Bản tin thời sự sáng 14/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là sạt lở đèo Hải Vân khiến giao thông ách tắc; nợ xấu ngân hàng vượt 3%; Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 363 đối tượng; Xây dựng Hòa Bình thắng kiện khoản nợ 162 tỷ đồng; khách sạn lớn nhất Đà Lạt bị xác định xây vượt phép gần 4.500 m2…

Sạt lở đèo Hải Vân khiến giao thông ách tắc

Hàng trăm khối đất đá tràn xuống đường đèo Hải Vân khiến giao thông ách tắc, ngày 13/10, chính quyền phải chặn hai đầu đường, .

Phần mái taluy dương chảy tràn đất đá xuống đường đèo Hải Vân

Phần mái taluy dương chảy tràn đất đá xuống đường đèo Hải Vân

Khoảng 13h30 ngày 13/10, cả taluy dương và taluy âm đường đèo Hải Vân sạt lở, vị trí cách đỉnh khoảng 1km, thuộc quận Liên Chiểu. Đất đá theo nước lũ đổ xuống tràn khắp mặt đường, "ngoạm" khoảng chục mét taluy âm. May mắn thời điểm đó không có phương tiện qua lại.

Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, khu vực xảy ra sự cố từng bị sạt lở vào mùa mưa tháng 10/2022 do nước từ đỉnh đèo đổ xuống quá lớn. Chính quyền đã phối hợp với cảnh sát giao thông chốt chặn ở cả hai lối lên đèo phía Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, cấm phương tiện lưu thông.

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị quản lý và vận hành hầm, đèo Hải Vân) đang huy động công nhân dùng bao cát nắn dòng, ngăn nước mưa không chảy vào taluy bị sạt trượt. Do mưa còn kéo dài, công nhân sẽ ưu tiên phủ bạt taluy bị sạt, không để nước mưa tiếp tục ngấm, gây sạt lở tiếp.

"Sau khi kiểm tra an toàn, ổn định mái taluy, chúng tôi sẽ tổ chức dọn dẹp mặt đường bên dưới và đặt các biển cảnh báo cho phương tiện lưu thông", đại diện Công ty Đèo Cả nói.

Trong lúc chờ xử lý sạt lở đỉnh đèo, Công ty Đèo Cả đã tổ chức phân luồng giao thông. Theo đó, hướng Huế - Đà Nẵng, ô tô sẽ chạy trên Quốc lộ 1A qua hầm Hải Vân 1 hoặc hầm Mũi Trâu trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan (các loại xe chở xăng, dầu, gas, động vật không được phép qua hầm).

Với hướng Đà Nẵng - Huế, các phương tiện đi từ đường Nguyễn Văn Cừ (Quốc lộ 1A) về đường Tạ Quang Bửu và qua hầm Hải Vân 2. Các loại xe không được phép qua hầm thì đi lên cao tốc La Sơn - Túy Loan. Xe máy di chuyển hai chiều qua trạm trung chuyển hầm Hải Vân.

Đà Nẵng nằm trong vùng mưa lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh và dải hội tụ vắt qua miền Trung. Mưa bắt đầu từ ngày 10/10, gây ngập một số tuyến đường liên thôn, liên xã ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Nợ xấu ngân hàng vượt 3%

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng từ mức 2% hồi đầu năm tăng vọt lên 3,56% (khoảng 440.000 tỷ đồng) vào cuối tháng 7.

Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở Hà Nội

Giao dịch tại một ngân hàng cổ phần có trụ sở ở Hà Nội

Tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả 5 nhà băng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Đông Á (Dong A Bank), Xây dựng (CBBank), Đại dương (OceanBank) và Dầu khí Toàn cầu (GPBank).

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống vào cuối 2020 chỉ ở mức 1,69%, nhưng đến cuối tháng 7 năm nay lên 3,56%. Nếu loại trừ 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các ngân hàng hiện ở mức 1,92%.

Còn nếu tính nợ xấu nội bảng cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng (gồm các khoản được giữ nguyên nhóm, trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn thành nợ xấu, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...), tỷ lệ này theo Ngân hàng Nhà nước, chiếm 6,16% (tương ứng 768.000 tỷ đồng) so với tổng dư nợ tín dụng.

Đầu 2019, Chính phủ từng đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngành ngân hàng về dưới 2%. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cộng với loạt biến cố kinh tế toàn cầu và trong nước khiến nợ xấu có xu hướng tăng liên tục 4 năm gần đây. Nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó, thị trường bất động sản và trái phiếu "đóng băng" cộng với sự cố tại SCB vào tháng 10 năm ngoái là những yếu tố bất lợi, tác động lên nợ xấu của toàn hệ thống.

Thanh tra Chính phủ chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 363 đối tượng

Thanh tra Chính phủ cho hay, đã chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa ban hành kết luận đề nghị truy tố 15 bị can liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Cơ quan Cảnh sát điều tra vừa ban hành kết luận đề nghị truy tố 15 bị can liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh

Thanh tra Chính phủ vừa có báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trong đó, cử tri phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế, tài chính, chứng khoán, bất động sản và đề nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật như trong thời gian vừa qua.

Về nội dung này, Thanh tra Chính phủ cho hay, chỉ trong 9 tháng năm 2023, toàn ngành triển khai 7.169 cuộc thanh tra hành chính và 146.890 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời phát hiện vi phạm về kinh tế 198.665 tỷ đồng, 495 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 155.548 tỷ đồng và 56 ha đất.

Cơ quan thanh tra cũng xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 43.117 tỷ đồng, 439 ha đất;

Đáng chú ý, đến nay, cơ quan thanh tra đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.460 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.293 tập thể và 4.732 cá nhân.

Đồng thời chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 279 vụ, 363 đối tượng. Trong số này, qua thanh tra hành chính kiến nghị chuyển 104 vụ, 99 đối tượng; qua thanh tra, kiểm tra chuyên ngành kiến nghị chuyển 175 vụ, 264 đối tượng.

Toàn ngành thanh tra cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Qua đôn đốc, các cơ quan chức năng thu hồi được 4.418 tỷ đồng và 9 ha đất; xử lý hành chính hàng nghìn tổ chức và hơn 5.000 cá nhân.

Đặc biệt, cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra 207 vụ, đối tượng; khởi tố 9 vụ, 15 đối tượng.

Xây dựng Hòa Bình thắng kiện khoản nợ 162 tỷ đồng

Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị phải thanh toán 162 tỷ đồng cho Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong vòng 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết.

Một dự án do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xây dựng

Một dự án do Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình xây dựng

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Xây dựng Hòa Bình, mã chứng khoán: HBC) vừa công bố thông tin nhận được phán quyết của Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chi nhánh TP.HCM về vụ tranh chấp của Tập đoàn với Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị.

Theo phán quyết này, Hội đồng trọng tài VIAC đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Xây dựng Hòa Bình buộc Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị phải thanh toán cho Tập đoàn toàn bộ số tiền gần 162 tỷ đồng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập phán quyết.

Trước đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình cho biết, trong tổng số 21 vụ kiện về việc chậm thanh toán, đã có 10 vụ kiện có phán quyết của tòa, tất cả các vụ đã được xử và Xây dựng Hòa Bình đều thắng kiện với số tiền nợ gốc ghi trong sổ sách hơn 800 tỷ đồng, còn tổng số tiền theo phán quyết bên bị đơn phải trả cho Xây dựng Hòa Bình là 1.223 tỷ đồng gồm lãi chậm thanh toán và các chi phí phát sinh…

Đến hết tháng 6/2023, nợ phải thu ngắn hạn của Xây dựng Hòa Bình lên đến hơn 9.000 tỷ dồng, chiếm gần 66% tổng tài sản.

Xây dựng Hòa Bình nằm trong tốp những doanh nghiệp hàng đầu của ngành xây dựng, nhưng cũng là doanh nghiệp còn nhiều nợ đọng, khiến cho hoạt động kinh doanh thua lỗ, giá cổ phiếu giảm mạnh.

Khách sạn lớn nhất Đà Lạt bị xác định xây vượt phép gần 4.500 m2

Công trình Khách sạn 5 sao Merperle Dalat, cao 10 tầng, ở trung tâm TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), bị xác định xây dựng vượt giấy phép 4.450 m2 diện tích mặt sàn.

Dự án Khách sạn Merperle Dalat Hotel

Dự án Khách sạn Merperle Dalat Hotel

Ngày 13/10, UBND TP. Đà Lạt yêu cầu Công ty CP Khải Vy dừng thi công để xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình Khách sạn Merperle Dalat, tọa lạc tại số 1 Hùng Vương, Phường 10.

Theo kiểm tra của Phòng Quản lý đô thị Đà Lạt, tại tầng hầm 2 công trình được cấp phép xây dựng 5.777 m2 nhưng thực tế thi công vượt 1.315 m2; tầng hầm 2 xây vượt 1.286 m2; tầng 1 xây vượt 955 m2. Chủ đầu tư còn thi công cốp pha sàn mái rộng 900 m2 trái phép.

Ngoài lập biên bản vi phạm hành chính, TP. Đà Lạt yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công Dự án, đồng thời liên hệ cơ quan chức năng lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép xây dựng, nếu không phải tháo dỡ các hạng mục xây trái phép.

Trước đó, hôm 18/8, Công ty CP Khải Vy đã có văn bản xin điều chỉnh thiết kế công trình khách sạn. Sau khi Sở Xây dựng đề xuất, ngày 22/9, UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất cho Chủ đầu tư bổ sung chức năng khu spa ở tầng hầm 1 tăng bằng diện tích được TP. Đà Lạt xác định xây vượt.

Ngoài ra, chính quyền Tỉnh cho phép điều chỉnh công năng phòng khách sạn, hồ bơi ở tầng 9 thành phòng gym và quầy bar, song không thay đổi diện tích; tầng 10 giảm số phòng từ 15 xuống 9 phòng.

Merperle Dalat Hotel tiền thân là Dự án Khách sạn Sài Gòn Mới xây vào năm 2009. Đến năm 2018, Công ty CP Khải Vy nhận chuyển nhượng và xây khách sạn 10 tầng, 2 tầng hầm, hơn 400 phòng, tiêu chuẩn 5 sao, tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng. Đây được xem là dự án khách sạn lớn nhất Đà Lạt.

Chủ đầu tư 40 nhà chung cư ở Cầu Giấy chưa bàn giao sở hữu

Theo UBND quận Cầu Giấy (Hà Nội), trên địa bàn vẫn còn 40 nhà chung cư chủ đầu tư chưa bàn giao sở hữu, 103 nhà chung cư đã bàn giao sở hữu chung - riêng.

Trên địa bàn quận Cầu Giấy có 143 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Ảnh minh họa

Trên địa bàn quận Cầu Giấy có 143 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng. Ảnh minh họa

Cụ thể, ngày 13/10, Thường trực HĐND quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề công tác quản lý chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn quận.

Ông Trần Đình Cường - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, trên địa bàn quận Cầu Giấy có 143 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, trong đó có 103 chung cư thương mại, 38 chung cư tái định cư, 2 nhà ở xã hội dạng chung cư thương mại.

Đến nay, 131 nhà chung cư đã thành lập được ban quản trị, 1 nhà chung cư đã tổ chức hội nghị nhà chung cư, bầu ban quản trị nhưng không thành công, 6 nhà chung cư chưa thành lập ban quản trị, 5 nhà chung cư không phải thành lập do số căn hộ ít, cư dân thống nhất không thành lập ban quản trị.

Bên cạnh 103 nhà chung cư đã bàn giao sở hữu chung - riêng, trên địa bàn quận Cầu Giấy vẫn còn 40 nhà chung cư chủ đầu tư chưa bàn giao.

Hải Dương dự định bán 10 trụ sở để xây trung tâm hành chính

Để có nguồn đầu tư xây dựng khu trung tâm hành chính tập trung, tỉnh Hải Dương đã lên kế hoạch bán trụ sở của 10 cơ quan, đơn vị.

Một trong những phối cảnh của Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Hải Dương

Một trong những phối cảnh của Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Hải Dương

Tại phiên họp thường kỳ tháng 10, Sở Tài chính trình UBND tỉnh Hải Dương kế hoạch di chuyển 24 cơ quan, đơn vị ra khu Trung tâm hành chính tập trung rộng 19 ha nằm trên đường Tôn Đức Thắng, TP. Hải Dương. Sau di chuyển, Tỉnh phải sắp xếp, xử lý 25 trụ sở với hơn 93.960 m2 đất, 468.130 m2 nhà.

Dựa vào nhu cầu và tình hình thực tế, Sở Tài chính đề xuất 3 trụ sở chuyển sang đất giáo dục, 9 trụ sở giữ nguyên để bố trí cho một số cơ quan của TP. Hải Dương, 3 trụ sở chuyển sang đất công cộng, công viên, cây xanh. 10 trụ sở sẽ được bán để tạo nguồn đầu tư xây khu Trung tâm hành chính tập trung.

Các trụ sở cơ quan dự kiến chuyển quyền sử dụng đất gồm: Thanh tra Tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tư pháp, Sở Xây dựng, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Tỉnh.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hải Dương, do sử dụng lâu ngày, hiện trụ sở của 24 cơ quan, đơn vị đã xuống cấp. Việc xây dựng lại rất tốn kém, lãng phí quỹ đất, nhưng vẫn bị phân tán, hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ.

Theo đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, khu Trung tâm hành chính tập trung sẽ tách thành 2 dự án độc lập, gồm: Dự án Trung tâm hành chính công tỉnh Hải Dương (gồm khối nhà làm việc của các sở, ban, ngành của Tỉnh) và Dự án xây khối nhà làm việc của Thường trực Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội và công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà.

Việc đầu tư chia thành 2 giai đoạn, trong đó năm 2024 - 2028 sẽ xây dựng trụ sở khối các sở, ban, ngành; giai đoạn 2 (sau khi chuyển các sở, ban, ngành và đấu giá trụ sở cũ) sẽ đầu tư các hạng mục, công trình còn lại.

Doanh nghiệp chuyên sản xuất thủy tinh xả thải ra môi trường bị phạt 1,1 tỷ đồng

Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei chuyên sản xuất thủy tinh tại Khu công nghiệp (KCN) Sông Mây, huyện Trảng Bom bị tỉnh Đồng Nai phạt 1,1 tỷ đồng vì xả thải ra môi trường khi thông số nguy hại vượt chuẩn cho phép.

Trụ sở Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei trong Khu công nghiệp Sông Mây

Trụ sở Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei trong Khu công nghiệp Sông Mây

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei được UBND tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 13/10.

Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei (vốn Trung Quốc) được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu năm 2021, cấp giấy phép môi trường sau đó 1 năm. Lĩnh vực hoạt động là sản xuất, gia công bóng đèn điện, sản phẩm đồ gia dụng từ kính và thủy tinh cường lực với công suất khoảng 5.000 tấn sản phẩm/năm.

Trước đó, doanh nghiệp này bị KCN Sông Mây phát hiện xả nước thải vào hệ thống thoát nước của khu công nghiệp. Nước thải có chứa thông số về môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật chất thải từ 5 lần trở lên.

Ngoài phạt tiền, Công ty TNHH Thủy tinh Hongfei còn bị chính quyền tỉnh Đồng Nai đình chỉ hoạt động phát sinh nguồn gây ô nhiễm trong 3 tháng để rà soát, khắc phục công trình xử lý nước thải; và phải khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trước ngày 31/10.

Công ty liên quan Vạn Thịnh Phát chậm trả gần 5.500 tỷ đồng nợ trái phiếu

Công ty CP Bông Sen, doanh nghiệp liên quan sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đang chậm trả 4.800 tỷ đồng nợ gốc và gần 670 tỷ đồng lãi trái phiếu.

Mặt tiền Khách sạn Palace Saigon nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM)

Mặt tiền Khách sạn Palace Saigon nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, TP.HCM)

Thông tin này được Công ty CP Bông Sen công bố trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Nguyên nhân được Công ty đưa ra là tài khoản đang bị phong tỏa.

Lô trái phiếu bị chậm trả gốc và lãi được phát hành từ tháng 10/2021 do Công ty CP Chứng khoán Tân việt (TVSI) thu xếp. Tổng giá trị dư nợ là 4.800 tỷ đồng, lãi suất 10,5%/năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Ban đầu lô này có kỳ hạn 5 năm, nhưng về sau kỳ thanh toán gốc dời đến cuối tháng 6 năm nay.

Thời gian trước, Bông Sen phát hành lô trái phiếu này để bổ sung vốn đầu tư phát triển các dự án tiềm năng tại khu vực Quận 5 (TP.HCM). Thực tế, số tiền trên được Công ty góp vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Vina Alliance cho Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại - dịch vụ và căn hộ tại số 152 Trần Phú.

Về sau, Dự án 152 Trần Phú bị thanh tra và thu hồi. Đến tháng 11/2022, Bông Sen thông báo đã yêu cầu Vina Alliance hoàn lại toàn bộ số tiền nhưng mất liên lạc với đối tác này. Công ty đưa ra giải pháp nếu Vina Alliance trả tiền, họ mới thanh toán gốc cho trái chủ. Bởi theo Bông Sen, tài khoản Công ty và tài sản đảm bảo được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị phong tỏa nên không thể thực hiện lệnh chi tiền và không còn hướng xử lý.

Trong phiên họp bất thường cuối tháng 8, doanh nghiệp này cho biết sẽ xử lý các tài sản để thực hiện nghĩa vụ với lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng kể trên. Các tài sản được đưa ra gồm cổ phần của Công ty Daeha, hồ sơ thế chấp Khách sạn Palace Saigon, Khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House và 2 bất động sản khác tại Quận 1... Nếu không đủ chi trả, Công ty nói sẽ xử lý các tài sản khác để tất toán toàn bộ nghĩa vụ.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bông Sen Vũ Thị Hồng Hạnh cho biết, Công ty đang trong quá trình làm việc và chờ kết luận của cơ quan chức năng về khả năng dính líu đến vụ án sai phạm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Trước mắt, doanh nghiệp này đang nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát.

Căn nhà ngăn 125 "hộp ngủ" cho thuê ở TP.HCM vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy chữa cháy

Kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy tại căn nhà 4 lầu, 1 trệt với diện tích hơn 500 m2 có tới 125 "sleep box" (hộp ngủ) tại quận Bình Thạch, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vi phạm.

Các hộp ngủ với diện tích nhỏ xếp chồng lên nhau, gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy

Các hộp ngủ với diện tích nhỏ xếp chồng lên nhau, gây mất an toàn phòng cháy chữa cháy

Ngày 13/10, đoàn liên ngành TP.HCM kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), xây dựng tại căn nhà kinh doanh mô hình hộp ngủ cho thuê trên đường Nguyễn Thiện Thuật, Phường 14, quận Bình Thạnh.

Theo ghi nhận, căn nhà trên có 4 lầu, 1 trệt với tổng diện tích hơn 500 m2, có tổng cộng 125 hộp ngủ. Mỗi lầu lắp đặt 25 - 30 hộp, tầng trệt là nơi để xe máy của người thuê.

Mỗi hộp ngủ rộng 2 - 3 m2, cao khoảng 1,6 m, chỉ đủ cho 1 người ở, bên trong hộp ngủ có một chiếc nệm nhỏ, quạt cùng một kệ sách. Các hộp ngủ được làm bằng nhôm, xếp chồng lên nhau.

Kiểm tra ngẫu nhiên 9 hộp ngủ, đoàn kiểm tra phát hiện 2 người chưa khai báo cư trú. Đoàn đề nghị Công an phường xử lý vi phạm hành chính về nội dung này. Một sinh viên ở thuê tại đây cho biết, giá thuê hộp ngủ là 2,2 triệu đồng/tháng.

Đoàn kiểm tra đánh giá, cơ sở này vi phạm nghiêm trọng về công tác PCCC như: lối thoát nạn, hành lang thoát nạn, các thiết bị, hệ thống phòng cháy chữa cháy… Đồng thời ghi nhận các sai phạm khác trong xây dựng một số hạng mục như: tăng diện tích sàn nhà tầng 1 khoảng 4 m2; phát sinh ban công tầng 2, 3 khoảng 8,8 m2.

Theo Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM, đây là loại hình nhà ở ngăn phòng cho thuê nhưng với mô hình mới là dạng hộp ngủ, với diện tích nhỏ để phục vụ người lao động, sinh viên…

"Cơ sở này đã thay đổi về tính năng hoạt động, từ nhà ở riêng lẻ sang phòng trọ, nhưng lại thiết kế dạng sleep box. Qua kiểm tra, đoàn công tác cảm thấy bất an với loại hình ngăn phòng cho thuê kiểu này. Diện tích mỗi hộp ngủ quá nhỏ, không đảm bảo công tác phòng cháy", Đại tá Quan nói.

Kết thúc buổi kiểm tra, các thành viên trong đoàn đã thảo luận và thống nhất sẽ tạm đình chỉ hoạt động cơ sở này để có hướng xử lý.

Chuyên đề