Giám đốc CDC Bến Tre bị cảnh cáo do sai phạm trong việc mua kit test
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre (CDC) vừa bị cảnh cáo do sai phạm trong việc mua thiết bị y tế, kit test phòng chống dịch, gây thiệt hại gần 3,5 tỷ đồng.
CDC tỉnh Bến Tre |
Theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bến Tre, ngoài ông Nguyễn Hữu Định (Giám đốc CDC), bốn người khác thuộc CDC bị cảnh cáo, gồm: Phó giám đốc, Phó phòng Tổ chức - Hành chính, Trưởng khoa Phòng chống bệnh tật truyền nhiễm và Trưởng khoa Dược - Vật tư y tế.
Năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, CDC Bến Tre mua sắm thiết bị, sinh phẩm y tế phòng chống dịch của Công ty TNHH Vật tư và Thiết bị y tế 3T (Công ty 3T). Tuy nhiên, sau đó, Thanh tra Tỉnh kết luận, CDC chọn mua vật tư của đơn vị chưa đủ điều kiện kinh doanh mặt hàng y tế. Việc chỉ định thầu gây thiệt hại cho Nhà nước gần 3,5 tỷ đồng.
Giám đốc CDC lý giải chênh lệch giá do lúc ký hợp đồng, công ty mẹ của 3T thông báo với Bộ Y tế chính sách khuyến mãi "mua 3 tặng 1", "mua 4 tặng 1". Tuy nhiên, CDC Tỉnh không biết chính sách này và không được đối tác khuyến mãi.
Sau khi thương lượng, Công ty 3T đồng ý trả lại 2/3 số tiền chênh lệch. Phần còn lại được CDC Tỉnh tạm ứng nguồn thu của đơn vị nộp vào tài khoản tạm giữ.
Giá vé máy bay tăng mạnh dịp 2/9
Giá vé máy bay chặng Hà Nội - TP.HCM vào dịp lễ dao động trong khoảng 3 triệu đồng - 5,3 triệu đồng/lượt, cao hơn ngày thường 1,8 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/lượt.
Giá vé máy bay nhiều chặng cao hơn ngày thường từ 1,8 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/lượt |
Dịp lễ Quốc khánh (2/9) năm nay, người lao động sẽ có kỳ nghỉ kéo dài 4 ngày, từ ngày 1/9 đến 4/9. Thông thường, vào dịp nghỉ lễ, sẽ có nhiều người tranh thủ đi du lịch, nghỉ ngơi hay về quê thăm gia đình khiến tần suất di chuyển bằng đường hàng không tăng mạnh.
Giá vé chặng TP.HCM - Hà Nội hiện vào khoảng 3 triệu đồng/lượt nếu bay hãng Vietjet Air; 3,6 triệu đồng - 4,5 triệu đồng/lượt với Vietnam Airlines, Vietravel Airlines và 3,7 triệu đồng - 5,3 triệu đồng/lượt nếu hành khách di chuyển bằng máy bay của Bamboo Airlines. Mức giá này cao hơn 1,8 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/lượt so với những ngày trước kỳ nghỉ lễ, tương đương mức tăng gần gấp đôi.
Tương tự, với chặng bay TP.HCM - Đà Nẵng, khách hàng đặt vé máy bay của hãng Vietjet Air từ bây giờ phải trả 2,1 triệu đồng - 2,5 triệu đồng/lượt. Trong khi đó, Bamboo Airways có những chuyến bay với giá vé khứ hồi từ 2,6 triệu đến 3,2 triệu đồng. Với Vietnam Airlines, giá vé chặng này hiện dao động trong khoảng 2,8 triệu đồng - 3,5 triệu đồng.
Chặng Hà Nội - Đà Nẵng cũng ghi nhận mức tăng giá tương tự, hiện dao động quanh mức giá của chặng TP.HCM - Đà Nẵng.
Trường hợp tới Phú Quốc để nghỉ lễ, hành khách bay từ TP.HCM phải trả 2,2 triệu đồng (Vietjet Air) hoặc 2,6 triệu đồng - 3,2 triệu đồng (Bamboo Airways, Vietnam Airlines).
Còn nếu bay từ Hà Nội, giá vé khứ hồi đến Phú Quốc là 3 triệu đồng (Vietjet Air) hay 3,5 triệu đồng - 4,2 triệu đồng (Bamboo Airways, Vietnam Airlines).
Giá vé chặng TP.HCM đi Đồng Hới, Quảng Bình hiện phổ biến ở mức 3 triệu đồng/lượt do Vietjet Air bán ra. Nếu bay của hãng Bamboo Airways và Vietnam Airlines, hành khách phải trả từ 3,4 triệu đến 4,1 triệu đồng/lượt.
Chặng TP.HCM - Vinh, giá vé khứ hồi hiện là 2,5 triệu đồng - 2,7 triệu đồng/lượt (Vietjet Air) và 3,6 triệu đồng - 5,1 triệu đồng/lượt (Bamboo Airways, Vietnam Airlines). Mức giá này đắt hơn khoảng 1 triệu đồng - 1,2 triệu đồng/lượt so với ngày thường.
Mỹ ra thông báo liên quan đến hộ chiếu mới của Việt Nam
Chính phủ Mỹ đang tiếp tục xem xét mẫu hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam nhằm xác định liệu có đáp ứng các yêu cầu cấp xét thị thực và đi lại của Mỹ hay không.
Mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam (trái) thiếu thông tin về nơi sinh |
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam thông tin trên Facebook ngày 12/8, Chính phủ Mỹ đang tiếp tục xem xét mẫu hộ chiếu mới màu xanh tím than của Việt Nam, được cấp từ ngày 1/7, nhằm xác định có đáp ứng các yêu cầu cấp xét thị thực và đi lại của Mỹ hay không. Dự kiến sẽ sớm có quyết định về việc này.
Theo thông báo, để tránh bị gián đoạn, kể từ ngày 15/8, Đại sứ quán Mỹ yêu cầu tất cả công dân Việt Nam xin thị thực định cư và không định cư phải làm các bước sau:
Đối với các đương đơn chuẩn bị nộp hồ sơ, khi điền tờ khai xin thị thực DS-160 hoặc DS-260, hãy đảm bảo điền thông tin về nơi sinh của đương đơn.
Đối với hộ chiếu mẫu mới màu xanh tím than cấp từ ngày 1/7, khi làm hộ chiếu mới, các đương đơn chuẩn bị nộp hồ sơ hãy yêu cầu cơ quan chức năng bổ sung thông tin bị chú về nơi sinh để đảm bảo thông tin nơi sinh có trong hộ chiếu mới.
Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết, nếu đương đơn đã có lịch phỏng vấn và có hộ chiếu mẫu mới, cơ quan này đặc biệt khuyến cáo đương đơn yêu cầu cơ quan chức năng bổ sung thông tin bị chú về nơi sinh trước ngày phỏng vấn.
Tính đến ngày 11/8, các nước châu Âu gồm Phần Lan, Đức và Cộng hòa Czech đã tuyên bố ngừng cấp thị thực cho mẫu hộ chiếu mới của Việt Nam. Lý do được đại sứ quán các nước này đưa ra là hộ chiếu mới không có thông tin về nơi sinh, gây khó khăn khi tra cứu và xác minh danh tính.
Trong khi đó, Tây Ban Nha đã tiếp nhận trở lại hộ chiếu mới của Việt Nam, nếu người xin thị thực có căn cước công dân còn thời hạn.
Thu hồi đất "vàng" làm dự án ở vùng du lịch Măng Đen
Ngày 12/8, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, đã ra quyết định thu hồi đất của Công ty CP Sài Gòn Măng Đen tại huyện Kon Plông.
Resort bên bờ hồ Đăkke tại thị trấn Măng Đen |
Không chỉ dự án của doanh nghiệp này mà nhiều dự án khác đã "xí” đất chiếm phần tại địa chỉ du lịch nổi tiếng Măng Đen, được ví như Đà Lạt thứ hai.
Theo đó, ông Nguyễn Ngọc Sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum vừa ký quyết định thu hồi 1.500 m2 đất tại xã Đăk Long (nay là thị trấn Măng Đen), huyện Kon Plông đã cho Công ty CP Sài Gòn Măng Đen thuê.
Vào năm 2007, tỉnh Kon Tum có quyết định cho công ty này thuê đất để làm văn phòng làm việc và phòng trưng bày sản phẩm gỗ. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Măng Đen thêm khởi sắc, phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, qua nhiều năm và qua các lần gia hạn tiến độ sử dụng đất, Công ty CP Sài Gòn Măng Đen vẫn chưa đưa đất vào sử dụng. Đất đai ở vị trí tiềm năng bị bỏ hoang hóa, lãng phí nguồn lực.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đề xuất UBND Tỉnh thu hồi gần 30 ha đất tại Dự án Khu biệt thự du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông của Công ty CP Măng Đen.
Dự án này được UBND tỉnh Kon Tum cấp giấy chứng nhận đầu tư với mục tiêu xây dựng khu resort nghỉ dưỡng cao cấp, tham quan dã ngoại, công viên cây xanh, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan nghỉ dưỡng. Quy mô Dự án gần 30 ha đất đã được quy hoạch, tổng vốn đầu tư gần 50 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2008 đến năm 2011. Qua nhiều lần gia hạn, Công ty CP Măng Đen vẫn chưa đưa đất vào sử dụng.
Đề nghị tổ chức tín dụng cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thuế
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn đề nghị các tổ chức tín dụng (TCTD) phối hợp với cơ quan thuế cung cấp một số thông tin khách hàng.
Các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho cơ quan thuế |
NHNN đề nghị các TCTD căn cứ các quy định pháp luật về cung cấp thông tin để thực hiện cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan quản lý thuế theo đúng quy định. Cụ thể, Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản; trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản người nộp thuế; quy định về cưỡng chế, phong tỏa tài khoản thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế…
Trước đó, Tổng cục Thuế đã có công văn gửi NHNN về tình hình triển khai thử nghiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế với 5 ngân hàng thương mại gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, MB, Agribank. Cơ quan thuế yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin về số hiệu tài khoản thanh toán của người nộp thuế, tên chủ tài khoản, ngày mở, ngày đóng tài khoản thanh toán. Tài khoản thanh toán thuộc phạm vi cung cấp là tài khoản theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng. Thông tin sử dụng để đối chiếu, cung cấp thông tin là mã số thuế hoặc số giấy tờ.
Công ty du lịch lập bến thủy không phép trên sông Sài Gòn
Lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương vừa lập biên bản xử lý một công ty du lịch tự ý lập bến thủy không phép trên sông Sài Gòn để kinh doanh.
Bến nổi, cầu dẫn xây dựng không phép trên sông Sài Gòn |
Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương vừa phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực III phát hiện, lập biên bản xử lý đối với Công ty CP Lữ hành tổ chức sự kiện Việt Nam (trụ sở đăng ký tại TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) do vi phạm trong việc lập bến thủy nội địa không phép trên sông Sài Gòn.
Trước đó, vào ngày 2/8, đoàn kiểm tra liên ngành thuộc các đơn vị trên tiến hành kiểm tra khu vực neo đậu bến thuyền trên sông Sài Gòn (đoạn thuộc xã An Tây, thị xã Bến Cát). Tại đây, đoàn kiểm tra ghi nhận Công ty CP Lữ hành tổ chức sự kiện Việt Nam đã xây dựng công trình trong phạm vi dọc bờ sông Sài Gòn, cách bờ sông khoảng 26 mét.
Cụ thể, công ty này xây dựng một nhà hàng nổi bằng khung thép mái tôn, có cầu dẫn đến 2 bến nổi bằng thùng phuy khung thép. Cầu dẫn dài hơn 8 mét kiên cố bắc từ bờ sông dẫn ra nhà hàng nổi cùng 9 phương tiện đường thủy đang neo đậu xung quanh.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Viết Hùng, Tổng giám đốc Công ty không cung cấp được giấy phép xây dựng công trình, văn bản công bố hoạt động bến thủy nội địa của cơ quan có thẩm quyền.
Cơ quan chức năng sau đó đã lập biên bản yêu cầu Công ty CP Lữ hành tổ chức sự kiện Việt Nam phải tạm dừng hoạt động bến thủy, không xây dựng các hạng mục công trình tại khu vực này. Đồng thời, giao Đội Cảnh sát giao thông đường thủy Bình Dương lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi tổ chức cho các phương tiện vào neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả khách.