Bản tin thời sự sáng 14/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam dự kiến mở lại toàn bộ đường bay quốc tế từ 15/2; đề xuất đầu tư công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng vốn dự kiến 17.837 tỷ đồng; mâu thuẫn 2.882 tỷ đồng trong dự án của Quốc Cường Gia Lai; cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được vay vốn tín dụng với hạn mức 3.560 tỷ đồng; TP.HCM muốn khởi động lại Dự án Vành đai 2…

Việt Nam dự kiến mở lại toàn bộ đường bay quốc tế từ 15/2

Cục Hàng không Việt Nam đã thông báo đến nhà chức trách các nước về việc không hạn chế khai thác các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/2.

Dự kiến mở toàn bộ đường bay quốc tế từ 15/2

Dự kiến mở toàn bộ đường bay quốc tế từ 15/2

Phó Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn thông tin nội dung trên và cho biết, cơ quan này đang chờ phản hồi của các đơn vị liên quan. Sau đó, Cục sẽ cấp phép bay cho các hãng trong và ngoài nước trên cơ sở phản hồi của nhà chức trách hàng không các nước, nhu cầu thị trường.

Chủ trương của Chính phủ là mở cửa du lịch quốc tế trước 30/3, ngành hàng không phải đi trước một bước.

Theo lãnh đạo Cục Hàng không, dù các chuyến bay quốc tế được khai thác bình thường nhưng quy định về nhập cảnh, phòng chống dịch với hành khách vào Việt Nam vẫn thực hiện theo hướng dẫn của các Bộ Công an, Ngoại giao, Y tế.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không Việt Nam trao đổi với nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ đối tác để quyết định nối lại chuyến bay quốc tế. Từ 1/1, ngành hàng không đã mở lại đường bay tới thị trường Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Đài Bắc, Singapore, Australia, Nga, Anh, Pháp, Đức, nhưng vẫn hạn chế tần suất khai thác theo yêu cầu phòng chống dịch.

Với Trung Quốc, dù Việt Nam đã đề xuất, nước này chưa đồng ý khai thác các chuyến bay thường lệ với Việt Nam. Ngoài ra, hiện Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hạn chế người nhập cảnh trên các chuyến bay từ Việt Nam đến để phòng chống dịch.

Đề xuất đầu tư công cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng vốn dự kiến 17.837 tỷ đồng

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53 km với quy mô 4 - 6 làn xe, được đề xuất đầu tư công với tổng vốn dự kiến 17.837 tỷ đồng.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Hướng tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Bộ Giao thông vận tải vừa trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Dự án có điểm đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh Quốc lộ 1 đoạn qua TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối tại Km53+700 giao với Quốc lộ 56 thuộc TP. Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Tổng chiều dài tuyến đường hơn 53 km, trong đó đoạn qua TP. Biên Hòa và huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 34,2 km; đoạn thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài 19,5 km.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h.

Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 là 17.837 tỷ đồng, giảm khoảng 150 tỷ đồng phần lãi vay nếu đầu tư theo hình thức PPP. Bộ Giao thông vận tải kiến nghị sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó chi phí xây dựng, thiết bị là 8.306 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 6.629 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành Dự án vào năm 2025.

Tháng 9/2021, Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức PPP.

Tuy nhiên, trong bối cảnh huy động nguồn vốn PPP gặp nhiều khó khăn, thời gian đấu thầu kéo dài khó đảm bảo hoàn thành vào năm 2025. Do đó, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất đầu tư công với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong trường hợp được áp dụng các cơ chế đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến hoàn thành chuẩn bị đầu tư trong năm 2022, giải phóng mặt bằng trong năm 2023, khởi công đầu năm 2023 và cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Mâu thuẫn 2.882 tỷ đồng trong dự án của Quốc Cường Gia Lai

Quốc Cường Gia Lai bị đối tác tố cáo đưa thông tin gian dối, chiếm đoạt 2.882 tỷ đồng qua hợp đồng hứa mua bán dự án, song công ty này cho rằng bị vu khống.

Dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển

Dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM vừa phân công Phó thủ trưởng và điều tra viên xác minh tin tố giác tội phạm của Công ty CP Đầu tư Sunny Island (Công ty Sunny Island) đối với Công ty Quốc Cường Gia Lai (do bà Nguyễn Thị Như Loan làm Chủ tịch HĐQT).

Công ty Quốc Cường Gia Lai được UBND TP.HCM chấp thuận làm chủ đầu tư Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) với diện tích hơn 90 ha. Năm 2017, Công ty Sunny Island và Quốc Cường Gia Lai ký hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án này.

Theo tố cáo của Sunny Island, công ty của bà Loan có hành vi gian dối trong việc đưa ra thông tin đã bồi thường, giải phóng mặt bằng hơn 84 ha (92%). Trong hợp đồng hai bên cũng ghi nhận Quốc Cường Gia Lai đã bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng được 92% diện tích Dự án. Tuy nhiên, căn cứ vào các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì công ty của bà Loan mới đền bù được hơn 64 ha.

Ngoài ra, phía Quốc Cường Gia Lai còn thông tin về việc đầu tư phát triển một khu dân cư, thương mại trong Dự án. Trong khi công ty này chỉ được UBND TP.HCM chấp thuận cho phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật khiến Sunny Island tin tưởng ký hợp đồng và đã thanh toán 2.882 tỷ đồng, nhưng đến nay Dự án không thực hiện được.

Theo bà Nguyễn Thị Như Loan cho biết, Quốc Cường Gia Lai đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 65 ha đất Dự án đã đưa cho Sunny Island mượn sổ đỏ để kiểm tra nhưng công ty này giữ luôn đến nay đã 5 năm chưa trả.

Liên quan đến thỏa thuận hai bên, Công ty Quốc Cường Gia Lai cho rằng Sunny Island vi phạm hợp đồng, nên năm 2020 đã gửi đơn đến Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam yêu cầu giải quyết, buộc Sunny Island hoàn trả giấy chứng nhận sử dụng đất. Đến nay, vụ việc đang trong quá trình giải quyết chưa có kết quả.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt được vay vốn tín dụng với hạn mức 3.560 tỷ đồng

Liên danh nhà đầu tư dự án Diễn Châu - Bãi Vọt và các ngân hàng tài trợ vốn đã ký kết hợp đồng tín dụng dự án với hạn mức 3.560 tỷ đồng.

Bình đồ hướng tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Bình đồ hướng tuyến cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.

Đây là dự án cao tốc Bắc Nam (giai đoạn 2016 - 2021) cuối cùng theo hình thức PPP hoàn tất ký kết huy động vốn vay tín dụng.

Vụ trưởng Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải) Lê Kim Thành cho biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt trải qua rất nhiều khó khăn đàm phán giữa các bên mới hoàn thành ký kết tín dụng.

Dự án có 36 tháng thi công xây dựng, tuy nhiên, đến nay chỉ còn 27 tháng, trong khi trên tuyến có nhiều công trình lớn, yêu cầu phức tạp như Hầm Thần Vũ, cầu Hưng Đức.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt theo hình thức PPP được Bộ Giao thông vận tải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư rộng rãi. Dự án được ký kết hợp đồng triển khai và khởi công vào tháng 5/2021. Theo quy định, trong vòng 6 tháng, nếu nhà đầu tư không ký kết vay vốn thì sẽ bị chấm dứt hợp đồng.

Đến đầu năm 2022, việc huy động vốn tín dụng cho Dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt chưa hoàn tất, nguy cơ tắc tín dụng. Bộ Giao thông vận tải đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư làm việc với các ngân hàng, hạn chót là ngày 13/2.

Cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài khoảng 50 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Nghệ An (44,4 km) và Hà Tĩnh (4,9 km). Để phù hợp với nhu cầu vận tải, giai đoạn 1 của Dự án được phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 11.157 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư huy động khoảng 5.090 tỷ đồng và nguồn vốn Nhà nước tham gia hơn 6.067 tỷ đồng. Hợp đồng BOT ký giữa Bộ Giao thông vận tải với liên danh nhà đầu tư Công ty TNHH Hòa Hiệp - CIENCO4 - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty Đầu tư Xây dựng VINA2 và Công ty CP Đầu tư Phúc Thành Hưng (doanh nghiệp dự án).

VNR kiến nghị chi 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có kiến nghị gửi Bộ Giao thông vận tải về việc ưu tiên bố trí kinh phí để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2022 - 2023 đối với các cầu yếu và tách giao thông đường bộ - đường sắt ở cầu chung, với tổng vốn 1.700 tỷ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện vẫn còn 3 cầu chung đường bộ - đường sắt là các cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu và còn 428 cầu yếu, hết niên hạn sử dụng hoặc không phù hợp quy chuẩn tiêu chuẩn.

Cụ thể, tuyến đường sắt Bắc - Nam có 87 cầu có dấu hiệu nguy hiểm, gồm: 55 cầu khu đoạn Đà Nẵng - Quy Nhơn cần thay thế kết cấu và 32 cầu khu đoạn Quy Nhơn - Sài Gòn cần thay thế cầu, gia cố. Nhiều cầu xây dựng từ cách đây 50 năm, thậm chí cả thế kỷ.

Riêng đối với 3 cầu Lục Nam, Long Đại, Phố Lu; thì cầu Lục Nam (Km 24+134 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long) hay còn gọi là cầu Cẩm Lý, bắc qua sông Lục Nam, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang là cầu duy nhất trên hệ thống đường sắt Việt Nam đang đi chung đường bộ - đường sắt trên cùng lòng cầu.

Trong khi đó, cầu Phố Lu (còn gọi cầu Chung Lu, Km 3+167 trên tuyến đường sắt Phố Lu - Pom Hán, Lào Cai), Cầu Long Đại (tuyến đường sắt Bắc Nam, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) hiện đã có cầu đường bộ bên cạnh nhưng người dân vẫn có thói quen qua cầu chung do giao thông đến cầu đường bộ chưa thuận lợi, tiểm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị bố trí khoảng 1.700 tỷ đồng để cải tạo, thay thế 87 cầu nguy hiểm và xây dựng các công trình tách giao thông đường bộ, đường sắt chung tại 3 cầu trên.

TP.HCM muốn khởi động lại Dự án Vành đai 2

Việc tái khởi động đoạn 2,7 km Vành đai 2 sau hai năm dừng thi công và cân đối vốn đầu tư 11 km còn lại để khép kín toàn tuyến được TP.HCM đặt mục tiêu từ năm 2022.

Công trường đoạn Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa cuối năm 2021, sau khi dừng thi công

Công trường đoạn Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa cuối năm 2021, sau khi dừng thi công

Vành đai 2 được quy hoạch cách đây 15 năm, tổng chiều dài hơn 64 km, đến nay còn 14 km chưa khép kín, chia làm 4 đoạn. Trong đó, chỉ đoạn 3 dài 2,7 km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức) triển khai từ năm 2017, nhưng đang dang dở. Công trình đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng. Vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khiến Dự án dừng từ tháng 3/2020 đến nay, khi đạt khoảng 44% khối lượng.

Ngoài dự án trên, trong ba đoạn còn lại thuộc Vành đai 2 chưa đầu tư, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, hai đoạn đi qua TP. Thủ Đức sẽ tập trung triển khai trước. Đoạn 1 dài 3,5 km, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dự kiến vốn đầu tư gần 8.600 tỷ đồng. Đoạn 2 dài 2,8 km, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng. Ước tính vốn đầu tư giai đoạn đầu làm công trình này hơn 8.400 tỷ đồng.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Phan Công Bằng cho biết, với đoạn 4 của Vành đai 2, dài 5,3 km từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh cũng dự tính đầu tư công. Dự án có tổng đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng, đang được Thành phố cân đối trong kế hoạch trung hạn 4 năm tới.

Theo Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, việc khép kín Vành đai 2 nhiều năm qua được chính quyền TP.HCM rất quan tâm, song khó khăn lớn nhất là nguồn vốn. Đoạn 1 và 2 của Dự án trước đây tính thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT. Tuy nhiên, loại hợp đồng này hiện loại khỏi Luật PPP nên hai dự án chuyển qua đầu tư công.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu giảm mạnh

Các doanh nghiệp không những giảm mạnh số đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mà cả khối lượng cũng sụt giảm 2/3.

Doanh nghiệp giảm mạnh lượng phát hành trái phiếu

Doanh nghiệp giảm mạnh lượng phát hành trái phiếu

Theo thông tin từ Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam, có tổng cộng 7 đợt phát hành TPDN ra công chúng và 16 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong tháng 1/2022 với tổng giá trị phát hành 25.923 tỷ đồng. So với tháng 12/2021, số đợt phát hành TPDN giảm 57 đợt với giá trị giảm 39.834 tỷ đồng.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 ngành phát hành khối lượng trái phiếu lớn nhất với giá trị lần lượt đạt 14.470 tỷ đồng và 7.130 tỷ đồng, chiếm 55.8% và 27,5% tổng giá trị phát hành của tháng.

Trong nhóm ngành bất động sản, Công ty CP Đầu tư và phát triển Eagle Side là doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn nhất với 3.930 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, Công ty CP Phát triển Đất Việt đứng ở vị trí thứ hai với 1.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm.

Trong nhóm ngành xây dựng, Công ty CP Xây dựng Minh Trường Phú và Công ty CP Đầu tư xây dựng Tường Khải lần lượt phát hành 2.950 tỷ đồng và 2.990 tỷ đồng, cả hai mã trái phiếu đều có kỳ hạn 1 năm.

Ngoài ra, có tổng cộng 7 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng của các công ty gồm: Công ty CP Du lịch Thành Thành Công (500 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (1.300 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng Coteccons (500 tỷ đồng), Công ty CP Bamboo Capital (500 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (3.623 tỷ đồng).

Chuyên đề