu và Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam điều chỉnh thành “Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Thu Bồn khu vực xã Duy Thu và xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên”. Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm đầu tư khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, bảo vệ tính mạng, tài sản, đất canh tác và các công trình hạ tầng ven sông, góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng Dự án.

Dự án kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển tại thôn Hà Lộc, ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành được điều chỉnh thành “Dự án khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ biển tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành”. Mục tiêu đầu tư của Dự án nhằm đầu tư xây dựng kè bờ nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển tại thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành...

Cả 3 dự án này đều do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, thực hiện trong năm 2024, từ nguồn ngân sách Trung ương với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng. Trong đó, dự án kè biển tại thôn Hà Lộc có tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng, dự án kè bờ sông Thu Bồn 60,5 tỷ đồng, dự án kè bờ sông Vu Gia 64,5 tỷ đồng.

30 đại diện doanh nghiệp ở Quảng Ninh bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, việc hoãn xuất cảnh là hoạt động thường xuyên của đơn vị đối với các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

30 đại diện doanh nghiệp ở Quảng Ninh bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế. Ảnh minh họa

30 đại diện doanh nghiệp ở Quảng Ninh bị hoãn xuất cảnh vì nợ thuế. Ảnh minh họa

Chỉ tính từ 1/5 đến nay, Cục Thuế Quảng Ninh đã liên tục ra thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh tới 30 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế trên địa bàn.

Riêng từ ngày 13/5, có tới 6 giám đốc doanh nghiệp nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh đến khi người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đó là các giám đốc, người đại diện hợp pháp của các doanh nghiệp: Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Bình An-Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV Hà Thành - Chi nhánh Quảng Ninh, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại 836, Công ty CP Đầu tư Phát triển Bất động sản Thịnh Vượng, Công ty CP Đầu tư Phát triển Thương mại - Dịch vụ Phúc An, Công ty CP Đầu tư Thương mại Đông Bắc.

Lý do tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc các doanh nghiệp trên là doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh, đây là hoạt động thường xuyên của đơn vị đối với các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Các chủ doanh nghiệp này sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh đến khi họ hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Năm 2024, Quảng Ninh đặt ra mục tiêu tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 55.600 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt thu ngân sách nội địa đạt 42.600 tỷ đồng.

Bốn tháng đầu năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 18.880 tỷ đồng, bằng 34% dự toán, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, thu nội địa ước đạt 12.523 tỷ đồng, bằng 29% dự toán, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023.

Vi phạm kinh doanh BĐS, Công ty CP Bình Dương tại Dự án VSIP Bắc Ninh bị xử phạt nặng

Vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản, Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương tại Dự án VSIP Bắc Ninh bị UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 550 triệu đồng.

Toàn cảnh dự án

Toàn cảnh dự án

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 550 triệu đồng đối với Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương có địa chỉ trụ sở chính tại Thửa đất số 265, tờ bản đồ 41, khu phố 3A, phường Thới Hoà, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Người đại diện pháp luật: Ông Trương Văn Nghĩa làm Tổng Giám đốc.

Đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính tại Phần Dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh do Công ty làm nhà đầu tư nhận chuyển nhượng bán nhà ở hình thành trong tương lai mà không có hợp đồng với ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng đối với 155 lô đất do Công ty đã chuyển nhượng năm 2022.

Theo Kết luận số 10 của Thanh tra tỉnh Bắc Ninh, Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương tại Dự án VSIP Bắc Ninh theo quyết định số 18/QĐ-UBND về việc chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư, xác định tiến độ thực hiện "Hoàn thành xây dựng các công trình trên đất trong năm 2021". Tuy nhiên, đến nay dự án chưa hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; chưa điều chỉnh tiến độ đầu tư của dự án theo quy định.

Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh tự ý ký thư chào chuyển nhượng với Công ty Bình Dương khi chưa có văn bản đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh.

Công ty TNHH VSIP Bắc Ninh đã tiến hành bàn giao đất cho Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương trước khi UBND tỉnh Bắc Ninh có Quyết định thu hồi đất và giao đất, chưa đúng theo điều 53 Luật Đất đai 2013.

Về xây dựng, công tác lập dự toán áp sai đơn giá vật liệu, vận dụng một số định mức ở một số công tác chưa phù hợp. Đoàn thanh tra tính toán giảm trừ so với hồ sơ dự toán của Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Bình Dương đã lập với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng.

Chuyên đề