Bệnh viện tại Hà Nội quá tải điều trị sốt xuất huyết
Số người bị sốt xuất huyết tăng nhanh, nhiều bệnh viện kín giường điều trị nên người bệnh phải nằm ghép hoặc quay về nhà.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nằm ghép hai người một giường, đảo đầu nằm, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai |
Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn là một trong những cơ sở y tế của Hà Nội tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân sốt xuất huyết gần đây. Toàn viện điều trị khoảng 250 người, riêng khoa Bệnh nghề nghiệp có 100 ca nội trú.
Bác sĩ Nguyễn Thu Hường (Khoa Bệnh nghề nghiệp) cho biết, bệnh nhân tăng đột biến từ đầu tháng 10, đông ở tất cả khoa điều trị, giường luôn luôn kín. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận gần 1.500 người bệnh sốt xuất huyết, trong đó khoảng 30 - 40% trường hợp nặng như suy thận, tiểu cầu giảm rất sâu, men gan tăng rất cao.
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cũng trong tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết. Một phòng bệnh khoảng 15 m2 kê đến 6 giường, mỗi giường hai người, bệnh nhân phải nằm ghép. Các phòng điều trị bệnh nhân viêm gan được trưng dụng hoặc nằm ghép với bệnh nhân sốt xuất huyết.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tuyến đầu về điều trị truyền nhiễm, khoảng 90 - 100 ca nội trú, 10 - 20 bệnh nhân mới nhập viện một ngày. Có những ngày, hơn một nửa số điều trị ở khoa Cấp cứu là bệnh nhân sốt xuất huyết.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng trong tuần từ 28/10 - 3/11 với hơn 1.300 ca mới, thêm 58 ổ dịch tại nhiều quận như Hoàng Mai, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì... Tích lũy từ đầu năm, Thành phố ghi nhận hơn 10.700 ca sốt xuất huyết, 12 ca tử vong, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ 2021; ổ dịch thôn Bùng (Thạch Thất) ghi nhận 200 ca bệnh. Hiện, Hà Nội bước vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, CDC dự báo số mắc tiếp tục tăng trong thời gian tới, đỉnh dịch vào tháng 11.
Bộ GTVT ủng hộ UBND tỉnh Bình Định xã hội hóa sân bay Phù Cát
Đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác sân bay Phù Cát theo hình thức xã hội hóa, phục vụ nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hoàn toàn chính đáng.
Sân bay Phù Cát - một trong những sân bay nhộn nhịp nhất khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. |
Đây là quan điểm của Bộ GTVT trong công văn vừa được gửi tới UBND tỉnh Bình Định liên quan đến công tác lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề xuất lập Đề án huy động nguồn vốn đầu tư, khai thác.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đã giao Cục Hàng không Việt Nam tổ chức lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến nay, hồ sơ quy hoạch đã hoàn thiện báo cáo giữa kỳ. Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn khẩn trương hoàn thiện báo cáo cuối kỳ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát để gửi hồ sơ xin ý kiến các cơ quan liên quan, làm cơ sở thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực phối hợp, hỗ trợ Cục Hàng không Việt Nam, tư vấn; đồng thời cung cấp thêm thông tin về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh và các quy hoạch có liên quan để bảo đảm chất lượng hồ sơ quy hoạch.
Đối với nội dung đề xuất nghiên cứu đầu tư, khai thác Cảng hàng không Phù Cát theo hình thức xã hội hóa, phục vụ nhu cầu vận tải và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là hoàn toàn chính đáng, Bộ GTVT ủng hộ kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định.
Khắc phục xong sự cố tàu hàng trật bánh tại Nha Trang
Vào khoảng 11h45 ngày 13/11/2022, tàu hàng di chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM khi đến gần ga Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) thì đã xảy ra sự cố trật bánh khiến tuyến đường sắt bị tê liệt nhiều giờ. Đến 16h30 ngày 13/11, sự cố đã được khắc phục xong.
Tàu hàng trật bánh tại Nha Trang khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ. |
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, tàu chở hàng gặp sự cố vào lúc 11h45, gần đường Lê Hồng Phong giao đường 23 tháng 10, cách ga Nha Trang khoảng 400 m.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Hoàng Gia Khánh cho biết, ngay sau khi xảy ra sự cố, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đưa phương tiện cứu hộ khắc phục sự cố và đến thời điểm 16h30 đã thông xe, thông đường và mọi hoạt động trở lại bình thường.
Hiện các cơ quan chức năng đang xác định nguyên nhân chi tiết của sự cố. Nguyên nhân ban đầu được xác định tàu bị trật 3 giá chuyển hướng của 3 toa. Theo đó, đơn vị đường sắt đã huy động khoảng 100 công nhân, kỹ sư cùng nhiều phương tiện máy móc tham gia xử lý sự cố.
Kê biên nhiều biệt thự, căn hộ của cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên 2 căn biệt thự cùng 6 căn hộ chung cư của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên 6 căn hộ chung cư đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ở các tầng 11 và 17 chung cư Pacific Place, phố Lý Thường Kiệt, (Hà Nội) |
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty CP Tiến bộ quốc tế (Công ty AIC), cùng 35 bị can khác trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Trong đó, dù bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bỏ trốn và bị Bộ Công an truy nã vẫn bị đề nghị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và tội đưa hối lộ. Ngoài bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái; cựu Bí thư tỉnh Đồng Nai Trần Đình Thành; cựu Giám đốc Sở Y tế, cựu Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ về tội nhận hối lộ.
Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã kê biên căn biệt thự diện tích 357 m2 trên phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn nhờ bố đẻ là ông Nguyễn Văn Mỹ đứng tên và căn biệt thự diện tích 453 m2 ở phố Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đứng tên bà Nhàn.
Ngoài ra, cơ quan điều tra Bộ Công an cũng kê biên 6 căn hộ chung cư đứng tên Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ở các tầng 11 và 17 chung cư Pacific Place, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm; phong tỏa số tiền hơn 107,3 tỷ đồng trong 4 tài khoản Công ty AIC mở tại ngân hàng. Ngoài những tài sản trên, cơ quan điều tra kê biên thửa đất diện tích hơn 4.000 m2 tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã được cấp sổ đỏ cho Công ty AIC.
Lâm Đồng đưa 59.000 ha đất rừng ra khỏi quy hoạch
Lâm Đồng sẽ rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng với tổng diện tích gần 59.000 ha. UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, tuyệt đối không được hợp thức, biến đất công thành đất tư.
Lần rà soát điều chỉnh này, Lâm Đồng được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng hơn 58.916 ha |
Theo Văn bản số 3654 (ngày 26/5/2022) của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc quy hoạch chỉ tiêu sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, toàn Tỉnh có hơn 58.916 ha được rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng.
3 loại rừng đưa ra khỏi quy hoạch gồm: diện tích đã canh tác nông nghiệp ổn định từ năm 2019 trở về trước mà không có tranh chấp; diện tích canh tác nông nghiệp ổn định trước năm 2019 mà bản đồ hiện trạng kiểm kê đất đai năm 2019 cập nhật chưa đầy đủ so với hiện trạng theo thực tế; diện tích đất đã được cấp có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất, rừng sang các mục đích khác không phải lâm nghiệp.
Ngoài ra còn có diện tích đất đã canh tác thuộc đối tượng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) theo quy định do yếu tố lịch sử trước đây mà chưa được giải quyết; diện tích đã được cấp GCNQSDĐ hợp pháp; diện tích đất, rừng thuộc dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; phục vụ tái định cư, tái định canh; phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các công trình khác.
UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo, diện tích đất đã được giao, giao khoán ổn định cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo các Nghị định số 01 ngày 4/1/1995, số 163 ngày 16/11/1999, số 135 ngày 8/11/2005, số 168 ngày 27/12/2016 của Chính phủ thì đưa vào diện tích đất công, không được hợp thức hóa đất của công thành đất của tư.
Sở Xây dựng nêu phương án giải cứu loạt công viên ở Hà Nội
Sở Xây dựng vừa đề xuất UBND TP. Hà Nội phương án xử lý những tồn tại của 9 công viên mới (tổng diện tích 320 ha), đồng thời nêu phương án cải tạo 4 công viên cũ đang xuống cấp.
Cỏ dại mọc tốt um trong Công viên Chu Văn An |
Sở Xây dựng vừa báo cáo UBND TP. Hà Nội giải pháp cải tạo, xây mới các công viên trên địa bàn Thành phố. Theo báo cáo, có 9 công viên mới và 3 công viên cũ trong nội thành như: Công viên Kim Quy, Công viên Chu Văn An, Công viên Thiên Văn học, Công viên Thống Nhất…
Theo Sở Xây dựng, Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy (100 ha) ở Đông Anh, được khởi công từ năm 2016 đến nay đã giải phóng được trên 99 ha.
Sở Xây dựng đề nghị TP. Hà Nội chỉ đạo, huyện Đông Anh sớm giải phóng mặt bằng diện tích đất còn lại của Công viên Kim Quy. Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời phối hợp các sở ngành và huyện Đông Anh để hoàn thiện thủ tục và đầu tư xây dựng đưa công trình vào sử dụng.
Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì (50,9 ha), sau nhiều năm triển khai đến nay đã hoàn một số tuyến đường vào công viên và tu bổ đình, chùa.
Sở Xây dựng đề xuất UBND TP. Hà Nội giao huyện Thanh Trì chuyển một số số dự án trong Công viên Chu Văn An sang đầu tư công. Đồng thời, đề xuất phương án di dời hơn 3.000 ngôi mộ thuộc phạm vi giải phóng mặt bằng trong công viên.
Công viên Thiên Văn học - khu đô thị Dương Nội ở quận Hà Đông (8 ha) đã cơ bản đã hoàn thiện, nhưng chưa nghiệm thu. Sở Xây dựng đề xuất Thành phố xử lý những vi phạm trong công viên, đồng thời hoàn thành các thủ tục để nghiệm thu, đưa công viên vào hoạt động.
Công viên Thống Nhất (48 ha) được quy hoạch chi tiết 1/500 theo hướng công viên mở kết hợp dịch vụ. Phần diện tích đất công viên có mục đích công cộng (không thu phí) thực hiện theo hình thức đầu tư công, diện tích có mục đích kinh doanh được đầu tư theo hình thức xã hội hóa.
Đề xuất tăng hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh
Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được trình duyệt lại có tổng mức đầu tư tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với chủ trương được phê duyệt trước đó.
Tổng mức đầu tư cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh được điều chỉnh do tăng. Ảnh minh họa |
Ban QLDA Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT thẩm định Dự án Đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1.
Theo đề xuất, Dự án có tổng chiều dài khoảng 26,56 km. Điểm đầu được kết nối với tuyến N2 tại lý trình Km 96+875 (lý trình N2) gần mố A2 cầu Kênh Giữa 1 của tuyến N2, thuộc thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Điểm cuối tại nút giao An Bình (điểm đầu Dự án cầu Cao Lãnh), huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Ở giai đoạn 1, Dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, bề rộng mặt cắt ngang 17 m.
Giai đoạn hoàn thiện, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 32,25 m.
Tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 Dự án khoảng hơn 6.280 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ GPMB (gồm dự phòng) là hơn 969 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị khoảng hơn 3.988 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là gần 554,3 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng hơn 769 tỷ đồng.
Theo phương án này, tổng mức đầu tư được trình duyệt tăng khoảng 1.510 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã được duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2203 ngày 27/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ (4.771 tỷ đồng).
Trong đó, chi phí GPMB tăng khoảng 353 tỷ đồng; chi phí xây dựng tăng khoảng 791 tỷ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 227 tỷ đồng.
Dự kiến, Dự án sử dụng vốn vay ODA của Hàn Quốc khoảng 4.537 tỷ đồng; vốn đối ứng khoảng gần 1.744 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu