Bản tin thời sự sáng 1/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khoảng 1,76 triệu thuê bao sẽ bị khóa từ 0h ngày 1/4; cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn sắp hầu tòa; TP.HCM dự kiến xây cầu đi bộ nối phố Nguyễn Huệ qua bến Bạch Đằng; tranh của danh họa Nam Sơn được bán đấu giá 5,1 tỷ đồng tại Pháp…

Khoảng 1,76 triệu thuê bao sẽ bị khóa từ 0h ngày 1/4

Tính đến sáng 31/3, đã có 1,99 triệu thuê bao chuẩn hóa thông tin cá nhân. Như vậy vẫn còn 1,86 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.

Bên cạnh việc chuẩn hóa thông tin thuê bao qua web, người dùng di động cũng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch của các nhà mạng
Bên cạnh việc chuẩn hóa thông tin thuê bao qua web, người dùng di động cũng có thể đến trực tiếp quầy giao dịch của các nhà mạng

Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, dựa trên cơ sở dữ liệu thuê bao của các mạng di động và đối chiếu với sơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an, có khoảng 3,85 triệu thuê bao phải chuẩn hóa lại thông tin vì có số chứng minh không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư.

Tính đến sáng 31/3, đã có 1,99 triệu thuê bao chuẩn hóa thông tin cá nhân. Như vậy vẫn còn 1,86 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Theo số liệu của Cục Viễn thông, mỗi ngày có khoảng 100.000 thuê bao đăng ký lại thông tin cá nhân. Như vậy, nếu không có gì đột biến, đến hết ngày 31/3 có khoảng 1,76 triệu thuê bao di động bị khóa một chiều.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long khẳng định, sau thời điểm ngày 31/3, khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa thuê bao. Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc vấn đề này. Nếu lùi thời hạn thực hiện sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc chuẩn hóa thông tin thuê bao khi nhận được thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, Bộ TT&TT kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3, sau đó các nhà mạng tiếp tục chuẩn hóa thông tin cá nhân cho các thuê bao bị khóa.

Đến trưa ngày 31/3, VinaPhone tuyên bố nhà mạng này đã khóa chiều gọi đi đối với các thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin. Như vậy, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên áp dụng chính sách này với thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin.

Hiện MobiFone, Viettel, Vietnamobile và các nhà mạng ảo chưa lên tiếng về thời điểm khóa thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn sắp hầu tòa

Theo kế hoạch, ngày 17/4 tới, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội sẽ đưa ra xét xử cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn. Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 5 ngày.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị đưa ra xét xử về tội danh "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", theo Khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 10 - 20 năm tù.

4 thuộc cấp của ông Nguyễn Quang Tuấn bị truy tố cùng tội danh gồm: Bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng, cựu Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, cựu Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh, cùng là cựu Phó phòng phụ trách Phòng Vật tư.

Nhóm 7 bị cáo còn lại gồm các cựu lãnh đạo, nhân viên của Công ty Kim Hòa Phát, Công ty CP Đầu tư và Định giá AIC, Công ty Hoàng Nga.

Theo cáo trạng, từ năm 2015, ông Tuấn với cương vị là người đứng đầu, Chủ tịch Hội đồng mua sắm Bệnh viện Tim Hà Nội đã có chủ trương cho một số doanh nghiệp được ký gửi vật tư để Bệnh viện có vật tư sử dụng trước. Sau đó, ông Tuấn chỉ đạo cấp dưới hợp thức các thủ tục cho doanh nghiệp trúng thầu để thanh toán.

Cáo buộc cho rằng, ông Tuấn cùng cấp dưới đã lợi dụng quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Các công ty Hoàng Nga và Kim Hòa Phát được tạo điều kiện để trúng các gói thầu, gây thiệt hại tổng cộng 53,6 tỷ đồng.

Đổi lại, Công ty Hoàng Nga hàng năm hỗ trợ 300 triệu đồng, Công ty Kim Hòa Phát 60 triệu đồng. Bị can Tuấn và Nguyễn Đức Đảng (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Nga) khai, vào các dịp Tết âm lịch năm 2016, 2017, Đảng đã biếu ông Tuấn 10.000 USD để cảm ơn đã tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga trúng thầu.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, ông Tuấn đã chủ động nộp lại hơn 6,2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, thành khẩn khai báo...

TP.HCM dự kiến xây cầu đi bộ nối phố Nguyễn Huệ qua bến Bạch Đằng

Cầu băng qua đường Tôn Đức Thắng, nối phố Nguyễn Huệ với bến Bạch Đằng, Quận 1, đang được tính toán xây dựng để giảm ùn ứ, an toàn cho người đi bộ.

Công viên bến Bạch Đằng nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ qua đường Tôn Đức Thắng

Công viên bến Bạch Đằng nối với phố đi bộ Nguyễn Huệ qua đường Tôn Đức Thắng

Thông tin trên được đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết ngày 31/3, sau khi phối hợp với các bên liên quan khảo sát thực tế.

Trước mắt, vị trí xây cầu được các bên dự tính kết nối từ vỉa hè tuyến Nguyễn Huệ (phía đường Đồng Khởi) qua công viên bến Bạch Đằng. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ tiếp tục khảo sát thêm vị trí khác để chọn phương án phù hợp, trước khi đề xuất cấp thẩm quyền xem xét.

Trước đó, theo quy hoạch chi tiết 1/2000 khu trung tâm TP.HCM, không gian đô thị sẽ được mở rộng về phía sông Sài Gòn. Trong đó, Thành phố tổ chức các không gian công cộng liên hoàn dọc bờ sông. Mặt đường Tôn Đức Thắng đoạn từ Hàm Nghi đến Công trường Mê Linh dành không gian cho đi bộ, xe điện; chuyển giao thông của các loại xe cơ giới xuống dưới mặt đất, kết hợp bãi đậu xe ngầm.

Trong điều kiện chưa thể triển khai theo quy hoạch, các đơn vị sau khi khảo sát cho rằng, việc nghiên cứu phương án xây cầu vượt cho người đi bộ cần thiết, khả thi hơn so với làm hầm chui vì sẽ vướng các công trình ngầm dọc đường Tôn Đức Thắng sau này. Việc kết nối phố đi bộ Nguyễn Huệ với công viên bến Bạch Đằng sẽ giúp giảm giao cắt, an toàn hơn cho người đi bộ.

Tranh của danh họa Nam Sơn được bán đấu giá 5,1 tỷ đồng tại Pháp

Bức tranh "Chân dung mẹ tôi" của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn đã được nhà đấu giá Art Research Paris bán thành công với giá 200.000 euro (5,1 tỷ đồng).

Bức họa “Chân dung mẹ tôi“

Bức họa “Chân dung mẹ tôi“

Sáng 31/3, bức tranh "Chân dung mẹ tôi" của họa sĩ Nam Sơn được bán trong phiên đấu giá "Arts D'asie, Tableaux Modernes" theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Theo nhà đấu giá Art Research Paris, đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Nam Sơn. Tác phẩm được bán với mức giá khởi điểm là 150.000 euro.

"Chân dung mẹ tôi" được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, khắc họa bà Nguyễn Thị Lân ngồi trên ghế. Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống, quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo kim khánh "Tiết hạnh khả phong" do vua Bảo Đại ban năm 1927, tay trên gối cầm quyển kinh.

Góc phải bên trên có bốn chữ "Gia từ cận tượng" (Chân dung của mẹ tôi), góc trái phía dưới ghi "Nam tử Nguyễn Văn Thọ bái họa" (Con trai Nguyễn Văn Thọ dâng mẹ bức họa). Dưới cùng có chữ ký "Nguyễn Nam Sơn, Hà Nội, 1930".

Tác phẩm từng tham gia Triển lãm Thuộc địa quốc tế Paris năm 1931 của Trường Mỹ thuật Đông Dương, được giới thiệu tại Triển lãm Salon năm 1932 của Hội Nghệ sĩ Pháp và đoạt huy chương bạc.

Sẽ có 39 trạm dừng nghỉ trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Theo kết quả nghiên cứu ban đầu, cao tốc Bắc - Nam sẽ có khoảng 39 trạm dừng nghỉ dọc tuyến.

Phối cảnh trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Phối cảnh trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Thông tin tại cuộc họp giao ban quý I/2023 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sáng 31/3, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, để tạo hành lang pháp lý đầu tư xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ giao thông, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 01/2023 ngày 7/3/2023 hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trong đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ.

Hiện tại, Cục Đường cao tốc Việt Nam đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan về mạng trạm dừng nghỉ (vị trí, quy mô…) trên tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Theo kết quả rà soát ban đầu, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ có 39 trạm dừng nghỉ. Trong đó, 5 dự án đã được đầu tư, đưa vào khai thác, 2 dự án đang được đầu tư. 32 trạm dừng nghỉ còn lại đang được tiến hành thẩm định.

TP.HCM luân phiên y bác sĩ về trạm y tế phường

Nhân viên y tế phải luân phiên về trạm y tế xã, phường làm việc 2 - 12 tháng, trong bối cảnh TP.HCM thiếu nguồn nhân lực tại tuyến cơ sở.

Bệnh nhân được điều trị theo phương pháp y học cổ truyền tại Trạm y tế Phường 21, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Bệnh nhân được điều trị theo phương pháp y học cổ truyền tại Trạm y tế Phường 21, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Thông tin này được Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng nêu trong văn bản hướng dẫn triển khai kế hoạch của UBND Thành phố về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với nhân viên y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2030.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh TP.HCM thiếu trầm trọng nguồn nhân lực tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt đội ngũ bác sĩ đa khoa. Theo đó, tỷ lệ bác sĩ đa khoa trên 10.000 dân hiện nay tại TP.HCM chỉ 0,25, trong khi trung bình thế giới là 3 - 10, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.

Theo người đứng đầu Sở Y tế, đối tượng luân phiên gồm bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y (gọi chung là nhân viên y tế) làm việc trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trực thuộc Sở Y tế và UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức quản lý.

"Việc luân phiên sẽ theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn, theo chế độ có thời hạn, tối thiểu 2 tháng, tối đa 12 tháng", ông Thượng nêu.

Thu nhập trong thời gian luân phiên của nhân viên y tế sẽ được giữ nguyên. Trường hợp nhân viên y tế đến luân phiên tại Trạm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ thì được hưởng mức phụ cấp lưu trú 200.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển, đảo.

Đà Nẵng thu hồi 33 giấy phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo

Đà Nẵng thu hồi 33 giấy phép xe tập lái của các trung tâm đào tạo do chưa lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe theo quy định.

Đà Nẵng thu hồi 33 giấy phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo

Đà Nẵng thu hồi 33 giấy phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo

Sở GTVT TP. Đà Nẵng vừa có quyết định thu hồi 33 giấy phép xe tập lái của các cơ sở đào tạo lái xe trên địa bàn.

Theo Sở GTVT Đà Nẵng, lý do thu hồi 33 giấy phép là các ô tô tập lái chưa lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy định tại Điểm 2 Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP, nên không đáp ứng các điều kiện của xe tập lái dùng để đào tạo lái ô tô theo quy định.

Cụ thể, Sở GTVT thu hồi 9 giấy phép xe tập lái của Trường Trung cấp nghề giao thông công chính Đà Nẵng; 3 giấy phép xe tập lái của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp 579; 11 giấy phép xe tập lái của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đào tạo lái xe ô tô - mô tô MASCO.

Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đào tạo lái xe ô tô - mô tô miền Trung bị thu hồi 1 giấy phép xe tập lái; Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đào tạo lái xe ô tô - mô tô Sao Vàng bị thu hồi 2 giấy phép xe tập lái và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp đào tạo lái xe Sơn Hùng bị thu hồi 7 giấy phép xe tập lái.

HoSE nêu lý do dừng xem xét hồ sơ niêm yết của Cảng Quy Nhơn

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho biết, đã nhiều lần yêu cầu Công ty CP Cảng Quy Nhơn bổ sung hồ sơ, giải trình theo quy định pháp luật, nhưng công ty này chưa hoàn thiện.

HoSE dừng xem xét hồ sơ niêm yết cổ phiếu QNP của Cảng Quy Nhơn.

HoSE dừng xem xét hồ sơ niêm yết cổ phiếu QNP của Cảng Quy Nhơn.

HoSE vừa thông tin cụ thể về việc không chấp thuận hồ sơ niêm yết cổ phiếu QNP của Công ty CP Cảng Quy Nhơn.

Theo đó, tháng 12/2016, HoSE nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của Công ty CP Cảng Quy Nhơn (QNP). Tuy nhiên, Công ty không bổ sung hồ sơ theo yêu cầu, vì vậy, đến cuối năm 2017, HoSE đã ra thông báo dừng xem xét hồ sơ.

Ngày 13/6/2018, HoSE tiếp tục nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của QNP và sau đó Sở đã có công văn đề nghị doanh nghiệp này cung cấp thông tin liên quan đến việc thanh tra toàn diện. Tuy nhiên, QNP không cung cấp các thông tin theo yêu cầu của công văn này và không tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký niêm yết cổ phiếu QNP.

Đến ngày 7/10/2020, HoSE một lần nữa nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của cổ phiếu QNP. Căn cứ các tài liệu bổ sung ngày 18/11/2020 của Cảng Quy Nhơn, ngày 23/11/2020, HoSE đã có thông báo về việc nhận hồ sơ niêm yết lần đầu cổ phiếu QNP.

Sau đó, qua quá trình xem xét hồ sơ, HoSE đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ. Tuy nhiên, đến hết năm 2021, Cảng Quy Nhơn vẫn chưa bổ sung hồ sơ đầy đủ theo quy định. Do đó, Sở đã dừng xem xét hồ sơ theo quy định tại Khoản 8 Điều 6 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

Ngày 19/4/2022, HoSE tiếp tục có thông báo về việc nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của QNP. Hiện HoSE đang xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết này theo các quy định.

Tuy nhiên, đến thời điểm 24/11/2022, một số đơn vị liên quan chưa hoàn tất nghĩa vụ tài chính theo Hợp đồng chuyển giao cổ phần QNP, chưa thực hiện theo nội dung khắc phục mà QNP đã báo cáo Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 958/BC-QNP ngày 27/9/2019.

Chuyên đề